|
Quách Tấn | (VietNamNet) - Quách Tấn là nhà thơ, ngoài thơ ông còn viết các khảo cứu về danh nhân, dịch thơ và viết hồi ký. Để biết thêm về những nhân vật từng vang bóng một thời qua ngòi bút của ông xin hãy đọc Hồi ký Quách Tấn
Quách Tấn sinh ngày 4/1/1910, sinh quán tại thôn Trường Định, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định. Thuở nhỏ, học chữ Hán; 12 tuổi bắt đầu học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp.
Quách Tấn làm thơ, viết văn từ sớm, nhưng phải đến năm 1932, được Tản Đà và Phan Bội Châu hướng dẫn và cổ vũ, mới thực sự bước vào làng thơ. Ông chuyên chú vào làm thơ Ðường luật, không quan tâm đến sự ra đời và phát triển của phong trào Thơ mới lúc bấy giờ. Sau 1954, ngoài làm thơ, ông còn tham gia dịch thơ, viết thi pháp, viết địa phương chí, viết truyện danh nhân... Quách Tấn mất năm 1992. Những tác phẩm Một tấm lòng (1939), Mùa cổ điển (1941), Ðọng bóng chiều (1965); Mộng Ngân sơn (1966), Giọt trăng (1973)...đã khắc tên tuổi ông vào văn đàn Việt Nam hiện đại
|
Bìa "Hồi ký Quách Tấn" |
Quách tấn viết hồi ký để kể về đời mình và công việc làm thơ, nhưng ông cũng dành nhiều trang hồi ức để để viết về các nhân vật mà ông quen biết trong giới văn chương. Trong Tình thầy trò ông viết về Lam Giang và Vũ Hân, Nguyễn Đồng và Châu Hải Kỳ, Nguyễn Vỹ và Hoài Thanh… Riêng ở cuốn hồi ký này, ông viết về Phan Bội Châu, Tản Đà, Tương Phố, Đông Hồ và Mộng Tuyết, Phan Văn Dật, Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê. Đặc biệt ông dành 170 trang viết về cuộc đời và sự nghiệp Bích Khê với thật nhiều cảm xúc thú vị.
Với Phan Bội Châu: “Tôi thường mơ ước được tiên sinh thu nhận tôi làm đệ tử” và Quách Tấn đã: “Dịp may, tôi gặp được Tráng Liệt. Tráng Liệt là con trai Kỳ Ngoại Hầu Cường Để… lần đầu tiên vào vào sáng Chủ nhật ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch (năm Canh Ngọ, 1/7/1930)… Tôi đã được đọc những bài văn tế của tiên sinh làm lễ truy điệu cụ Phan Tây Hồ và đã từng nghe đồn tài làm văn tế của cụ. Hôm ấy tôi được thấy tận mắt… tay chắp sau lưng, đi bách bộ trong phòng, vừa bước vừa đọc cho người thanh niên chép… Không đầy một tiếng đồng hồ đã làm xong bài văn… Văn chương bi tráng, giọng tiên sinh trầm hùng. Nhiều đoạn tiên sinh vừa đọc vừa khóc… Tuy không được vào tham kiến tiên sinh, nhưng khi ra về tôi rất lấy làm thỏa mãn”.
|
Nhà chí sĩ, nhà thơ Phan Bội Châu. |
Tác giả tuy nhiều lần mong muốn tham kiến cụ Phan Bội Châu nhưng đều không có dịp.Ngoài tiên sinh Phan Bội Châu, Quách Tấn còn mến mộ con người Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu: “Tản Đà tiên sinh đối với tôi là bậc tiền bối, song coi tôi như người bạn vong niên. Đề tựa “Một Tấm Lòng” ra đời năm 1939, Tiên sinh có câu: “Ông Quách Tấn người Bình Định… với tôi, tuy chưa từng gặp mặt nhau, mà có thể coi nhận nhau là cố nhân…”. Và trong thơ từ qua lại từ 1932, Tiên sinh luôn luôn dùng hai chữ “cố nhân” mà gọi tôi. Nhưng đối với Tiên sinh, tôi vẫn một mực tôn kính vào bậc thầy… Nhờ Tiên sinh nâng đỡ, dìu dắt, mà tôi có được đôi chút sự nghiệp văn chương. Ơn sâu không xiết kể. Tôi ngưỡng mộ Tiên sinh từ buổi thiếu thời”.
Thú vị nhất là Quách Tấn miêu tả từng chi tiết về Tản Đà trong ẩm thực, nhất là: “Mỗi bữa ăn của Tản Đà kéo dài hàng buổi, và món ăn phải hợp khẩu mới chịu ăn. Đã có lần vì nhà thơ muốn ăn tiết canh vịt mà nửa đêm chủ nhân phải chạy đi tìm mua vịt để làm tiết canh. Lại một lần nữa vì bữa ăn thiếu rau thơm, mà sân gạch của một người bạn thân bị Tiên sinh đào lên để trồng rau thơm theo ý thích”.
|
Nhà thơ Tản Đà |
Và khi hay tin Tản Đà mất Quách Tấn đã gửi lễ ra điếu tang và thiết hương án hướng ra Bắc lạy anh hồn Tiên sinh bốn lạy”. Tình cảm giữa Quách Tấn và Tản Đà Tiên sinh thâm tình qua văn chương cũng có mà qua thực tế cũng có. Nhất là việc Quách Tấn in tập thơ Một Tấm Lòng đã “nhờ” Tản Đà đề tựa mà theo Quách Tấn: “Bài tựa tuy ngắn, song rất đầy đủ. Tôi nhận thấy lòng Tiên sinh đối với tôi chẳng khác lòng bà mẹ già đối với con gái sắp về nhà chồng. Niềm âu yếm biểu lộ ra từng câu nói. Cảm động nhất là câu: “Nay ông xuất bản tập thơ, mà trước khi tập thơ ấy ra đời, ông có lòng nhớ đến cố nhân cho biết. Thời chút tình tương tri tương ái, ai nhớ ai mà ai dám quên ai”.
Viết về Tương Phố cũng có những cái riêng: “Tương Phố không thích tiếp khách, là không thích tiếp những ông những bà “trong cốt không có thơ mà sính mần thơ” đó thôi. Chứ đối những người có tâm hồn, nữ sĩ đâu có nhìn bằng đôi mắt trắng. Nhiều khi nữ sĩ cũng vui vẻ đi dạo cảnh cùng bằng hữu”. Quách Tấn cũng có nhiều lần lầm tưởng Tương Phố “chê thơ” mình nên ông đã “tự trách mình”: “Thế là không phải Tương Phố đã gián tiếp chê mình làm nghề thợ thơ, như mình đã lầm tưởng”.
Ngoài ra, Quách Tấn còn dành nhiều trang viết về Đông Hồ và Mộng Tuyết, học giả Giản Chi và học giả Nguyễn Hiến Lê. Nhưng tình cảm sâu nặng nhất có lẽ là ông trân trọng viết về Bích Khê với 170 trang bằng nhiều tâm sự, tình cảm giữa tri âm tri kỷ của hai bạn thơ và những riêng tư về con người Bích Khê. Với: “Những quãng đời; Những cuộc tình duyên; Đời thơ; Chút tình riêng". Nhất là những đánh giá nhận định về thơ Bích Khê (Lê Trọng Khanh): “Bích Khê cũng như Hàn Mặc Tử nổi tiếng về thơ mới. Nhưng, cũng như Hàn Mặc Tử, Bích Khê từ địa hạt Thơ Cũ mà ra. Nhờ ảnh hưởng gia đình, Bích Khê biết làm thơ lúc 14, 15 tuổi. Đến 17 tuổi, thơ Khê đã già dặn, nhiều bài làm cho các bậc túc nho thán phục”…
|
Nhà thơ Bích Khê |
Về tình cảm giữa hai người ở phần IV “Chút tình riêng”, Quách Tấn cho biết: “Chế Lan Viên và Yến Lan đối với Bích Khê cũng giống tôi, chỉ quen thân nhau trên bút mực, và cũng do Hàn Mặc Tử làm trung gian. Được nhau là một cái thú… Bích Khê lúc bấy giờ sức khỏe có phần kém. Nhưng đôi mắt đen nhánh và sáng ngời. Năm ấy Khê mới 26 tuổi, nhỏ hơn tôi đến 6 tuổi. Tính hay e lệ, nhưng tình rất nồng nàn. Vừa gặp nhau liền quyến luyến nhau như đôi “trai gái”. Khê ở chơi được 20 hôm. Những buổi tôi đi làm thì Khê nằm ở nhà đọc sách. Lúc tôi ở nhà thì hết hỏi chuyện này đến chuyện nọ, luôn luôn cận kề nhau. Chiều chiều gần giờ bãi sở, Khê lững thững đi đón tôi để cặp tay nhau cùng về… Thái độ và cử chỉ của Khê đối với tôi thật không khác Hàn Mặc Tử ngày trước! Và tôi thương yêu Khê cũng không kém Tử buổi sanh tiền”.
Đọc Hồi ký Quách Tấn người yêu thơ cũng như các nhà nghiên cứu văn học, sử học sẽ hiểu thêm những giai thoại xung quanh những văn nhân, học giả trong tập sách dày 480 trang do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Càng thêm yêu những nhân vật đã từng vang bóng một thời và mãi mãi…
|