(VietNamNet) - Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi năm nay đã ngoài 70, nhưng trông ông vẫn cường tráng với mái tóc dài rẽ ngôi giữa như “đầu Tiệp” để lộ vầng trán cao dô... Nhìn ông người ta biết ngay đây là một người thông minh, hóm hỉnh, thẳng thắn.
Dạo này ông không đi đọc thơ nữa nhưng ông vẫn làm thơ để xem “thơ mình có cũ hơn được không!?". Ông cũng ít viết báo nhất là những bài tranh luận về thơ trên báo chí bởi theo ông “cãi nhau trên báo bây giờ cũng cần phải có... sức khỏe?!”. Rồi ông kể về những kỷ niệm hằn sâu trong ký ức từ những ngày đầu ông chập chững đến với thơ, rồi thành nhà thơ, đi đọc thơ bình thơ đây đó, rồi cả chuyện làm báo của mình, những chuyện có thật 100% ấy mà mới nghe tưởng như chuyện bịa...
Năm 1952, lúc ấy ông đang là học sinh giỏi văn lớp 8 ở trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng Nghệ An (hệ 9 năm), lại được học thầy giáo nổi tiếng Nguyễn Đức Nam nên ngoài giờ học trên lớp về nhà là vùi đầu vào đọc sách, những mong có chút vốn liếng sau này trở thành nhà văn, nhà thơ. Vậy mà chỉ vì vâng lời cha nên ông đành rứt ruột rời thầy rời lớp về nhà đi làm tuyên truyền viên giảm tô cho xã. Công việc của anh học trò Vợi lúc đó là sáng tác thơ phục vụ bà con nông dân đấu tranh giảm tô, giảm thuế! Ông cười bảo, lúc ấy sức ông chỉ làm được những bài vè, những bài thơ... con cóc thôi, nhưng nó thiết thực và gần gũi với bà con lắm. Cứ đọc lên là bà con ta vỗ tay rầm rầm tán thưởng, rồi hô vang khẩu hiệu “đả đảo địa chủ”. Ông còn nhớ như in cái ngày ông đang đi đọc thơ giảm tô ấy, ông có cái may mắn được gặp nhà thơ Xuân Diệu. Đó là một buổi hoàng hôn nhuộm vàng cánh đồng quê đang vào mùa gặt, khi ông đang trong tâm trạng háo hức nhẩm đi đọc lại “bài thơ” tâm đắc mình vừa sáng tác để tối hôm ấy hùng hồn đọc cho bà con thưởng thức thì có một người khách lạ vận bộ quần áo gụ với mái tóc lượn sóng nếp nào ra nếp ấy đến và tự giói thiệu mình là nhà thơ Xuân Diệu. Nguyễn Bùi Vợi vui vẻ dẫn nhà thơ “quốc gia” đến nhà anh đội trưởng giảm tô. Xuân Diệu cởi mở:
- Tôi được Trung ương cử về tham gia phát động giảm tô làng Còng (Thanh Hóa). Xong đợt rồi nhưng có vẻ chưa thấm, tôi xin Trung ương đi một đợt nữa ở Nghệ An và được cử về đây.
Nhà thơ Xuân Diệu lúc ấy được thu xếp về ở một gia đình cố nông ở cuối xóm, ngày đi công tác tuyên truyền, rồi rau cháo với bà con nông dân, tối về nằm nghỉ trong ổ rạ . Vốn đã nghe danh tiếng Xuân Diệu lâu, nay mới được gặp mặt, cậu Vợi lúc ấy lấy làm vinh hạnh lắm. Cuộc hạnh ngộ làm cho hai người quý mến nhau như anh em ruột thịt. Chỉ sau một tuần “ba cùng” với bà con nông dân Cát Văn nghèo khó, ông thấy Xuân Diệu gầy rộc đi trông không còn thần sắc của một nhà thơ hào hoa danh tiếng. Thương nhà thơ, Nguyễn Bùi Vợi thấy bà chị gái mình có ổ trứng gà ấp liền nài nỉ xin bằng được mang biếu Xuân Diệu để nhà thơ... bồi dưỡng sức khoẻ! Nào ngờ Xuân Diệu mắng té tát: ”Cậu nghĩ mình là người thế nào mà lại làm thế!”. Nguyễn Bùi Vợi bảo bây giờ ông cũng không nhớ là ông đã “khéo nói thế nào” để rồi cuối cùng nhà thơ nhận cho! Bụng bảo dạ có trứng gà là nhà thơ của mình sẽ mạnh khỏe trở lại... Nhưng thật khó hiểu một điều, càng ngày càng thấy nhà thơ gầy yếu và tiều tụy hơn trước. Lo quá mà không dám hỏi. Nhẩm tính nhà thơ cứ dùng một ngày/quả thì số trứng lần trước đến hôm ấy đã cạn. Nguyễn Bùi Vợi lại ôm ổ trứng thứ hai đến “tiếp tế”... Lần ấy trước tình cảm chân thành của một thanh niên yêu thơ mà yêu mình đến mức ấy, Xuân Diệu cảm động lắm. Ông đành kể thật mọi sự: mỗi lần ăn một quả trứng là một lần ông day dứt ân hận, mà đâu dám ăn công khai phải chờ đến đêm khi mọi người ngủ thật say mới lẻn dậy moi quả trứng giấu trong ổ rạ ra, lấy kim chọc thủng một lỗ rồi... mút sống. Ăn xong, nằm nghĩ lại về cái hành động của mình cứ trằn trọc mất ngủ đến sáng. Mình đã ba cùng với bà con nông dân mà còn lừa dối họ, thì còn nhân cách gì mà làm thơ, đọc thơ cho họ nghe được! Đến đoạn ấy thì cả hai người bật khóc rưng rức! Xuân Diệu bảo: "Thơ có từ những giọt nước mắt này đấy, Vợi ạ!".
Nguyễn Bùi Vợi mang theo “những giọt nước mắt” ấy suốt cuộc hành trình dấn thân vào con đường thi ca mịt mùng đầy chông gai thử thách để có được những câu, những bài, những tác phẩm thơ, văn để sau này nó bầu chọn ông là: Nhà thơ, là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, được làm việc ở Ban thơ Đài tiếng nói Việt Nam. Rồi được mời làm việc ở ban giám khảo các cuộc thi thơ lớn, bé...
Cái máu thơ ca rần rật trong huyết quản thôi thúc ông không quản ngại đi khắp đây đó làm tới hơn 1000 ngàn cuộc đọc thơ, bình thơ trên mọi miền Tổ quốc. Kỷ niệm của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi thì nhiều lắm, sao mà nhớ hết được, buồn có vui có, nhưng với ông điều quan trọng nhất là ông đã sống hết mình với nó. Ông chẳng thể nào quên những đêm thơ ở đất mỏ Quảng Ninh, có hôm trời mưa tầm tã mà công chúng yêu thơ vẫn ùn ùn kéo đến vây kín vòng trong vòng ngoài vì người ta mến mộ cái “duyên” đọc thơ của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi. Thật vậy, khi hòa vào cảm xúc của bài thơ, công chúng thấy ông phẫn nộ, cưòi, khóc... đều thật với lòng mình! Ông đã làm liền tù tì như thế đến 35 cuộc bình thơ trong một đợt, với ông đó là món quà vô giá.
Ở thành phố Thái Nguyên, cách đây ba năm, ông bình thơ các nhà thơ viết về Bác Hồ. Đoạn nói về ngày quốc tang (3/9/1969) trong hội trường hơn một ngàn người, rất nhiều người khóc. Nhà thơ mắt cũng đỏ hoe.
Cái cuộc bình thơ mà ông nhớ đời là lần ông cùng anh Phạm Trường Thi (một tác giả thơ ở Nam Định) về thăm anh Lâm Xuân Vy, giám đốc một công ty thủy lợi ở Ninh Bình. Gặp nhau lần đầu, nhưng nghe nhà thơ trò chuyện, ông giám đốc “mê” ngay và mạnh dạn hỏi:
- Anh ở đây đến hôm nào?
- Mai tôi phải về Hà Nội.
- Thế thì tiếc quá. Hàng nghìn công nhân thủy lợi của tôi ở công trường không được nghe thì tôi không yên tâm chút nào. Thôi, mời anh đến bình thơ luôn.
Ba anh em đến nơi, đã hai mươi giờ. Mất điện. Công nhân ngồi tụm năm tụm ba tán dóc cho qua đêm. Lâm Xuân Vy đánh kẻng ”báo động sự cố”, công nhân hốt hoảng kéo về và ông tuyên bố: mời anh chị em nghe nhà thơ bình thơ. Tất cả ngồi như vịt ở một khoảnh đồi vừa san ủi. Đèn gió thổi tắt. Người nghe không nhìn rõ diễn giả. Diễn giả không thấy mặt người nghe. Ba tiếng đồng hồ sau, điện bật sáng. Người ta chạy ùa lên xem mặt nhà thơ... Cái áo sơ mi ướt đẫm mồ hôi.
- Sao chú liều thế? (Tôi hỏi ông )
- Dân Nghệ mình hình như ai cũng có máu liều. Vả lại, người nghệ sĩ khi có tri âm, khi được yêu mến thì có chết ngay khi phục vụ công chúng cũng là hạnh phúc!
- Nếu có một cuộc như thế này nữa, chú có dám liều không?
Nguyễn Bùi Vợi cười:
- Chồng vàng trước mặt cũng chịu thôi!
- Xưa nay, chú là người hay nói thẳng mà nói thẳng thì hay mất lòng.
- Đúng, các cụ bảo "trung ngôn nghịch nhĩ". Mình không khéo được. Mình cũng nhớ câu “Mất lòng trước, được lòng sau”. Khi còn làm biên tập viên ở Đài tiếng nói Việt Nam, có một anh bạn trẻ ở tỉnh T. rất nhiệt tình đến gửi bài nhưng thơ thì quá kém. Mình đành nói thật: ”Tôi nói anh đừng giận. Tôi thấy anh không có năng khiếu thơ. Anh bỏ ra 3,4 năm thì học được một cái nghề, còn anh bỏ cả đời cho thơ anh cũng có thể chẳng được gì đâu". Anh ta giận bỏ về. Bốn, năm năm sau anh ta tìm đến nhà biếu mình mấy cân gạo nếp, cảm ơn mình đã thẳng thắn khuyên anh ta. Bây giờ anh ta đã có bằng kỹ sư nông nghiệp làm việc rất hào hứng trong ban khuyến nông của xã.
Còn rất muốn nghe ông nói chuyện nhưng thấy đã muộn, chúng tôi cáo từ. Ông thân mật tiễn tôi ra tận cổng, bắt tay ông còn dặn: rỗi rãi “các cha” cứ đến chơi với mình nhé!
|