Hướng tới 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục và hành trình tìm lại ký ức Điện Biên
17:12' 22/02/2004 (GMT+7)
(VietNamNet)
- "Khi được đoàn kịch nói quân đội tin cậy giao cho làm vở kịch này, tôi nghĩ mình phải bỏ ra một thời gian dài thật tỉnh táo để đi tìm chất liệu viết...",  Nhà văn Nguyễn Khắc Phục tâm sự về hành trình thai nghén và thực hiện Con nhím Điện Biên Phủ (ĐBP).

Vở kịch nói Con nhím Điện Biên Phủ
Dàn dựng: Đoàn kịch nói Quân đội
Tổng đạo điễn: NSƯT Lê Hùng
Đạo diễn chính: Hồ Ngọc Hà
Đạo diễn thể hình: Minh Thịnh
Âm nhạc: Trọng Đài
Đạo diễn Lê Hùng cho biết, một vài ngày tới, vở sẽ được đưa lên sàn tập buổi đầu tiên và dự kiến tháng 4/2004 đã có thể cho ra mắt khán giả.

- Ký ức con người tuy không vụ lợi nhưng vẫn có thể sai lạc theo thời gian. Ông đã tìm đựơc gì trong ký ức những người đã đi qua trận Điện Biên lịch sử, để đưa vào kịch bản của mình?

-  Đã gọi là ký ức thì rời rạc và không hệ thống, nhưng cái gì còn lại nghĩa là đã được sàng lọc qua thời gian. Và thường chúng cho mình các chi tiết. Chi tiết có thể làm cho một vở kịch trở nên hay hơn, mặc dù nó có thể chỉ diễn ra trong 5 giây. Thí dụ tôi gặp một người cựu binh ĐBP, hỏi "Thế hồi đó bác ở đâu?- Tôi ở đội bắn tỉa - Thế trong cả đời bắn tỉa của bác, bác bắn được bao nhiêu người, cái gì làm cho bác nhớ nhất - Bắn tỉa thì tôi bắn được hai, ba người thôi. Nhưng có một lần, tôi thấy qua hàng rào có một người đang đi nhặt dù. Tôi giương súng. Anh biết đấy, nói chung chúng tôi cứ giương súng lên là có người ngã xuống, thế nhưng lần ấy không biết làm sao linh tính không cho tôi bóp cò, tôi chờ thêm mấy giây nữa mặc dù tầm ngắm đã ở điểm thuận lợi nhất, chỉ còn siết tay vào cò thôi. Tôi dừng lại. Năm giây sau tôi mới phát hiện ra bóng người đó là một phụ nữ".

Trong chiến tranh thì nhiệm vụ cao nhất của người lính ra mặt trận là tiêu diệt kẻ thù, bất kể kẻ thù ấy là đàn ông hay đàn bà vì mình không bắn họ họ sẽ bắn mình. Nhưng vượt lên quy luật thông thường ấy của chiến tranh, có một cái gì đó lớn hơn mục tiêu chiến đấu, lớn hơn nhiệm vụ một người lính, mà chúng ta gọi đó là linh giác. Và ông nói, tôi nhẹ nhõm thở phào vì tôi đã làm được một việc, đó là hôm đó tôi đã nổ súng chậm 5 giây. 5 giây để cho cái bóng cử động, quay lại và tôi mới nhận ra đó là một người phụ nữ. Tôi đã sử dụng chi tiết ấy vào phim, nó sẽ là chi tiết làm cho thế giới hiểu hơn về quân đội VN. Trong vở kịch người nữ ấy là Jên Mari (nguyên mẫu là Jơ-nơ Vi-e đờ Gala, một nữ ý tá quân y của Pháp, tù binh nữ duy nhất mà ta bắt được ở ĐBP theo lịch sử ghi chép và được Bác Hồ ký lệnh đặc sá ngay trong đợt trao trả thương binh Pháp đầu tiên). Người yêu của y tá Jên Mari, thiếu uý Rutxô, bị thương rất nặng và vết thương bị nhiễm trùng, kháng sinh thì hết nên cô đòi ra hàng rào lấy chiếc dù để có thuốc. Người yêu cô ngăn lại, nói cô có thể bị Việt Minh bắn tỉa, nhưng cô bất chấp, rồi đi nhởn nhơ nửa tiếng đồng hồ và mang chiếc dù có thuốc kháng sinh về cho người yêu, bảo: thế mà anh cứ khen cái tài bắn tỉa của Việt Minh. Người yêu cô bảo, thế thì em xem đây. Anh lấy chiếc mũ sắt úp lên đầu súng, vừa giơ lên nóc chiến hào thì lập tức chiếc mũ sắt bị bắn bay ngay - "Họ tha em chỉ vì em là phụ nữ thôi."

Dân quân tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh TL).

- Ông có tìm kiếm ở các Bảo tàng không?

- Có chứ, đó là các vật chứng quý. Có những cái chúng ta đã được đọc, nghe, nhưng phải đến khi nhìn thấy vật chứng thì mới thực tin, rằng điều được mô tả trong sách không phải là cách nói, mà thực sự như thế. Bảo tàng quân đội VN đã giúp tôi rất nhiều. Tôi nói với họ, các ông đừng nói với tôi về nội dung của những bức thư mà những người lính nông dân đã nhận được khi họ đang ở ĐBP, sau cải cách ruộng đất. Vì nội dung ấy tôi không cần đọc cũng biết, nhưng ông phải cho tôi bức thư ấy, chính thủ bút. Tôi phải nhìn bằng mắt, phải sờ tay vào bức thư ấy, vì với tôi những vật chứng này vô cùng quan trọng cho niềm tin của tôi vào điều tôi sắp viết; điều qụan trọng trước hết là chính mình phải tin vào những điều mình viết, nếu không thì không thể làm cho người đọc tin được.

Có một cán bộ bảo tàng đã giúp tôi rất tận tình, dẫn tôi đến tận kho lưu trữ và làm rất nhiều thủ tục mới được phép lấy những bức thư ấy ra khỏi kho. Tôi đã xem, đọc, sờ rồi nhưng thấy chưa đủ nên phải ngồi chép lại nội dung bức thư. Ở đó không được phép phôtô vì bức thư viết trên giấy bổi từ hồi năm 54, đụng vào cái là nát ngay. Tôi cũng đi Điện Biên nhiều lần, mò mẫm đi bằng đủ kiểu, hết tàu bay lại đến ô tô, đi một mình chán thì đi một đoàn. ..

- Nhiều kịch bản sáng tác cho loại phim "cúng cụ" dễ rơi vào tấn bi kịch quen thuộc và đáng buồn là nhân vật một chiều, cứng nhắc; nhất là khi viết về những nhân vật có thật trong lịch sử, các tác giả thường không biết hoặc ... không dám hư cấu chi tiết. Ở Con nhím ĐBP, ông đã khắc phục điều đó ra sao?

- Thứ nhất, Con nhím ĐBP có thể chưa hay, nhưng có điều chắc chắn là tác giả cũng như êkíp diễn viên không muốn giẫm lại bước chân cũ cho dù là bước chân cũ có khổng lồ đi nữa. Hai nữa vấn đề đặt ra cho Con nhím ĐBP khác, không phải một vở kịch đặt ra để kỷ niệm chiến thắng theo kiểu ca ngợi chiến thắng, mà hướng tới một thông điệp về sức mạnh và cội rễ văn hóa của những mối quan hệ con người và thân phận con người, chứ không đơn thuần mô tả một chiến công. Nếu nhân vật nào của ta cũng đúng cả thì làm gì có kịch, xưa nay một trong những cái lỗi là nếu ta đưa ra một nhân vật chính diện thì nhân vật đó không được phép có lỗi. Điều này không những phi thực tế mà còn không thể tạo nên kịch tính

- Nghe nói trong vở kịch có hai nhân vật được nhắc đến, là nhà thơ Đoàn Phú Tứ - tác giả bài thơ nổi tiếng "Màu thời gian" và nhạc sĩ Hoàng Vân, tác giả bài "Hò kéo pháo". Bóng dáng họ được khắc họa như thế nào?

- Đoàn Phú Tứ sẽ trong vai trò "người thầy giáo dạy Việt văn trường Anbe Xarô", hiện lên trong ký ức của hai nhân vật chính (vốn là hai người bạn cùng lớp, cùng rất yêu thầy giáo dạy văn và cùng thích bài thơ Màu thời gian; sau họ ở hai chiến tuyến). Chúng tôi không để nhân vật nói rõ tên của Đoàn Phú Tứ, nhưng nhân vật sẽ đọc bài màu thời gian xanh xanh, màu thời gian tím ngát, vậy thì ai cũng biết chính là Đoàn Phú Tứ. Còn Hoàng Vân cũng sẽ xuất hiện đúng như nhân vật nhạc sĩ này ngoài đời, cũng cái người thấp thấp, đậm đậm, chỉ huy đoàn quân hát bài Hò kéo pháo. Đấy là một nhân vật phụ, nên không có số phận tính cách gì cả.

- Nhiều người rất tò mò với tiêu đề của vở kịch?

- Có nhiều cách đặt tên cho những vở kịch về ĐBP. Có người đặt là Bài ca Điện Biên, tôi thấy sáo quá. Cũng không thể đặt là "Chiến thắng ĐB" vì như thế chúng ta mới chỉ dừng lại ở mức mô tả chiến thắng. "Điện Biên trang sử vàng" nghe thật om sòm. Nói chung tôi thấy đặt tên rất khó vì nó là một chiến công rất lớn nhưng nội dung kịch của mình lại không hướng tới đó. Sau tôi đọc tài liệu của tổng tư lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương, thấy ông này nghĩ ra một chiến thuật đánh Bắc Bộ VN là tập trung vào một số lô cốt, đồn bốt (vì quân ít không đủ rải) nhưng lại có lực lượng cơ động lớn bên ngoài. Khi xác định có Việt Minh thì lực lượng này bung ra. Tóm lại là chiến thuật co cụm lại để xù ra khi có địch, y như hình tượng con nhím. Ở ĐBP chiến thuật này vẫn được sử dụng, nhưng là một "con nhím" lớn  mười mấy tiểu đoàn, với hy vọng khi "con nhím ĐBP" này xù lông lên sẽ tiêu diệt các binh đoàn của Tướng Giáp.

Thế là tôi quyết định lấy tiêu đề vở kịch như thế này. Tôi thấy nó vừa mô tả đúng thuật ngữ quân sự, lại vừa tạo bất ngờ, tò mò cho khán giả. Đặc biệt, điều tôi hướng tới là qua vở kịch, người ta sẽ thấy "con nhím" này sao mà đói khát máu người đến thế. Và cuối cùng, tiêu đề ấy không giống ai cả, tự nhiên thành một "thương hiệu" của riêng mình.

- Xin cảm ơn ông và chúc vở kịch thành công.

  • Doãn Diễm (thực hiện) 

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Ngàn lẻ một món... gỏi! (20/02/2004)
Ca sĩ Nguyễn Thanh Sơn tặng 50 đĩa VCD cho độc giả VietNamNet (20/02/2004)
Giới thiệu hương vị Việt Nam tại Pháp (19/02/2004)
Đến với lễ hội tháng hai (19/02/2004)
"Lặng thầm", thêm một cố gắng nữa của nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp (19/02/2004)
Đọc "Đối thoại với Trương Nghệ Mưu" (19/02/2004)
Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai và album đầu tay "Huế-tình yêu của tôi" (18/02/2004)
Ca sĩ tham gia CLB Kotex Bạn đồng hành (18/02/2004)
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và "Chuyện xứ Lang Biang" (17/02/2004)
Hủ tiếu Mỹ Tho (17/02/2004)
Đọc hồi ký về nhà cách mạng ưu tú Nguyễn Văn Kỉnh (16/02/2004)
Lẩu cá mó - lạ mà ngon! (16/02/2004)
"Góc cạnh cuộc đời" - tiếp tục những tự sự của D. Beckham (14/02/2004)
Quà tặng mang vị ngọt tình yêu (14/02/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang