(VietNamNet) - Nguyễn Văn Kỉnh - sáng ngời nhân cách cộng sản là cuốn hồi ký về đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh, tức Thượng Vũ, Trung Nam, Nguyễn Tôn Trọng và Hoàng Huy Nam, một người anh hùng kiên trung, bất khuất, là tấm gương sáng soi chung cho tất cả chúng ta.
|
Ông Nguyễn Văn Kỉnh (1916-1981), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Sài Gòn Chợ Lớn. | |
|
Hai mươi hai năm đã trôi qua kể từ ngày anh an giấc nghìn thu, gia đình cùng đông đảo các đồng chí cùng chiến đấu ở TP.HCM cũng như thủ đô Hà Nội mong muốn có một cuốn sách viết về anh. Nhân kỷ niệm 22 năm ngày mất của Nguyễn Văn Kỉnh, được sự cố vấn của nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, NXB Trẻ tiến hành biên soạn cuốn Nguyễn Văn Kỉnh - sáng ngời nhân cách cộng sản, như một nén hương thơm dành cho một người con ưu tú của đất nước đã khuất.
Những người cầm bút viết nên cuốn sách này là những bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp, đã từng sống và công tác với anh từ nửa thế kỷ trước ở chiến khu miền Đông, Đồng Tháp Mười, miền Tây Nam bộ, ở trong nước và cả trên đất nước Liên Xô (cũ).
|
Từ phải sang: Bác Hồ, Đ/c Lê Duẩn, Đ/c Phạm Hùng, Đ/c Nguyễn Văn Kỉnh. |
Sớm giác ngộ cách mạng, năm 17 tuổi được kết nạp vào Đoàn Thanh niên cộng sản, 22 tuổi trở thành Đảng viên, Nguyễn Văn Kỉnh đã dứt bỏ cuộc sống êm ấm để dấn thân vào con đường cách mạng chông gai nhưng đầy ý nghĩa. Cuộc đời hoạt động cách mạng của anh gắn liền với từng giai đoạn lịch sử của đất nước: những năm làm báo L'Avant Garde, Dân Chúng..., tham gia lãnh đạo khởi nghĩa Nam Kỳ và Cách mạng tháng Tám, tiếp tục kháng chiến 9 năm ở Nam bộ từ miền Đông đến Đồng Tháp Mười, đến căn cứ rừng U Minh... Hơn 10 năm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết, anh đã góp phần củng cố tình đoàn kết giữa các nước xã hội chủ nghĩa anh em, đấu tranh chống Mỹ cứu nước, xây dựng nước nhà, giữ vững hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc. Gần 50 năm tuổi Đảng thì hết 49 năm anh dành để phát triển phong trào Esperanto tại Việt Nam - thể hiện một tinh thần chiến đấu không mệt mỏi vì tự do, bình đẳng, bác ái.
|
Nguyễn Văn Kỉnh cùng cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô được đón Bác Hồ sang thăm (tháng 6/1959). |
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Nguyễn Văn Kỉnh tham gia nhiều lĩnh vực: tuyên truyền vận động quần chúng, tổ chức đoàn thể, hoạt động bí mật, hoạt động hợp pháp, bán hợp pháp, tham gia ban lãnh đạo 2 cuộc khởi nghĩa lớn: Nam Kỳ khởi nghĩa 1940 và Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám 1945 cướp chính quyền ở Sài Gòn, trong khi giữ cương vị Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.
Theo NXB Trẻ thì từ tháng 4 đến tháng 9/2003 đã có 40 tác giả gởi 44 bài đến Ban biên soạn. Trong đó có những người hiện nay đang sống ở TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Mỹ Tho... , có người tuổi cao sức yếu nhưng tấm lòng mến mộ, cảm phục anh thì vẫn ăm ắp đầy.
|
Chụp ảnh cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Liên Xô (tháng 11/1964). |
Về người đồng chí kiên trung ấy, nguyên Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt viết: "Ngay trong buổi đầu gặp gỡ anh Tư Kỉnh, tôi cảm nhận rằng những người được tiếp xúc với anh Tư đều có ấn tượng tốt đẹp về Anh - một cán bộ lãnh đạo trẻ tuổi nhất trong cơ quan lãnh đạo đầu não của Xứ ủy và Trung ương Cục miền Nam, có ngoại hình hấp dẫn, luôn luôn dành cho người đối thoại những nụ cười cởi mở trên khuôn mặt thông minh, đôn hậu. Ấy thế, không hiểu vì sao Anh vẫn cứ kéo dài cuộc sống "độc thân" khiến anh Sáu Lê Đức Thọ đã phải lên tiếng chọc ghẹo Anh trước mặt số anh em, đồng chí có mối quan hệ gắn bó, thân tình. Anh Sáu nói: "Thằng Kỉnh "kén vợ" lắm, vậy thì, nên ghép cho nó một cô thư ký đánh máy nào đó làm việc trong Văn phòng Xứ ủy, cứ đi ra đi vô nhìn mặt nhau mãi thì nó cũng "ưng" thôi". Khi nghe anh Sáu Thọ trêu chọc mình, anh Tư chỉ tủm tỉm cười trông rất dễ thương, dễ mến".
|
Bên người vợ hiền - Bà Mạc Thị Kim Cúc. |
Còn nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng thì nhớ nhất là chuyện làm "ông mai" cho vợ chồng anh Kỉnh: "Phát hiện tình cảm của anh Kỉnh, chị Cúc, tôi hỏi thẳng anh về việc xây dựng gia đình... Anh cười, hơi đỏ mặt: "Trăm sự nhờ đồng chí Giám đốc trường Nguyễn Chí Thanh lo giúp!". Tôi xem như đó là sự thừa nhận và tôi đặt vấn đề với chị Cúc. Chị Cúc đề nghị tôi hỏi lại Tỉnh ủy Cần Thơ. Tôi cất công đến Tỉnh ủy Cần Thơ... Đám cưới được tổ chức. Thật ra tôi không mai mối gì cả, chẳng qua thấy hai người "hợp nhãn" nhau nên đắp vô thôi".
|
Cùng vợ và con gái Bắc Vũ (Liên Xô - 1958). |
Về chuyện nghề, Trần Bạch Đằng nhớ lại: "Một lần, anh chỉ cho tôi một bài phóng sự của một phóng viên đăng trên Nhân dân miền Nam nói về "phát thế" - lối phát cỏ cải tiến tăng năng suất. Anh bảo: "Nói vừa vừa thôi, nói quá sau này mất công đính chánh. Ráng mà viết cho thật. Dân mình còn khổ, giặc giã chưa yên, báo nên nói về cái nghèo, cái mất mát, vì thời kháng chiến còn dài, phải động viên bà con tin tưởng thắng lợi, song cũng đừng nhẹ tay với cán bộ chỗ này chỗ khác còn phách lối, hà hiếp dân, ăn nhậu lu bù. Tại sao báo của chú không mở mục "Ý kiến bạn đọc"? Nếu cái gì cũng tốt hết thì đâu cần báo của chú!".
Trần Bạch Đằng phục anh nhiều thứ, mà hàng đầu là tính khiêm tốn: "Anh ít nói về mình. Trong hai cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, các cấp ủy Đảng đều biết người ký tên các văn kiện, thư, điện của Xứ ủy là Nguyễn Thượng Vũ và của Trung ương Cục miền Nam là Trung Nam. Thượng Vũ tức Thường vụ và Trung Nam tức Trung ương Cục miền Nam. Anh là con người của tổ chức, của tập thể...".
Về phong trào Quốc tế ngữ mà Nguyễn Văn Kỉnh đã trọn đời phấn đấu với mục tiêu trong sáng, Nilcola Aleksiev - Chủ tịch danh dự của Phong trào Quốc tế ngữ Thế giới Bảo vệ hòa bình (MEM) - trang trọng viết: "Trong đời, tôi chỉ có diễm phúc hai lần được gặp nhà Quốc tế ngữ Việt Nam đầy phẩm giá Nguyễn Văn Kỉnh... Hoạt động của anh chứng tỏ rằng anh đã kết hợp được trong bản thân những phẩm chất của một người lãnh đạo Quốc tế ngữ, một nhà ái quốc quen mình, một nhân vật nhà nước có tinh thần trách nhiệm, một người theo chủ nghĩa Quốc tế có lý có tình".
|
Bìa sách |
Sách còn tập hợp được một số bài báo của anh, trong đó có những bài quan trọng như Thực chất của cái gọi là "Kế hoạch hòa bình" của Nich-xơn và "Học thuyết Nich-xơn", Bước phát triển mới trong phong trào đấu tranh của người da đen ở Mỹ...
Đọc những trang viết xúc động về người Bí thư Thành ủy Sài Gòn Chợ Lớn, tuổi trẻ hôm nay hẳn sẽ nhận thức sâu sắc hơn về sự nghiệp cách mạng và nhân cách lớn của các thế hệ cha anh.
|