“Tuân thủ Công ước Berne nghĩa là thực hiện đúng luật“
11:15' 07/04/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Vừa qua, Cục Bản quyền phối hợp với cơ quan hợp tác phát triển nước ngoài của Thuỵ Điển có tổ chức một cuộc hội thảo về bản quyền đối với sách dịch. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Thúy Toàn – Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch, Hội Nhà văn Việt Nam về vấn đề này và công việc dịch thuật.

Ông Hoàng Thúy Toàn.

 - Thưa ông Thúy Toàn, là Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch (Hội Nhà văn Việt Nam), ông đánh giá thế nào về hiện trạng dịch thuật ở nước ta?

- Chúng ta có một đội ngũ dịch thuật rất tốt được kế thừa từ trong truyền thống bởi các nhà dịch thuật có văn hóa cao từ Hán văn, Pháp văn trước đây và sau này là Nga văn, bây giờ là Anh văn. Hoạt động dịch thuật thực ra đã có từ lâu. Nhưng chỉ sau giải phóng (1954) mới thành hệ thống. Đội ngũ dịch thuật ngày càng được bổ sung. Chúng ta đã dịch một số lượng lớn các tác phẩm văn học – khoa học kỹ thuật có giá trị từ các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa trước đây sang tiếng Việt, cung cấp cho độc giả Việt Nam một khối lượng đồ sộ các tác phẩm văn học và các công trình khoa học. Nhưng kể từ khi chuyển sang cơ chế thị trường có một thời kỳ tình hình dịch thuật không được tốt lắm. Những năm đầu 90, người ta không dịch và không in các dịch phẩm của nước Nga. Bây giờ tình hình có khá hơn. Văn học Nga đã được yêu mến trở lại. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng dịch quá nhiều những tác phẩm ăn khách nhưng lại ít có giá trị, mà phần lớn nhũng tác phẩm này đều ở trong tình trạng dịch vội, dịch ẩu. Nhưng, với cái nhìn tổng thể thì tình hình dịch thuật hiện nay ở nước ta đang rất phát triển .

- Mới đây tại Hà Nội đã diễn ra cuộc hội thảo về bản quyền sách dịch (do Cục Bản quyền phối hợp với cơ quan hợp tác phát triển nước ngoài Thụy Điển tổ chức ), ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

- Thực ra, đây là lần thứ hai cơ quan hợp tác phát triển nước ngoài của Thụy Điển phối hợp với Cục Bản quyền nước ta tổ chưc cuộc hội thảo kiểu này. Đây là một động thái tích cực, một việc làm hết sức quý giá, nhất là trong tình hình thế giới hiện nay. Việt Nam lập Cục Bản quyền đã lâu, nhưng hoạt động chưa mấy hiệu quả. Cuộc hội thảo lần này cung cấp cho chúng ta những hiểu biết quan trọng để “hội nhập” một cách đúng luật. Tóm lại, đây là một cuộc hội thảo hết sức hữu ích. 
 
- Về Công ước Berne, nếu chúng ta thực hiện đúng cam kết thì sẽ như thế nào ?

- Sẽ rất tốt cho chúng ta. Bởi chúng ta sẽ tiến hành công việc một cách trách nhiệm hơn, kỹ càng hơn. Quyền lợi của người sáng tạo được tôn trọng. Chúng ta sẽ có sự lựa chọn trong khi dịch, bản thân nó cũng là một sự sàng lọc rất tốt để ngày càng có nhiều ấn phẩm có giá trị đích thực. Nó cũng có ích cho bản thân người dịch.

-  Có người lo ngại tình hình dịch phẩm sẽ ít đi, phía nhà xuất bản thì khó khăn hơn. Theo ông điều này có xảy ra?
 
- Không phải như vậy. Theo tôi, nếu chúng ta thực hiện Công ước Berne thật tốt đồng nghĩa với việc chúng ta thực hiện đúng luật. Chẳng qua chúng ta hay có thói quen làm ăn xuê xoa, ít khi tôn trọng quyền tác giả, nên mới có lo lắng như vậy. Chứ nếu làm tốt, làm đúng luật sẽ không hề ảnh hưởng xấu, mà trái lại sẽ tạo những kích thích làm cho dịch thuật ngày càng tốt hơn. 

-  Nhưng có người lại nói “Vấn đề tài chính không phải là khó khăn lắm" mà cái khó lại là “vấn đề giao dịch”. Như vậy, có nghĩa ở ta công tác tư vấn tìm hiểu, ký kết chưa thực tốt, chưa thực chuyên nghiệp?

- Điều này thì đúng, vấn đề tài chính không phải là khó khăn số một. Bởi có nhiều khi phía đối tác hầu như cho không bản quyền. Nhưng, làm thế nào để liên hệ được với họ, đấy mới là điều khó. Trước hết, phải biết được nơi nào đang có những ấn phẩm giá trị, liên lạc với họ ra sao. Rồi lại còn tổ chức người dịch, trao đổi về sự chân xác trong chuyển ngữ, v.v… Tôi chỉ đơn cử một công việc dễ làm hơn cả là tổ chức dịch, cũng đã rất mất thời gian, bởi phải chọn được những người dịch chuẩn, theo đúng yêu cầu của nơi xuất bản và phía đối tác.

Chúng ta cũng chưa thực sự chuyên nghiệp trong vấn đề này. Mặc dù chúng ta đã có Cục Bản quyền, nhưng còn cần phải có những “Trung tâm tư vấn” về mọi mặt. Hội Nhạc sĩ đã đi đầu trong việc bản quyền. Hội Nhà văn cũng đang làm. Hy vọng tới đây sẽ có những trung tâm tư vấn chuyên nghiệp giúp từ liên hệ, giao dịch, ký kết cho đến khi thực thi bản quyền. Tôi nghĩ, không chỉ Nhà nước mà tư nhân cũng có thể làm việc này, miễn là làm tốt, làm đúng luật.

- Trong thời buổi của hội nhập toàn cầu, người ta không thể không chấp nhận “cuộc chơi”. Mà muốn vậy thì cần có sự thay đổi đáng kể về “cung cách làm ăn” để tránh những thiệt hại?…

- Điều này là tất yếu. Thế nhưng thay đổi như thế nào? Theo tôi trước hết chúng ta phải thực hiện tốt công việc bản quyền ở ngay chính trong nước đã. Xưa nay ở ta vẫn tồn tại một cach làm việc “xuề xòa”.Người ta in ấn mà không chú ý gì hết đến quyền tác giả. Nhiều trường hợp không được trả nhuận bút, cũng không được cả sách biếu, nhưng cũng chả có kiện tụng gì hết - điều này rồi phải chấm dứt ngay cả một dịch phẩm cũng vậy. Có nhiều tuyển tập mà tác phẩm được tuyển người dịch không hề hay biết. Nếu Công ước Berne có hiệu quả mà chúng ta vẫn giữ nguyên cung cách ấy thì chúng ta sẽ phải trả giá.

- Là một dịch giả lâu năm, ông chia sẻ vấn đề này như thế nào?

- Tôi hoàn toàn tán thành việc thực thi Công ước Berne. Nó không những có lợi cho dịch thuật mà còn có lợi cho người đọc, bởi chắc chắn người ta sẽ phải làm kỹ hơn, có tuyển chọn hơn.

- Cũng nhân đây xin hỏi ông quan niệm thế nào về dịch thuật?

- Theo tôi người làm dịch thuật ít nhất phải có được ba yếu tố. Thứ nhất, phải thông thạo ngoại ngữ. Thứ hai, phải tinh thông tiếng mẹ đẻ. Thứ ba là phải có một nền tri thức văn hóa – tức là cái phông văn hóa vững chắc. Ngoài ra không thể thiếu một tình yêu, một niềm đam mê, bởi công việc này hết sức nặng nhọc mà công lại không cao. Trong tình hình hiện nay người ta khó sống nổi nếu chỉ trông chờ vào dịch thuật. Tôi cũng cho rằng, dịch không chỉ là dịch ý, mà còn phải chuyển được cái hay, cái đẹp của văn bản nguyên gốc. Tất nhiên làm được điều này không dễ chút nào.

-  Trong một lần phát biểu trên báo Tiền phong, ông có cho rằng: “Dịch thuật hiện nay đang bị coi thường”?

- Trước hết phải nói rằng người ta có quan niệm chưa đúng về dịch thuật và về người làm dịch thuật. Người ta cho rằng, người làm dịch thuật chỉ là một công việc ăn theo kỳ thực không phải thế. Người làm dịch thuật phải có một kiến thức văn hóa cao và cũng phải có một tiềm năng sáng tạo lớn. Nếu không anh ta sẽ chỉ có được một bản dịch tồi. Hiện nay có một hiện trạng một số người biết ngoại ngữ cũng tham gia dịch thuật, do nhu cầu, người ta cần có những bản dịch “mì ăn liền”. Rảnh tay thì “làm thêm”, hoặc với ý nghĩ “cho vui”. Nhà dịch thuật đích thực không phải vậy.

