(VietNamNet) - Văn hóa là một thực thể có quá trình vận động, chuyển hóa trong thời gian và không gian. Theo dòng thời gian, văn hóa Việt Nam là một diễn trình lịch sử có quy luật phát triển của nó. Nhìn trong không gian, văn hóa Việt Nam có sự vận động qua các vùng, xứ, miền khác nhau. "Tìm hiểu văn hóa tâm linh Nam Bộ" là một công trình nghiên cứu văn hóa trong chiều không gian...
|
Bìa sách |
Cho đến hôm nay, đầu thế kỷ XXI, con người khắp nơi trên thế giới, ngoài hoạt dộng chủ yếu phục vụ cho cuộc sống vật chất, nghệ thuật, chính trị, giải trí, học tập, nghiên cứu khoa học... còn có một dạng sinh hoạt khác thuộc lĩnh vực tinh thần, bên cạnh sinh hoạt tôn giáo đó là đời sống tâm linh. Là một người gắn bó với vùng đất Nam Bộ, tác giả Nguyễn Hữu Hiếu đã đi sâu tìm hiểu một số dạng tâm linh phổ biến, điển hình ở Nam Bộ, qua đó đã trình bày được nguồn gốc ra đời và sự thay đổi của nó qua thời gian và không gian.
Tác giả nhận định: "Cái nền văn hóa bản địa lâu đời nhất của đất Nam Bộ là văn hóa Khmer cổ, cũng như ở Trung Bộ là văn hóa Chăm; song liều lượng của chất Khmer trong văn hóa Việt Nam bộ, nhứt là văn hóa tâm linh lại không đậm nét bằng văn hóa Hoa, một dạng văn hóa ngoại nhập chỉ mới mấy trăm năm trở lại đây. Điền này có thể hiểu là do hành trang văn hóa mà lưu dân người Việt mang vào Nam bộ là thói quen sinh hoạt, là pphong tục tập quán lâu đời của người Việt trong đó hàm chứa khá đậm văn hóa Hoa. Nên ngay trong buổi đầu trên vùng đất mới này, họ dễ dàng gần gũi, hòa hợp với đám người Hoa cũng mới nhập cư hơn là với người Khmer tại chỗ". Điều này cũng chứng minh được rằng, đối với văn hóa bản địa, lưu dân người Việt chỉ tiếp thu những gì gần gũi, những gì có nét tương đồng.
Có thể nói đất Nam Bộ là nơi xuất hiện nhiều "mối đạo" so với cả nước. Đi vào tìm hiểu nguồn gốc, vai trò, ảnh hưởng của một số đạo ra đời "độc lập" ở miền Nam là Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật Giáo Hòa Hảo, tập sách phân tích những hình thức thờ cúng, tư duy tín ngưỡng của con người Nam Bộ nói chung.
Các chương tiếp theo của cuốn sách gợi mở cho người đọc nhiều hiểu biết thú vị về mối liên quan giữa nữ thần Inư Nưgar với tục thờ Bà Chúa Xứ, giữa nghề khai thác cá ở Đồng Tháp Mười với tục thờ "Đại Càn"; về một số dạng sinh hoạt tâm linh tại gia cũng như các lễ hội văn hóa tâm linh đa dạng ở Nam Bộ.
Là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa Nam Bộ có giá trị như "Nam Kỳ cố sự", "Chúa Nguyễn và các giai thoại về cuộc mở đất phương Nam", "Chuyện dân gian Nam Bộ", "Tìm hiểu Tín ngưỡng thần thành hoàng Nam bộ và Đặc trưng đình làng Nam bộ"..., qua "Tìm hiểu văn hóa tâm linh Nam Bộ", Nguyễn Hữu Hiếu càng cho thấy sự gắn bó sâu sắc của ông với miền đất phương Nam. Sách do NXB Trẻ ấn hành.
|