Franz Faber - người đầu tiên dịch Truyện Kiều sang tiếng Đức
08:05' 17/06/2003 (GMT+7)

Nhà báo Franz Faber là người đầu tiên dịch Truyện Kiều sang tiếng Đức vào năm 1964. Từ đó đến nay, Truyện Kiều đã được xuất bản ba lần nữa tại Đức vào các năm 1976, 1980 và 2000.

 

Franz Faber nhà báo Đức đầu tiên sang Việt Nam và cũng là công dân đầu tiên của nước Cộng hòa Dân chủ Đức được gặp Bác Hồ. Chỉ ít ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông dẫn đầu một đoàn nhà báo và văn nghệ sĩ sang công tác ở Việt Nam. Hồi đó, ông là Ủy viên Ban biên tập báo Neues Deutschland (Nước Đức mới), cơ quan Trung ương của Đảng xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức. Trong chuyến đi đó, ông hoàn thành tập ký sự "Sông Cái rực hồng" và viết thuyết minh cho bộ phim tài liệu xuất sắc đầu tiên của Đức về Việt Nam trong những ngày khắc phục hậu quả của cuộc chiến tranh do thực dân Pháp gây ra. 

Năm ấy, ông tròn 38 tuổi. Qua hàng loạt bài viết về Việt Nam của ông, nhân dân Đức như thấy rõ hơn hơi thở của cuộc sống trên đất nước anh em ở một phương trời xa. Và Đảng, Nhà nước quyết định cử ông làm đại diện của báo Nước Đức mới và Thông tấn xã ADN hai năm liền (1954-1955) tại Việt Nam. Hai năm đó là quãng thời gian cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của sự nghiệp báo chí và văn học của ông. Một trong những dấu ấn đặc biệt là ông đã tiếp xúc với Truyện Kiều, một kiệt tác của văn chương Việt Nam. Ông tâm sự: "Mang sẵn trong lòng mình những xúc động về con người và đất nước Việt Nam, tôi đã không cầm được nước mắt khi đọc Truyện Kiều. Và suốt một thời gian dài, không biết bao lần, tôi cứ bồi hồi xao xuyến không nguôi. Chính trong thời điểm ấy, tôi quyết định tìm hiểu sâu sắc tác phẩm này và sẽ dịch nó ra tiếng Đức".

Faber tranh thủ từng giờ, từng phút để làm việc. Ông xin gặp nhiều học giả Việt Nam như Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh... để tham khảo nội dung của từng điển tích và từ vựng. Ông về làng Tiên Điền, quê hương của Nguyễn Du, tiếp xúc với những con người chân chất, hồn nhiên mà sâu sắc trên mảnh đất kiên cường, khắc khổ này. Nhưng ông cho rằng, cái khó nhất của việc dịch này là làm sao lột tả được vẻ đẹp của ngôn ngữ mà Nguyễn Du đã sử dụng một cách tài tình. Dịch những câu thơ lục bát sang tiếng Đức mà lại giữ nhịp điệu trung thành như vậy là khó lòng thực hiện được. Và mỗi từ trong đó đều hàm chứa một nội dung rộng lớn hơn bản thân nó. Faber nói: "Chẳng hạn, mở đầu thi phẩm là hai từ Trăm năm, không thể hiểu đơn giản đó là một con số. Ở đây có mối quan hệ hài hòa giữa các đặc điểm của sự vật về hình thức, mầu sắc và số lượng. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã mười lần viết: "Trăm năm" và mỗi lần như vậy, đòi hỏi một cách dịch khác. Cho dù ở trường hợp nào, thi sĩ cũng hàm ý nói đến độ dài của đời người.".

Một lần khác, Faber nói với tôi: "Tôi biết rõ: Dịch Truyện Kiều là tự nguyện đón nhận một công việc cực kỳ khó. Song điều rất đáng thổ lộ là: Càng đi sâu vào công việc, tôi như càng bị cuốn hút vào thân phận nàng Kiều, người con gái tài hoa mà lắm nỗi truân chuyên. Khi đã nắm được cốt truyện, bối cảnh lịch sử của Truyện Kiều, tôi càng tự hỏi mình: Phải chăng đó là điển hình của bao nhiêu thế hệ phụ nữ bị dập vùi dưới chế độ phong kiến. Đấy chẳng những là câu chuyện của một mối tình trong sáng, thủy chung, mà còn là tấm gương của lòng dũng cảm, của niềm hy vọng và của cuộc đấu tranh không mệt mỏi vì một thế giới ngày càng tốt đẹp hơn".

Cuối năm 1955, từ Hà Nội trở về Berlin, Franz Faber nói vui với vợ: "Em ơi, anh đã phải lòng một cô gái Việt Nam!". Và ông kể cho bà Irene câu chuyện nàng Kiều. Đến lượt Irena cũng xúc động không kém gì chồng. Cho đến ngày đó, bà chưa sang Việt Nam, nhưng qua những gì chồng bà viết, chồng bà kể, bà rất yêu quý Việt Nam. Và giữa thủ đô Berlin, những ngày tháng ấy, bà đã học tiếng Việt để giúp chồng dịch nghĩa những phần trọng yếu của thi phẩm vĩ đại mà chồng bà mang từ Việt Nam về.

Cho đến năm 1962, 1963 thì ông bà Faber hoàn thành bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Đức. Và đúng vào năm ông bà được cử sang thường trú tại Việt Nam với tư cách phóng viên báo Đảng và hãng Thông tấn ADN (năm 1964) thì cũng là lúc bản dịch được xuất bản. Cuối năm đó, ông bà sung sướng gửi biếu bản dịch Truyện Kiều bằng tiếng Đức tới một số nhà lãnh đạo và những nhân vật mà Faber từng gắn bó trong chuyến công tác ở Việt Nam lần trước, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà thơ Tố Hữu, Chủ tịch thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng, Giáo sư Đặng Thai Mai, học giả Đào Duy Anh...

Đến tháng 3-1965, Đại sứ quán Cộng hòa Dân chủ Đức tại Hà Nội chính thức tổ chức  lễ  trao  tặng  bản  dịch Truyện Kiều cho phía Việt Nam. Giáo sư Đặng Thai Mai, lúc đó là Viện trưởng Viện Văn học, đánh giá cao những nỗ lực của ông bà Faber và coi bản dịch đó là "một đóng góp mới, rất đáng quý vào công cuộc trao đổi văn hóa và thắt chặt thêm nữa tình hữu nghị giữa hai nước chúng ta". Một điều rất đáng trân trọng là ở đầu sách "Truyện Kiều" có lời đề tặng (in trên thiếp rời) của Giáo sư Tiến sĩ Johan Diclemann, lúc đó là Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Đức.

Ông bà Faber vô cùng xúc động được Bác Hồ đích thân bày tỏ lòng cảm ơn về bản dịch mà ông bà đã gửi biếu Người. Ông bà càng xúc động, vì lẽ: đã hàng mấy tháng trời trôi qua rồi, Người vẫn nhớ tới việc đó. Hơn nữa, Người nói giữa cuộc chiêu đãi trọng thể của Đại sứ Đức nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh 7-10-1965. Rất thân mật, Người hỏi:

- Anh chị dịch "Truyện Kiều" trong bao lâu?

- Thưa Chủ tịch, bảy năm ạ!

- Như vậy là trong suốt bảy năm đó, các bạn chỉ nghĩ đến Việt Nam.

Nghe Bác nói vậy, lại được Bác bày tỏ sự cảm ơn đối với công việc mà hai người đã làm, ông bà Faber rất tự hào, sung sướng, coi đó là một phần thưởng cao quý. Cho đến lúc ấy, ông Faber đã được gặp Bác nhiều lần. Và lần nào cũng để lại trong ông những ấn tượng mạnh mẽ. Ấn tượng bao trùm nhất là phong cách giản dị, khiêm tốn thật hiếm có ở một vị lãnh tụ tầm cỡ thế giới, hiểu biết sâu sắc về mọi vấn đề của từng đất nước, trong đó có cuộc đấu tranh tư tưởng ở hai miền nước Đức. Ngay khi hòa bình mới lập lại ở miền bắc Việt Nam, ông Faber đã được bố trí đi theo Bác một chuyến về nông thôn ở mấy tỉnh bên bờ sông Hồng. Qua những gì ông kể về chuyến đi ấy, tôi đã viết bài "Chuyến đi năm ấy", thể hiện tình cảm kính yêu sâu sắc của bà con nông dân đối với vị lãnh tụ của mình. Lần nào cũng vậy, Faber nhận thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh rất thuộc Truyện Kiều, Người thường lẩy Kiều hoặc dẫn thơ trong Chinh phụ ngâm để thổ lộ những suy nghĩ, cảm xúc của mình. Năm 1957, khi Người sang thăm Cộng hòa Dân chủ Đức, ông bà cũng vinh dự được Người mời dự tiệc do Người chiêu đãi. Ngay dịp ấy, trong câu chuyện cởi mở, Người có đề cập tầm quan trọng của Truyện Kiều cũng như toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Du trong nền văn học cổ điển Việt Nam. Và giờ đây, tại Hà Nội, Người nói với ông bà Faber: "Nguyễn Du là một nhà thơ cổ điển vĩ đại của nhân dân Việt Nam. Với tác phẩm của mình, Nguyễn Du đã và đang đấu tranh cho một xã hội bình đẳng. Viết một tác phẩm như vậy trong thời đại của ông là dũng cảm lắm!".

Người còn nhắc ông bà Faber đọc thêm Nguyễn Trãi, một nghệ sĩ lớn, một anh hùng của dân tộc Việt Nam.

Ông bà Faber thưa với Người rằng, trong nhiệm kỳ công tác này tại Việt Nam (1964-1967), họ sẽ tiếp tục dịch Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều... Họ cho rằng, những nghệ sĩ lớn này cần phải được giới thiệu với nhân dân Đức. Họ không thể quên được lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Những người cộng sản chúng ta phải rất quý trọng cổ điển. Có nhiều dòng suối tiến bộ chảy từ ngọn núi cổ điển đó. Càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lê-nin, càng phải coi trọng những truyền thống tốt đẹp của cha ông..."

Trong bốn năm liền, ngoài việc đưa tin, viết bài về các vấn đề thời sự của Việt Nam, ông bà Faber đã say sưa nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của các nghệ sĩ lớn nói trên. Đó là vốn quý mà rất hiếm người Đức tích lũy được. Về nước, nhận nhiệm vụ Giám đốc Học viện Báo chí quốc tế của Hội Nhà báo Cộng hòa Dân chủ Đức, Franz Faber tổ chức nhiều cuộc tọa đàm về thơ ca cổ điển Việt Nam, đặc biệt về Nguyễn Du và Nguyễn Trãi. Hai vợ chồng ông dịch và giới thiệu trên tạp chí Văn học Đức không chỉ thơ ca cổ điển  mà cả kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Tập Cây tre trăm đốt đã được xuất bản cũng nhờ sự nỗ lực của ông bà.

Trong cuộc gặp gần đây, nhà báo, nhà văn Franz Faber- ở tuổi 85, mái tóc trắng xóa, nói với tôi: "Với Truyện Kiều và nền văn học cổ điển ưu tú của Việt Nam, tôi có một quãng đời thật đẹp gắn với Việt Nam. Và, làm công việc giới thiệu văn học Việt Nam ở Đức, vợ chồng tôi cảm thấy thật hào hứng, thú vị. Nhất là mỗi lần nhớ đến lời Bác Hồ: "Có nhiều dòng suối tiến bộ chảy từ ngọn núi cổ điển đó".

(Theo Nhân Dân)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
ông Nguyễn Hoà “ăn ốc nói mò” (13/06/2003)
Hồi ký của Hillary Clinton bán chạy như tôm tươi (12/06/2003)
Dịch giả Kato Sakae: "Cần những tác phẩm mọi dân tộc đều chia sẻ được" (10/06/2003)
Chuyện về những cây bút phê bình văn học trẻ (06/06/2003)
Dịch giả Đoàn Tử Huyến ''muốn tạo ra một sân chơi" (04/06/2003)
Ông Trần Mạnh Hảo nên đọc kỹ Nguyễn Tuân (03/06/2003)
Cách tân thơ là một giấc mơ... (30/05/2003)
Hy vọng văn học trẻ có những tác phẩm tầm cỡ quốc tế (30/05/2003)
Thật khó tin, nhưng đó là trả lời của NXB Văn học! (29/05/2003)
NXB ''sơ xuất'' vì không biết Nguyễn Ngọc Ngạn là ai (?!) (22/05/2003)
NXB Văn học "luộc" truyện ma của Nguyễn Ngọc Ngạn? (22/05/2003)
Ngày sinh sen nở thay Người (19/05/2003)
Trần Đình Hiến: Khốn khổ vì Mạc Ngôn! (14/05/2003)
Phan Huyền Thư: "Tôi sẽ nói bằng giọng của chính mình!" (09/05/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang