Hồi ký Bà Tùng Long: ''Viết là niềm vui muôn thuở của tôi...''
18:43' 25/02/2003 (GMT+7)
 
Hồi ký Bà Tùng Long

NXB Trẻ phối hợp Công ty Văn hoá Phương Nam vừa ấn hành cuốn hồi ký Bà Tùng Long của nữ nhà báo, nhà văn lão thành Bà Tùng Long (Lê Thị Bạch Vân) - người được bạn đọc miền Nam biết đến qua các tiểu thuyết tâm lý xã hội và các mục Gỡ rối tơ lòng, Tâm tình cởi mở trên nhật báo Sài Gòn. Theo tác giả, đây là ''cuốn sách sau cùng của đời tôi'' dày hơn 350 trang với 6 chương.

Chương I: Thời thơ ấu; Những ngày tươi đẹp (chương II); Mối tình ''đầu tiên và cuối cùng'' (chương III). Theo tác gỉa lúc còn học Trường Áo Tím, đọc thấy tờ Sài Thành đăng mẩu quảng cáo: ''Dạy viết văn, làm thơ, dạy cả chữ Hán theo cách hàm thụ do cô Nhứt Chi Mai phụ trách'', bà đã ghi tên học và về sau biết ''cô Nhứt Chi Mai'' thực ra là đàn ông, một cây bút nổi tiếng thời ấy ở Sài Gòn: Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy (1902 - 1985). Thân phụ bà là cụ Lê Tường (1894 - 1956) không muốn bà tiếp tục học với ''chị Nhứt Chi Mai'' nữa, sợ ''rắc rối về sau''. Bà vâng lời, nghỉ học: ''vài ngày sau đó, các em tôi thấy một người đàn ông ăn mặc rất sang trong tay cầm cây can ngồi chễm chệ trên một cái xe kéo cứ chạy qua chạy lại trước nhà'' (tr.79), đó là ''chàng'' Hồng Tiêu. Bà viết: ''Anh lớn hơn tôi 13 tuổi, vào đời đã hơn 10 năm, thân tự lập thân, lăn lộn cũng nhiều, nhưng trước tôi anh lúng túng thấy rõ'' (tr.84). Sau ba năm quen biết và thương nhau, đến cuối 1935, họ làm đám cưới tại Sài Gòn lúc bà 20 tuổi: ''Suốt 50 năm chung sống anh không bao giờ đánh tôi như lời đã hứa đêm tân hôn, còn tôi lúc nào tôi cũng xem anh như một người thầy, một người anh, một người bạn, một người chồng. Đó là mối tình đầu tiên và cuối cùng của tôi'' (tr.116).

Chương IV kể những Vui buồn Nghề văn - nghề báo, nhắc chuyện người làng văn Sài Gòn hồi trước nói đùa bà là người đã viết được ''1001 truyện ngắn'': ''Sự thật thì tôi đã xuất bản khoảng 70 truyện dài và truyện vừa. Truyện đã đăng báo nhưng chưa in thành sách vẫn còn khoảng chục bộ. Truyện nhi đồng viết vì yêu cầu của các nhà xuất bản nhi đồng khoảng vài trăm cái'' (tr.117). Đề tài lấy từ những điều: ''mắt tôi thấy, tai tôi nghe khi tôi bắt đầu hiểu'', từ những chuyến đi xa ''khắp Nam Trung Bộ từ Huế trở vô''... Bà không dám nghĩ mình là một văn sĩ mà chỉ mong sao đóng góp một phần nào đó xây dựng cho nữ giới và nuôi 9 đứa con...

Hai chương V và VI kể những kỷ niệm đáng đáng nhớ khi giữ mục Gỡ rối tơ lòng do bà khởi xướng từ năm 1953 trên nhật báo Sài Gòn Mới và một vài việc khác trong đời. Những trang cuối là bài phỏng vấn của Lê Phương Chi, tóm tắt tiểu sử, quá trình hoạt động văn học - báo chí, liệt kê 50 tác phẩm của bà đã xuất bản, tái bản trước và sau năm 1975, với nhan đề: Viết là niềm vui lớn nhất đời tôi. Câu này được bà sửa đôi chữ để lấy làm tựa của hồi ký: Viết là niềm vui muôn thuở của tôi... Có lẽ sửa chữ ''đời tôi'' thành ''muôn thuở'' là bà muốn nói đến ''kiếp sau, kiếp sau nữa'' vẫn sẽ chọn con đường cầm bút viết văn như một niềm vui lớn nhất.

(Theo Thanh Niên)

 

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Người dịch sách bên dòng Trà Lý (25/02/2003)
Chương trình Giai điệu Đồng bằng 20: Giới trẻ vẫn ủng hộ cải lương (25/02/2003)
Giải Nobel cho văn chương Việt Nam? Vừa khóc vừa buồn cười vừa mơ mộng! (15/02/2003)
Mark Winegardner sẽ viết tiếp ''The Godfather'' (10/02/2003)