Tuy nhiên mấy năm gần đây tình hình cũng không chỉ có vậy. Có những dịch giả sống chết với nghề, trăn trở trong từng câu chữ. Có những tác phẩm dịch gây tiếng vang được trao giải thưởng Hội Nhà văn. Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây liên tục cho ra đời những tác phẩm có giá trị của thế giới. Vừa qua Trung tâm phối hợp với Nhà xuất bản Kim Đồng đã cho ra những tập, những tuyển tập có chất lượng cao, được bạn đọc khen ngợi. Đây cũng là một cách làm quý, vừa có được những ấn phẩm giá trị, mà vẫ đảm bảo đúng luật, lại đáp ứng cả nhu cầu thị trường, thị hiếu độc giả.

- Nhà nước ta cần có chiến lược gì cho dịch thuật ?

- Theo tôi cần phải có một kế hoạch dài hơi. Thế giới đã có nhiều nước họ làm rồi và họ làm bằng những kế hoạch cụ thể. Nhưng muốn gì thì gì, trước hết vẫn cần phải có sự đầu tư về tiền của. Sau nữa là vấn đề con người. Trên cơ sở những dịch giả uy tín, cần có sự bổ sung, để làm thành một đội ngũ dịch thuật hùng hậu. Vấn đề chính sách cho người dịch thuật cũng phải được coi trọng. Tôi được biết có người giỏi ngoại ngữ đi dạy thu nhập một tháng vài chục triệu, trong khi một tác phẩm dịch phải mất hàng năm lại chỉ được vài triệu, không bằng người làm công ăn lương. Cuối cùng, phải nhất thiết tạo sự thay đổi trong quan niệm về dịch thuật. Phải coi nó là một nghề cao quý một nghề của sáng tạo…

- Còn về phía Hội Nhà văn ?

- Hội Nhà văn cũng có hội đồng văn học dịch nhưng chưa coi trọng nó bằng các hội đồng khác thuộc bên sáng tác. Từ ngày thành lập mới chỉ tổ chức trại sáng tác một lần. Vừa qua chúng tôi đã cố hết sức để tổ chức được một cuộc hội thảo dịch thuật quốc tế tại Hà Nội. Đây là một cuộc hội thảo bổ ích và lý thú, nó làm tăng thêm niềm vui sáng tạo cho những người làm dịch thuật và là dịp để trao đổi kinh nghiệm với bạn bè quốc tế. Chúng tôi cũng đang đề nghị lên Hội Nhà văn tổ chức một cuộc hội thảo trong nước tại Phú Yên vào tháng 7 này nhưng đến nay vấn chưa thấy có động tĩnh gì. Tôi hy vọng Hội Nhà văn sẽ chú ý hơn nữa đến công tác dịch thuật, coi trọng nó ngang bằng với những công việc sáng tạo văn chương khác. Tạp chí Văn học nước ngoài đã có được thành tựu. Nhưng cần phải sâu hơn, cập nhật được tốt hơn những tác giả - tác phẩm mới, những tri thức, lý luận quan trọng của thế giới. Việc quan tâm đến dịch thuật nói chung và văn học dịch nói riêng không bao giờ là sớm và cũng không bao giờ là quá muộn cả ….

- Xin cảm ơn ông!

  • Đào Bá Đoàn (thực hiện) 
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
NSƯT Thanh Hoài ra CD thứ 2 ''Lới lơ'' (05/04/2004)
Phát hành bộ tem đặc biệt về Cố đô Huế (02/04/2004)
Trăm năm trong cõi… cà phê (01/04/2004)
Một đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn... (01/04/2004)
Dương Tường với “Thơ ngoài lời” (01/04/2004)
Seeds of Sun - ban nhạc Jazz nổi tiếng của Israel đến VN (30/03/2004)
Hội chợ Văn hoá ẩm thực xưa và nay (28/03/2004)
VCD "Mãi mãi Điện Biên" ra mắt công chúng (26/03/2004)
Nhiều đơn vị đăng ký tham gia cuộc thi băng, đĩa hình ca nhạc (26/03/2004)
Ca sĩ Triệu Hoàng và những quà tặng bất ngờ... (25/03/2004)
Về Tây nguyên uống rượu cần (25/03/2004)
Hòa nhạc ''Nước Mỹ trong các tác phẩm âm nhạc Broadway'' (24/03/2004)
Đọc phỏng vấn và... tưởng tượng! (23/03/2004)
Cùng khám phá nền điện ảnh châu Phi (23/03/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang