Toàn tập truyện ngắn Nguyễn Công Hoan ra mắt độc giả
11:12' 20/03/2003 (GMT+7)

 

Từ lâu, một bộ sách tập hợp các tác phẩm truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Công Hoan đã trở thành niềm mong mỏi của các nhà nghiên cứu, giới học sinh, sinh viên cùng đông đảo độc giả yêu mến ông. Đáp ứng yêu cầu đó, vừa qua, Nhà xuất bản Văn học đã cho ra mắt Toàn tập Nguyễn Công Hoan (phần truyện ngắn) do nhà văn Lê Minh - con gái ông biên soạn.

Bộ sách gồm hai tập, dày gần 2.000 trang, khổ lớn, tập hợp các truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Công Hoan suốt chặng đường gần 60 năm cầm bút, trong đó có những tác phẩm còn ít người biết đến. Ngoài ra, bộ sách còn cung cấp niên biểu khá chi tiết về cuộc đời, văn nghiệp cùng bảng tổng mục lục các tác phẩm đã xuất bản, nhằm phục vụ các đối tượng có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về ông. 

Sinh thời nhà văn Nguyễn Công Hoan là tác giả lớn của văn học Việt Nam, một cây bút tiêu biểu của dòng văn học hiện thực phê phán đầu thế kỷ XX. Nhà thơ Lưu Trọng Lư từng gọi ông là ''một cây bút khai sơn phá thạch cho nền văn xuôi trào phúng Việt Nam''. Với Nguyễn Công Hoan, ngòi bút như một thứ vũ khí để đấu tranh, để phơi bày cái hiện thực nhơ bẩn, thối nát của xã hội đương thời. Tác phẩm của ông là những lời thách thức với bộ máy cầm quyền, là hồi chuông kêu gọi, thức tỉnh lớp người bị áp bức, là sự cảm thông, chia sẻ với những số phận khốn cùng trong xã hội bấy giờ.

Sự nghiệp văn chương Nguyễn Công Hoan là một khối lượng lớn, đồ sộ các tác phẩm, bao gồm nhiều thể loại: Truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, phóng sự... trong đó truyện ngắn chiếm một số lượng lớn (gần 200 tác phẩm). Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Công Hoan rất ngắn, cấu trúc gọn, chặt chẽ, mang đậm tính hài hước. Mỗi câu chuyện là một cảnh đời, một số phận, thế nhưng nó đã khái quát được toàn vẹn bức tranh đời sống thế sự, đặc biệt là những mâu thuẫn xã hội đương thời.

Ngôn ngữ trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan rất dung dị, từ dùng chính xác, có sức gợi lớn, những chi tiết được chọn lọc, sắc sảo, làm nổi bật lên chủ đề của mỗi tác phẩm. Truyện ngắn của ông được dẫn dắt bởi một hình thức kể chuyện không thể trộn lẫn, nói như nhà văn Khái Hưng, đó là ''cách hành văn không thể bắt chước''. 

(Theo Lao Động)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Cần chủ động hơn trong việc tiếp cận văn học Mỹ (14/03/2003)
Một hành trình văn học (11/03/2003)
McEwan đoạt giải tiểu thuyết hay nhất (28/02/2003)
''Thơ tình tặng vợ'' - cuốn sách cần cho mọi gia đình (27/02/2003)
Sách văn học cho tuổi mới lớn đã bắt đầu được trân trọng (26/02/2003)
Hồi ký Bà Tùng Long: ''Viết là niềm vui muôn thuở của tôi...'' (25/02/2003)
Người dịch sách bên dòng Trà Lý (25/02/2003)
Chương trình Giai điệu Đồng bằng 20: Giới trẻ vẫn ủng hộ cải lương (25/02/2003)
Giải Nobel cho văn chương Việt Nam? Vừa khóc vừa buồn cười vừa mơ mộng! (15/02/2003)
Mark Winegardner sẽ viết tiếp ''The Godfather'' (10/02/2003)