(VietNamNet) - Báo Quân Đội nhân dân số 15121, ra ngày thứ sáu 6/6/2003 có in bài Trò chuyện văn chương: Cỗ xe thiếu đầu máy; đây là cuộc trao đổi giữa nhà thơ Trần Anh Thái với nhà văn Trung Trung Đỉnh, GSTS Trần Đình Sử và TS Nguyễn Đăng Điệp về vấn nạn phê bình văn học hiện nay. Tất cả sẽ chỉ là bình thường, nếu cuộc trao đổi về học thuật trên đây không đặt một đầu đề nghe khá lạ tai “Cỗ xe thiếu đầu máy” và những lời “cao quý“ hạ thủ “đối phương” cho sướng miệng, ví như bảo những người khác là “ứng xử thiếu văn hóa” hoặc “ma mãnh”, “bảo kê”...? Phàm người có văn hóa chẳng bao giờ dám rủa người khác là thiếu văn hóa trên báo cả.
Có thật nền phê bình văn học nước nhà đang như một cỗ xe nằm chết dí vì nó thiếu đầu máy (là thiếu cái đầu hay cái máy, thiếu định hướng, thiếu tâm huyết, tài năng hay thiếu lãnh đạo)? Phê bình văn học bao giờ cũng là bộ phận không thể tách rời của nền văn học nước nhà; cứ có sáng tác thì dù ít hay nhiều, nhất định phải có phê bình. Nếu nền phê bình “thiếu đầu máy” thì cả nền văn học, cứ trong ý ấy mà suy, chắc gì đã có “đầu máy” cái? Hoá ra nền văn học của ta hôm nay như rắn không đầu à? Những ai có thể nhảy ra làm đầu máy kéo cỗ xe phê bình văn học tiến lên đây? Ngó lên thấy có Ban Tư Tưởng Văn Hóa Trung Ương, Bộ Văn Hoá định hướng, ngó ngang thấy có Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà Văn Việt Nam chỉ đạo, ngó vào thấy báo chí, xuất bản, độc giả, dư luận xã hội... làm trọng tài, quý vị vẫn chưa thấy đủ hay sao mà còn đòi đẻ ra một cái đầu máy khác lạ, để kéo cỗ xe văn học nào nữa đây?
Thực ra, cái “đầu máy” mà các vị cho là “hơi bị thiếu” kia vốn đã được khởi động từ Đặng Thai Mai, Hải Triều, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Xuân Diệu, Chế Lan Viên... và đang chạy theo vận hành chung của nền văn học dân tộc. Nếu bách nghệ trong cả nước ai ai cũng cứ nhất quyết “đồng khởi” đòi phải thay “đầu máy thật” bằng “đầu máy ảo”, vì những “lý do ảo” rất cá nhân như của quý vị, thì thử hỏi hiện tình đất nước rồi sẽ đi về đâu? Mở đầu cho “phạm trù đầu máy”, GSTS Trần Đình Sử, một Uûy viên Hội Đồng Lý luận Phê bình Hội Nhà Văn Việt Nam đột ngột mở “động cơ đốt trong”, kêu to hơn pháo đùng: “Phê bình văn học cũng như cỗ xe có đầy đủ bộ phận nhưng lại thiếu đầu máy, thành ra muốn xe chuyển động lại phải xúm vào khiêng, ì ạch hơn cả người đi bộ”. Trong số những người đang ì ạch khiêng cỗ xe “phê bình ảo”, thiếu “đầu máy ảo” kia, chắc phải có ông Sử?
Cái “đầu máy” các vị “diễn đàn” đi tìm chừng như được gọi tên là nền phê bình chuyên nghiệp? Những người này phải tuyệt nhiên không làm nghề gì khác ngoài phê bình; nghĩa là không đi dạy học, không hùn hạp mở lò luyện thi, không đi dịch sách rồi lén để tên mình lên bìa là tác giả, không gom bài thiên hạ in ra làm công trình riêng mình, hoặc không viết văn mẫu bán cho học trò học tủ đi thi... mà chỉ chuyên ngồi viết phê bình, như ông Trần Đình Sử sơ đồ hóa: “Không thể không chuyên môn hóa đội ngũ phê bình văn học”... “ Không thể thiếu một đội ngũ phê bình chuyên sâu, chuyên tâm” ... “ Chúng ta coi nhẹ phê bình chuyên nghiệp”... ”Người không có chuyên môn coi thường chuyên môn”.
Ông Nguyễn Đăng Điệp liền hùa theo: “Nhà phê bình chuyên nghiệp ít xuất hiện”... “Hiện nay ai cũng viết được phê bình, phê bình văn học nhan nhản thì cần gì đến phê bình chuyên nghiệp” ...“ Phê bình văn học hiện đại rất cần chuyên nghiệp”... “Nếu coi thường chuyên nghiệp, coi thường lý luận tất dẫn đến nhàm chán”... Rồi hai ông nửa kín nửa hở... đòi dân chủ, tự do, công bằng trong phê bình, có “trao” thì phải có “đổi”, không được bảo kê kẻ nào đó, không được bịt miệng các ông, hoặc việc quản lý phê bình đang có vấn đề... Hai ông Sử và Điệp cứ đai đi đai lại: nào là phê bình chuyên nghiệp, rồi lại chuyên nghiệp phê bình, làm như “chuyên nghiệp” chính là hai ông vậy. Những điều quý vị vừa nêu ra có phải là vấn nạn ảo hay vấn nạn thật, thì chỉ cần có thiện tâm, trung thực nhìn vào thực tế văn học cũng sẽ rõ. Xin hỏi, ở nước ta hiện nay, có nhà văn, nhà phê bình nào sống “chuyên nghiệp” được chỉ bằng ngòi bút chưa?
Hình như chuyện “cỗ xe thiếu đầu máy“ chẳng qua chỉ là cái cớ để hai ông Sử và Điệp biểu diễn niềm cay cú vì mình vừa bị phê bình trên báo? Hai ông tỏ ra thiếu bình tĩnh, nóng nảy, mượn đất của Trần Anh Thái làm làng Vũ Đại, ném ra dư luận xã hội những đòn mạt sát thiếu địa chỉ, rất hàm hồ anh chị như sau: “Phê bình do năng lực hạn chế, nội lực yếu nhưng giọng điệu cao đạo, bỉ người, ứng xử thiếu văn hóa nên hùng biện tiểu xảo, ma mãnh làm cho bạn đọc rối, không phân biệt thật giả”... ” Thóa mạ, vu khống, xỉ vả một chiều” ...”nhiều GS uy tín không muốn nói vì cái đúng và cái sai không sáng rõ”... “khả năng thẩm định tùy tiện, giản đơn, phê bình điểm luận, hoắng luận, nhiễu loạn văn chương”... Chân lý là cụ thể, nếu hai ông Sử và Điệp không nêu ra địa chỉ của những “tội danh” trên, thì chính là quý vị vừa vu cáo vừa la làng đấy!
Nếu là những nhà phê bình thực sự chuyên nghiệp có trình độ, bản lĩnh, thiện tâm, lý lẽ với chứng cứ rõ ràng, chuyện đúng sai đâu còn đó, lấy học thuật đáp lại học thuật, không chửi rủa khơi khơi thì việc gì hai ông phải vội nổi máu Trương Phi, nhảy thách lên bóng gió chửi vung mạng như thế? Chúng tôi chỉ xin thực hiện lời khuyên của GS Trần Đình Sử, phê bình trước hết phải là “những tiếng nói nghiêm túc, những kiến giải cụ thể“ để thử soi vào bài phê bình của ông Nguyễn Đăng Điệp có tựa đề “Nhà phê bình Trần Mạnh Hảo đã phê bình hay như thế nào?” (VNT số 22, ngày 1-6-2003); xem từ chuyện các ông nói đến việc các ông làm khoảng cách là bao xa? Đây là bài ông Điệp phản bác lại bài của chúng tôi phê bình Trần Đình Sử bình giảng bài thơ “Đồng chí” chưa hay, chưa chuẩn: “Bài thơ “Đồng chí đã được giảng hay như thế nào?” (VNT số 21, ngày 25-5-2003).
Tác giả Hồ Xuân Sơn, ngay sau bài ông Điệp bênh ông Sử, đã có bài phê phán lối phê bình quy chụp, thiếu trung thực và khoa học kiểu “diễn đàn đầu máy” của Nguyễn Đăng Điệp, với tựa đề : “Phê bình như thế nào để đảm bảo tính dân chủ trong thẩm định tác giả văn chương” (VNT số 23, ngày 8-6-2003). Khi phê cách bình thơ toàn giải mã nghĩa đen dung tục, sai lạc của ông Trần Đình Sử, không một kết luận nào mà chúng tôi không nêu ra chứng cứ. Ngược lại, ông Nguyễn Đăng Điệp khi “phản phê bình” chúng tôi, toàn kết tội khơi khơi không hề chứng minh, cứ “đã đời” như lúc ông “diễn đàn phê bình” trên “ Cỗ xe thiếu đầu máy” Trần Anh Thái.
Xin dẫn ra những lời Nguyễn Đăng Điệp kết tội chúng tôi hoàn toàn thiếu chứng cứ, thiếu “KIẾN GIẢI CỤ THỂ” như tiêu chí của ông Sử, như sau: “Trần Mạnh Hảo tả xung hữu đột làm anh “phải gió” trong phê bình như anh tự nhận”... “Tìm cách dạy dỗ người khác với tinh thần tranh luận: ta nhất định đúng, người nhất định sai”... “mọi diễn giải của anh chỉ nhằm mục đích là hạ bệ và giễu cợt người khác”... “cách nói thậm xưng quen thuộc của nhà phê bình Trần Mạnh Hảo”... “Trần Mạnh Hảo đã vặn vẹo không đúng chỗ”... “tự biến bài viết mình thành độc thoại”… “đánh tráo khái niệm, một hình thức ăn gian”...”thường cắt xén văn chương người khác thành những mảnh nhỏ, tách nó ra khỏi chỉnh thể, chộp lấy một chi tiết và kêu rằng họ đã sai”... “thái độ áp đặt, quy chụp và hù dọa người khác”...”giễu cợt, bài bác cách hiểu khác”... Thưa ông Điệp, việc kết án người khác mà không có chứng cứ, không chỉ là điều tối kị của người cầm bút, mà còn phạm luật pháp nước nhà về tội vu cáo người khác đấy! Trong bài viết của mình, ông Điệp đã mắc vào chính những “món” mà ông vừa đổ cho chúng tôi trên; xin dẫn chứng.
Trong bài phê bình ông Sử, chúng tôi viết :“Ông Trần Đình Sử hiểu sai ngay cả nghĩa đen câu thơ: “Gian nhà không mặc kệ gió lung lay” như sau : “Câu thơ ngang tàng, đượm chất lãng mạn, như muốn nâng đỡ con người vượt lên cái bất đắc dĩ của hoàn cảnh. Thử hỏi ai có thể “mặc kệ”để gió làm xiêu đổ nhà mình ? Đó là một thoáng tếu nhộn làm se lòng người “. Nghĩa đen câu thơ “Gian nhà không mặc kệ gió lung lay” đã nằm sờ sờ ra đó: người lính ra trận để lại ngôi nhà trống vắng, “mặc kệ” gió bão thổi lung lay, không còn chủ nhân là chàng trai ở nhà chống đỡ bão tố nữa. Giải thích nghĩa đen câu thơ này như ông Sử là “Thử hỏi ai có thể mặc kệ để gió làm xiêu đổ nhà mình ? Đó là một thoáng tếu nhộn làm se lòng người” là rất sai, rất ngô nghê! Biết thừa hai câu văn bình thơ này của ông Sử giải mã” Gian nhà không mặc kệ gió lung lay” là không đúng, nên ông Điệp khôn lắm, tiểu xảo lắm, khi trích dẫn, đã cắt xén béng lời bình sai trên của ông Sử để xóa tang chứng, vật chứng, làm như ông Sử có gì sai đâu : “Tôi nghĩ, GS Trần Đình Sử đã lý giải đúng khi nhận thấy: “Câu thơ ngang tàng như muốn nâng đỡ con người vượt lên cái bất đắc dĩ của hoàn cảnh”. Rồi ông Điệp viết bâng quơ, tự nhiên vô cớ mà rằng: “Trần Mạnh Hảo tỏ ra chưa nhập được vào cách nói của Chính Hữu: “ Ruộng nương anh gửi lại bạn thân cày / Gian nhà không mặc kệ gió lung lay”?
Khi ông Sử cho rằng Chính Hữu đã dùng “phép lạ hóa” để viết nên hai câu thơ :” Anh với tôi đôi người xa lạ/ Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau” bị chúng tôi phê là lầm lẫn; vì “phép lạ hóa” là một thuật ngữ giúp người ta giải mã những điều dị thường trong văn học. Thơ Chính Hữu trong bài “Đồng chí” toàn là hiện thực trần trụi, toàn là “quen hóa”, chẳng có tí “lạ hoá “ nào cả. Khi bênh ông Sử về chuyện này, ông Điệp viết: “Chính anh là người không tường tận về thuật ngữ khoa học này”. Nhưng chúng tôi không tường tận ở chỗ nào thì ông Điệp không hề chỉ giáo. Oâng Điệp đưa ra một nguyên tắc phi khoa học rằng: “Anh phê phán Trần Đình Sử, một chuyên gia hàng đầu về lý luận văn học là người không hiểu thuật ngữ “lạ hoá””. Oâng Điệp ngụy biện như sau : “Trần Đình Sử để hai chữ lạ hoá trong ngoặc kép. Nghĩa là ông mượn hai chữ lạ hóa để diễn đạt một nội dung khác chứ không có ý sử dụng khái niệm này nguyên nghĩa “.
Thật lạ lùng thay, thuật ngữ “lạ hóa” dù đứng trong hay ngoài ngoặc kép, đứng trong văn cảnh nào đi nữa thì nó vẫn mang một nội hàm ngữ nghĩa ấy, không thể áp dụng cho bài ‘Đồng chí” được. Chắc khi ông Sử thấy câu thơ Chính Hữu có từ “xa lạ” nên mượn thuật ngữ “ lạ hoá” để “diễn đạt nội dung khác” rằng xa lạ là chưa quen nhau chăng ? Cứ theo cách làm này của hai ông, lỡ có nhà thơ nào viết rằng “ Trời trưa nay xanh một màu siêu thực!”; chắc hai ông sẽ viết rằng tác giả này làm câu thơ trên bằng “phép siêu thực” ư ? Kỳ lạ hơn, là cách ví von hết sức ngây ngô, buồn cười của ông Điệp, so việc ông Sử dùng sai thuật ngữ “lạ hóa” với việc Marx - Engels trong “tuyên ngôn Đảng cộng sản” dùng đúng một danh xưng: ”bóng ma của chủ nghĩa cộng sản” theo cách nói mỉa mai (vốn danh xưng này là của “liên minh thần thánh” gán cho tổ chức cộng sản của Marx); như khi ông Điệp viết :” Nếu cứ lối bắt bẻ này thì Trần Mạnh Hảo sẽ lý giải thế nào khi các nhà kinh điển chủ nghĩa Marx mở đầu tuyên ngôn đảng cộng sản (1848) bằng một so sánh độc đáo khi hai ông sử dụng hình ảnh : “bóng ma của chủ nghĩa cộng sản đã xuất hiện ở châu Âu“. Ông Sử có dùng thuật ngữ “lạ hoá” cho hai câu thơ “quen hóa” của Chính Hữu theo kiểu râu ông nọ cắm cằm bà kia không? Có! Thế mà ông Điệp cố tình giả mù hoá mưa, xiên xẹo, đưa cái thủ thuật mà ông vừa gọi là “ăn gian”, là “đánh tráo khái niệm” như chính ông đang làm để bênh ông Sử, rồi gán cho chúng tôi!
Khi ông Điệp bênh ông Sử, nếu muốn cho “nghiêm túc”, phải “kiến giải cụ thể”: trích ra ông Sử viết thế này, ông Hảo lại bình thế kia, nhất nhất phải dẫn chứng đầy đủ, không được cắt xén hay ngụy tạo, ngụy biện, xáo trộn hiện trường lại thành canh hẹ, như việc ông Điệp vừa làm trên. Ông Điệp đã để hơn một nửa bài viết thay ông Sử bình tiếp thơ Chính Hữu, theo kiểu đưa ra “phạm trù cái chung” do câu thơ “Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ” mà tán hưu tán vượn hàng gần hai cột báo. Để rồi từ chuyện “chung chăn “, ông khái quát to tát lên thành “Cái chung đã trở thành một phạm trù thẩm mỹ chi phối văn học Việt Nam 1945-1975”.
Hai thầy trò ông Sử đều không hiểu được ba câu kết bài thơ “Đồng chí “ :” Đêm nay rừng hoang sương muối / Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới / Đầu súng trăng treo “ nên cùng bảo nghĩa của nó là “hành động chiến đấu”. Khi chúng tôi phê hiểu thơ như thế chưa đúng, thì ông Điệp dành gần cả cột báo bài bác, cho chúng tôi dốt (!). Giải nghĩa như thế này thì cầm bằng chưa nói gì về ba câu thơ kia, vì cứ ai đã đi bộ đội trong chiến tranh, đều là “hành động chiến đấu” cả. Trong ba câu thơ của đoạn kết trên, hai câu trước chỉ là “sự”, là dẫn chuyện, là câu đệm, là dây điện dẫn đến bóng đèn : “ Đầu súng trăng treo”. Câu thơ Chính Hữu lấy làm tên chung cho tập thơ mình in năm 1960 này mới là câu chủ soái, là nhãn tự, là cái hồ đựng nước của hai nhánh suối tuỳ tùng kia.
Từ nghĩa đen đến nghĩa bóng của nó, cái nghĩa rốt ráo làm nên tính tư tưởng thẩm mỹ, làm nên hồn thơ không chỉ ở đoạn kết, mà còn cho toàn bài, đều nằm cả ở câu “ Đầu súng trăng treo”. Nghĩa đen của nó như sau: hình ảnh người lính rất đẹp, rất dũng cảm, trong đói rét chờ giặc đến để đánh mà không sợ, không hồi hộp, vẫn còn bình tĩnh, thư thái đến độ thưởng thức được vầng trăng! Một trong những nghĩa bóng của nó là nhà thơ đã dùng phép “ảo hoá “ (chứ không phải lạ hoá) để treo vầng trăng trên đầu súng như đính một bông hoa, như gắn một tấm huân chương. Chính vầng trăng này đã lãng mạn hóa hiện thực gian khổ ác liệt của toàn bài thơ; khiến cái khổ sở, đói rét, rách rưới, thiếu thốn, hi sinh... kia bỗng chốc được thăng hoa thành cái đẹp, cái cao cả sáng lòa (!) Không bật được “công -tắc” này bằng những ý vừa phân tích trên, thì chưa giải mã được bài thơ “Đồng chí “!
Trích dẫn đến chỗ nào thấy ông Sử nói sai thì ông Điệp cắt ngay, như khi ông Sử bình câu thơ “Nụ cười buốt giá” là “mặc dù trời lạnh hẳn nụ cười cũng khó mà tươi”. “Nụ cười cũng khó mà tươi” đích thị là nụ cười héo úa rồi !Viết như ông Sử, hoá ra, người lính trong “Đồng chí” cười gượng, cười bất đắc dĩ, bị ép buộc phải cười, ngờ nghệch cười theo phong trào để đóng kịch lạc quan à ? Bình thơ như thế là ca ngợi hay bôi bác hình ảnh người lính trong “Đồng chí” ? Chúng tôi đã trích ra nhiều đoạn bình thơ thô thiển, ngây ngô dung tục của ông Sử. Ngay cả việc ông Sử lầm lẫn vần bằng, vần trắc, lầm thanh với vần, viết sai văn phạm một số câu...mà chúng tôi trưng ra đều bị ông Điệp lờ đi, “không tiện” tranh biện...Phê bình kiểu như thế là trung thực hay không trung thực, thưa ông Điệp ? Một điều quan trọng là ông Điệp chưa viết được dòng nào để chứng minh rằng bài thơ”Đồng chí” do ông Sử bình là hay và hay ở câu nào, đoạn nào, hay như thế nào, như chính lời ông Sử đã tự quảng cáo trên “lời nói đầu” cuốn sách?
Trong đà bình thơ Chính Hữu một cách rất học đường dùm ông Sử, ông Điệp có viết như sau :”Đúng thế, người nông dân Việt bao đời nay luôn gắn với lũy tre làng, họ lam làm một sương hai nắng trên thửa ruộng của mình”. Câu tục ngữ Việt Nam quen thuộc:” Một nắng hai sương” hoặc “Hai sương một nắng” ai ai cũng thuộc, cũng hiểu là thế mà một “thầy” dạy văn bậc đại học như ông Điệp, lại đang chuyên nghiệp hóa viết phê bình như ông vừa khoe, đã hiểu sai, đến nỗi viết lầm thành “Một sương hai nắng”, có ý bắt người nông dân Việt Nam ngày ngủ, để ra đồng làm việc thâu đêm ư ? Một câu tục ngữ giản đơn là thế mà ông còn hiểu sai nghĩa đen, thì sao có thể nhảy vào làm chuyên nghiệp lý luận phê bình để đánh vật với những văn bản chồng lên văn bản, những ý nghĩa nhòe mờ ẩn trong ý nghĩa nhòe mờ của nghệ thuật thẩm bình thơ văn ? Viết lách như thế mà ông Điệp cùng với ông Trần Đình Sử dám leo lên báo, đòi xung phong ra làm “đầu máy” cho “cỗ xe phê bình văn học Việt Nam”, thì quả là dũng cảm lắm thay!
Thành phố Hồ Chí Minh ngày 6-6-2003
Trần Mạnh Hảo |