(VietNamNet) - Gỏi có lẽ là món ăn được nhiều người ưa thích nhất trong số các món ăn bình dân. Dễ làm, nguyên liệu dễ kiếm, có thể ngồi nhâm nhi bất kỳ nơi nào..., điều đó làm cho món gỏi trở nên phổ biến, thân thuộc.
|
Món gỏi hải sản của nhà hàng Champagne. | |
|
Tính chất "thập cẩm" đặc thù, có thể tập hợp nhiều nguyên liệu, hương vị cộng với óc sáng tạo của người nội trợ, từ lâu, món gỏi trở thành món ăn phong phú nhất, đa dạng nhất. Chỉ cần một khoản tiền nhỏ thêm chút thời gian là bạn có thể chuẩn bị xong một đĩa gỏi hấp dẫn tiếp đãi bạn bè. Nguyên liệu chính là rau, vì thế trong thời buổi ai ai cũng sợ chứng béo phì thì gỏi là món hợp thời, khoái khẩu hơn cả.
Tuy vậy, với người sành ăn uống thì gỏi luôn là món khó làm. Khó ở chỗ làm sao đáp ứng đúng khẩu vị của người ăn mà vẫn "gia công" đầy đủ 4 gia vị mặn ngọt chua cay, và tất nhiên không thể thiếu đậu phộng rang giã nhỏ (món gỏi miền Nam thường có thêm hành khô phi cháy). Trong một vài loại gỏi còn có thêm rau răm, củ kiệu... Tất cả mọi gia vị đều được đầu bếp trộn sẵn, có như vậy gỏi mới "thấm", lúc dọn ra không cần nêm nếm gì thêm. Nếu có ai nói rằng trong ẩm thực cũng cần phải cân bằng, hài hòa các yếu tố nóng lạnh thì món gỏi là minh chứng rõ nhất.
Với người quê, chỉ cần vài ba trái mít non hoặc dưa leo là có ngay đĩa gỏi trong bữa ăn, nếu thêm vào vài lạng thịt ba rọi thái chỉ thì phải nói là "hết chỗ chê"! Mỗi thứ rau quả đi kèm một phụ liệu "đạm" nhất định chứ không phải theo kiểu "có gì xài nấy". Gỏi bắp sú hợp nhất là kèm thịt vịt. Gỏi rau muống thì trộn tôm khô, gỏi hành tây thì chỉ có thịt gà, gỏi bắp chuối thì không thể thiếu da heo thái mỏng. Gỏi đu đủ thì trộn khô bò. Trứng gà, trứng vịt đem tráng mỏng rồi cuộn lại thái chỉ được dùng cho món gỏi khổ qua. Khô cá sặc, cá lóc chiên vàng, xé miếng nhỏ trộn với xoài vừa chín tới làm nên món gỏi xoài.
Người miệt vườn miền Tây lại thích dùng rau nhút, rau càng cua, ngó sen bóp gỏi, kèm các loại hải sản như tôm, cua, mực. Người vùng biển miền Trung lại có món gỏi hơi lạ là gỏi cá cơm. Cá cơm nhỏ sau khi phơi khô được "rim" với mắm lạt và đường, sau đó đem trộn đều các loại gia vị, ăn kèm rau sống, cà chua. Thông thường, người ta không dùng đũa để ăn gỏi mà dùng bánh tráng nướng hoặc bánh phồng tôm chiên để xúc. Chính điều đó tạo ra cái thú vị rất riêng: không ăn lấy no mà chính là vừa nhâm nhi vừa chuyện trò thư giãn.
Sau đây, VietNamNet xin giới thiệu với bạn đọc món gỏi hải sản tiến vua do đầu bếp nhà hàng Champagne - khách sạn Liberty 2 (129-133, Hàm Nghi, Q.1, TP.HCM) thực hiện. Đây cũng là một món độc đáo rất thu hút thực khách của nhà hàng.
Tôm sú to luộc trong vòng 2 phút, bóc vỏ chừa đuôi. Mực tươi luộc sơ thái miếng vuông. Có thể dùng mũi dao khía những đường chéo trang trí trên miếng mực cho thêm phần hấp dẫn. Sò lụa hấp lột vỏ lấy phần thịt. Rau tiến vua (nhập từ Trung Quốc) rửa sạch, để ráo. Trộn rau cùng với các loại gia vị chua cay mặn ngọt và một ít rau húng. Khi trộn gia vị, cần chú ý không được để rau bị dập. Yêu cầu của một dĩa gỏi ngon là tôm mực giữ được vị ngọt, rau tươi giòn, gia vị vừa ăn.
Gỏi cá
|
Gỏi chay
|
Gỏi Huế
|
Gỏi ngó sen
|
Gỏi ốc bươu
|
Gỏi sầu đâu
|
|