Nhà văn Đoàn Minh Tuấn:
Tổng kết đời văn qua "Tuyển tập"
17:41' 08/12/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Nhà văn Tô Hoài trong Lời Giới thiệu đã tổng kết văn nghiệp của nhà văn Đoàn Minh Tuấn trong suốt 40 năm cầm súng và cầm bút trải qua hai cuộc kháng chiến: “Đặc điểm và văn phong bộc lộ nét riêng của nhà tiểu thuyết lịch sử, sử biên niên và sử bao quát mà người viết đã từng trải và mắt thấy tai nghe. Đấy là dáng dấp thời đại của nhà văn thời đại trong tác phẩm và con người”. 

Nhà văn Đoàn Minh Tuấn.

Nhà văn Đoàn Minh Tuấn sinh ngày 15-6-1932 tại Tịnh Khê, Quảng Ngãi, làng Sơn Mỹ kiên cường nơi đã có 504 người dân vô tội bị Mỹ thảm sát.
Tháng 8 năm 1945, làm trinh sát. Năm 1950 tham gia Quân đội tại Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Năm 1951-1954, chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, tập kết ở Đoàn 150 Bộ Tổng tư lệnh, Trung đội trưởng Quân khu Hữu Ngạn. Năm 1958-1961 học Đại học Tổng hợp. Năm 1961-1969, biên tập viên Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 1969-1971 đi Bộ đội và về báo Thống Nhất. Năm 1973-1974 công tác ở  Ban Tuyên huấn khu TTB, Đài khu 5, Trưởng đoàn Tuyên truyền Võ trang khu tại chiến trường Buôn Ma Thuột. Năm 1975-1989 trợ lý giám đốc Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng ban biên tập. Giám đốc Nhà xuất bản Thông tin (phía Nam), Phó Tổng biên tập báo Văn hóa (Bộ Văn hóa - Thông tin), Phó Tổng biên tập tạp chí Toàn cảnh (Bộ Văn hóa -Thông tin), Đảng ủy viên Đảng bộ khối Văn hóa Thông tin. Năm 1979, Nhà văn được tặng thưởng cho kịch bản phim tài liệu Mùa xuân trên điểm tựa, giải A. Năm 2002, được Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam tặng thưởng tác phẩm Bác Hồ cây đại thọ (thể loại tác giả). Cùng nhiều Huân huy chương cao quý khác với các huy hiệu 40 và 50 tuổi Đảng (2000).

Nhà văn tâm sự: “Tôi sinh ra ở một làng quê nghèo, làng mà sau này Mỹ hủy diệt, làng Sơn Mỹ tức Tịnh Khê. Ông nội là Đoàn Thúc Vỹ, một nhà nho yêu nước, đỗ cử nhân, ra làm huấn đạo ở huyện Bình Sơn. Khi Pháp sang, tri huyện bắt quỳ đón tên Khâm sứ Trung kỳ, không chịu nhục rút giày đánh tri huyện và bỏ quan về dạy học, làm thuốc cứu giúp đồng bào, chết sớm ở tuổi bốn mươi. Bố là Đoàn Khắc Huỳnh, nhà nho, tây học, làm thơ, viết báo Tiếng dân, thường giao du với cụ Huỳnh Thúc Kháng, sau là Đảng viên Đảng Cộng sản. Tôi lớn lên thường được mẹ kể những truyện cổ tích, trung hiếu tiết nghĩa, có khi mẹ đọc từ chữ nho ra, cũng có làm thơ đăng trên báo Phụ nữ ngoài Bắc ký tên là Hoàng Hoa nữ sĩ. Được sống trong môi trường và sự dưỡng giáo của cha mẹ nên từ sớm tôi đã biết làm và đọc thơ Đường. Cuộc đời khi lớn lên đã lao vào công cuộc chống ngoại xâm của dân tộc, cuộc kháng chiến thần thánh này đã sáng tạo ra bao anh hùng mà lịch sử từ khi dựng nước chưa có thời kỳ nào rực rỡ, hào hùng như thời đại Bác Hồ. Bởi vậy cho nên cuộc đời sáng tác của tôi đã dành nhiều tháng năm viết về Bác: tập Bác Hồ cây đại thọ là một ghi chép nhỏ của đời văn tôi vậy”. 

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm (bên trái) cùng nhà văn Đoàn Minh Tuấn.

