Kỷ niệm 38 năm ngày mất Nguyễn Bính (20/01/1966 – 20/01/2004)
Nhớ nhà thơ "chân quê"
00:11' 21/01/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Xuân về, nhớ ngày ra đi cách đây đã 38 năm của nhà thơ Nguyễn Bính, VietNamNet xin giới thiệu thêm thông tin sau sự ra đi đột ngột của nhà thơ Nguyễn Bính qua hồi ức của ông Tân Thanh...

 
Nhà thơ Nguyễn Bính.

1. Vài nét về tiểu sử:

 

Nguyễn Bính tên thật là Nguyễn Bính Thuyết, sinh năm 1918 tại làng Thiệu Vịnh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Thuở nhỏ, Nguyễn Bính học ở quê nhà với cha và cậu. Ông biết làm thơ từ năm 13 tuổi. Năm 1937, tập thơ Tâm hồn tôi được Tự lực Văn đoàn trao giải. Năm 1945, Nguyễn Bính vào Nam bộ. Cách mạng tháng Tám bùng nổ rồi kháng chiến chống Pháp, ông ở lại tham gia kháng chiến ở Nam bộ. Phụ trách Đoàn Văn hóa Cứu quốc tỉnh Rạch Giá. Sau đó, ông chuyển sang công tác ở Ban Văn nghệ khu Tám, sáng tác thơ, viết truyện ký và tùy bút. Năm 1954, Nguyễn Bính tập kết ra Bắc, tiếp tục sáng tác. Năm 1956, ông chủ trương báo Trăm hoa. Cuối đời, ông sống ở Nam Định.

 

2. Di sản văn học:

 

Bút tích về bài thơ Bạch Đào của nhà thơ Nguyễn Bính.

Tác phẩm: Tâm hồn tôi, 1940; Lỡ bước sang ngang, 1940; Hương cố nhân,1941; Một nghìn cửa sổ, 1941; Người con gái ở lầu hoa, 1942; Mười hai bến nước, 1942; Mây Tần, 1942; Kịch thơ Bóng giai nhân (soạn chung với Yến Lan, 1942); Tập thơ yêu nước, 1946; Sóng biển cỏ; Ông lão mài gươm, 1947; Đồng Tháp Mười, 1955; Trả ta về, 1955; Gửi người vợ miền Nam, 1955; Trông bóng cờ bay, 1957; Tiếng trống đêm xuân, 1958; Tình nghĩa đôi ta, 1960; Đêm sao sáng, 1962… Tuyển tập Thơ Nguyễn Bính.

 

Thời gian ở R (Trung ương Cục miền Nam) Nguyễn Bính đã sáng tác bài thơ Tiểu đoàn 307 được nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc và lập tức gây tiếng vang lớn khắp miền Nam và lan rộng ra cả nước…

 

 

3. Từ trong văn học ra với đời thường qua các trang viết nhận định:

 

Kịch thơ Bóng giai nhân (soạn chung với Yến Lan, 1942) nói về người tráng sĩ trong kịch thơ ít nhiều mang dáng dấp cái tôi của Nguyễn Bính: “Tráng sĩ được người thợ rèn đúc cho một thanh gươm báu, nhưng buộc phải hứa rằng sẽ thử gươm bằng cách chém đầu người nào mình gặp đầu tiên. Nhưng éo le thay, người mà tráng sĩ gặp lại là… một giai nhân! Tráng sĩ có chém không! Người đã từng viết câu Tôi rờn rợn lắm giai nhân ạ, chỉ có thể trả lời câu này bằng cách buông màn kịch”. (theo lời Hoài Anh).

 

“Bằng cái nhìn tinh tế, say đắm, ông nhận ra cái hồn quê sâu đậm ẩn chứa trong thiên nhiên cảnh vật. Những hình ảnh làng quê trong thơ Nguyễn Bính không chỉ ở mức tả mà cũng có hồn, có khả năng làm rung động người đọc… Tâm hồn dân tộc, giọng điệu dân tộc là chất men để thơ ông thấm sâu vào trí nhớ người đọc… Ông có sở trường về lục bát và đưa thêm vào lục bát cổ truyền cái bản sắc của Thơ Mới: những hình ảnh lạ, những từ ngữ mới và một nỗi buồn man mác của tâm hồn lớp người tiểu tư sản những năm trước cách mạng… Đọc thơ Nguyễn Bính, không ít chúng ta được sống lại với những cảnh sắc mơ mộng của một thời, bây giờ đã trở thành kỷ niệm, với những số phận ngang trái, bi thảm, xót xa. Chúng ta càng tiếc thương một tài năng mà luôn phải lận đận với những nghiệt ngã… Đằng sau những câu thơ “nát lòng” ấy là một tinh thần nhân văn đáng trân trọng...” (Lời giới thiệu, Tập thơ Nguyễn Bính, NXB Giáo dục, H.1992).

 

Lê Đình Kỵ trong “Thơ Mới – Những bước thăng trầm”, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1993 đánh giá: “So với các nhà thơ lãng mạn trước cách mạng, Nguyễn Bính đứng riêng một cõi. Nếu có lẫn lộn thì chỉ lẫn lộn với các tác giả vô danh từ bao đời đã chung sức làm nên kho tàng vô giá của ca dao dân tộc. Thật vậy, nổi bật lên ở thơ Nguyễn Bính là phong cách ca dao, ở cả tư duy lẫn cảm xúc, ở cả ý, tình, điệu… những tình cảm gắn bó những người trong công xã tự bao đời nay được thức dậy thầm thì trong ta mỗi khi đọc thơ Nguyễn Bính… Thơ Nguyễn Bính ngay từ đầu đã có một công chúng rộng rãi vì anh vừa là người của truyền thống, vừa là của thế hệ mình. Phải chăng phần truyền thống chỉ thấy ở thơ lục bát, còn phần hiện đại là nằm trong những bài thuộc thể thơ mới? Không hẳn thế. Chất ca dao dễ thấy trong thơ lục bát, nhưng lại được viết ra trong không khí lãng mạn của thơ ca đương thời…

 

… Có lẽ trong thơ ca Việt Nam không có bài thơ Nôm nào hay hơn, đúng hơn về Lòng mẹ… Cuộc đời phong trần, phiêu bạt, không nghề nghiệp, không gia cư không khỏi để lại ít nhiều dư vị đắng cay, khinh bạc, có lúc bi thảm, như ở bài Hành phương Nam… Nhưng đó không phải là phần chính trong thơ Nguyễn Bính… Thơ Nguyễn Bính len lỏi vào tận nông thôn, đi vào lời ru tiếng hát của những tâm hồn bình dị - là điều mà thơ mới, tuy tứ thơ, hình ảnh, ngôn ngữ có thể tài tình, đột xuất hơn, nhưng hiếm hoi lắm mới đạt tới được”.

 

Trong phong trào Thơ Mới, nhiều nhà thơ “cởi trói” phong vị thơ Đường thì Nguyễn Bính lại giữ “quê nhà” với hàng ngàn bài thơ được sáng tác trong khói lửa chiến tranh, đậm đà hương vị dân dã của làng quê Bắc bộ lẫn vào Nam bộ nhưng vẫn giữ đậm bản sắc rất riêng Việt Nam. Và đó cũng là thần bút của Nguyễn Bính đã tạo nhiều đồng cảm nhiều người đọc nhất là các nhạc sĩ đã phổ thơ thành công các bài như: Cô hái mơ, Cô lái đò, Người hàng xóm… cũng chính là vì vậy.

 

Nhà văn Sơn Nam đã kể lại kỷ niệm cùng nhà thơ Nguyễn Bính trong một lần trò chuyện (lược trích trong Tập san Văn, số ra ngày 14/6/1966, Sài Gòn) như sau: "Về những bài thơ do anh sáng tác thời tiền chiến, anh bảo: "Vài bài thơ… tuyệt diệu, thế thôi. Chẳng có bài nào toàn bích".  "Anh cho thí dụ thử coi". "Tôi thích nhất hai câu, trong bài Buồn Ngự viên: Sớm Đào, trưa Lý, đêm Hồng phấn/Tuyết Hạnh, sương Quỳnh, máu Đỗ Quyên. Làm văn nghệ khó lắm". "Tại sao khó?". "Có nhiều ý, nhiều chữ quá tuyệt diệu mà người khác đã cướp mất nước mình. Mình chỉ nhắc lại mà thôi".

 

Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam nhận định về Nguyễn Bính có lẽ từ trước đến nay chưa một ngòi bút nào vượt qua, ông ví  “quê mùa như Nguyễn Bính” là hoàn toàn chính xác.

 

Trong tập Chân dung văn học, nhà thơ Hoài Anh đã nhận định Nguyễn Bính là “Người tráng sĩ cuối cùng của thơ Việt”, vì “nếu chỉ coi cái chân quê, cái tâm hồn bình dị chất phác của người nông dân là đặc trưng của hồn thơ Nguyễn Bính thì chưa đủ. Tâm hồn ông rắc rối, phiền toái hơn nhiều. Ông sinh trong gia đình nhà nho lỡ thời, bản thân lại mang cốt cách lạc phách giang hồ kiểu Đỗ Mục, tác giả câu thơ Thập niên hốt giác Dương châu mộng, Doanh đắc thanh lâu bạc hạnh danh mà Chu Mạnh Trinh đã dịch rất đạt ra tiếng Việt Mười năm tình mộng châu Doanh, Hời thêm một tiếng lầu xanh phụ phàng. Nhưng sống trong hoàn cảnh mất nước, ông cũng ôm ấp tráng chí như kẻ sĩ thời Chiến Quốc, không nơi thi thố nên đành bất đắc chí thuốc lào hút mãi người ra khói, thơ đọc suông tình hết cả hay, nét chủ đạo trong thơ ông trước 1945 là thuộc dòng thơ bi tráng của Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, chứ không phải dòng thơ điền viên của Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân”.

 

4. Một vài giai thoại về Nguyễn Bính:

 

Nguyễn Bính tuy làm thơ mang chất “chân quê” nhưng con người lại rất hiện đại và nhân hậu. Nhiều giai thoại về ông đã được nhiều văn nghệ sĩ ghi lại, nhất là ông làm thơ có tiền nhuận bút để “đối ẩm”. Trong đó, có giai thoại nói ông đã từng nằm dưới chân Cầu Bông, Đa Kao năm 1943 (nay tọa lạc tại đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh) cùng với một số văn nghệ sĩ khác, nằm ngắm trăng sao thiên nhiên mà cám cái cảnh tha hương qua bài thơ Hành phương Nam:

 

Ta đi nhưng biết về đâu nhỉ

Đã dấy phong yên lộng bốn trời

Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ

Uống say mà gọi thế nhân ơi!

…Người sang bên ấy sao mà lạnh

Nhịp phách ta về lạnh mấy mươi!

 

Theo nhà thơ Hoài Anh cho biết: Vở kịch Cô Son được Nguyễn Bính viết khi ông về quê nhà công tác, đời sống lúc đó có nhiều khó khăn, nên ông và anh Việt Dung bàn nhau mời Nguyễn Bính viết một vở kịch để nhà thơ có tiền nhuận bút chi dùng trong gia đình. Ông đọc cuốn Cổ tích và thắng cảnh Thủ đô của cụ Doãn Kế Thiện và rút từ đó ra chuyện Cô Son để viết thành một vở kịch thơ. Đáng tiếc đã bị thất lạc, nếu còn chúng ta có thêm một di sản của Nguyễn Bính. 

 

5. Xung quanh sự ra đi đột ngột của nhà thơ Nguyễn Bính:

 

Ngày xuân về, nhớ ngày ra đi cách đây đã 38 năm của nhà thơ Nguyễn Bính, VietNamNet xin giới thiệu thêm thông tin sau sự ra đi đột ngột của nhà thơ Nguyễn Bính qua hồi ức của ông Tân Thanh cùng với những kỷ niệm về nhà thơ Nguyễn Bính qua bài viết “Những tháng ngày cuối cùng của Nguyễn Bính” (Phụ bản Thơ báo Văn Nghệ quý I/2003) về cái chết đột ngột của nhà thơ tài hoa Nguyễn Bính như sau:

 

“Hôm ấy là đêm 30 Tết Bính Ngọ, tôi định đi làm thịt chung. (Ở quê tôi những nhà khá giả ăn Tết là chung lợn mỗi nhà một đùi). Bác Bính bảo “Chú ở nhà ăn với anh bát cơm đã”. Nể anh tôi ở lại ăn bát cơm với cá kho (chứ có rượu chè gì đâu). Ăn xong Nguyễn Bính rút rút cái khăn mặt vắt lên vai lò dò ra sân rồi bước xuống cầu ao rửa tay. Tôi đang ngồi trong nhà bỗng nghe tiếng gọi: “Tân Thanh ơi!” Tôi chạy vội ra ngõ thì nhìn thấy Nguyễn Bính gục xuống cạnh hố vôi dưới gốc cây mít. Tôi vội vàng bế thốc bác lên, thấy mồm bác đầy máu. Sợ quá tôi liền chạy sang hàng xóm gọi hai người là anh Huê và anh Đáp thuê họ đưa bác đi bệnh viện gấp. Từ nhà tôi tới bệnh viện mất khoảng 2 cây số nên khiêng một tiếng mới ra đến nơi. Thấy khiêng Nguyễn Bính đến, mọi người trực ở bệnh viện đón tiếp ngay. Vì bác đã từng nằm ở đó mất 3 ngày cho nên họ quen cả, nhất là các y sĩ, y tá vì ai cũng thuộc thơ Nguyễn Bính – mấy hôm trước họ đã phục vụ bác và bác viết vào sổ nhật ký bệnh viện mấy dòng “ba cảm”: Cảm ơn, cảm tạ, cảm tình.

 

Bấy giờ cả bệnh viện không có bác sĩ mà chỉ có một y sĩ là chị Nguyễn Thị Nữ, chị này rất thích thơ của Nguyễn Bính. Khám cho Nguyễn Bính, chị Nữ bảo tôi: “Anh ấy chết rồi, cậu tìm cơ quan và gia đình anh ấy lên đây nhận xác”. Nghe chị Nữ, tôi xuống bưu điện huyện gọi điện về Ty Văn hóa và huyện Vụ Bản báo tin cho Trúc Đường – anh trai Nguyễn Bính, sau đó tôi tìm vào UBND huyện Lý Nhân gặp được anh Nguyễn Văn Hương - Ủy viên Ủy ban, anh Hương bảo tôi về báo với Ủy ban xã. Theo lời anh Hương, tôi ra nhà anh Tư Chủ tịch xã báo tử.

 

Thấy bác Bính chết đột ngột tôi sợ lắm, may mà mấy hôm trước Bính đã nằm bệnh viện cho nên họ đã biết được tình hình sức khỏe của bác rồi. Bác được nằm ở đây tôi yên tâm lắm vì không sợ bị vu oan, vì hồi cải cách, làng tôi có người chết đột ngột và đã bị vu oan là giết cán bộ bị tù đày. Ngày ấy vợ tôi ốm nặng, thương bạn, thương vợ tôi phải thay tôi đi chia thịt Tết cho lối xóm. Mang thịt lợn về thì bác Bính mất rồi làm gì được ăn, thế mà có kẻ bảo bác say rượu lòng lợn tiết canh chết, thật oan cho bác Bính. Bác  đã trông thấy miếng thịt nào đâu mà đã chết, còn tôi một hớp rượu cũng không uống được.

 

Nguyễn Bính mất tại bệnh viện Lý Nhân mà chỉ có thầy thuốc nhân viên bệnh viện ở bên thi hài bác. Sau này tôi mới biết bệnh viện Ủy ban xã tôi mua vải và áo quan khâm liệm cho Nguyễn Bính. Mãi tới ngày mồng 2 Tết tôi mới thấy ông Trúc Đường và con gái đạp xe vào nhà tôi, người nào cũng lấm như ma lem vừa rét run cầm cập… Trúc Đường hỏi tôi về cái chết của Nguyễn Bính, tôi tường thuật và nói cho ông biết thi hài bác Bính hiện ở ngoài bệnh viện. Trúc Đường bảo, "có lẽ họ đưa nó đi rồi, vừa rồi bố con tôi thấy có một cái xe ô tô có người lố nhố rẽ xuôi về đường Nam Định lúc tôi rẽ vào nhà chú"…. Sau gần một tuần Trúc Đường lại đạp xe lên nhà tôi thông báo: “Mình về nghĩa trang Cầu Họ thì Ty Văn hóa an táng nó ở đấy rồi. Hội Nhà văn có Tô Hoài và Yến Lan xuống. Mình cho họ ảnh và bài thơ Quê hương của Bính để báo Văn nghệ  cáo phó. Sau đấy một tuần, bưu điện xã đưa báo tháng cho tôi, tôi nhận báo Văn nghệ, giở xem thấy cáo phó in ảnh và bài thơ Quê hương nói là bài thơ cuối cùng của Nguyễn Bính tôi mới lại càng hối hận vì không kịp chép bài thơ mà bác sáng tác trước khi chết.

 

Một chiều Mạc Hạ gió hiu hiu

Tôi đến nơi đây một buổi chiều…

 

Không biết còn những gì nữa nhưng Nguyễn Bính bảo đây là bài thơ hay của mình, nó như cái thần đã ám ảnh suốt đêm mình không ngủ để làm nó. Nguyễn Bính mất rồi nhưng hình ảnh bác lúc rút chiếc khăn mặt vắt lên vai, lưng gù gù, đầu húi cua cúi xuống cầu ao nhà tôi rửa tay tôi còn nhớ rõ…”.

  • Nguyễn Tý  
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
VCD thơ đầu tiên ''Tết của mẹ tôi'' (20/01/2004)
Tháng Giêng du xuân cùng lễ hội (20/01/2004)
VCD Làn sóng xanh 2003 (20/01/2004)
Bánh cuốn Kim Long (20/01/2004)
Nộm đu đủ bò khô (20/01/2004)
Giò xào (20/01/2004)
Giò chả Ước Lễ (20/01/2004)
Tôm chua Huế (20/01/2004)
Sửa soạn cho lễ cúng ngày 30 tết (20/01/2004)
Hà Nội: Vui chơi Tết ở đâu? (19/01/2004)
Phim Tết ngoài rạp (19/01/2004)
Xôi Phú Thượng ở một góc nhỏ Hà thành (18/01/2004)
Có một Tết lạ ở Đầm Sen (18/01/2004)
Đón Tết tại khách sạn: vui như ở nhà (17/01/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang