Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn: ''Tôi muốn đồng hành với cuộc sống''
18:03' 23/03/2003 (GMT+7)

 

Bắt đầu từ ngày 27/3 tới, ''Lưới trời'' - bộ phim vừa đoạt giải thưởng Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam sẽ được đồng loạt trình chiếu tại các rạp ở TP.HCM: Thăng Long A, Đống Đa, Diamond Cinema, Fafilm Cinema, Đại Quang, Quốc Thái. Dưới đây là cuộc trò chuyện nhanh giữa báo chí với tác giả kịch bản của bộ phim nói trên - nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn.

- Đề tài đương đại tuy có một thực tiễn phong phú song việc thể hiện nó bằng văn học nghệ thuật không dễ. Riêng anh, ở tiểu thuyết cũng như ở kịch bản điện ảnh thường ''xông'' vào những vấn đề gai góc và đã có ít nhiều thành công. Vì sao anh làm được điều này?

- Tôi quan niệm rằng nhà văn, nghệ sĩ cần phải đồng hành với cuộc sống hiện đại. Với tôi, đó vừa là trách nhiệm vừa là niềm cảm hứng, bởi nó đòi hỏi phải nỗ lực rất cao. Nhà văn muốn thành công ở đề tài này, không thể chỉ làm theo kiểu sao y bản chính mà cần nâng cao sự hiểu biết, tìm con đường có khả năng cuốn hút người đọc, người xem. Và không chỉ phản ánh một cách có nghệ thuật mà còn tham gia lý giải, kiến nghị, định hướng nó. Cá nhân tôi tuy có cảm hứng viết về đề tài hiện đại song cũng phải mất rất nhiều thời giờ để đi thực tế, nạp kiến thức, nạp năng lượng, chứ không thể ngồi một chỗ mà tưởng tượng.  

 

- Nhưng vì sao anh không tiếp tục xuất bản sách mà chuyển sang viết kịch bản phim, một nơi chốn có nhiều ''nguy cơ'' không nhìn ra được mặt mũi đứa con tinh thần của mình? 

 

- Tôi là một nhà văn có đầu óc thực tế, luôn chọn cách tiếp cận người xem, người đọc một cách gần nhất. Nhà văn khi viết tiểu thuyết thì độc lập về trách nhiệm song khi tham gia kịch bản phim lại là đồng trách nhiệm với bộ phận chế tác của phim. Nhiều nhà văn không hào hứng với việc chia sẻ trách nhiệm này. Quan niệm của tôi là phương cách nào giúp cho tác phẩm của mình càng gần, nhân càng rộng đến người xem đều tốt. Điện ảnh là phương thức tiếp cận người xem nhanh nhất, hiệu quả nhất. Tôi không bỏ văn học, chỉ chuyển sang phương thức tiếp cận khác. Trước đây, sách của tôi có cuốn phát hành trên trăm ngàn bản, nay cố gắng lắm cũng chỉ được trên dưới 1.000 cuốn. Một cuốn sách viết và in trong một năm, nhuận bút bốn triệu đồng; một kịch bản viết trong một tuần được nhuận bút năm triệu đồng. Không coi trọng điều này cũng là không thực tế. Có thể có những nhà văn tài giỏi hơn tôi song vì họ không hết mình khi cộng tác với điện ảnh nên tác phẩm không chất lượng, không được tín nhiệm. Còn tôi, tôi hết mình với điện ảnh vì thế có được hiệu quả. 

 

- Khi ''tấn công'' vào những vấn đề tiêu cực xã hội, anh có cảm giác bị những bức chắn vô hình vây quanh? 

 

- Không như những nhà khoa học, công việc của họ đều dựa trên những chuẩn mực, người làm nghệ thuật nói cách này không được thì chọn cách khác, cụ thể không được thì chọn ẩn dụ, dùng cũ nói mới nói con chuột, con mèo cũng ra con người. Tôi chưa bao giờ cảm thấy có rào cản nào khi viết. Tự bản thân mình phải hiểu viết thế nào là vừa đủ, thật lô-gích để người xem, người đọc có thể chấp nhận được. Ví như ở phim Lưới trời, tôi xây dựng nhân vật Hai Phán theo cách nhìn hài hước nhằm tránh việc nhân vật có thể bị vận vào ông A, ông B cụ thể nào đó.

 

- Biên kịch và đạo diễn thường hay ''mất đoàn kết'' sau khi phim hoàn thành. Ở Lưới trời, anh đánh giá thế nào về đạo diễn Phi Tiến Sơn? 

 

- Khi biết kịch bản được hãng phim giao cho Phi Tiến Sơn, tôi chưa quen anh. Chúng tôi trao đổi với nhau bằng thư và điện thoại. Lưới trời là phim vụ án nhưng không phải là phim hình sự. Vấn đề của phim đặt ra dễ đụng chạm, dễ khô khan nếu như chúng tôi đẩy phần ''tư tưởng'' lên căng hơn nữa. Vì người xem, chúng tôi đã xây dựng trong đó một chuyện tình. Đạo diễn Phi Tiến Sơn và tôi đã tỏ ra rất hiểu nhau nên phần nhân nhượng của mỗi bên đã không làm thấp đi cái tầm của phim. Việc tìm diễn viên cho vai phức tạp như những nhân vật trong Lưới trời là rất khó và những người như Đào Bá Sơn (Tư Lê), Kim Khánh (Thảo Linh), Thành Trí (Hai Phán)... theo tôi, ít nhiều đã  thể hiện tròn vai diễn. Chính từ việc hợp tác tốt đẹp này mà sắp tới Phi Tiến Sơn vẫn tiếp tục cộng tác, thực hiện bộ phim dài 30 tập do tôi viết kịch bản: Ban nhạc Sài Gòn mưa (TFS).

 

(Theo NLĐ)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Toàn tập truyện ngắn Nguyễn Công Hoan ra mắt độc giả (20/03/2003)
Cần chủ động hơn trong việc tiếp cận văn học Mỹ (14/03/2003)
Một hành trình văn học (11/03/2003)
McEwan đoạt giải tiểu thuyết hay nhất (28/02/2003)
''Thơ tình tặng vợ'' - cuốn sách cần cho mọi gia đình (27/02/2003)
Sách văn học cho tuổi mới lớn đã bắt đầu được trân trọng (26/02/2003)
Hồi ký Bà Tùng Long: ''Viết là niềm vui muôn thuở của tôi...'' (25/02/2003)
Người dịch sách bên dòng Trà Lý (25/02/2003)
Chương trình Giai điệu Đồng bằng 20: Giới trẻ vẫn ủng hộ cải lương (25/02/2003)
Giải Nobel cho văn chương Việt Nam? Vừa khóc vừa buồn cười vừa mơ mộng! (15/02/2003)
Mark Winegardner sẽ viết tiếp ''The Godfather'' (10/02/2003)