Ông là người có cái may mắn được gần gũi bên cạnh nhà văn Nguyễn Tuân dù chỉ là "điếu đóm", làm "tiểu đồng" (chữ dùng của ĐMT). Và bên cạnh những nghiên cứu khoa học về thân thế và văn nghiệp nhà văn Nguyễn Tuân của Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh thì nhà văn Đoàn Minh Tuấn có những trang viết “Với bác Nguyễn” đầy ắp tư liệu văn học sử, nhất là những giai thoại. Vì theo ông: “Cụ Nguyễn Tuân là người rất dễ thương nhưng cũng rất khó tính. Cụ không chịu những sự gì mất tự do của cụ đâu. Tôi theo cụ cũng chơi thôi. Sự chơi này với nghĩa theo thầy học đạo, học để rút ra những tinh hoa của cụ về cách viết. Như nhà văn Marian Tkchốp nói rằng: “Nguyễn Tuân là một cây tùy bút số hai của thế giới sau Êrenbua”. Trong căn phòng làm việc của Marian ở Matxcơva chỉ treo ảnh hai người là nhà văn Êrenbua và Nguyễn Tuân, hai cây văn xuôi tài hoa với những trang tùy bút chính luận nổi tiếng. Và những nhà văn nước ngoài đánh giá Nguyễn Tuân cao lắm, không riêng nước mình đâu! Nhưng cụ có lúc lận đận, khó khăn lắm cái thời đất nước đang trong thời kỳ ấu trĩ ngay nhà văn Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài cũng có cái khó khăn. Cũng thông cảm thôi, còn mình có nghĩa lý gì”.

Và chỉ riêng Với bác Nguyễn (đã tái bản hai lần, mỗi lần đều có bổ sung), Đoàn Minh Tuấn xứng đáng là một trong những nhà “Nguyễn Tuân học”.
 

Bìa sách "Tuyển tập Đoàn Minh Tuấn".

Ở phần III trong “Tuyển tập Đoàn Minh Tuấn” (Nhà xuất bản Văn học, tháng 6 -2003) có bài “Viết về Nguyễn Tuân”, khi đọc xong, tôi xúc động với tấm chân tình của “một học trò giỏi” Đoàn Minh Tuấn. Trong đó, tôi đặc biệt chú ý bài viết cách đây đã 18 năm (8/1985 - 2003) “Người bạn lớn của tuổi trẻ” nhằm minh oan cho cụ: “…Có nhiều người viết về Nguyễn, ca ngợi Nguyễn, nhưng có người vì “tam sao thất bổn” lại nói bác có dặn lại là sau này chết, chôn theo một nhà phê bình. Điều này thật quá đáng. Bác thường nói vui: "Khi mình trăm tuổi, nhớ đốt cho mình con hình nhân - tức con nộm bằng giấy - một nhà phê bình để xuống âm ti trò chuyện, tranh luận cho vui". Chứ chưa bao giờ nói chôn sống một nhà phê bình bao giờ.

Đọc Tuyển tập Đoàn Minh Tuấn với 980 trang, bao gồm bảy phần: phần I, Viết về Bác Hồ (19 truyện); phần II gồm 16 Truyện, phần III, Viết về Nguyễn Tuân có 18 truyện; phần IV viết về 24 Chân dung Nghệ sĩ; phần V gồm 15 Du ký; phần VI, 16 Tùy bút - và phần VII là 42 bài viết của tác giả và đồng nghiệp về Tác phẩm và dư luận.  

Càng cảm động hơn, khi người vợ thứ hai đáng yêu của ông viết Lời người tuyển ngắn

Nhà văn Nguyễn Tuân (đội mũ) cùng nhà văn Đoàn Minh Tuấn

gọn, da diết nhưng sâu lắng với tình thương chồng con vô bờ bến khi bà phải sớm ra đi, nhưng hạnh phúc thay, bà đã hoàn thành thiên chức làm vợ nhà văn: “Mình ơi, em để lại trăm ngàn thương yêu cho anh, cho con chúng mình và may ra đến tay bạn đọc. Cũng xin thưa, tôi là người “ngoại đạo”, ít am hiểu văn chương, lý luận, nhưng vì yêu văn học và yêu chồng nên mới dám "múa rìu qua mắt thợ”, có gì sơ suất xin bạn đọc lượng thứ cho một người bị ung thư gan giai đoạn cuối “Thập tử nhất sinh” này”.

Với Tuyển tập này, xem như nhà văn Đoàn Minh Tuấn đã tự tổng kết đời văn của mình bằng những trang văn đầy ấp nhiều thông tin về văn học.

  • Giáp Nguyễn
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
“Tác gia kịch nói và kịch thơ” – chân dung nghệ sĩ Sân khấu của Hoài Anh (08/12/2003)
Trao giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2002- 2003 (05/12/2003)
"Mr. Peabody's Apples" của Madonna đứng đầu Top cuốn sách bán chạy nhất (03/12/2003)
Nguyễn Văn Hầu và "Diện mạo Văn học dân gian Nam bộ" (01/12/2003)
465 người thi viết truyện ngắn cho thanh niên, học sinh (29/11/2003)
Trao giải thưởng cuộc thi viết ''Vì biển xanh quê hương'' (26/11/2003)
Viết văn và làm khoa học vì người nghèo (26/11/2003)
Thầy, cô qua những trang văn (18/11/2003)
Các cây viết trẻ TP.HCM nghĩ gì? (15/11/2003)
“Thi pháp truyền Kiều" mang lại điều gì mới mẻ? (07/11/2003)
Nhà văn trẻ với cuộc chiến mưu sinh (06/11/2003)
Phê bình văn chương và những phát sinh “ngoài văn chương” (06/11/2003)
"Ngôi trường không nổi tiếng" của cô giáo viết văn (05/11/2003)
Cửa vào Hội Nhà văn - Mở rộng hay khép bớt? (04/11/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang