(VietNamNet) - Cũng như Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Tô Hoài... vốn được coi là những "chuyên gia sành điệu" trong lĩnh vực ẩm thực, cảm nhận của nhà văn Vũ Bằng về cái ngon, cái lạ của món ăn cho thấy một tâm hồn, một nỗi lòng và tình cảm dân tộc, quyến luyến trân trọng với những tinh hoa của ông bà để lại.
|
Cốm Vòng |
Ðọc " Miếng ngon Hà Nội" (NXB Văn học, 1990), mới hay cuốn sách đâu chỉ viết về miếng ngon mà còn nói với chúng ta nhiều hơn về Hà Nội, về đất nước. Mô tả món ăn mà như thơ, nghe nói về món ăn mà như thấy từng nét quê hương, từng nỗi lòng đau đáu...
Trong bài "Cốm", Vũ Bằng nhận xét: "Mỗi khi thấy mây thu phủ ngang trời, người ta gặp nhau ở chợ vẫn thường chỉ nói một câu: Bây giờ ở Hà Nội là mùa cốm! Thế rồi nhìn nhau không nói gì nữa, nhưng mà ai cũng thấy lòng ai chan chứa biết bao buồn...". Một câu nói ngổn ngang, chất chứa trong lòng người Hà Nội tha phương, nghe sao mà tha thiết thế: "Bây giờ ở Hà Nội là mùa cốm".
Nghệ thuật ăn còn là nghệ thuật sống. Ăn một miếng ăn cũng phải cùng với thời tiết: chả cá thưởng thức vào những buổi tối mưa sa gió lạnh và bánh đúc chấm tương, cái món ăn bình dân ấy mà ăn vào buổi trưa hè thanh nhã, xa xa có tiếng ve kêu rền rền thì ăn hoài không biết chán. Món rươi tháng chín đến cùng với "Mấy hạt mưa tím bỗng dưng trút xuống hắt hiu để người ta ngỡ là rét đã về".
Sau này, gặp lại ông trong "Thương nhớ Mười Hai" (NXB Văn học, 1993), bạn đọc sẽ gặp những sản vật từng tháng ở miền Bắc nước ta. Ðó là "Tháng Giêng mơ về trăng non rét ngọt" có cà om với thịt thăn điểm. Những là tía tô thái nhỏ hay bát canh trứng cua vắt chanh ăn mát như quạt vào lòng. "Tháng Ba, rét nàng Bân" ăn rau cần xanh ngắt. Tháng Tư, mơ đi tắm suối Mường "thưởng thức trứng nhạn Hang Mai, vải Tiên Hưng, cà Nghệ muối, chè bà cốt (Tháng Tư đong đậu nấu chè). "Tháng Năm, nhớ nhót, rượu nếp và lá móng" có bánh tôm, bỏng bộp, bồ quân. "Tháng Sáu, thèm nhãn Hưng Yên" về Thất Khê ăn mận vừa giòn vừa thơm vừa ngọt; na (mãng cầu) ngon thì có ở Phủ Lý, Láng; về vùng Bắc Giang, Hà Ðông vào Vân Ðình, Hương Tích (Chùa Hương), Ðọi Ðiệp, chợ Ðân, chợ Kẹo để thưởng thức món "cá rô don", ăn ngon hết ý...
Không chỉ viết về những món ăn miền Bắc, Vũ Bằng còn lịch lãm về "Miếng lạ miền Nam" (NXB Văn học, 1994).
Bằng lối kể chuyện nhẹ nhàng duyên dáng, lôi cuốn, tác giả đã cho chúng ta "thưởng thức" những món ăn đồng nội của miền Nam. Mỗi món ăn ngoài cách chế biến, Vũ Bằng còn giới thiệu lai lịch, tên gọi, những câu chuyện lý thú xung quanh các món ăn.
Rùa thì có rùa núi, rùa sông, rùa sình và rùa biển. Về món ăn thì có rùa xé phay, rùa hấp cách thủy, những ngon nhất là canh rùa. Trứng rùa luộc ăn vào vừa bùi, vừa thanh, ngon tuyệt trần!
|
Tác phẩm của Vũ Bằng |
Về An Giang ăn chuột đồng được chế biến ra hơn chục món, món nào ăn cũng lạ, hương vị khác nhau, nào là chuột lá lốt, chuột cuốn, chuột xé phay, chuột lúc lắc, chuột nướng, chuột xào bầu, chuột xào rau mò om, chuột kho... còn có khô chuột, mắm chuột.
Ðuông bắt được trong cây chà là, cây rau, cây dừa hoặc nuôi trong cây mía, song phải dùng một bữa đuông cặp nướng hay đuông chiêm bơ và nhấp nháp với một vài ly rượu chát trắng nhẹ, một vài ly rượu cúc nhẹ thì mới thấy được cái ý vị của món ăn dân dã miền Nam.
"Ồ, tại sao lại thế? Thì ra ngon hay không là ở tự lòng mình. Chưa chắc món ngon miền Nam bây giờ khác trước, nhưng người xa nhà cảm thấy ngon lành khác trước, có lẽ vì bây giờ y nhận thức được lòng thương yêu của những người ở chung quanh rõ rệt, đậm đà hơn trước..." (VB).
Ăn mà nghe thấy tiếng nói của hồn quê, ăn mà con tim thấy rưng rưng nỗi nhớ, ăn mà hiểu rõ cả cách chế biến và lai lịch của các nguyên liệu nhà bếp, thì đấy chính là Vũ Bằng!
|