Các cây viết trẻ TP.HCM nghĩ gì?
09:13' 15/11/2003 (GMT+7)

(VietNamnet) - Trong hai ngày 15 và 16/11, Hội nhà văn TP.HCM tổ chức Cuộc gặp mặt những người viết văn trẻ TP.HCM lần 1. Đây là lần đầu tiên từ 1975 các cây viết trẻ TP.HCM có cuộc gặp gỡ như thế này.

 

Nhà thơ trẻ Phan Trung Thành và nhà thơ Cao Quảng Văn trong một chuyến đi thực tế.

Theo dự kiến ban đầu, cuộc gặp gỡ này có tên “Hội nghị những người viết văn trẻ phía Nam”, nhưng do nhiều lý do khách quan cũng như chủ quan nên đổi thành Cuộc gặp mặt những người viết văn trẻ TP.HCM lần 1. Tham  dự Cuộc gặp gỡ này có 40 đại biểu là những cây bút trẻ đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM và  6 khách mời từ các tỉnh Cà Mau, Bình Dương… ngoài ra còn nhiều tham luận thơ và văn xuôi của những cây bút trẻ, VietNamNet sẽ đề cập trong bài viết sau.

 

Từ trước đến nay, các cây viết trẻ rất ít có cơ hội để ngồi lại với nhau, trừ những lúc gặp nhau trong quán nhậu hay cà phê, lác đác thôi. Cây bút trẻ Nguyễn Ngọc Thuần, mặc dù bận nhiều việc tại cơ quan nhưng rất tha thiết: “Tôi nghĩ không phải trẻ hay già mà mọi người viết văn đều cần một vài lần gỡ với một ai đó, cùng ngồi nói về điều mình, suy nghĩ, một cuộc gặp gỡ của những ý nghĩ… điều đó thật thú vị…

 

Nhà thơ trẻ Phan Trung Thành: “Đây là cuộc gặp mặt những người viết văn trẻ mà lần đầu tiên tôi được tham dự một cuộc họp đông vui như thế này… rất hồi hộp. Tôi tin rằng chúng tôi gặp nhau không chỉ để bắt tay chúc tụng. Sự có mặt của mỗi người gắn với trách nhiệm của mình trước trang viết. Phần lớn họ đều có tác phẩm, một số ít đã tạo dựng được tên tuổi của mình, tôi tin tại đây có nhiều ý kiến trao đổi thẳn thắn, mới mẻ tạo tiền đề cho những sáng tác mới, có giá trị..”

 

Tác phẩm "Vọng sông quê" của nhà thơ Phan Trung Thành

Nhà báo, cây bút trẻ Nguyễn Hữu Hồng Minh cũng thích thú khi tham gia cuộc gặp gỡ này: “Tôi đã từng hai lần được tham gia hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc tại Hà Nội nhưng vẫn vui khi được mời tham gia cuộc gặp gỡ những người viết trẻ TP.HCM lần này. Không nói quá, đời sống văn học trẻ phía Nam chảy một dòng riêng. Nó ồn ã vì sôi động nhưng những nhà văn trẻ vẫn nuôi giữ một mạch ngầm bên trong. Được gặp nhau, những mạch ngầm đó sẽ phun trào và mở đầu những trang viết mới. Thích chứ!”.

 

So với những cây bút trẻ khác thì Thu Phương là cây bút trẻ có nhiều tác phẩm được in và dựng thành kịch bản sân khấu. Tham dự Cuộc gặp mặt những người viết văn trẻ TP.HCM lần 1, nhà văn trẻ Nguyễn Thu Phương có một tham luận “Nhà văn trẻ hôm nay với những khó khăn trên bước đường tự khẳng định mình”.  

- Hiện nay ngoài việc viết văn chị  làm gì để mưu sinh?

- Tôi sống bằng nghề kinh doanh (gia đình tôi kinh doanh đá hoa cương - một loại vật liệu dùng để trang trí nội thất). Tuy nhiên, thời gian ba năm trở lại đây tôi theo học ngành đạo diễn sân khấu tại trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, việc kinh doanh phải tạm bàn giao cho gia đình. Những khoản thu nhập từ viết lách (tôi viết văn, viết báo, kịch bản SK, truyền hình, điện ảnh...) tạm đủ trang trải chi phí học hành và cuộc sống cá nhân. Thỉnh thoảng, may mắn có thêm vài món tiền từ những... giải thưởng sân khấu (thích, nhưng không phải lúc nào cũng có!).

 

- Công việc mưu sinh có ảnh hưởng gì trong việc sáng tác?

- Ảnh hưởng rất nhiều, thật khó làm tốt cả hai cùng lúc. Cũng như nhiều người trẻ đang còn lập thân, tôi thấy cần phải ổn định đời sống kinh tế trước, rồi mới yên tâm sáng tác. Khi tạm gác kinh tế qua một bên để đi học, hay tập trung viết lách, cuộc mưu sinh của tôi có phần bấp bênh, đâm ra tâm trạng cũng bất an, khó mà viết hay. Nói chung như một cái vòng luẩn quẩn.

 

- Tham dự cuộc “gặp gỡ những nhà văn trẻ TP.HCM lần I”, chị có suy nghĩ gì?

- Lần này, tôi có tham gia một tham luận. Chính là về vấn đề mưu sinh của các nhà văn trẻ. Rất vui vì Hội nhà văn TP.HCM đã đứng ra tổ chức một cuộc gặp gỡ ý nghĩa, để cho nhà văn trẻ chúng tôi có dịp tiếp xúc, trao đổi, bàn luận và giao lưu với nhau. Cũng mong sau đó, đời sống văn học trẻ TP sẽ khởi sắc hơn.

 

- Chị có suy nghĩ gì về đời sống của nhà văn cũng như đời sống của văn học nghệ thuật ở TP hôm nay?

- Viết văn hiện nay hầu như là “nghề tay trái” của nhiều nhà văn trẻ lẫn không còn trẻ. Nếu coi “nghề tay phải” là công việc để mưu sinh, nhà văn thời nay đa phần kiếm sống danh chánh ngôn thuận bằng đủ mọi nghề khác nhau - trừ nghề văn: làm báo, làm biên tập viên nhà xuất bản, làm du lịch, thiết kế đồ họa, kinh doanh, may mặc, thậm chí mở quán... Đời sống VHNT ở TP hôm nay cũng vì vậy mà đa dạng, trồi sụt bất thường, khi sôi nổi lúc lặng lẽ, khó nói trước được tương lai.

 

- Có nhiều ý kiến cho rằng: những tác phẩm văn học hôm nay không dài hơi, có nhiều tác giả viết một hai cuốn rồi lặn mất tăm. Là những người tương lai sẽ đại diện cho bộ mặt văn học của thành phố, chị có suy nghĩ như thế nào?

 

Nhà văn nữ Thu Phương

- Cũng dễ hiểu thôi, đời sống kinh tế bấp bênh, người ta tạm gác niềm đam mê sáng tác qua một bên để mưu sinh. Tỉnh táo để tồn tại, hay là ngu ngơ để bế tắc! Tuy nhiên, đến khi thoải mái thong thả rồi, muốn viết lách trở lại chưa chắc còn đủ tâm huyết, chưa chắc tài năng không mai một. Chưa kể nỗi lo: sau một thời gian dài vắng bóng, nếu xuất hiện lại kém ấn tượng sẽ xóa mất luôn những gì đã thu hoạch được trước đó. Vậy là tắt hẳn. Đành tự an ủi: “Một hai tác phẩm tốt vẫn hơn cả chục tựa sách in không ấn tượng”. Cũng không biết được, rồi có bao nhiêu cây bút trẻ sẽ rơi vào tình trạng đó.

 

- Trong sáng tác, chị có lên kế hoạch cho mình không? Như bao lâu sẽ ra một cuốn sách hay viết một tác phẩm để đời!

 

- Gọi kế hoạch thì không chính xác, mà là những dự định để cố gắng thực hiện cho được thì đúng hơn. Mỗi năm, tôi hy vọng có được một hoặc hai đầu sách tùy theo khả năng. Vài ba năm nữa, cảm thấy đủ sức và đủ kinh nghiệm sống thì sẽ viết tiểu thuyết. Tác phẩm để đời thì ai không ấp ủ, nhưng tôi cũng không nặng nề mong mỏi quá. Ít nhất trong giai đoạn này, viết tốt hơn chính mình ngày hôm qua đã khó lắm rồi, viết sao cho độc giả gắn bó với những tác phẩm của mình dài lâu lại càng khó hơn. Muốn đi đường dài, theo tôi trước tiên phải tự đánh giá đúng bản thân.

 

- Xin cảm ơn chị.

Vài nét về nhà văn Nguyễn Thu Phương

Sinh 1970 tại Hà Nội. Quê quán Bình Dương. Hiện sống và làm việc tại TP.Hồ Chí Minh.  Đang học năm III, khoa Đạo diễn SK trường CĐ SK - ĐA TP.HCM. Là hội viên Hội nhà văn TP.HCM. Hội viên Hội Sân khấu TP.HCM, Hội viên Hội Sân khấu Việt Nam.

Đã xuất bản: tập truyện ngắn Cây lẻ bạn (NXB Trẻ 2001), Những mảnh đời không khớp (NXB Trẻ 2002), Ngồi tựa mạn thuyền (NXB Trẻ 2003). Tập truyện Cười trong mơ (Tủ sách Áo trắng – NXB Trẻ – 2000), truyện vừa Mắt thủy tinh (Tủ sách Tuổi mới lớn – NXB Kim đồng – 2002), truyện vừa Song Ngư (Tủ sách Tuổi mới lớn – NXB Kim đồng – 2003)... In chung trong một số tuyển tập của các Nhà xuất bản: Thanh niên, Phụ nữ, Văn học, Văn nghệ, Trẻ...

Tác giả sân khấu, đã có nhiều kịch bản được dàn dựng ở nhiều sân khấu và truyền hình khắp cả nước: Thời con gái đã xa, Cây lẻ bạn, Một nửa thiên đường, Con yêu, Màn kịch vụng về, Ở trọ, Làng Cóc, Trăm năm bia đá, chùm kịch bản hài Giấc mơ vui... Nhận được các giải thưởng giá trị.

Kịch bản phim truyền hình Ngoại tình (tựa gốc Phép thử) – đang thực hiện. Đạo diễn: NSƯT Lê Dân...

  • Hoàng Công Chương (thực hiện)
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
“Thi pháp truyền Kiều" mang lại điều gì mới mẻ? (07/11/2003)
Nhà văn trẻ với cuộc chiến mưu sinh (06/11/2003)
Phê bình văn chương và những phát sinh “ngoài văn chương” (06/11/2003)
"Ngôi trường không nổi tiếng" của cô giáo viết văn (05/11/2003)
Cửa vào Hội Nhà văn - Mở rộng hay khép bớt? (04/11/2003)
Chương trình văn học truyền hình cần được củng cố (30/10/2003)
Nhà văn Hoàng Quốc Hải - Người viết lịch sử bằng văn (21/10/2003)
Một thế giới không có đàn bà “lên” phim (17/10/2003)
Nhà văn Lê Văn Thảo: Văn chương không phải như công nghệ, tin học... (17/10/2003)
Tìm kiếm những trang viết về nông thôn (15/10/2003)
Phê bình văn học đang tự hạ thấp mình? (06/10/2003)
Người Nam Phi đăng quang Nobel Văn học 2003 (03/10/2003)
Bán được 8.000 bản sách thiếu nhi của Madonna tại Anh (26/09/2003)
Những người thắp lửa cho thơ! (23/09/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang