|
Dịch giả Trần Đình Hiến. |
(VietNamNet) - Bạn đọc Việt Nam đã biết đến một số tác phẩm của nhà văn Trung Quốc hiện đại Mạc Ngôn như: "Báu vật của đời", "Đàn hương hình", "Cây tỏi nổi giận"... thông qua bản dịch của dịch giả Trần Đình Hiến. Là một chuyên gia nghiên cứu văn hoá Trung Quốc, Trần Đình Hiến là người có công đầu trong việc giới thiệu những tác phẩm văn học của Mạc Ngôn đến với công chúng Việt Nam. Tuy nhiên, những gì mà ông đã chuyển tải cho bạn đọc chỉ là ‘‘phần nổi của tảng băng trôi’’.
VietNamNet đã có cuộc trao đổi với dịch giả Trần Đình Hiến xung quanh đề tài này.
- Thưa dịch giả Trần Đình Hiến, ông đã đến với Mạc Ngôn như thế nào?
- Tôi chuyên theo dõi tình hình sáng tác văn học của Trung Quốc thời kỳ ''hậu cách mạng văn hóa", theo dõi hàng loạt những nhà văn xuất hiện trong giai đoạn "văn học vết thương" (cuối những năm 70 - cuối những năm 80), gặp Mạc Ngôn ở "Tuyển tập tiểu thuyết thử nghiệm", số đầu tiên, tháng 9/1986, truyện vừa "Củ cải đỏ trong suốt". Theo dõi tiếp, đến năm 1995, tôi quyết định giới thiệu Mạc Ngôn với độc giả Việt Nam, khi truyện dài "Báu vật của đời" (nguyên tác: Ngực đầy mông nở, của ông được trao giải nhất về tiểu thuyết của Hội Nhà văn Trung Quốc, tháng 12/1995. "Báu vật của đời", tôi dịch xong vào tháng 3/1996, đến tháng 2/2001 thì được in, do Nhà xuất bản Văn nghệ TP.HCM ấn hành bản đầu tiên. Sau đó, Nhà xuất bản Hội Nhà văn in lần thứ hai, tháng 2/2002.
- Ông có thể giới thiệu sơ qua những tác phẩm của Mạc Ngôn mà ông đã dịch?
- Cho đến nay, tôi đã cho xuất bản của Mạc Ngôn: ''Báu vật của đời", "Đài hương hình, "Cây tỏi nổi giận", đang in "Rừng xanh lá đỏ" (nguyên tác: Rừng vẹt), "Tửu quốc" (Rượu chảy như suối).
"Báu vật của đời" là bộ tiểu thuyết lịch sử, viết theo phương pháp cách tân, trình bày "mảng khuất" của lịch sử Trung Quốc trong khoảng 100 năm, thông qua số phận của gia đình Thượng Quan. Với lối viết này, tác giả đã mở ra một không gian lịch sử rộng lớn, cực kỳ hấp dẫn, vì nó phản ánh thực chất của cuộc sống ở Cao Mật như nó vốn có.
"Đàn hương hình" lấy chất liệu từ văn học dân gian, trình bày một giai đoạn lịch sử đẫm máu 1895-1915 ở Trung Quốc: Các đế quốc chia nhau xâu xé Trung Quốc, vét sạch tài nguyên; triều đình Mãn Thanh thối nát, bất lực; Quan lại nhà Thanh thì, hoặc tiếp tay cho giặc như Tổng đốc Sơn Đông Viên Thế Khải; hoặc ươn hèn như Tri huyện Tiền Đinh; quần chúng thì không có người dìu dắt, "lãnh tụ" cuộc khởi nghĩa chống Đức chỉ là một bầu gánh hát, đạo cụ sân khấu làm sao địch lại đại bác thần công của đế quốc...
"Cây tỏi nổi giận", vốn tên sách là "Bài ca củ tỏi Thiên Đường", nhưng căn cứ vào cốt truyện, tôi đổi thành "Cây tỏi nổi giận", vì người nông dân hiền lành như hạt lúa củ khoai, như cây gừng cây tỏi, vì bệnh quan liêu mà nổi giận, như trong chuyện đã kể.
Nhân đây, tôi xin giới thiệu đôi chút về hai truyện sắp ra: "Rừng xanh lá đỏ" viết về sự phân hoá sâu sắc trong xã hội dưới sự tác động của nền kinh tế thị trường. Ở đây đặc biệt lưu ý độc giả tính cách phức tạp của con người đương đại; "Tửu quốc" (Rượu chảy như suối), xin dẫn lời Mạc Ngôn: "Buồn cho sự sa đoạ của nhân loại, căm thù bệnh quan liêu cửa quyền"
- Phong cách nào của Mạc Ngôn mà ông cho là độc đáo?
- Nét độc đáo của nhà văn Mạc Ngôn, theo tôi, ở hai khía cạnh sau đây: - Thứ nhất, ông học tập những nhà văn thành đạt bằng cách đọc các tác phẩm của họ, coi như một lần đối thoại, thậm chí một lần tỏ tình với nhà văn, Trung Quốc cũng như phương Tây. Nhưng điều khác biệt ở ông là ông không mô phỏng phương thức kể chuyện và những câu chuyện kể của các nhà văn đó, mà ông đi sâu nghiên cứu nội hàm của tác phẩm, tìm hiểu phương thức quan sát cuộc sống và cách nhìn về con người, về cuộc đời. Trên cơ sở đó, ông viết ra những tác phẩm của ông, không giống một ai, cả ở Trung Quốc cũng như phương Tây. Thứ hai, nhà văn thành danh nào cũng có mảnh đất văn học của mình, nhưng Mạc Ngôn khác người ở chỗ, ông biến vùng Cao Mật quê ông thành một khái niệm văn học, không phải một khái niệm địa lý, là một khái niệm mở, không phải một khái niệm khép kín; vùng Cao Mật của ông là một cảnh ảo do ông tưởng tượng trên cơ sở những kinh nghiệm của tuổi ấu thơ, ông liên tục biến nó thành một Trung Quốc thu nhỏ, đồng hoá nỗi khổ và niềm vui của nó với nỗi khổ và niềm vui của nhân loại, và bằng tài năng của mình, ông ra sức tác động người đọc trên toàn thế giới quan tâm đến những câu chuyện của ông. Đây là lý do vì sao ông không lặp lại mình trong sáng tác văn học, ông ''thoát xác'' bằng cách nâng tầm mình lên, không ăn mày dĩ vãng, điều này có phần khác với khái niệm ''thoát xác'' như một số người thường nghĩ.
- Trong số 5 cuốn sách đã dịch, ông tâm đắc tác phẩm nào nhất?
- Tôi thích "Báu vật của đời", vì hai lẽ: muốn hiểu tác giả Mạc Ngôn, phải đọc kỹ "Báu vật của đời"; Dung lượng cuốn truyện khả dĩ giải đáp một số vấn đề sâu xa của cuộc sống, mà những truyện khác khó đáp ứng.
- Tới đây, ông trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nghĩa là ông sẽ là một dịch giả chuyên nghiệp chứ không còn là một dịch giả nghiệp dư như ông đã tự nhận, công việc ''sáng tác lần hai'' một tác phẩm văn học có gì khác không?
- Tôi nghĩ về nghề dịch, khái niệm ''nghiệp dư'' hay ''chuyên nghiệp'' không chi phối chất lượng bản dịch, mà nguyên tắc dịch ''tín, đạt, nhã'' mới có ý nghĩa quyết định sự thành công của một bản dịch. Người dịch phải bắt được ''hứng'' của tác giả trong nguyên tác, sau đó, tiến hành lần sáng tạo thứ hai bằng ngôn ngữ mà mình chuyển thể. Khi mà giá trị thẩm mỹ của bản dịch bằng nguyên tác, thì cũng có thể coi dịch giả là đồng tác giả. Lý thuyết thì như thế, nhưng làm được điều đó quả không dễ, suốt đời cố gắng mà không bao giờ tôi cảm thấy hài lòng về bản dịch của mình.
- Ông có thể tiết lộ cho bạn đọc biết về ''lộ trình'' công bố những tác phẩm của Mạc Ngôn sắp tới?
- Tôi muốn giới thiệu có hệ thống về Mạc Ngôn, tuy đôi khi vẫn phải ''nhảy cóc'' vì tính thời sự của một tác phẩm nào đó của ông (thí dụ Cây tỏi nổi giận). Tôi sẽ cho ra mắt bạn đọc bộ ba tác phẩm đã tạo nên ''hiện tượng Mạc Ngôn" tức "Mạc Ngôn tam hồng" (Cao lương đỏ, Củ cải đỏ trong suốt, Châu chấu đỏ). Sau đó, tôi giới thiệu tác phẩm ''Màng chán tổ tiên''. Truyện này hoàn thành vào những năm 1987 - 1989 nhưng nó lại là "phần hồn" của nhà văn, ông bày tỏ khát vọng muốn ăn cỏ để linh hồn được trong sạch, tâm trạng hãi hùng trước thiên nhiên, về màng chán của tổ tiên, bạo lực và tình yêu khác giới... Cũng có thể coi như "Trăm năm cô đơn'' mang màu sắc phương Đông.
Mạc Ngôn là bút danh (có nghĩa: không nói). Tên thật của ông là Quản Mạc Nghiệp, xuất thân nông dân, sinh ngày 17/2/1955 tại làng Cao Mật - một làng giáp ranh ba huyện, vùng sâu vùng xa - tỉnh Sơn Đông - Trung Quốc. Ông điển hình cho sự thành đạt nhờ vào tài năng đích thực của lớp nhà văn trẻ thời kỳ ''hậu cách mạng văn hoá". Ông thất học từ năm 11 tuổi (đang học lớp 5 tiểu học thì nổ ra Cách mạng văn hoá). 10 năm sau đó, ông suốt ngày chăn dê ngoài đồng, đói khát và cô đơn luôn là người bạn đồng hành. Điều này cắt nghĩa vì sao tác phẩm của ông không giống các nhà văn khác. Tháng 2/1976, ông nhập ngũ, và tại môi trường này, ông nỗ lực phấn đấu, trang bị cho mình vốn văn hoá cần thiết để trở thành nhà văn. Năm 1986 tốt nghiệp cử nhân văn chương - Học viện Nghệ thuật Quân giải phóng; năm 1991 lấy bằng Thạc sĩ Khoa lý luận sáng tác - Học viện Văn học Lỗ Tấn - Đại học Sư phạm Bắc Kinh; Sáng tác viên bậc I, thuộc Tổng cục Chính trị - quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc. Tháng 10/1997 ông chuyển ngành, sang hoạt động trên lĩnh vực báo chí và viết văn chuyên nghiệp. Năm 1981 bắt đầu công bố tác phẩm. Đến nay, ông đã cho in 10 truyện dài, 20 truyện vừa, hơn 60 truyện ngắn và 5 tuyển tập những bài ký, phóng sự, tuỳ bút..., tổng cộng trên 200 tác phẩm. |
Tính đến thời điểm này, Mạc Ngôn đã công bố trên 200 tác phẩm, tôi mới tiếp cận được 180, hầu hết là truyện. Chưa đụng được mảng ký và tuỳ bút của ông. Nếu có điều kiện, tôi sẽ giới thiệu vở kịch nói "Bá vương biệt Cơ" của ông - vở này đã làm xôn xao kịch trường Bắc Kinh năm 2000.
Điều khốn khổ cho tôi là Mạc Ngôn không lặp lại mình, vậy, tôi cũng không được phép lặp lại, mà phải vươn lên cùng với ông, điều này hơi quá sức với tôi, nhất là ở cái tuổi cổ lai hi như tôi. Dù sao, tôi cũng xin cố hết sức, bởi không gì vui bằng ý tưởng chân thành của tôi được bạn đọc biết tới. Được vậy, khốn khổ bao nhiêu vì ''Mạc Ngôn'' tôi cũng chịu được.
- Theo ông, thời điểm này đưa các tác phẩm của Mạc Ngôn tại Việt Nam đã phù hợp hay chưa?
- Tôi có theo dõi cuộc thi viết tiểu thuyết và ký về đề tài ''Vì an ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống" do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức, trong đó có không ít tác phẩm viết về "mảng khuất" của lịch sử, được trao giải, rất thành công, đầy sức thuyết phục. Tôi nghĩ, hoàn cảnh đất nước ta và Trung Quốc có nhiều nét khác nhau, cũng nhiều nét tương đồng. Do vậy, ngoài ý nghĩa giao lưu văn hóa, ta có thể giới thiệu một số thành tựu về văn học của bạn để chiêm nghiệm và tham khảo.
- Ông có dự định ''phải'' gặp mặt trực tiếp nhà văn nổi tiếng này hay không?
- Lâu nay, tôi vẫn tâm nhiệm đến lúc nào đó, nếu không mời được Mạc Ngôn sang Việt Nam, thì tối sẽ đi gặp ông, trước hết là xin ông tha lỗi về chuyện dịch sách của ông mà không hề hỏi ý kiến ông. Nhưng tôi cũng tin ông sẵn lòng bỏ qua, vì giữa tôi và ông từ lâu đã ''đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu", tuy chưa một lần gặp mặt.
- Cảm ơn ông rất nhiều. Chúc ông liên tục thành công với Mạc Ngôn.
|