|
Nhà thơ Nguyễn Duy. |
(VietNamNet) - Năm 1997, Nguyễn Duy tuyên bố “gác bút” giã từ sân thơ để chiêm nghiệm lại mình. Một sự dừng lại đúng lúc. Năm ấy anh bước sang tuổi 50 và kỷ niệm 30 năm làm bạn cùng nàng thơ với 13 tập thơ và 3 tác phẩm văn xuôi (trong đó có một tiểu thuyết).
Hiện Nguyễn Duy đang tập hợp để làm "Tuyển tập thơ Nguyễn Duy chọn lọc". Nguyễn Duy là nhà thơ viết chữ đẹp vào hạng nhất nhì trong giới cầm bút hiện nay nên từ năm 1995, nhà thơ trình làng rất riêng "Nguyễn Duy" qua lịch thơ trên giấy dó. Nguyễn Duy có nhiều cái nhất, trong đó có chuyện anh là người Việt Nam đầu tiên triển lãm thơ, lịch thơ và in lịch thơ trên giấy dó. Theo nhà thơ, "đây là cuộc chơi lớn nhất trong cuộc đời tôi".
- Những cuộc triển lãm người xem nhận thấy còn đó “chất nhà quê” trong anh?
- Tôi vốn là anh hay mê những thứ rất nhà quê, hàng 5, 7 năm nay đã ấp ủ in một tập thơ bằng giấy dó với những ảnh minh họa do tôi chụp, và đặc biệt là tập thơ của một nhà thơ nữ “ngông” bậc nhất Việt Nam - Hồ Xuân Hương và tranh của ông hoạ sĩ cũng “ngông” bậc nhất Việt Nam - Bùi Xuân Phái. Song loay hoay mãi vẫn chưa ra được, nhân có chuyến sang Mỹ gặp David Thomas - người triển lãm trên giấy dó về Bác Hồ, tôi gặp may từ đó và tôi nghiệm thấy rằng, “của báu” nhà mình, nhiều khi lại là người nước ngoài tìm thấy trước.
- Anh cũng thuộc loại “ngông” thứ ba, vì ở anh “chất hoài cổ” là để quay về cội nguồn dân tộc?
- Tôi không phải là người hoài cổ, mà là người phục cổ. Chữ “phục” ở đây phải hiểu theo cả hai nghĩa khôi phục và khâm phục. Văn hóa của dân tộc mình, tôi không nói đẹp hơn, lớn hơn ai, nhưng chắc chắn không thua kém bất cứ quốc gia nào. Chỉ riêng hai tuần cuối của tháng sáu 2001, cuốn “Hồ Xuân Hương” trên đất Mỹ đã bán được 15.000 bản, một con số nhiều nhà thơ Mỹ mơ cũng không được. Tôi triển lãm thơ trên giấy dó ở Mỹ, nhiều tri thức Mỹ phải ngẩn ngơ trầm trồ: "đẹp quá!". Vẻ đẹp của tất cả các nền văn hóa đều bình đẳng với nhau. Mỗi sản phẩm, vật dụng tồn tại trong lòng dân tộc mình, dù nhỏ bé, giá trị đến đâu, cũng ẩn chứa linh hồn của xứ sở. Mà cái linh hồn đó, tâm hồn tôi cũng có chung một nhịp đập, một tần số. Tôi là người đi nhiều, đã qua hàng chục quốc gia, qua biết bao nhiêu thành phố sầm uất, những thủ đô hoa lệ, nhưng rồi lại thấy đi đâu cũng không bằng trở về nhà mình, được sống giữa tâm hồn dân tộc mình… Tôi thấy mình đơn độc nhưng tôi tin đến một lúc nào đó, người ta sẽ chán khoác lên mình những thứ chẳng phải của mình, người ta sẽ nhận ra những giá trị đích thực và bền vững, những giá trị làm họ bình đẳng với cả nhân loại.
Nhà thơ tâm sự, những chuyến đi và trở về trước đây rồi dần lãng quên. Đây là chuyến trở về đúng nghĩa của tôi sau bao năm bôn ba kiếm tiền xây dựng nhà cửa, ổn về kinh tế.
- Qua những chuyến lang thang, nhà thơ sẽ...
- Chiêm nghiệm. Sau bắt tay vào làm “10 thế kỷ thơ Thiền Việt Nam trên giấy dó” và sẽ viết tiểu thuyết Du ký. Từ trong bụng mẹ đã bắt đầu du ký (cười). Lang thang nhưng vẫn có trách nhiệm với gia đình. Năm 1996 mang “án tử hình” vì phát hiện bệnh tiểu đường nên tôi bi quan lắm, dốc toàn tâm lực để xây nhà cho con, rồi nợ nần nên nghĩ ra cách làm thơ trên lịch. Chính lúc túng quẫn như thế mà hay. Tôi là người lang thang, lang thang từ những ngày tuổi thơ trên đồng quê và nhất là trong cuộc chiến, sau này là lang thang với những cuộc đọc thơ và triển lãm thơ mà lang thang hoàn toàn với tư cách nhà thơ chứ không có sự vụ gì cả. Lang thang đọc thơ, bán tranh để tiếp tục… lang thang. Những cuộc lang thang với số phận dân tộc nhưng tôi vẫn đau đáu trong lòng nỗi niềm nhớ quê, nhớ nhà… (trầm ngâm). Tôi sẽ viết từ những cuộc lang thang đó.
- Nguyễn Duy là thế hệ nhà thơ xuất thân từ trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cùng với Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Ý Nhi, Lâm Thị Mỹ Dạ, Phan Thị Thanh Nhàn... Theo anh thì thế hệ sau thời kỳ đổi mới có gì mới?
|
Nhà văn Nguyuễn Quang Sáng đang giới thiệu lịch thơ "Kính thưa Liền Thị" Quý Mùi 2003 cùng nhà thơ Nguyễn Duy (bên phải). |
- Tôi ủng hộ các bạn trẻ. Họ là lực lượng có tri thức. Tuy nhiên họ làm thơ bằng "miệng" thì nhiều, nhiều bài thơ nhàn nhạt, làng nhàng không tạo ra phong cách riêng gì cả. Thế hệ tôi làm thơ trong giai đoạn đất nước cực kỳ khó khăn nhưng với riêng tôi không phải để lãnh nhuận bút, kiếm tiền. Tôi kiếm tiền qua nhiều việc khác như viết kịch bản phim, lời bình, viết báo... Tuyệt nhiên không làm thơ vì kinh tế, mặc dù rất... đói. Thế nhưng những gì tôi kiếm tiền được đều ra đi... chỉ có thơ là tự khẳng định được mình. Các bạn mới, làm thơ có kiến thức và đất dụng võ nhưng đừng xem thơ là "cứu cánh", hãy tạo riêng cho mình một phong cách. Tôi nhớ Trần Đăng Khoa viết lời bình trong tập "Thơ với tuổi thơ" của Nguyễn Duy rằng: "Nguyễn Duy sẽ sống với chính thơ và với riêng một cõi". Tôi cho đó là nhận định rất chính xác. Tôi đang làm kinh tế và chỉ khi nào không nặng nợ "áo cơm" tôi sẽ thảnh thơi lang thang...
Nhiều người yêu thơ, đọc thơ anh có cảm giác nỗi buồn xâm chiếm tâm hồn anh nhiều hơn là niềm vui, mặc dầu có nhiều câu thơ hóm hỉnh thật vui và cũng là cách sáng tạo ngôn từ độc đáo của anh: … Em hơi bị đẹp anh hơi bị nhàu. Hai âm tiết “hơi bị” cũng chính Nguyễn Duy là nhà thơ đầu tiên đưa vào thơ. Và Nguyễn Duy cũng là người Việt Nam cuối cùng chụp, lưu lại những bức ảnh Trung tâm thương mại thế giới ở Mỹ sau vụ khủng bố 11-9 (nhà thơ là phóng viên chiến trường và chụp ảnh từ năm 1972).
Năm 2001, nhà thơ bị tai nạn và làm lịch thơ với chủ đề về Huế, nhà thơ trình làng những bài thơ rất riêng về Huế trên lịch 2002. Năm 2003, Nguyễn Duy tiếp tục thể hiện với chủ đề "Kính thưa Liền Thị" cùng những bài thơ và tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái về "Bà chúa thơ Nôm" Hồ Xuân Hương trên giấy dó rất đặc sắc, tuy giá thành cao nhưng được nhiều người ủng hộ. Với chủ đề "Môi trường thiên nhiên" xuân Giáp Thân 2004, Nguyễn Duy trở về thiên nhiên với hoa cỏ, chim chóc... tuyệt đẹp và cùng với lịch thơ về những bài thơ Hồ Xuân Hương: Tự tình, Tranh Tố Nữ, Thiếu nữ ngủ ngày, Giếng nước, Vịnh hang Cắc Cớ, Vịnh quạt chuyển song ngữ Hán và Anh. Một tin vui: con trai nhà thơ (anh có ba con, hai trai và một gái) là Nguyễn Duy Sơn, người thiết kế và trình bày lịch thơ Nguyễn Duy, sẽ cưới vợ vào cuối đông năm nay.
Xin chúc mừng nhà thơ Nguyễn Duy.
VietNamNet xin giới thiệu chùm ảnh về lịch thơ Nguyễn Duy:
|