Tháng Giêng du xuân cùng lễ hội
19:14' 20/01/2004 (GMT+7)
Hát quan họ

(VietNamNet) - Mùa xuân là mùa của Lễ hội. Tháng Giêng là tháng khởi đầu của mùa Xuân nên rất nhiều lễ hội diễn ra vào thời gian này. VietNamNet xin giới thiệu một số lễ hội tiêu biểu với bạn đọc.

Hội đền Cửa Ông: từ mùng 2 đến hết tháng Ba

Lễ hội diễn ra tại đền Cửa Ông, thị xã Cẩm phả, tỉnh Quảng Ninh để tưởng để nhớ tướng quân Trần Quốc Tảng, con trai thứ 3 của Trần Hưng Ðạo, người có công đánh giặc cứu nước vào thế kỷ 13. Ðền có 3 khu: đền Hạ, đền Trung và đền Thượng tạo thành quần thể kiến trúc hình chân vạc trông ra vịnh Bái Tử Long hùng vĩ.

Ðền Cửa Ông có tiếng linh thiêng từ khi mới chỉ là một thảo am dưới gốc cây cổ thụ bên bờ cửa Suốt. Vào mùa hội, đền Cửa Ông nườm nượp du khách từ khắp mọi miền đất nước. Khách đến dự hội có thể đi bằng đường bộ qua thành phố Hạ Long, cũng có thể đi bằng đường thủy ven vịnh Hạ Long, qua vịnh Bái Tử Long đến sát cửa đền Hạ.

Hội xuân Núi Bà Đen: từ những ngày đầu năm mới đến tháng Hai

Núi Bà Đen thuộc tỉnh Tây Ninh. Ðây là lễ hội đông vui nhất trong vùng. Lễ hội diễn ra trong không khí đầu xuân (sau tết Nguyên Ðán) thời tiết khô ráo, cảnh vật trên núi rất đẹp. Nhiều khách hành hương về đây cúng lễ, cầu một năm an khang thịnh vượng, nhưng cũng có rất đông du khách đến chơi xuân, vãn cảnh... Núi Bà - thường được gọi là Núi Bà Ðen do truyền thuyết, có một người con gái tên là Ðênh (sau gọi chệch sang là Ðen) sùng phật đạo, con một viên quan trấn thủ người Miên. Do từ chối ép duyên với con quan trấn vùng Trảng Bàng, nàng Ðênh bỏ nhà trốn lên núi xuất gia cầu đạo và chết ở đó. Sau này triều đình nhà Nguyễn đã cho đúc tượng đồng đen và sắc phong cho bà là "Linh Sơn Thánh Mẫu".

Hội Ðống Ða: mùng 5 

Ðịa điểm tại gò Ðống Ða, Hà Nội. Ðây là lễ hội kỷ niệm chiến thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) của vua Quang Trung, giải phóng Thăng Long (nay là Hà Nội). Lễ hội là dịp nhân dân tỏ lòng thành kính tiếc thương những người đã hy sinh trong chiến trận. Lễ hội có lễ rước rồng lửa.

Hội vật võ Liễu Ðôi: từ mùng 5 đến mùng 10 

Làng Liễu Ðôi thuộc xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Lễ hội được tổ chức để kỷ niệm Thánh Ông (một người họ Ðoàn, đã có công chiến đấu chống ngoại xâm phương Bắc, đồng thời là ông tổ của vật võ).

các lễ hội khác, vật võ chỉ là trò vui thể thao thì trong lễ hội Liễu Ðôi này, vật võ lại là nội dung chính của ngày hội. Mở đầu là nghi thức Rước Thánh vào dóng. Lễ rước nghiêm trang đậm tinh thần thượng võ. Tiếp theo là lễ Phát hỏa. Một ngọn lửa thật sáng được đốt lên, ông Trùm trao gươm và khăn đào cho một đô vật danh dự (lễ này gọi là lễ trao gươm và thắt khăn đào). Cuối cùng là lễ Thanh động còn gọi là "lễ múa cờ tụ nghĩa". Sau nghi thức long trọng, cuộc vật võ bắt đầu. Có hai em bé trai được làng cử ra vật năm keo để trình làng (gọi là lệ năm keo rốt), tiếp theo là các đô vật của Liễu Ðôi giao đấu trước, sau đó là đến các đô vật ở các nơi đến tranh tài.

Hội đua trải đầu năm: mùng 6  

Hội đua trải

Bơi trải là một lễ hội dân gian được tổ chức vào đầu mùa xuân, từ thế kỷ 15 đã thấy xuất hiện. Đây là một phần trong nghi lễ cầu mưa, cầu ngư mong muốn có một vụ mùa thắng lợi.

Tục đua trải hàng năm tại sông Hương (bến Phu Văn Lâu) do triều đình tổ chức nhân dịp xuân về cũng có nghi lễ cúng bái trước khi ra lệnh xuất phát cuộc đua. Chủ lễ là một đại thần, bàn hương án được lập ngay trước về trung tâm (về rốn) nơi các trải đầu tiên sẽ bơi ra rồi lộn về trước khi thắng tiến.

Cuộc đua luôn hấp dẫn, thể hiện tài năng, khéo léo cùng kinh nghiệm của những con người theo nghề sông biển ở Thừa Thiên Huế ngày xưa cho đến hiện tại. Lễ hội do Sở VH-TT Thừa Thiên Huế tổ chức, sẽ diễn ra vào mùng 6 tháng Giêng tại thị trấn Lăng Cô.

Hội chùa Hương: từ mùng 6 đến 18 tháng Ba

So với các lễ hội truyền thống của Việt Nam thì hội chùa Hương là lễ hội có thời gian dài nhất, diễn ra trong không gian rộng nhất, thu hút người dự hội đông nhất. Ðây là lễ hội được cả nước ngưỡng mộ. Ðịa điểm thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Ðức, tỉnh Hà Tây. Trẩy hội chùa Hương là dịp du khách đến nơi cửa Phật mong gột rửa những phiền muộn chốn phàm trần, cho lòng mình thanh thản; mặt khác cũng là dịp vãn cảnh đẹp của núi rừng, hang động, suối khe với những ngôi chùa nằm rải rác trong cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Con người hoà nhập với thiên nhiên, ai cũng như được khoẻ ra, cầu mong may mắn và hạnh phúc sẽ đến với mỗi người.

Hội đền Cổ Loa: từ mùng 6 đến 16

Ðịa điểm tại đền An Dương Vương, huyện Ðông Anh, Hà Nội để tưởng nhớ Thục Phán An Dương Vương vị vua kế vị vua Hùng thứ 18. Trong hội có cử hành đám rước thần lớn của 12 xóm và nhiều trò chơi dân tộc như đu tiên, thổi cơm thi, hát ca trù, hát chèo... Tương truyền ngày 6 là ngày sinh của Công chúa Mỵ Châu.

Hội vật võ Làng Sình: mùng 10 

Làng Sình nằm ở bờ nam sông Hương thuộc huyện Hương Phú, tỉnh Thừa Thiên Huế. Vào ngày hội hàng nghìn thanh niên trai tráng từ mọi nơi đổ về dự hội, đấu vật, so tài đọ sức. Lễ hội mang tính thượng võ. Đây là Lễ hội truyền thống tiêu biểu của Thừa Thiên Huế. Năm nay, Sở VH-TT Thừa Thiên Huế sẽ tổ chức Lễ hội rất quy mô.

Hội Lim: ngày 13

Dù có nhiều trò chơi trong Lễ hội ngày Xuân như nhiều hội khác, nhưng phần đông du khách đến Hội Lim là để thưởng thức những canh hát Quan họ. Tề tựu về đây là các liền anh liền chị từ khắp các làng Quan họ. Lễ hội thường bắt đầu từ ngày ngày 11 và 12 tháng Giêng, ở các làng thuộc thị trấn Lim, xã Nội Duệ và Liên Bão (huyện Tiên Du, Bắc Ninh). Nhưng ngày chính hội vẫn là ngày 13. Tham dự Lễ hội, du khách được thưởng thức những buổi hát giao duyên, thi hát đối của các liền anh, liền chị. Gần đây, trong những ngày Lễ hội, còn có cuộc thi Hoa hậu Hội Lim rất hấp dẫn.

Hộ Thổ Hà: ngày 21

Sau Hội Lim hơn 1 tuần, vào ngày 21 tháng Giêng, làng Thổ Hà - một trong ba trung tâm gốm nổi tiếng nhất trong cả nước (gốm Thổ Hà, Phù Lãng, Bát Tràng) cũng mở hội làng. Hội Thổ Hà có hai thứ đặc sản: hát quan họ trên sông Cầu, tại chùa làng và chọi gà.

Đến lễ hội này, du khách khắp nơi sẽ được thưởng thức cách chơi Quan họ của Thổ Hà với phong vị rất riêng, cùng những trận đá gà khốc liệt của những cặp gà của nhiều tỉnh thành đổ về cho đến ngày nay vẫn giữ được ít nhiều nét đặc sắc. Không những vậy, khách còn được chiêm ngưỡng những ngôi nhà cổ được xây bằng tiểu sành, những sản phẩm gốm sành được tạo bởi đôi tay tài hoa của các nghệ nhân làng gốm Thổ Hà xưa hiện còn được trưng bày tại ngôi đình làng thuộc loại đẹp nhất xứ Bắc... 

  • H.P (tổng hợp)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
VCD Làn sóng xanh 2003 (20/01/2004)
Bánh cuốn Kim Long (20/01/2004)
Nộm đu đủ bò khô (20/01/2004)
Giò xào (20/01/2004)
Giò chả Ước Lễ (20/01/2004)
Tôm chua Huế (20/01/2004)
Sửa soạn cho lễ cúng ngày 30 tết (20/01/2004)
Hà Nội: Vui chơi Tết ở đâu? (19/01/2004)
Phim Tết ngoài rạp (19/01/2004)
Xôi Phú Thượng ở một góc nhỏ Hà thành (18/01/2004)
Có một Tết lạ ở Đầm Sen (18/01/2004)
Đón Tết tại khách sạn: vui như ở nhà (17/01/2004)
TP.HCM: Đi đâu nghe nhạc ngày Tết? (16/01/2004)
Bánh đúc miền quê (16/01/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang