Tủ sách Tuổi mới lớn - hành trình đến con số 100
14:09' 02/01/2004 (GMT+7)
 

(VietNamNet) - Tính đến ngày 30/12/2003, Tủ sách Tuổi mới lớn của NXB Kim Đồng đã phát hành tròn 100 tập. Việc cho ra đời tủ sách này có thể coi là bước đột phá táo bạo của NXB Kim Đồng trên hành trình đi tìm độc giả, tạo “môi trường” viết cho những cây bút trẻ trên khắp mọi miền Tổ quốc.

 

Xung quanh những thành quả đáng khích lệ và một vài vấn đề còn tồn đọng của tủ sách, PV VietNamNet đã có cuộc trao đổi cùng anh Cao Xuân Sơn, người chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức bản thảo và biên tập các tác phẩm của tủ sách.  

 

Một trong những tác phẩm được bạn đọc yêu thích

- Thưa anh, anh có thể cho biết đôi điều về đội ngũ tác giả đã tham gia vào tủ sách Tuổi mới lớn?

 

- Kể từ khi xây dựng tủ sách này, ban biên tập đã tập hợp được một lực lượng cộng tác viên hùng hậu, đều khắp ở toàn bộ khu vực phía Nam. Tủ sách Tuổi mới lớn trở thành một địa chỉ gửi gắm tin cậy của những người viết cho thiếu nhi nói chung, cho tuổi mới lớn nói riêng lâu nay không tìm được “đầu ra” cho tác phẩm của mình. Nhiều cái tên từ lâu đã quen thuộc với độc giả học trò, nay hào hứng góp mặt: Bùi Chí Vinh, Lưu Thị Lương, Đinh Tiến Luyện, Nguyễn Thái Hải, Lê Minh Quốc, Nguyên Hương, Mường Mán, Nguyễn Đông Thức, Thuỳ An, Kim Hài, Trần Hoàng Vy, Trịnh Bửu Hoài, Lê Thị Thu Thuỷ, Dương Nữ Khánh Thương, Phong Điệp, Từ Kế Tường, Phan Hồn Nhiên, Dương Thụy, Thu Trân, Nguyễn Thu Phương, Trần Nhã Thụy, Hồ Thi Ca, Hồ Việt Khuê, Mai Bửu Minh… Đặc biệt với những cây bút trẻ yêu thích viết văn, từng có nhiều sáng tác đăng báo, tham gia những “bút nhóm” khác nhau nhưng chưa định hình tên tuổi, tủ sách Tuổi mới lớn ra đời  trở thành “sân chơi chung” tạo cơ hội để họ “trình làng” tác phẩm đầu tay của mình. Có thể kể ra nhiều cái tên còn rất mới  với độc giả đã có tác phẩm được chọn in trong tủ sách này trong hai năm qua: Liêm Trinh, Hoàng Lan Duy Linh, Nông Huyền Sơn, La Thị Ánh Hường, Nguyễn Thị Cẩm Châu, Đoàn Thị Phương Ái, Chu Quang Mạnh Thắng, Bùi Đặng Quốc Thiều, Ngọc Phụng, Võ Thu Hương, Hà Lê Song Anh, Phương Trinh, Trần Thị Huyền Trang, Trần Tùng Chinh, Đinh Nga, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Thị Hồng Thuý, Lê Thị Bích Khoa, Minh Nhật, Quân Thiên Kim…

 

- Độc giả đã đón nhận Tủ sách Tuổi mới lớn như thế nào, thưa anh?

 

Nguyễn Đông Phương và Nguyên Hương, hai tác giả đóng góp nhiều cho tủ sách Tuổi mới lớn. 

- Có thể nói, từ đầu năm 2003, khi phát hành định kỳ đều đặn mỗi tuần một tập (từ tháng 6/2003 tăng lên mỗi tuần 2 tập), tủ sách Tuổi mới lớn đã khai mở một “kênh” tác phẩm văn học trong nước “sạch” cho độc giả yêu văn chương tuổi học trò. Thời gian qua đã có khoảng 5 triệu độc giả, hầu hết là học sinh trung học, đến với tủ sách Tuổi mới lớn. Qua đó, có thể khẳng định rằng đối tượng độc giả của NXB Kim Đồng không còn bó hẹp ở lứa tuổi thiếu niên nhi đồng mà đã mở rộng hơn. Thêm vào đó, phải nói rằng việc phát hành truyện - văn - xuôi với mức giá của truyện tranh (5000 đồng/cuốn), là một chủ trương táo bạo của NXB Kim Đồng, đã giúp cho tác phẩm văn học đến với các em dễ dàng hơn.

 

- Là người biên tập chính cho tủ sách, anh có nhận xét gì về đề tài, nội dung trong các sáng tác gửi về? Số tác phẩm có nội dung  thực sự mới lạ, cuốn hút có nhiều không?

 

- Về mặt nội dung, đề tài, các tác phẩm trong tủ sách Tuổi mới lớn đã phản ánh một cách đa dạng, phong phú về cái thế giới vô cùng sinh động và không hề đơn giản của lớp học trò mới hôm nay. Hầu như tất cả các cung bậc tình cảm tuổi mới lớn đều có thể tìm thấy trong tủ sách này. Đặc biệt, tình bạn khác giới, tình yêu học trò trong sáng, thánh thiện nhưng cũng nhiều ngộ nhận và lắm rủi ro là mảng đề tài được các tác giả tập trung khai thác nhiều hơn cả, hầu như ở tất cả các tác phẩm. Không ít người đã có được những thành công nhất định. Một mặt, tác phẩm của họ đề cao vẻ đẹp lãng mạn của những mối tình học trò, cho dù đó là “học trò đại học”, mặt khác cũng lên tiếng cảnh báo, phê phán những ai coi thường những cạm bẫy, những vực thẳm chết người luôn rình rập lứa tuổi này… 

Quân Thiên Kim - cây bút trẻ triển vọng

Xét về tầm bao quát không gian, hầu như cuộc sống và gương mặt của học trò mọi miền đất nước đều hiện diện trong tủ sách: từ vùng rừng núi phía Bắc đến miệt vườn Nam Bộ, từ những trung tâm đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM đến vùng cao Tây Nguyên. Một số cuốn còn đề cập đến đời sống tuổi mới lớn đang… du học ở nước ngoài. Ngoài mảng đề tài quen thuộc về đời sống hiện tại, tủ sách cũng chú ý chọn in những tác phẩm viết về lịch sử, về truyền thống đấu tranh của dân tộc như bộ ba tác phẩm Cổ tích trong mưa, Mật sứ, Thuốc độc của tác giả Lâm Hà, hay Người khách lạ của Ái Duy viết về sự kiện Tết Mậu Thân 1968, một số tác phẩm đậm chất giả tưởng, phiêu lưu mạo hiểm như Hành trình xa thẳm của Vũ Đình Giang, Chiếc vòng đồng đen của Phan Hồn Nhiên… Có cây bút chuyên khai thác đề tài thể thao; hoặc về cuộc sống bên trời Tây của những bạn trẻ đi du học như Dương Thụy với Hai người đến từ phương xa; lại có người tỏ ra rất thích thú khi viết về tuổi mới lớn trong thế giới internet như Nguyễn Minh Giao. Thời đại thông tin và kỹ thuật số đã in đậm dấu ấn vào mỗi trang viết về tuổi mới lớn hôm nay. Riêng về điều này, các tác giả trẻ tỏ ra có ưu thế vượt trội so với lớp nhà văn có tuổi.

 

- Hình như tủ sách Tuổi mới lớn hơi “thiên vị” các cây bút phía Nam?

 

- Thực tế là lượng bản thảo gửi về chi nhánh chủ yếu là từ khu vực miền Trung và các tỉnh phía Nam. Mặc dù chúng tôi đã hết sức cố gắng liên hệ với các cây bút phía Bắc nhưng đến nay, tình hình cũng chưa cải thiện được. Do đó, nhìn vào danh mục, tủ sách Tuổi mới lớn có vẻ hơi “thiên vị” các cây bút phía Nam. Các tỉnh phía Bắc, lượng bản thảo gửi về còn khá thưa thớt. Điều này chứng tỏ tủ sách chưa đủ sức hấp dẫn bạn viết phía Bắc.

 

- Qua 2 năm “sát cánh” cùng tủ sách, theo anh đâu là những mặt chưa làm được của Ban biên tập?

 

Bộ truyện của tác giả Võ Phi Hùng dự định chuyển thể kịch bản phim.

- Thời gian đầu, do cả nể, xã giao, một số tác phẩm đưa vào tủ sách hơi gượng ép, không phù hợp với tuổi mới lớn. Một số cuốn cách viết không có gì mới, nội dung cũng khá nhạt nhẽo nhưng vì “ưu tiên vùng sâu vùng xa” mà người biên tập châm chước ít nhiều. Do chưa tổ chức được các cuộc giao lưu giữa tác giả với độc giả ở các địa phương, kể cả ngay tại TP.HCM nên sức lan toả của tủ sách đối với độc giả còn hạn chế. Một số tác giả gửi bản thảo tuỳ bút, phóng sự học đường, thơ… về xin tham gia vào tủ sách; một số “bút nhóm”, câu lạc bộ sáng tác ở các trường đại học, trung học đặt vấn đề muốn tủ sách Tuổi mới lớn tuyển chọn và in riêng một tập tổng hợp cả văn, thơ, nhạc… cho bút nhóm, câu lạc bộ đó. Chúng tôi đang rất lúng túng, hiện chưa biết xử trí ra sao… Số lượng bản thảo hiện nay chúng tôi đang có rất nhiều nhưng để chọn lọc được tác phẩm hay, có chất lượng thì không dễ chút nào.

 

- Anh có thể “bật mí” một chút về những tác phẩm mới sẽ “ra lò” trong năm 2004?

 

- Năm tới, chúng tôi cũng  chuẩn bị cho những kế hoạch “dài hơi”. NXB sẽ đầu tư cho bộ truyện dài 50 tập Sống sót vỉa hè của nhà văn Võ Phi Hùng, viết về những đứa trẻ lang thang, bụi đời. Có thể chúng tôi sẽ đưa các tác phẩm phóng sự, bút ký học đường, các sách dạy nội trợ, sống đẹp vào để làm phong phú, đa dạng thêm tủ sách. Một kế hoạch quan trọng nữa đó là chúng tôi sẽ tăng định kỳ phát hành lên 3 cuốn/tuần, trong đó có những bộ truyện hoàn toàn mới của Nguyễn Nhật Ánh, Bích Nga, mỗi bộ đều trên 20 tập.  

 

- Xin cảm ơn anh.

 

Một số đầu sách đã xuất bản:

 

 
 
 
 
 
 
 
 

 

  • Túc Hạnh
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi