,
221
5086
Thế giới sao
sao
/giaitri/sao/
62292
Chuyện về những cây bút phê bình văn học trẻ
1
Article
5084
Giải trí
giaitri
/giaitri/
,

Chuyện về những cây bút phê bình văn học trẻ

Cập nhật lúc 16:20, Thứ Sáu, 06/06/2003 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Nhìn vào đội ngũ phê bình văn học, chúng ta có thể tìm hiểu được thẩm mỹ chung của xã hội hiên thời. Các nhà phê bình không chỉ gỡ rối, phát hiện tác phẩm giúp độc giả mà còn tác động đến chính lối viết của nhà văn. Chúng ta thật khó có thể có lại một nhà phê bình lớn như Hoài Thanh, người có thể tổng kết chính xác cả một giai đoạn thơ ca. Nhưng trong đời sống văn học trẻ hiện nay, ngay cả một nhà phê bình đủ tầm để ''điểm sách'' thôi cũng khó tìm.

Trước khi tiến hành Hội nghị các cây bút trẻ toàn quốc năm 2001, ban Nhà văn trẻ cố gắng lục lọi hết các loại báo, tạp chí để tìm tác giả phê bình văn học trẻ đi dự Hội nghị. Tuy nhiên, sau khi đọc hàng ngàn bài điểm sách nho nhỏ trên báo, họ cũng uổng công vì không thấy dấu vết của các nhà phê bình trẻ. Cuối cùng, để cho đủ thành phần ”phê bình” trong đội ngũ những cây bút trẻ, các nhà văn đã dùng cách “rỉ tai” nhau mời ”cô này, cậu kia” vào thành phần phê bình. Trong số hai trăm cây bút trẻ dự hội nghị thì chỉ có năm cây bút phê bình. Trong số năm người đó, một người quá tuổi 35, tuổi quy định của Hội nghị, một người do vừa viết ”một” bài chê thơ của một cây bút thơ nữ trẻ, một người viết điểm sách... hai người còn lại dường như là cũng viết phê bình gì đấy... Chúng ta không thấy những cây bút phê bình trẻ xuất hiện từ khoa Văn của các trường Đại họ nữa. Thỉnh thoảng trên văn đàn lại xuất hiện một cái tên lạ hoắc viết phê bình. Do để khẳng định sự có mặt của mình nên những “cái tên” đó thường làm hai cách: thứ nhất là viết “hùa” theo một cuộc tranh luận nào đấy theo kiểu”Không nhắc đến tôi thì tôi cứ nằm ra...trên báo ấy”. Và tất nhiên những người tham gia tranh luận buộc phải nhắc tới. Kiểu thứ hai là ngay tức thời phải “tiếp cận” và “kết thân” với tất cả các nhà văn nổi tiếng. Những câu chuyện trong bàn nhậu được viết lại theo lối”phê bình” . Và tất nhiên sẽ là cuộc đối thoại thân mật, ngang hàng với nhà văn, nhà thơ đó.

Trong đời sống văn học, khái niệm “tác giả trẻ”, “nhà phê bình trẻ” không được phân định rõ ràng bằng tác phẩm mà lại được phân định bằng hai cách; xét về tuổi tác và sự xuất hiện sớm hay muộn của tác giả đó đối với thời điểm hiện tại. Chính vậy mà có nhà văn gần sáu mươi tuổi vẫn được gọi là tác giả trẻ vì nhà văn đó hơn năm mươi tuổi mới bắt đầu cầm bút. Do vậy mà đời sống phê bình văn học trẻ cũng đón nhận hai kiểu “tác giả trẻ như thế”. Nhưng ở đây có những điểm đặc biệt hơn. Ngoài những nhà phê bình văn học trẻ dưới tuổi bốn mươi, chúng ta còn có đông đảo các nhà thơ đã chán thơ nay quay sang viết phê bình.Tuy vậy các nhà phê bình trẻ như có vẻ lao động với những vấn đề cao siêu nào đó mà quên đi đời sống văn học trẻ vì hầu hết các bài của họ nếu không ”chiến đấu” với một lập luận của ai đó thì cũng ”kể lể” quan niệm chung chung của mình về văn học. Một nhà thơ trẻ muốn cho giới phê bình để ý tới đã in tập thơ với những câu thơ lủng củng, đầy ám ảnh dục tình. Anh ta mang thơ tặng những nhà phê bình trẻ với mong ước bị “đánh” vài bài trên báo (Dường như khi bị chê là kém cỏi trên báo thì anh ta lại cảm thấy vinh quang). Nhưng sự lãng quên của các nhà phê bình khiến nhà thơ đó phải kêu lên”Tôi không tặng ai nữa mà sẽ... đốt hết thơ đi”.

Khi nhà thơ viết phê bình

Từ xưa đã có quan niệm rằng khi nhà thơ không làm được thơ nữa thì quay bút viết phê bình. Điều này có vẻ như không đúng với một vài nhà thơ ở ta vì họ vừa viết phê bình và vẫn vừa làm thơ. Tuy vậy, một nhà phê bình văn học chân chính là người có thể phân tích tác phẩm của người khác một cách khác quan nhất, không chủ quan và không lồng cả hiềm khích cá nhân vào đó. Điều này chỉ có được khi nhà phê bình đó không đồng thời là nhà thơ. Bởi vì nếu kiê thêm nhà thơ, anh ta sẽ chỉ thấy ”lối viết” của mình là đúng nhất. Điều này hoàn toàn hợp lý với một nhà thơ. Chỉ có ý nghĩ duy nhất về “giọng thơ” của mình, nhà thơ đó mới có thể tiếp tục viết văn được. Nhưng điều đó lại không thể phù hợp khi nhà thơ đó ép cái “thước” của mình vào tác phẩm người khác, bắt người khác phải viết giống mình. Cho nên những nhà thơ đi viết phê bình đã tạo ra một lối viết riêng. Các bài phê bình của họ thường bay bổng ngôn từ nhưng đầy những câu áp đặt và lăm lăm “đe” người khác.

Có lẽ chúng ta phải xác định một thể loại mới cho bài viết của các nhà thơ vì chúng ta không thể dùng thể loại “phê bình” cho chúng được. Mấy năm gần đây đời sống văn học “náo động” bởi các bài viết của hai thi sĩ họ Trần. Nhà thơ Trần Đăng Khoa với một cuốn sách bán rất chạy. Tuy nhiên, độc giả và các nhà văn không nên nhầm lẫn loại tuỳ bút, tản mạn đó với thể loại phê bình nghiêm túc. Ngay đầu đề tác giả đã đặt tên là “Chân dung và đối thoại”. Thể loại mà nhà thơ Trần Đăng Khoa dùng, hiện thời rất phổ biến trên thế giới và thu hút được nhiều độc giả vì sự hấp dẫn của nó. Đó là thể loại non-fiction. Thật khó để nói một câu cho thấy sự khác biệt giữa thể loại phê bình và thể loại non-fiction. Tuy nhiên, trong đời sống văn học của chúng ta đã có một tấm gương lớn nhất, được thừa nhận nhất, đó là tác phẩm phê bình ”Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh. Chúng ta có thể “soi” các tác phẩm phê bình khác vào khuôn thước của Hoài Thanh, khi đánh giá chúng.

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo với tập “thơ (hay) phản thơ” tạo ra dư luận đến mức một nhóm nhà phê bình khác đã in một cuốn phân tích lại là “phê bình (hay) phản phê bình”. Cả hai ý kiến trong hai cuốn sách trên đều đúng với tư tưởng của tác giả viết ra chúng. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo dùng quan điểm thơ ca cá nhân của mình để viết phê bình, trái lại, nhóm tác giả kia (thực chất là tập hợp các bài trên báo để in một cuốn sách với mục đích thương mại) lại chỉ có mỗi cách là “giẫy nẩy” nhà thơ-nhà phê bình không ca ngợi mình trong tập sách. Đây cũng không thuộc thể loại phê bình vì ngôn ngữ phê bình là ngôn ngữ trung thực nhất, không khen, không chê, chỉ phân tích và làm sáng tỏ tất cả các vấn đề của tác phẩm. Độc giả khi đọc bài phê bình sẽ tự tìm lấy quan điểm của mình về tác phẩm văn học đó.

Còn một số nhà thơ khác cũng viết phê bình. Tuy nhiên, đó là những bài điểm sách nho nhỏ in trên các báo và tạp chí - những mục mà các chủ báo ”thưởng” cho các nhà văn, nhà thơ.

Để đời sống văn học trẻ luôn luôn giữ được ngọn lửa nhiệt tình thì chất xúc tác của nó chính là các nhà phê bình trẻ. Các nhà văn rất dễ hưng phấn khi có một nhà phê bình cùng lứa hiểu nổi mình. Tuy nhiên thật khó để kể ra một nhà phê bình trẻ lại có được lòng tin như thế từ các bạn văn. Họ viết những bài trên báo thật khó cho người ta đọc hết cả bài vì sự thiển cận và mù mờ của nó. Không một nhà phê bình trẻ nào có một hệ thống tư duy rõ ràng, mạch lạc. Chính vậy mà các bài viết của họ có một lối lập luận na ná nhau và nếu bỏ tên tác giả đi, người đọc sẽ tưởng đó là một người viết. Trên Tạp chí Sách, Nguyễn Hoàng Thông chê thơ Nguyễn Bình Phương là đã làm yếu tiếng Việt vì dùng nhiều từ uỷ mị quá. Thật là một nhận xét lạ lùng. Chúng ta không bàn đến thơ Nguyễn Bình Phương mà chỉ muốn nói với nhà phê bình là, “mỗi từ” đều bình đẳng về giá trị và ý nghĩa trong ngôn ngữ của mình. Không phải cứ dùng nhiều động từ thì có nghĩa là mạnh, dùng nhiều thán từ thì có nghĩa là tuyệt vọng.

Cây bút phê bình Hoàng Xuân Tuyền thỉnh thoảng lại viết một bài theo kiểu “kể lể” như hai người phụ nữ nói chuyện phiếm với nhau. Phê bình cần phải tỏ ra quan điểm của mình một cách thẳng thắn, không quanh co. Không hiểu tác giả này”ngại” gì mà phải lồng cả một câu chuyện “thăm hỏi” xã giao nào đấy rồi mới gài ý của mình vào những nhân vật tưởng tượng. Nếu anh muốn viết phê bình thực sự, hãy đối mặt với các vấn đề của văn học. Đây là điều có lẽ tiêu biểu nhất cho các nhà phê bình văn học trẻ. Có lẽ họ cũng hiểu được ít nhiều bản chất của vấn đề, nhưng do một điều kiện”khách quan” nào đó nên họ cứ vòng vo, “núp’’ hết dưới những cụm từ; “ai đó cho rằng...”, “một triết gia nào đó viết...”, “tôi cảm thấy rằng...” thì lại kết luận bằng kiểu ”tuy nhiên có vẻ như là...”. Đây là lối vừa viết vừa rụt rè không hiểu mình viết thế có ”đúng” không?. Nếu không tin tưởng vào bản thân mình thì tốt nhất chúng ta không nên cầm bút. Chu Thị Thơm là cây phê bình mới xuất hiện và có thói quen viết về các nhà thơ nữ. Tác giả này không tiếc lời chê thơ của hai cây bút nữ Vi Thuỳ Linh và Phan Huyền Thư. Chúng ta không bàn đến thơ của hai cây bút này mà chỉ đề cập đến cách tiếp cận của người phê bình. Tác giả “cắt” dời những từ trong các bài thơ và chê là dung tục. Đây là lối phê bình khá phổ biến hiện nay. Người viết chộp lấy một cụm từ nào đó, bất kể cụm từ đó có liên hệ như thế nào với các từ bên cạnh, và “lột” nghĩa đen của cụm từ đó ra để phê bình. Chúng ta chỉ cần tưởng tượng rằng nếu như xé nhỏ một kiệt tác thời phục hưng vẽ khoả thân ra, thì những mảnh tranh nhỏ sẽ dung tục đến cỡ nào.

Trong những nhà phê bình trẻ như; Ngọc Oanh, Hưng Yên..thì Nguyễn Thanh Sơn là một cây bút viết khá nhiều. Tác giả này làm một nghề không dính dáng đến sách vở nhưng yêu văn chương và “lâm” vào cuộc phê bình. Tác giả này trình làng bằng bài phê bình chê thơ Vi Thuỳ Linh khi cuộc tranh luận về tập thơ “Linh” đang sôi nổi. Có lẽ người đọc cũng phải “nín người” khi đọc bài của tác giả này vì tác giả không hề có sự phân chia rõ ràng trong nhận thức. Đây là căn bệnh khá trầm trọng của những người phê bình trẻ. Nếu như họ không có một lượng kiến thức cơ bản, vững vàng thì làm sao họ có thể viết về một tác phẩm văn chương. Nhiều nhà văn lớn tuổi than thở ”Chúng nó cần phải học nhiều, học nhiều nữa... rèn rũa trong mươi năm trời thì mới viết phê bình được. Đâu phải đọc thấy nhân vật A chạy ra gốc cây thì nói là “A chạy ra gốc cây” mà thành phê bình ”Nhà lý luận Hoàng Trinh thừa nhận trên báo văn nghệ rằng ”Phê bình văn học hiện đại không theo kịp đời sống văn học“.

Trên đây là những lý do khiến cho đời sống phê bình văn học trẻ không theo kịp những vấn đề mới của văn học. Sau khi thống nhất đất nước, văn học đã trải qua một thời kỳ đổi mới với những thành tựu nhất định. Đời sống văn học hiện nay đang cần, rất cần một nhà phê bình có ý nghĩa như sự xuất hiện của Hoài Thanh, dể đánh giá, tổng kết lại tiến trình phát triển của mình. Đây là niềm tự hào, niềm hi vọng và cũng là thử thách lớn lao mà đời sống văn học dành cho các nhà phê bình trẻ.

  • Hồng Duyên
,
,