Nói chuyện văn chương cùng cây bút trẻ Đỗ Tiến Thụy
16:54' 05/03/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Mới đây, Bộ Tư lệnh Biên phòng và Tạp chí VNQĐ đã tổ chức lễ trao giải thưởng cuộc thi viết về đề tài biên phòng ở 3 thể loại: Truyện ngắn, thơ và bút ký. Tác giả trẻ của lực lượng vũ trang - anh Đỗ Tiến Thụy - đạt giải A về bút ký. Sau đây là những tâm sự của anh về giải thưởng này, về văn chương, cuộc sống và nghề nghiệp...

- Đoạt giải cao nhất cuộc thi bút ký viết về đề tài biên phòng của tạp chí VNQĐ, anh đón nhận phần thưởng này như thế nào?

 

- Tôi mừng. Mừng không phải vì ngôi vị giải nhất hay vì số tiền của giải (3 triệu đồng). Tôi mừng là tác phẩm của tôi được viết theo một hình thức phá cách, không theo một khuôn mẫu nào cả. Nội dung của tác phẩm cũng không chỉ dừng lại ở việc phản ánh công việc của những người lính biên phòng, mà đề cập đến nhiều vấn đề của xã hội... đã được độc giả và Ban giám khảo chấp nhận.

- Viết về bộ đội biên phòng là viết về lực lượng vũ trang đang làm nhiệm vụ ở biên giới và hải đảo. Người ta bảo viết về họ rất khó. Phải là người trong cuộc, hoặc nếu không cũng phải có một thời gian dài sống với họ mới cảm hết được cái gian khổ thiếu thốn của anh em?...

- Điều đó tất nhiên. Tôi là một người lính, đã có mười lăm năm công tác ở Tây Nguyên, như thế có thể nói là người trong cuộc rồi.

- Khi cầm bút viết về họ, anh được sự gợi ý từ Ban tổ chức cuộc thi, hay từ trước đó anh đã có sự giày vò, day dứt?

- Cả hai. Năm 1990, lúc đó tôi mới là binh nhất, một lần đọc báo tôi đã bàng hoàng khi thấy tin một cháu bé sơ sinh bị chôn theo mẹ. Cái tin ấy cứ ám ảnh tôi mãi. Tôi luôn theo dõi báo chí để xem mọi người lý giải hiện tượng này như thế nào. Và tôi không thỏa mãn khi một số ý kiến của nghệ sĩ, trí thức Tây Nguyên đã gán cho hủ tục này xuất phát từ những yếu tố tâm linh thần bí. Tự tôi đã lên Moray thâm nhập, nhưng không đủ tư cách pháp nhân để đi sâu nghiên cứu, nên cũng chỉ hiểu lờ mờ cái vỏ hiện tượng của sự việc, còn cái lõi bản chất của nó là gì thì phải đến khi có cuộc thi này. Khi Bộ Tư lệnh Biên phòng cho xe chở các nhà văn đi thực tế Tây Bắc thì tôi xin giấy giới thiệu một mình lặng lẽ trở lại Tây Nguyên.

Nhà sàn Tây Nguyên

- Và anh đã viết về Tây Nguyên với một cảm xúc rất xót xa, trăn trở. Anh có thể cho biết tại sao anh lại chọn Tây Nguyên chứ không phải là vùng biên khác?

- Tôi chọn Tây Nguyên bởi tôi hiểu nó nhiều hơn. Nếu tôi cũng "rồng rắn" theo mọi người đi Tây Bắc thì lại mắc vào cảnh "cưỡi ngựa xem hoa". Rất nhiều tư liệu trong bài viết của tôi là thu thập từ trước đấy chứ.

- Ngay phần mở đầu của bút ký, anh đã gây ấn tượng (nếu không muốn nói là gây chấn động) cho người đọc bằng việc miêu tả cái chết khủng khiếp của một người mẹ khi sinh con. Cá nhân tôi khi đọc đoạn này cũng không khỏi rùng mình. Chủ ý của anh khi mở đầu như vậy?

- Câu chuyện trong bút ký là chuyện của mười năm về trước, khi Moray còn là nơi rừng thiêng nước độc. Tôi muốn để độc giả hình dung bối cảnh xảy ra câu chuyện. Có thể tôi chưa tái hiện hết độ kinh hoàng của khung cảnh đâu, bởi anh Bốn - người trực tiếp cứu những đứa bé khi kể lại cho tôi nghe, anh còn tái hết cả mặt mày. Một chủ ý nữa là tôi muốn độc giả cùng tham gia theo dõi diễn biến của sự việc, cùng nêu câu hỏi và lý giải vấn đề. Vì thế tôi kết cấu tác phẩm làm ba phần. Phần đầu có người đọc bảo như truyện ngắn. Đoạn giữa, tôi đưa ra một số ý kiến trái ngược nhau của văn nghệ sĩ, trí thức Tây Nguyên. Đoạn sau tôi khái quát quá trình hình thành những làng dân tộc ở Moray với nhiều yếu tố nhân chủng học và văn hóa khu biệt để độc giả cùng chứng kiến những bước thăng trầm của một vùng đất ... Vì thế có người bảo đoạn này như...sử!

- Vâng, tôi đã đọc bút ký này và nhận thấy như thế. Xin mở rộng một chút. Đọc văn anh, thấy in đậm dấu ấn của hai vùng quê. Một là xứ Đoài (Hà Tây), và một là Tây Nguyên. Hà Tây là nơi anh sinh ra và lớn lên. Còn Tây Nguyên, liệu có phải là vùng quê thứ hai, nơi anh chính thức trưởng thành?

- Mười bảy tuổi tôi đã xung phong nhập ngũ. Sau ba tháng huấn luyện tân binh tôi đã có mặt ở Tây Nguyên. Tây Nguyên khi ấy còn hoang vu lắm. Thị xã Kon Tum những năm tám mươi giống như một ngôi làng đìu hiu với vài chục ngôi nhà cấp bốn, xung quanh um tùm lau lách, muỗi mòng nhiều không thể tưởng tượng. Buổi chiều chúng tôi phi mắc màn ngồi nói chuyện với nhau kia mà! Nai, lợn rừng, và đôi khi cả hổ nữa, mò vào tận... doanh trại! Xung quanh thị xã Kon Tum lúc ấy đầy mìn. Ngày nào cũng nghe tiếng nổ. Khi thì bò của dân, khi thì thú rừng, đau hơn, cả chính những người bạn của tôi nữa vấp phải những qủa mìn sót lại. Tôi không thể nào quên được ngày hai người đồng hương tôi thân thể nát bấy, máu tuôn xối xả sau một tiếng nổ kinh hoàng! Rồi sốt rét. Tôi đã dính nó, tưởng đâu không thể gượng dậy được như mấy người bạn của tôi... Thị xã còn thế, huống hồ vùng sâu vùng xa. Đấy, tuổi trẻ của tôi được tắm ở một nơi như thế suốt mười mấy năm trời cho đến khi Tây Nguyên trở thành quê hương thứ hai của tôi . Có lẽ vì thế mà trong những trang viết của tôi, hình ảnh hai miền quê luôn hiển hiện.

- Xin tò mò một chút. Anh cầm bút từ khi còn nhỏ, hay chỉ từ khi vào Quân đội anh mới bắt đầu?

- Tôi viết muộn. Truyện ngắn đầu tay của tôi ra đời năm 1999, lúc tôi đã 29 tuổi, đã qua đủ thứ nghề trong Quân đội: Nhân viên Tài chính, lái xe, nhân viên tuyên huấn...

- Cuối năm 2002 anh nhập học Trường Viết văn Nguyễn Du. Theo anh, việc học đối với nhà văn có tầm quan trọng như thế nào?

- Tôi vẫn thường nói vui: Tôi là người có "hàng" nhưng không có "xe" để chở. Tôi quyết định thi vào Trường Nguyễn Du bởi tôi luôn cảm thấy bất lực hoặc lúng túng khi muốn thể hiện một tư tưởng nào đó. Và thực tế cho thấy, khi được trang bị kiến thức một cách hệ thống, tôi tự tin hơn mỗi khi cầm bút. Nhiều người lên tiếng đòi giải tán Trường Nguyễn Du, nhưng tôi thấy ngôi trường này chả có lỗi gì cả. Rất nhiều các nhà văn nổi tiếng hiện nay đã từng học qua trường này. Lỗi không phải do giáo trình, không phải do thầy dạy, mà do khâu tuyển sinh không phù hợp. Phải là người như thế nào mới đủ tiêu chuẩn vào học Trường Nguyễn Du chứ! Ba khóa vừa qua, Trường Nguyễn Du áp dụng qui chế tuyển sinh đại học. Các em mới vừa rời ghế trường phổ thông, kiến thức trường qui đang nóng hổi nhờ các lò luyện thi, cứ chiếu theo ba-rem mà chấm. Kết quả, đỗ cao toàn những người làm văn "tập chép". Những người trượt, trượt một cách đau đớn lại là những tác giả đã có tác phẩm nhưng không chịu làm bài theo ba-rem. Thế nên những sinh viên đỗ vào trường không có khả năng độc lập khi tiếp nhận và cảm thụ tác phẩm văn học. Vốn sống chưa có nên bốn năm học các em toàn sáng tác quanh chủ đề "nhà tôi". Năm ngoái, khóa 6 ra trường, thủ khoa với số điểm tốt nghiệp cao chói vói là một cô gái ...chưa viết được cái gì! Hài hước như thế, người có tâm với nền văn chương nước nhà bất bình là phải.

- Xin chuyển đề tài. Dòng văn học Cách mạng của ta đã gặt hái được nhiều thành tựu, trong đó các nhà văn Quân đội với lực lượng hùng hậu đã có đóng góp rất nhiều. Thế còn lực lượng viết văn trẻ trong Quân đội hiện nay?

- Lực lượng viết văn trẻ trong Quân đội hiện nay không nhiều. Đó là một thực tế. Nhưng tôi tin rằng, họ có thể kế thừa lớp nhà văn đàn anh đi trước để tiếp tục dòng chảy văn học viết về chiến tranh cách mạng và người lính.

- Quan niệm của anh về văn chương?

- Văn chương là một nghề đặc thù, chỉ dung nạp những người có tâm và có tài. Thiếu một trong hai thứ đó không thể trở thành nhà văn đúng nghĩa.

- Lâu nay người ta nói rất nhiều, thậm chí có những tranh luận gay gắt về "văn học trẻ". Hội nhà văn Việt Nam có "Ban văn học trẻ", rồi lại thường xuyên tổ chức "Đại hội các nhà văn trẻ toàn quốc". Anh nghĩ sao về cái gọi là "văn học trẻ", và theo anh thì hiện nay nó như thế nào?

- Tôi nghĩ những cơ quan và những hoạt động này chỉ giữ vai trò phát hiện, động viên và xây dựng lực lượng thôi, chứ không nhằm mục đích phân biệt trẻ già. Khối nhà văn tuổi trẻ nhưng viết lại "già", và...ngược lại.

- Người ta cũng thường nói, tuổi trẻ thường ưa đổi mới, cách tân. Gần đây có một số nhà văn còn rất trẻ nhưng đã gây được sự chú ý của dư luận. Là người còn trẻ, lại ở trong lực lượng vũ trang, anh nghĩ gì về vấn đề này?

- Trẻ ưa đổi mới là chuyện bình thường, hợp qui luật. Hãy để thời gian sàng lọc ra những giá trị đích thực, chứ nếu chỉ lấy tiêu chí "gây được sự chú ý của dư luận" để đánh giá khả năng của tác giả, e quá vội vàng.

- Nghe nói anh bắt đầu "nhảy" sang lãnh địa tiểu thuyết?

- Tôi mới viết được một chương mở đầu.

- Với anh, đây là một sự thử sức hay là một cuộc dấn thân?

- Chẳng có gì to tát đâu. Mỗi vấn đề nó phù hợp với một thể loại. Tôi thấy cái vấn đề tôi muốn nói nó phù hợp với tiểu thuyết, nên viết thôi. Chắc gì đã thành công.

  • Đào Bá Đoàn (thực hiện)
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Đêm nhạc pop Canada tại Hà Nội (05/03/2004)
Tứ tấu dây số 1 Singapore biểu diễn tại Việt Nam (04/03/2004)
Nhà giáo Hữu Ái và hình ảnh người chiến sĩ biên phòng (03/03/2004)
''Việt Nam - Những bài ca'' (03/03/2004)
Nô nức thể hiện bản lĩnh qua cuộc thi ''Thủ khoa bia đỏ'' (02/03/2004)
Chả giò “phù thủy” (02/03/2004)
Các bạn có muốn tham dự đêm tiệc Phục sinh miễn phí? (02/03/2004)
Trần Quốc Hương - Người thầy của những nhà tình báo (01/03/2004)
Brother's Café Hoi An của Khaisilk nhận giải thưởng The Guide (01/03/2004)
Khám phá Bảo tàng Khoa học thế giới trên mạng (29/02/2004)
Bạn sẽ tham gia "Ngày hội phụ nữ khỏe và đẹp"? (29/02/2004)
Bánh hỏi quê bạn... (29/02/2004)
"Nhạc Mỹ gốc Phi'' ở Hà Nội (28/02/2004)
Chè Sơn Qui, đặc sản đất Gò Công (27/02/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang