Nhà văn Trần Hoài Dương và những câu chuyện "Ngày xưa..."
16:36' 27/02/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Là một nhà văn suốt cuộc đời gắn bó với nền văn học thiếu nhi Việt Nam, Trần Hoài Dương luôn tâm niệm: "Tôi đến với văn học thiếu nhi như đến với một thứ Đạo. Viết là để vươn tới những gì cao đẹp nhất. Viết là để tự hoàn thiện dần con người mình. Viết là để đem lại lòng yêu thương và vẻ đẹp tuyệt vời của văn chương cho trẻ nhỏ".

Nhà văn Trần Hoài Dương

Chúng tôi tìm đến nhà ông trong một trưa nắng. Con hẻm ngoằn ngoèo khiến chúng tôi mất cả buổi sáng mới tìm được đúng địa chỉ. Căn nhà không lớn lắm song lại là quá rộng đối với một người. Nhà văn Trần Hoài Dương sống một mình đã mấy năm nay, kể từ khi con trai duy nhất của ông - nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh - đi du học nước ngoài.

Ông cởi mở, tiếp chuyện chúng tôi thật thân tình. Ông nói say sưa về thiếu nhi, về tuổi thơ, về văn học, về "nghiệp viết" cho các em... Chúng tôi hào hứng lắng nghe, nhưng chợt thấy cay cay nơi sống mũi khi nghe ông kể về một chặng đường tuổi thơ đã xa lắm rồi.

Mặc dù Hải Dương là quê gốc nhưng với nhà văn Trần Hoài Dương, hai vùng đất  in hằn những kỷ niệm khó phai mờ trong cuộc đời là Bắc Giang và Hà Nội. Trong một tác phẩm viết về vùng quê Bắc Giang, nhà văn đã trân trọng hạ bút: "Bắc Giang đã nuôi tôi suốt cả thời thơ ấu và niên thiếu, đã đem lại cho tôi lòng yêu con người, đã để lại trong tôi  một ấn tượng mạnh mẽ về thiên nhiên với những cảnh sắc miền trung du đầy mê hoặc". Nhưng rồi chiến tranh và tản cư đã vùi sâu tất cả, hình ảnh "ngôi biệt thự khá lớn, phía trước có cổng sắt với giàn ti-gôn bò lan quấn quýt" chỉ còn thấp thoáng trong ký ức. Từ Hà Nội lên Bắc Giang trọ học, đó là dạo 1946,1947, cậu bé Dương mang theo mơ ước thật giản dị "lớn mau để đi làm, để khỏi sống dựa vào gia đình".

Cuộc sống thời ấy rất gian khổ. Trần Hoài Dương và mấy người bạn cùng trọ học phải đi làm thêm đủ thứ nghề, từ mò cua bắt cá đến phụ hồ, phụ bếp, từ chở thuê vật liệu xây dựng đến hớt tóc dạo để có tiền tiếp tục học hành. Có bữa đói quá, đi ngang qua chợ "thấy mấy quầy bún chả, nem rán khói bay mù mịt, đứa nào đứa nấy nuốt nước bọt ừng ực". "Tôi nhớ mãi những đêm bên bếp lửa bập bùng, mấy anh em vừa ăn khoai nướng vừa bàn chuyện văn học, thời sự - Nhà văn tâm sự - Chúng tôi lúc ấy ai cũng nuôi trong lòng những hoài bão đẹp đẽ, và không ai khác, những người thầy người cô đã khơi nguồn tin yêu, hy vọng ấy".

Nhà văn kể: "Một lần nọ tôi suýt chết đuối khi đi vớt củi trên sông, rồi một lần suýt chết rét khi đi mò bắt cá còng. Mùa đông xứ Bắc khắc nghiệt lắm, thế mà vì đói quá nên phải liều... Năm anh em chúng tôi quanh năm chỉ  rặt mỗi món rau muống luộc chấm muối riềng. Có hôm, được mời một bữa cơm thịt căng phễnh bụng, nhưng rồi thay nhau bị tào tháo rượt vì lâu nay ăn uống kham khổ, bụng không quen với thịt mỡ".

Áng mâyCỏ hoang, hai tác phẩm được thiếu nhi yêu thích.

Cuộc sống cùng cực càng thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết và tình yêu văn chương trong ông. Thuở 13 tuổi, ông đã say mê với các tác phẩm văn học nước ngoài, hễ có là  ngấu nghiến đọc cho kỳ hết. Sách báo thời ấy còn hiếm. Vì mê Thép đã tôi thế đấy, ông đã cặm cụi bao đêm chép vào sổ tay toàn bộ cuốn truyện dày gần hai trăm trang và giữ gìn như một thứ của quý. Vì không đọc được tiếng Pháp nên ông đã chép tay toàn bộ cuốn Thời thơ ấu của M.Gorki về nhờ bố dịch. Đấy quả là những kỷ niệm khó quên trong đời, ghi dấu những ngày đầu ông đến với văn chương.

Thỉnh thoảng, vừa kể chuyện ông vừa vuốt vuốt mái tóc bạc trắng. Cả đời viết cho thiếu nhi, đến nay ông vẫn còn tiếp tục sự nghiệp "nhỏ nhoi" của mình bằng một tập truyện ngắn cho các em và bắt tay vào viết hồi ký. Ông viết nhiều về thiên nhiên, về các em nhỏ với văn phong trong sáng cùng cảm xúc chân thực, tự nhiên. Ông cứ viết và viết, "chừng nào các em không còn thích đọc truyện Trần Hoài Dương nữa mới thôi".

Mới đây, NXB Kim Đồng đã tái bản toàn bộ các tác phẩm của Trần Hoài Dương thành 3 tuyển tập Em bé và bông hồng, Áng mây, Hoa của biển và hai tiểu thuyết viết về trẻ em là Miền xanh thẳm, Cỏ hoang. Nhà văn Tô Hoài đã đọc tác phẩm và cảm nhận về Trần Hoài Dương  như sau: "Chỉ cảm được cây bút và tâm hồn người đã viết ra thành chữ, từng chữ đem lại cho tôi cảm giác yêu đời, nhớ đến hạt sương tàu là cải và biết quý những con vật, những đồ vật quanh mình. Tôi nhận ra đấy là những khơi gợi vun đắp nên tấm lòng nhân hậu, tin yêu".

Một điều chắc chắn rằng nền văn học thiếu nhi Việt Nam sẽ không quên tên ông, người suốt đời đi tìm và chắt lọc từ cuộc sống ngổn ngang bề bộn tất cả những gì tinh túy nhất, trong ngần nhất để viết cho các em.

  • Túc Hạnh

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Những show diễn dành cho phái đẹp Hà Nội trong dịp 8/3 (27/02/2004)
Tìm về những tuyệt phẩm dành cho đàn piano của R.Clayderman (26/02/2004)
CD "Danh ngôn tình yêu" và hòa tấu (25/02/2004)
Ôi, nhớ gỏi cuốn! (25/02/2004)
Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi - Những kỷ niệm khó quên (23/02/2004)
'Về với phố' quà cho ngày 8/3 (23/02/2004)
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục và hành trình tìm lại ký ức Điện Biên (22/02/2004)
Ngàn lẻ một món... gỏi! (20/02/2004)
Ca sĩ Nguyễn Thanh Sơn tặng 50 đĩa VCD cho độc giả VietNamNet (20/02/2004)
Giới thiệu hương vị Việt Nam tại Pháp (19/02/2004)
Đến với lễ hội tháng hai (19/02/2004)
"Lặng thầm", thêm một cố gắng nữa của nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp (19/02/2004)
Đọc "Đối thoại với Trương Nghệ Mưu" (19/02/2004)
Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai và album đầu tay "Huế-tình yêu của tôi" (18/02/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang