(VietNamNet) - Lý luận phê bình đang ở phương trời nào? Những cây bút trẻ đang viết gì và nghĩ gì? Tại sao văn học hôm nay không có nhiều tác phẩm xuất sắc?... Những câu hỏi không mới nhưng đầy bức xúc ấy đã được đặt ra trong một cuộc thảo luận do Trung tâm nghiên cứu Quốc học và Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức ngày 20/3 vừa qua.
Mang tính chất là một cuộc gặp mặt giữa các cây "đại thụ" của mảng lý luận phê bình văn học phía Nam và một số nhà văn trưởng thành trong thời kháng chiến, nhưng buổi hội thảo lại "nóng lên" bởi những vấn đề của văn học hôm nay.
Chúng ta đã quá xa rời với văn học đương đại...
|
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân: "Thời gian qua tôi bị một số tờ báo mạng nước ngoài đánh tơi bời nhưng các anh em trong nước nước không ai giúp...". |
Đây là một vấn đề mà nhiều nhà lý luận phê bình "xoáy" vào trong cuộc trao đổi. Một thực tế mà chúng ta cần phải xem lại, đó là, từ sau chiến tranh, mải bận rộn với chuyện "mưu sinh", chúng ta đã "bỏ rơi" mặt trận này, cộng thêm việc hiện nay các NXB đang "lung tung" về mặt quan điểm đã tạo những kẽ hở cho việc xuất hiện một số tác phẩm văn học "sai quan điểm, mất lập trường" ra đời dưới danh nghĩa do một số NXB cấp phép. Phải chăng chúng ta đã "vô tình" lãng quên "mặt trận" này trong nhiều năm qua? Vấn đề được đặt ra tại cuộc gặp mặt mang tính chất hội thảo...
Nhà văn Vũ Hạnh thì cho rằng: "Tình thế bắt buộc chúng ta phải làm lý luận - phê bình chưa trang bị phương tiện chính thống về quan điểm trên mọi vấn đề. Hiện nay, nhiều NXB liên kết với các "đầu nậu" sách để tìm hướng ra cho mình, đã dẫn đến một số đầu nậu làm khuynh đảo thị trường sách văn học..".
Theo nhà văn Vũ Hạnh: "Nhiều cây bút xuất hiện trên các đầu sách thường viết về những chuyện "nhảm" của cuộc sống và không biết gì về nền văn học đương đại; có những người âm thầm viết khoảng trên 50 đầu sách do đầu nậu đặt hàng liên tục, có em phải đặt ra chỉ tiêu cho mình một ngày phải viết trên 20 trang sách... nhưng là những tác phẩm không mang giá trị văn học mà chỉ giải quyết vấn đề về mưu sinh". Hiện nay trên thị trường sách xuất hiện nhiều cuốn sách của chế độ trước nhưng được xuất bản dưới một tiêu đề khác, nhìn chung tất cả được phục hồi dưới một trình độ cao hơn. Ông Vũ Hạnh cũng nói lên một sự thật khá buồn là những tác phẩm nghiêm túc ít được quan tâm, nhiều tác phẩm ông in đi, in lại nhiều lần nhưng chỉ sửa lại phần tiêu đề nhưng không một NXB nào phát hiện ra. Bên cạnh đó nhiều tác phẩm được tung ra thị trường có khi không phải của tác giả trong nước mà do nước ngoài "tuồn" vào. Vấn đề này, một vị quản lý một NXB lớn của TP đã từng tâm sự với ông Vũ Hạnh: "Chúng ta mượn một sự sặc sỡ lớn lao để che đậy một sự thất bại thảm hại"...
|
Một góc tại buổi hội thảo. |
Hòa chung vào nỗi bức xúc về văn học "đương đại", nhà văn Anh Đức - Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng: "Gần đây, sáng tác - lý luận - phê bình văn học có cái gì đó chưa ổn, chưa có cao trào trong sáng tác, điều này dẫn đến chưa có những cao trào trong phê bình, lý luận... Ngày trước đọc tác phẩm có cái để phê - bình; bây giờ phê bình một cuốn sách không còn có sự "vô tư", đàng hoàng...". Hiện nay, TP.HCM là một trung tâm rất náo nhiệt về văn hóa, nhưng theo nhiều nhà lý luận - phê bình "quản lý văn hóa không tương xứng với sự phát triển của TP". Với GS. Trần Trọng Đăng Đàn: "Một con đường của TP mở ra tốn biết bao nhiêu là tiền nhưng đầu tư cho văn hóa - nghệ thuật thì quá ít". Bức xúc về mặt quản lý, GS.Nguyễn Văn Hạnh cho rằng: "Chúng ta sẽ trả giá rất đắt, trong cách quản lý chúng ta cấm những cái không đáng cấm và thả những cái không đáng thả. Tình hình bây giờ đã khác rồi, chúng ta phải làm sao để những người làm công tác lý luận - phê bình, sáng tác có đủ niềm tin để làm công việc này...".
Về một bài báo của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
Bên cạnh những bức xúc về công tác lý luận - phê bình, sáng tác văn học, nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình cũng rất bức xúc về một bài báo của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn (3) - đăng trên tạp chí Ngày nay ra ngày 15/3), với những câu "khó đọc": "...Nhìn vào danh sách 1000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam người ta đều thấy đa số đều già nua không có khả năng sáng tạo và hầu hết đều... "vô học", tự phát mà thành danh. Trong số này có tới hơn 80% là nhà thơ tức là những người chỉ dựa vào "cảm hứng" để tùy tiện viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa nhìn chung là lăng nhăng, trừ có dăm ba thi sĩ tài năng thực sự (số này đếm trên đầu ngón tay) là còn ghi được dấu ấn ở trong trí nhớ người đời còn toàn bộ có thể nói là vứt đi cả...". Người bức xúc nhất, có lẽ là nhà văn Anh Đức (đã photo lại bài báo cho mọi người cùng xem), cho rằng: "Đây là vấn đề mà những nhà phê bình như Mai Quốc Liên, Trần Mạnh Hảo cần phải tham gia để uốn nắn". Nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên thì có ý "dè dặt": "...Không ai trả tiền cho chúng tôi để làm chuyện đó...". Người bức xúc không kém là nhà phê bình Trần Mạnh Hảo: "Nguyễn Huy Thiệp là người chửi bậy có hệ thống, đây là hội chứng chửi có thưởng. Tôi đã thu thập rất đầy đủ những bài viết, trả lời PV của anh Thiệp đăng trên các báo, đài... Bài viết của anh Thiệp đăng trên tạp chí Ngày nay sẽ là "tức nước vỡ bờ", Thiệp tự sát rồi!...".
Tiếp lời tại hội thảo, nhà văn Nguyễn Văn Lưu - GĐ NXB Văn Học, cho biết: "Trong đợt đi cùng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sang Thụy Điển, do tổ chức SIDA mời, cũng cảm thấy buồn, vì một số nhà văn mà điển hình nhất là anh Thiệp cứ có cơ hội là nói xấu dân tộc. Bài viết đăng trên báo Ngày nay là hết sức tục tĩu..."
Tìm một lời kết
|
Các đại biểu đang thảo luận. |
Buổi hội thảo kéo dài đến gần 12 giờ trưa nhưng không đi đến một kết thúc nào, có lẽ thì giờ dành cho lĩnh vực này quá ít chăng?! GS.Lê Bá Hán cho rằng: "Cho đến bây giờ, lý luận - phê bình văn học của ta vẫn sử dụng một giáo trình mà đã có cách đây hơn 30 năm, vẫn chưa có một cuốn sách về mỹ học mới, về lý luận văn nghệ mới... nền phê bình của chúng ta đang trên đường phá sản, có khả năng bị thủ tiêu. Ngày xưa có cái đẹp của ngày xưa, cần phải có cái nhìn nhận khác nhau giữa phê bình kiểu báo chí và phê bình học thuật (quá ít). Cái nguy nhất là phê bình không góp phần tạo nên một lớp độc giả mới. Trong tư tưởng của giới trẻ xuất hiện nhiều lệch lạc, do mải chạy theo cái gọi là thị hiếu nên họ đang xa rời truyền thống. Hội đồng lý luận phê bình nên đặt ra vấn đề hết sức cơ bản và phải có kế hoạch cụ thể từng năm đưa ra cho các cơ sở thực hiện. Thời gian qua, nhiều bài viết phê bình chỉ đăng cho có chứ không giải quyết được vấn đề gì...".
Với GS.Trần Thanh Đạm thì: "Văn học nghệ thuật là một mặt trận...", nhưng hiện nay mặt trận ấy đã vỡ, dù sao chúng tôi cũng hy vọng vào Hội đồng phê bình lý luận TƯ. Vì nó là một mặt trận nên chúng ta cần phải có một chiến lược và phê bình là một chiến dịch phải có cán bộ chỉ huy trực chiến...". Bức xúc nhất vẫn là nhà thơ Trần Mạnh Hảo (đỏ mặt, tía tai), anh nói rất hùng hồn: "Hiện nay cơ chế lý luận của ta không tạo điều kiện tự do, thoải mái cho người viết phê bình. Những cơ quan quản lý chuyên phạm luật, những người phê bình như chúng tôi cảm thấy quá tủi nhục. Chúng ta thật sự không hề có lý luận phê bình...".
Khép lại vấn đề, chúng ta có thể thấy một thực trạng về công tác giảng dạy văn học tại một số trường ĐH hiện nay là một bộ phận lớn các giảng viên (có cả GS, TS) không có được một cuốn giáo trình để dạy cho sinh viên (chỉ lấy kiến thức của người khác để giảng cho sinh viên); mặc khác có những vị TS đã cao tuổi vẫn cứ giảng những bài mà cách đây đã hơn 20 năm không có bổ sung gì thêm, trong khi các trào lưu văn học của thế giới thì tiến vùn vụt. Điều này cho thấy, chúng ta không có một đầu tư đúng đắn về mặt lý luận - phê bình từ quan điểm đến thực tiễn. Và thật sự trong lý luận - phê bình chúng ta chưa thể có sự "đồng thanh tương ứng...", bởi chúng ta đã quá mệt mỏi khi chạy theo nền kinh tế thị trường...!
|