Nguyễn Văn Hầu và "Diện mạo Văn học dân gian Nam bộ"
17:02' 01/12/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Đây thật sự là một bộ sách quí. Nếu không có hai tập sách cuối đời này, có lẽ mọi người sẽ không biết đến một Nguyễn Văn Hầu đã để tâm cả đời đãi cát tìm vàng, tìm ra những hạt ngọc của một nền văn học mang đặc trưng Nam bộ.

 

Trong Lời giới thiệu tập sách, nhà văn Sơn Nam viết: “Nguyễn Văn Hầu sinh năm 1922 tại xã Bình Phước Xuân ( tỉnh An Giang), từ trần vào đầu năm 1995, thọ 73 tuổi … Về gia phả, Nguyễn Văn Hầu có thể khẳng định dòng họ mình ở xứ cù lao to rộng này hơn ba đời...

 

 
Hai tập cuốn sách Diện mạo Văn học dân gian Nam bộ của Nguyễn Văn Hầu.

Những nhân vật của cù lao đã có Ung Văn Khiêm, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng… lớn lên phần lớn nhờ tự học, nhờ năng khiếu và nhờ cái nhìn khá rộng. Chưa từng hỏi anh đã đi Sài Gòn bao nhiêu lần, mỗi lần bao nhiêu ngày, nhưng ở tỉnh lẻ mà anh không thấy cô đơn. Ở tỉnh lẻ mà vượt lên tỉnh lẻ, làm được những công trình có tầm cỡ quốc gia… Là người nặng về tâm linh, Nguyễn Văn Hầu đã soạn nhiều tư liệu về tôn giáo (Phật giáo Hòa Hảo) rất cần thiết để cho ta tiếp cận với vùng đất tràn đầy sinh lực phía Hậu Giang…”.

 

Nguyễn Văn Hầu đã viết “Cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa, 1959” viết về Trần Văn Thành (từng theo Nguyễn Trung Trực) thuộc hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương tổ chức ở xã Thạnh Mỹ Tây, An Giang. Ông đã lập công xưởng, đúc súng và đạn, hiện còn đền thờ Đức Cố Quản, tức Quản cơ Trần Văn Thành;  cuốn “Chí sĩ Nguyễn Quang Diêu, 1961”, “Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang, 1973”, và “Diện mạo Văn học dân gian Nam bộ” là hai cuốn sách cuối đời đầy tâm huyết của ông.

 

Xem hai tập của cuốn sách mới này (Diện mạo Văn học Dân gian Nam bộ (2 tập) - Nguyễn Văn Hầu, Nhà xuất bản Trẻ, 2004), chúng ta thấy được quá trình tham khảo tài liệu rất công phu và nghiêm túc dựa trên các cứ liệu như: Báo chí Quốc ngữ với 14 thư mục; Truyện thơ, hò, hát Quốc ngữ (24); Sách Quốc ngữ (12) ; Sách chữ Hán và chữ Nôm (7); 3 thư mục là  Sách chữ Pháp. Sách có hai tập, tập 1 có 5 chương dày hơn 360 trang; tập 2 có 5 chương dày 430 trang được tác giả viết xong cách đây gần ba mươi năm (9/9/1974).

 

Ở tập 1, tác giả đã khái quát các loại hình văn học dân gian miền Nam rất phong phú, góp phần để các nhà nghiên cứu hiểu và nắm bắt thêm về một vùng đất mới cách đây hơn ba thế kỷ như: Tục ngữ, Câu đố, Truyện cổ, Ca dao (chương 1); Hò, Vè, Nói thơ, Thơ rơi và các điệu dân ca khác (chương 2); Từ bước đầu cảu văn học nói, biểu hiện những ý chí và tình cảm trong cảnh li hương, những đấu tranh cam go dai dẳng trên đường khai phá, và những sáng tạo mới để đáp ứng nhu cầu (chương 3); Văn học dân gian ghi nhận những sự kiện từ thời sự, lịch sử, nhân vật, địa danh đến những sự kiện thường thức, có khả năng lưu truyền rừ đời này sang đời kia và phổ biến từ vùng này sang vùng khác (chương 4); Cư xử, tập quán và kinh nghiệm của người lục tỉnh, thấy được trong tục ngữ, câu hò và câu hát (chương 5).

 

Đáng chú ý ở một loại hình văn học dân gian rất riêng ở Nam bộ, đó là "Thơ rơi", theo tác giả: “Thơ rơi nói đây, tại miền Nam thời xưa, là một thể văn vần truyền khẩu rất phổ biến, dùng mô tả nhưng oan tình, những uất hận dồn chứa trong lòng mà người ta không thể nào đơn phương đến tận mặt đối phương để phân trần hay thuyết phục được nữa:

Ngồi buồn đặt thơ rơi một bổn,

Để cho đây đó tư tam

Mấy đứa xằng đâu có chính chuyên,

Theo cặp xách anh ba chị bảy.

                                (Thơ rơi Răn phận gái).

Dù sao, thơ rơi bằng văn vần bình dân cũng đã có hơn một thời hiện diện tại miền đất này. Nó được đem ngâm nga như nói thơ, nói vè. Nội dung của nó tuy đa số là chuyện riêng của một người, đôi khi một hạng người, nhưng nó đã góp phần bêu riếu sự gian tà, đã phá những tục hư nết xấu bằng những lời nói lớn, bằng những tiếng phân bua mạnh mẽ, để thiên hạ phân biệt đâu là lẽ phải nên theo, đâu là điều trái cần tránh”.

 

Tập 2 đi sâu vào những vấn đề thực tế cuộc sống: Vần đề hôn nhân với các mặt tốt xấu của nó được thể hiện qua tiếng nói dân gian (chương 6); Huê tình, một trong các vấn đề tình cảm thể hiện phong phú nhất trong hò (chương 7); Văn chương châm biếm quyết liệt tố cáo, đả phá những hành vi bê bối, những thói tật hư thúi, những áp bức bất công qua những truyện cười, câu hát, bài vè (chương 8); Tinh thần yêu nước chống xâm lăng biểu lộ rất sôi nổi hào hùng trong hò, hịch, thơ, vè (chương 9) và chương 10: Màu vẻ miền Nam trong văn học dân gian địa phương.

 

Nếu không có hai tập sách cuối đời này, có lẽ mọi người sẽ không biết đến một Nguyễn Văn Hầu đã để tâm cả đời đãi cát tìm vàng để tìm tòi hạt ngọc văn hóa dân gian, góp phần phong phú vào một nền văn học bình dân đặc trưng Nam bộ. Thể loại văn học mà trước đó những nhà Nam bộ học như: Trịnh Hoài Đức, Trương Vĩnh Ký, Vương Hồng Sển, Sơn Nam… đã thể hiện trong các tác phẩm văn chương, sưu tầm, nghiên cứu, khảo cứu… và sau này có nhóm nghiên cứu điền dã về văn học dân gian để cải biên như vợ chồng nhà thơ Lê Giang, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, nhạc sĩ Phan Nhân… Với riêng Nguyễn Văn Hầu trong lời Dẫn đã viết: “Công việc sưu tầm nghiên cứu rất nhiều ngày và khá siêng năng, nhưng sức của cá nhân trước một vấn đề quá lớn lao phức tạp lại bị hạn chế rất nhiều trước một hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, tin rằng chưa đủ vào đâu! Vậy xin độc giả coi đây là tiếng trống mở đường cho những công trình dồi dào hơn nữa”. Một cách nói khiêm tốn rất giản dị, như nhà văn Sơn Nam nhận định: “Quả là sự thiệt thòi lớn cho giới nghiên cứu sử học phía Nam khi anh đã mất… Việc làm của anh trong hoàn cảnh ở xa thư viện, xa nguồn tư liệu, xa Quốc sử quán quả là khó khăn, tốn thời giờ, sức khỏe. Nhưng, qua những bài viết của anh, nhiều đề tài khác đã hé ra đối với các bạn nghiên cứu trẻ về vùng đất gần gũi mà xa xôi này. Đất nước thống nhất, việc làm của các bạn trẻ sẽ dễ dàng, linh động và mạnh dạn hơn”.

  • Cam Linh

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
465 người thi viết truyện ngắn cho thanh niên, học sinh (29/11/2003)
Trao giải thưởng cuộc thi viết ''Vì biển xanh quê hương'' (26/11/2003)
Viết văn và làm khoa học vì người nghèo (26/11/2003)
Thầy, cô qua những trang văn (18/11/2003)
Các cây viết trẻ TP.HCM nghĩ gì? (15/11/2003)
“Thi pháp truyền Kiều" mang lại điều gì mới mẻ? (07/11/2003)
Nhà văn trẻ với cuộc chiến mưu sinh (06/11/2003)
Phê bình văn chương và những phát sinh “ngoài văn chương” (06/11/2003)
"Ngôi trường không nổi tiếng" của cô giáo viết văn (05/11/2003)
Cửa vào Hội Nhà văn - Mở rộng hay khép bớt? (04/11/2003)
Chương trình văn học truyền hình cần được củng cố (30/10/2003)
Nhà văn Hoàng Quốc Hải - Người viết lịch sử bằng văn (21/10/2003)
Một thế giới không có đàn bà “lên” phim (17/10/2003)
Nhà văn Lê Văn Thảo: Văn chương không phải như công nghệ, tin học... (17/10/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang