Nhân "đệ nhị" ngày thơ Việt Nam:
Đừng gạt các nhà thơ trẻ ra ngoài cuộc!
10:53' 05/02/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Năm 2003, nhiều người đã mừng đến phát khóc khi lần đầu tiên có một ngày dành cho thơ. Biết bao kỳ vọng được đặt vào cái ngày đáng nhớ nhất như một cơ hội để nàng thơ khoe áo mới. Nhưng ngày thơ đã để lại ấn tượng gì cho chính những người trong cuộc, khi chính các nhà thơ trẻ lại cảm thấy mình bị bỏ rơi?

Bình Nguyên Trang: "Khâu tổ chức ngày thơ thứ nhất vẫn chưa ổn"

Thực ra ngày thơ có ý nghĩa rất tốt với sự phát triển của  thơ ca dân tộc. Qua ngày thơ, những người làm thơ cảm thấy thơ ca được tôn vinh và được gặp gỡ nhau, đọc những bài thơ của mình và hiểu thêm về thơ. Nhưng tôi có cảm giác là thơ nay không còn được người ta yêu mến như ngày xưa nên ngày thơ sẽ hun đúc thêm tình yêu của những người làm thơ. Qua ngày thơ lần thứ nhất tôi thấy rõ ràng là khâu tổ chức vẫn chưa ổn. Rất nhiều nhà thơ trẻ cảm thấy tự ái như mình bị bỏ rơi vì dường như ngày thơ là để dành riêng cho những nhà thơ già vậy và thực sự vắng bóng những nhà thơ trẻ. Những người có tài năng và thực sự là niềm hy vọng cho nền thơ ca Việt Nam trong tương lai thì lại vắng mặt.

Phải nói rằng cách tổ chức ngày thơ cũng chưa hấp dẫn. Hy vọng là ngày thơ năm nay sẽ được Ban tổ chức quan tâm hơn. Tôi nghĩ là dù xã hội có văn minh đến đâu thì những giá trị tinh thần của mỗi dân tộc cũng vẫn được tôn vinh và sẽ không bao giờ mất đi. Thơ ca là tiếng lòng tinh tuý nhất của con người khi người ta cảm thấy cô đơn trong thế giới này. Trong cuộc sống bề bộn với những mối lo vật chất, có thể người ta tạm quên đi những giá trị tinh thần nhưng tôi tin là thơ ca sẽ sống mãi. Thơ ca Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển mình và tôi hy vọng sẽ có nhiều tài năng mới.

Nguyễn Vĩnh Nguyên: "Các nhà thơ trẻ bị đứng ngoài cuộc"

Qua ngày thơ đầu tiên, bản thân tôi cảm thấy các nhà thơ trẻ bị đứng ngoài cuộc, không hiểu sao? Những người lớn tuổi coi đó là diễn đàn của họ chăng? Nhiều người cho ngày thơ là nơi để khẳng định những giá trị cũ và là nơi hội hè đình đám. Dù sao cũng thật đáng mừng khi trong cuộc sống bề bộn vẫn có một ngày dành cho thơ, nhưng để nó thực sự có ý nghĩa thì đòi hỏi ban tổ chức phải đổi mới. Hiện nay, tôi thấy trên báo cũng thường nghiêng về khẳng định những tên tuổi cũ và dường như cũng không có chỗ cho giới trẻ.

Có cảm giác như đó là những bài thơ của lứa tuổi U40 và dành cho người già mà thôi. Giới trẻ không tìm thấy mình trong những bài thơ không bắt kịp đời sống hiện đại nên họ không thể tìm thấy sự đồng cảm. Đúng là thơ nay không còn được quan tâm như xưa nữa. Do xu thế của cuộc sống thôi. Người ta quá bận rộn và dành thời gian cho nhiều loại hình giải trí mới trong khi thơ đòi hỏi con người phải suy nghĩ nhiều. Trong hành trình đi tìm cái mới, nhà thơ không được phép dễ dãi. Tôi cũng đang tập hợp bản thảo để cho ra 1 tập thơ trong năm nay dự định lấy tên là "Số" để chỉ thời đại số và trong đó cũng có rất nhiều số nữa.

Tìm lại chỗ đứng cho thơ.

Thục Linh: "Thơ đương đại hầu như không được nhắc đến"

Do không khí tổ chức ngày thơ đầu tiên tại Văn Miếu trang nghiêm quá nên có cảm giác như nó dành cho người cũ nhiều hơn. Vì vậy, thơ đương đại hầu như không được nhắc đến và không thu hút được sự quan tâm của giới trẻ. Trong cuộc sống hiện đại, có một ngày thơ như thế cũng rất cần thiết vì nó có thể góp phần thúc đẩy sự phát triển của thơ ca Việt Nam. Nhưng thơ ca thời nào cũng vậy. Sự quan tâm chỉ thuộc về thiểu số vì người ta còn bao nhiêu thứ khác để ham thích. Trong ngày thơ thứ 2 này, tôi mong muốn có sự hỗ trợ nào đó cho các nhà thơ trẻ để họ được trình bày tác phẩm của mình và phát triển tài năng. Tôi nghĩ là làm thơ cũng là sự ra đi của tâm hồn, sau đó lại trở lại với thực tại. Chính vì vậy, trong năm nay tôi sẽ cố gắng cho ra tập thơ có tên Ra đi để trở về.

Phan Huyền Thư: "không nên trói chặt phạm trù thơ cùng sự phát triển của thơ"

Không nên cố tình lấy dây trói chặt hai phạm trù thơ cùng sự phát triển của thơ ca dân tộc lại với nhau. Ngày thơ chỉ có ý nghĩa với chính nó. Nếu quả thực nó gây được ảnh hưởng thì Hội nhà văn chắc chẳng tiếc gì mà không tổ chức tuần thơ, tháng thơ... thậm chí là năm thơ để vực nền thi ca của dân tộc lên chín tầng mây. Có những ngày không thơ, thậm chí là ngày của máu, của nước mắt, lại có ảnh hưởng lớn đến nền thi ca của dân tộc. Chẳng hạn như ngày 2/9, ngày 30/4 hay ngày 3/2...  

Tôi đến với ngày thơ bằng tâm trạng của người đi hội. Đã là đi hội thì phải thích thú, tò mò, phải vui và thưởng ngoạn... Hội nào mà chẳng phải tan, nhưng dư âm của nó thì là một cảm giác đẹp mà ai cũng muốn có. Nếu tôi đến với ngày thơ bằng tâm thức của một "mẹ chồng" xét nét... tôi sẽ chẳng thể nào hài lòng và luôn nhìn thấy khiếm khuyết. Điều quan trọng là anh đến sân Văn Miếu bằng tâm trạng nào. Lại nói leo các cụ: "Nhà có đám" thì phải biết lượng thứ nếu có điều gì sơ suất... Ngày thơ chẳng của riêng ai cả, nó chẳng cần phải làm vừa lòng một nhóm đối tượng nào. Đến vì yêu hay đến vì hiềm khích cũng đều được đón nhận cả thôi. 

Còn nói về sự phát triển của thơ trẻ hiện nay ư? Rất tiếc, tôi xin im lặng. Bởi vì, tôi nghĩ, chỉ có thơ hay và thơ dở. Không có thơ trẻ và thơ già, thậm chí không có nhà thơ trẻ và nhà thơ già mà chỉ có nhà thơ mà thôi. Chúng ta nên gọi Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương... là nhà thơ gì thì chuẩn? Tôi đã từng nói vui rằng tôi có biết một chàng thi sĩ sắp 80 Lê Đạt và một cụ bà "ngoại nhị tuần" Vi Thuỳ Linh. Tôi đã từng có lúc lầm tưởng "trẻ" là một giá trị của thơ nhưng hoá ra điều đó chỉ có ý nghĩa với chính nhà thơ trong một giai đoạn cuộc đời mình. Nhà thơ không phải con cháu ông Bành Tổ nên sự sống của họ nằm ngoài cái chết vật chất. Mạn phép các đồng nghiệp, tôi nì nèo mọi người: "Xin đừng miệt thị chúng tôi là những nhà thơ trẻ". Chừng nào có ai trong chúng tôi biết khóc bằng giọng của mình, hãy làm giấy khai sinh cho chúng tôi nhập tịch khu tập thể thi nhân Việt Nam. Chừng nào được "rụng rốn trẻ" chừng đó chúng tôi được sống và viết tiếp! Mười bảy tuổi, Chế Lan Viên, Huy Cận bước vào thi đàn ngạo nghễ, lấp lánh. Còn chúng tôi trên dưới "băm" cả rồi mà vẫn run run trên tay tấm tích-kê "có triển vọng" xếp gạch" dài hơn mua chất đốt thời bao cấp. Đấy có thể gọi là "sự phát triển" được không?

  • Bích Hạnh (Thực hiện)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Mới mẻ, sáng tạo hay lại về... ''lối cũ''? (04/02/2004)
Độc đáo tiệc buffet... chay! (04/02/2004)
Bánh tẻ làng Chờ (03/02/2004)
Đoan Trang mừng sinh nhật bằng album 4 mùa cho tình yêu (03/02/2004)
Cánh chim đầu đàn của núi rừng Tây Bắc (03/02/2004)
Tìm đọc sách "Nhớ Phùng Quán" (02/02/2004)
Đêm nhạc “Điện Biên - thiên sử vàng” (31/01/2004)
Khám phá “Bí ẩn dưới cánh rừng già” ra mắt bạn đọc (31/01/2004)
Lắng nghe "Những ca khúc bất hủ" (31/01/2004)
Hâm nóng không khí âm nhạc Hà Nội với ''Nhịp xuân xanh'' (29/01/2004)
Thực đơn dân tộc trong tiệc buffet (29/01/2004)
Gặp ''người buồn đếm lối gió trời''... (29/01/2004)
''Bóng cây Kơ nia"- Album chào Xuân của ca sĩ "Sao Mai" Phương Nga (28/01/2004)
Vũ Bằng và "Miếng lạ", "Món ngon" (28/01/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang