Những người thắp lửa cho thơ!
14:39' 23/09/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Họ không phải là những nhà thơ hay ca sĩ, họ là những người muốn khơi dậy một nền âm nhạc truyền thống trong lòng mỗi con người. Điều đầu tiên họ làm là thành lập Câu lạc bộ Ca trù và Hát thơ Đại học Hùng Vương. Ban đầu CLB chỉ có vài người nhưng phát triển dần đến nay đã có trên mấy chục người… và họ muốn ươm mầm yêu thơ nhạc dân tộc ngay từ năm học đầu đời.

Sáng kiến cực kỳ hay…

Vừa qua, tập thể tác giả đề tài nghiên cứu cấp thành phố “Hát thơ - một phương tiện dạy học văn vần môn Tiếng việt lớp1” do cô Nguyễn Thu Thủy - giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm TP.HCM, Tiến sĩ Nguyễn Nhã - trường ĐH Hùng Vương đồng chủ nhiệm cùng với những cộng tác viên phối hợp chính như GS - TS Trần Văn Khê, GS Ngô Gia Hy, Thạc sĩ Ngữ văn Đinh Xuân Hảo… đã bảo vệ thành công đề tài với số điểm khá cao. Mục tiêu của đề tài là nhằm bổ sung phương tiện nghe để dạy văn vần: hát thơ trong chương trình Tiếng Việt lớp 1 sẽ giúp cho học sinh dễ cảm nhận nội dung bài học, mau thuộc bài,  chơi mà học, học mà chơi trên những làn điệu truyền thống của dân tộc, đồng thời đây cũng là vũ khí góp phần phòng chống văn hóa ngoại lai… Còn nhớ, những ngày mới manh nha ý tưởng đưa hát thơ vào lớp1, GS Hoàng Như Mai (Chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy Văn học TP. HCM) phát biểu trong đêm hát thơ “Ơn thầy” (tháng 11/2002) tại Business Club: “Sáng kiến của ông Nguyễn Nhã cực kỳ hay… Hiện nay môn Văn học đạt được mặt khoa học nhưng không đạt được yêu cầu về mặt nghệ thuật…Áp dụng được ý này, ta sẽ khắc phục được nhược điểm trên. Theo dự kiến, chương trình “Hát thơ lớp 1” sẽ được đưa vào thí điểm ở bốn trường  tiểu học ở bốn quận trên địa bàn TP.HCM vào giữa học kỳ 1 năm học này. 

“Thơ đã được hát từ lâu rồi!”

Lâu nay, chúng ta đã quen với các khái niệm như “ngâm thơ”, “nhạc phổ thơ”… Nói về khái niệm “hát thơ”, TS.Nguyễn Nhã cho biết: “Thơ đã được hát từ lâu rồi! Song, cái mới ở đây là từ “hát thơ” để chỉ một loại hình nghệ thuật mới, hầu đáp ứng nhu cầu của thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là góp phần cho giới trẻ có tinh thần trở về nguồn, sẵn sàng đón nhận một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. “Hát thơ” tức là thơ được hát với tất cả các làn điệu dân ca cũng như ca cổ ba miền, cùng được phụ diễn với những loại hình nghệ thuật âm nhạc, sân khấu truyền thống cũng như hiện đại”. Cũng theo TS Nguyễn Nhã, “Hát thơ là loại hình nghệ thuật hết sức mở và động, tập hợp các nghệ thuật âm nhạc truyền thống của ngàn năm trước và hướng tới ngàn năm sau”.

Những chặng đường…

Thực ra, trước lúc bắt tay vào nghiên cứu đề tài này, CLB Ca trù và Hát thơ ĐH Hùng Vương đã tổ chức nhiều buổi hát thơ như: “Chí nam nhi” tại NVH Thanh niên, “Tình yêu trong Truyện Kiều” tại Business Club… và được sự ủng hộ nhiệt tình của những người quan tâm. Tác giả Nông Tử Lệnh Anh trong bài viết “Dư âm còn đó” (Đại Đoàn Kết số 314) có đoạn: “…Hoạt động sáng tác của CLB Ca trù và Hát thơ ĐH Hùng Vương là một gợi ý đáng trân trọng về việc đưa âm nhạc truyền thống dân tộc vào trường học, đều này có ý nghĩa rất lớn trong chiến lược giáo dục đào tạo. Chương trình giảng dạy văn học ở các trường là mở cửa cho hát thơ vào nhà trường và chính hát thơ sẽ tạo cơ hội đưa âm nhạc dân tộc vào nhà trường. Hát thơ chính khóa hay ngoại khoá giúp cho giới trẻ nước ta cảm thụ và quý trọng hơn vốn văn hoá đồ sộ của dân tộc…”. Mặt khác, thiếu nhi Việt nam thường cảm nhận giai điệu thơ ca một cách tự nhiên theo nhu cầu vui chơi, ca hát… Những bài học theo thể văn vần (sách giáo khoa Tiếng việt lớp 1) với đặc trưng vần điệu chân phương, dễ hát theo tiết tấu tự nhiên. Điều này nếu khai thác phù hợp sẽ gây hứng thú, ấn tượng và các em có thể bắt chước nhanh. Từ đó hình thành một lối hát thơ cho thiếu nhi mang giá trị nghệ thuật dân tộc, có thể giúp học sinh học văn vần trong ca hát vui chơi. Từ lớp 1 rồi đến các lớp cao hơn sẽ tạo nên một dòng chảy văn hóa truyền thống dân tộc trong tâm tưởng các em. Và cứ thế sẽ truyền sang những thế hệ kế tiếp!

  • Hoàng Công Chương

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Hai nhà văn Việt Nam dự hội thảo quốc tế về tiểu thuyết của Kim Dung (17/09/2003)
Các nhà văn VN sẽ tham gia Hội chợ sách quốc tế tại Goothenburg (15/09/2003)
Xuất bản "Nhật ký trong tù" - bản viết tay của Bác (11/09/2003)
Sưu tầm gần 460 tác phẩm sử thi Tây Nguyên (10/09/2003)
"Để thành công phải biết từ chối những cuộc tiếp khách quá dài" (05/09/2003)
"Bill Clinton": Mối tình lãng mạn ở Đại học Yale (30/08/2003)
Phát động cuộc thi viết truyện ngắn cho thanh niên, học sinh, sinh viên (30/08/2003)
"Chúng tôi muốn mang đến cho độc giả Mỹ món ăn mới lạ" (26/08/2003)
Sách lậu càng nhiều, tiến trình hội nhập quốc tế càng chậm (26/08/2003)
Phê bình còn là một sân chơi thiếu luật (21/08/2003)
Hoàng Trần Cương viết tộc phả thành thơ (23/07/2003)
Vì sao hoạt động xuất bản liên tục gặp “sự cố”? (17/07/2003)
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton viết hồi ký (17/07/2003)
Nguyễn Ngọc Tư: "Tôi thèm ai đó 'quất' cho mình vài roi" (06/07/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang