(VietNamNet) - Âm nhạc và múa, chỉ thế thôi! Với vở ballet "Trương Chi" sắp được các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam công diễn tới đây, sự ngọt ngào, lãng mạn, những giây phút đắm say hay đau khổ của tình yêu sẽ được khắc họa qua 5 màn múa: "Nước mắt Mỵ Nương", "Tương tư", "Cầu hôn", "Khối tình Trương Chi Mỵ Nương" và "Chia tay".
"Âm nhạc là linh hồn của múa", NSND Công Nhạc - người ấp ủ vở ballet này gần 3 năm đã nói như vậy. Với ông, âm nhạc là một trong những yếu tố quan trọng nhất trước khi xét đến chuyện đạo diễn và dàn dựng múa. Tác phẩm "Sóng nhạc Trương Chi" mà nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo (Việt kiều Pháp) viết cho vở ballet này đã khiến ông hoàn toàn hài lòng. "Nguyễn Thiên Đạo đã đưa vào nền nhạc vở ballet của tôi sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc cổ điển và hiện đại. Nó giúp những nghệ sĩ ballet có đủ mọi điều kiện để thể hiện cảm xúc bằng những động tác thật nhuần nhuyễn, uyển chuyển, dù mang tính hiện đại, nhưng vẫn chứa chan tâm hồn Việt."
Nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo sống xa quê hương, nhưng tác phẩm của ông luôn gắn với quê hương và được đón nhận không chỉ ở Việt Nam. Ngoài "Sóng nhạc Trương Chi", đầu tháng 4 tới, ông sẽ công diễn tác phẩm "Sóng nhất nguyên" cùng dàn nhạc giao hưởng TP.HCM.
NSND Công Nhạc tỏ ra rất lạc quan. Ông đã từng thành công với "Tấm Cám", "Kiều" và một số tác phẩm dựa theo truyền thuyết khác.Ý tưởng dàn dựng "Trương Chi" đã được ông ấp ủ từ năm 2002. Ông mong muốn khắc họa những cung bậc tình yêu giữa Trương Chi và Mỵ Nương bằng những động tác múa. Sẽ không ai nghe thấy Trương Chi thổi sáo, nhưng bằng những động tác múa, khán giả sẽ nhận ra rằng, chàng thổi thật hay, hay đến độ lay động cả trái tim kiêu kỳ của nàng Mỵ Nương xinh đẹp. Màn cuối của vở diễn mang tên "Chia tay" sẽ là thời điểm mà khán giả thấy hết được tình yêu tuyệt đẹp của họ, cũng là cao trào của vở diễn.
Vở diễn sẽ ra mắt tối 24-25/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội
|