Đọc "Đối thoại với Trương Nghệ Mưu"
09:35' 19/02/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Đối thoại với Trương Nghệ Mưu là một trong số những công trình có giá trị của nhà biên kịch, nhà văn, nhà lý luận phê bình điện ảnh Trung Quốc nổi tiếng Lý Nhĩ Uy. Trước đây, bà đã từng viết Đối thoại với Khương Văn, Đối thoại với Trần Khải Ca... Qua những cuộc "đối thoại" như vậy, bà đã "vẽ" nên nhiều bức tranh cận cảnh về chuyện đời, chuyện nghề của  những con người lừng danh khắp chốn ấy...

Đối thoại với Trương Nghệ Mưu gồm 13 chương, trong đó có 10 chương xoay quanh 10 bộ phim "đinh" trong sự nghiệp điện ảnh của Trương Nghệ Mưu: Cao lương đỏ, Cúc Đậu, Đèn lồng đỏ treo cao, Thu Cúc đi kiện, Phải sống, Lắc A Lắc, Có lời thì nói, Không thể thiếu một em, Bố mẹ tôi, Anh hùng.

 
Bìa sách

Con người kiệt xuất ấy đã làm tràn giấy mực báo chí trong vòng 20 năm nay, giờ đây tiếp tục bộc lộ mình, nhưng là trong một hoàn cảnh khác, giản dị, cụ thể hơn, thật hơn. Thật ngạc nhiên khi ông trả lời những câu hỏi rất chi tiết của Lý Nhĩ Uy một cách quá... chi tiết đến thế. Điều đó giúp người đọc hiểu ngầm rằng cuộc đối thoại giữa hai người không phải là một cuộc đối thoại hiểu theo nghĩa đen.

Những năm tháng học tập tại Học viện Điện ảnh Bắc Kinh ở Tây An được Trương Nghệ Mưu đánh giá là "bậc thềm quan trọng" trong cuộc đời mình: "Vì người sinh viên Trung Quốc đại diện cho mọi giai cấp, cho một dạng thành công của sự nghiệp, nên đối với tôi, vào được đại học là một con đường tiến thân... Chúng tôi từ chỗ không hiểu gì về phim cho tới chỗ làm được phim, các thầy giáo đã đem lại cho chúng tôi những khởi nguồn về điện ảnh. Vì vậy rất tự nhiên mà tôi có tình cảm với nhà trường. Còn việc tiêu thụ được những kiến thức đã học ra sao, có làm nên được trò trống gì không thì chỉ hoàn toàn dựa vào mình mà thôi...".

Đạo diễn Trương Nghệ Mưu.

Về tính cách cá nhân, ông thẳng thắn: "Vùng Thiểm Tây chúng tôi có thể sinh sản ra những con người làm nghệ thuật bởi vì có tính cố chấp... Trước đây tôi vốn không thích nói nhiều, giờ làm đạo diễn rồi, miệng lưỡi có phần nhanh nhạy hơn nhưng thực ra cũng không thích bộc lộ bản thân, không linh hoạt và cũng không tỏ ra thông minh. Nhưng cá tính của người Thiểm Tây là "dai như gân", cố chấp, nếu không đụng tường thì không chịu quay đầu...".
 
Ông cũng tự tin mà khẳng định rằng từ khi bắt tay làm nghệ thuật đến nay, trên mỗi bước đi ông đều dựa vào sức mình, không hề dựa dẫm vào bất kỳ ai, bất kỳ mối quan hệ nào, cũng không hề dựa vào thủ đoạn bất chính nào.

Khởi nghiệp từ xưởng phim Quảng Tây - một xưởng phim nhỏ nằm ở thành phố Nam Ninh xa tít tắp, "gần sát Việt Nam", Trương Nghệ Mưu là quay phim chính trong tổ làm phim trẻ cùng Trương Quân Chiêu - đạo diễn, Hà Quần - thiết kế mỹ thuật, Tiêu Phong - quay phim... Năm 1983, khi ông và các bạn làm bộ phim Một và Tám thì Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn "phục Xô" sau Cách mạng Văn hóa, phim ảnh lúc này "nặng về ý nghĩa xã hội, nhẹ về hình thức nghệ thuật".

Để thu hút sự chú ý của công chúng và để các bạn đồng nghiệp thừa nhận, ông quyết định làm một bước cực đoan về mặt hình thức: "Dùng những hình ảnh không đối xứng, mang sắc màu tối và tạo nên sự khác biệt cực lớn về thủ pháp quay phim so với điện ảnh Trung Quốc truyền thống". Mặc dù sau khi hoàn thành, bộ phim đã bị sửa chữa, cắt gọt đến hơn 150 lần, song nó vẫn đem lại "sức công phá lớn" đối với giới điện ảnh Trung Quốc. Nó đã được coi là tấm bia mốc đầu tiên của gương mặt phim mới ở Trung Quốc, là tác phẩm khởi nguồn cho thế hệ đạo diễn thứ 5 (gồm Trương nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Tử Ngưu, Tráng Tráng và một số người khác).

Nữ diễn viên Củng Lợi.

Về chuyện tình cảm riêng tư, công chúng biết đến một Trương Nghệ Mưu với mối tình mãnh liệt cùng Củng Lợi. Tay trong tay, cặp bạn tình nổi tiếng này đã cùng nhau bước tới hết vinh quang này đến vinh quang khác, trở thành những minh tinh sáng chói trong nước và quốc tế, những nhân vật không thể thiếu trong sự đi lên  của nền điện ảnh Trung Quốc.

Đọc Đối thoại với Trương Nghệ Mưu, có khi bạn phải thay đổi quan niệm của mình về thành công, tiền tài và danh tiếng trong bước đường làm nghệ thuật, và hãy ngẫm nghĩ về câu nói của ông: "Điện ảnh là một con thuyền đạo tặc, đã bước chân lên rồi là không thể xuống được".

Sách do Nguyễn Lệ Chi dịch, NXB Trẻ ấn hành, có bán tại các nhà sách trên toàn quốc. Giá 30.000 đồng.

  • Túc Hạnh 
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai và album đầu tay "Huế-tình yêu của tôi" (18/02/2004)
Ca sĩ tham gia CLB Kotex Bạn đồng hành (18/02/2004)
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và "Chuyện xứ Lang Biang" (17/02/2004)
Hủ tiếu Mỹ Tho (17/02/2004)
Đọc hồi ký về nhà cách mạng ưu tú Nguyễn Văn Kỉnh (16/02/2004)
Lẩu cá mó - lạ mà ngon! (16/02/2004)
"Góc cạnh cuộc đời" - tiếp tục những tự sự của D. Beckham (14/02/2004)
Quà tặng mang vị ngọt tình yêu (14/02/2004)
Thực đơn cho... tình yêu (14/02/2004)
Giao lưu trà đạo Nhật - Việt Sencha-do (14/02/2004)
Chân dung phụ nữ miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ (13/02/2004)
Nhóm AC&M và vol.2 "Xin chào" (13/02/2004)
Chocolate - "Món quà ngọt ngào" cho Valentine's Day (12/02/2004)
Bạn có muốn tham dự 'Ngày Valetine' miễn phí? (11/02/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang