Nhà văn trẻ với cuộc chiến mưu sinh
16:17' 06/11/2003 (GMT+7)

Từ trái qua: các nhà thơ Trương Nam Hương, Hồ Đắc Thiều Anh, Phan Trung Thành, các nhà văn Trần Hữu Lục, Phan Triều Hải.

(VietNamnet) - “Thời nào cũng vậy, công cuộc mưu sinh luôn là trở ngại lớn của nhà văn. Đối diện với nó như người đầu bếp có cơ hội trổ tài nhưng bù khú lắm, nó sẽ kéo anh đi, có khi nó nhấn chìm anh lúc nào không hay..”. Nhà thơ trẻ Phan Trung Thành, tác giả của “Tiếng vọng sông quê”, mở đầu câu chuyện với tôi như vậy. Với Thành, thời gian viết không nhiều, phần lớn anh dành cho việc mưu sinh. Đứng trước chuyện “cơm, áo…” hằng ngày, các cây bút trẻ hôm nay dường như xem chuyện viết văn là một cái “nghiệp” chứ không phải là một “nghề”…

 

Thời gian viết bị ngắn dần…

 

Hiện nay, hầu hết các cây bút trẻ từ Bắc chí Nam đều không thể sống bằng tác phẩm của mình, mà mỗi người tự kiếm cho mình một việc làm để sinh tồn như: làm báo, kinh doanh, kể cả… buôn lậu! Niềm đam mê và lý tưởng đã bị vòng xoáy của cuộc sống bào mòn, với họ, thời “hoàng kim” của văn chương đã qua rồi. Đang thử việc trình bày báo tại một tòa soạn, cây bút trẻ Nguyễn Ngọc Thuần, tác giả của “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ”, “Giăng giăng tơ nhện” - người có duyên với nhiều giải thưởng văn học gần đây, tâm sự: “Có một cái gì đó dường như không thể tin nổi khi mà đa số những người viết văn, người thì mở quán, người thì làm công chức, phóng viên, có người bán xôi… để kiếm sống, nghĩa là để đem đến cuộc sống cho mình, người ta cần phải làm những thứ khác, trừ văn chương. Cũng như những người khác, sau 23h30 mỗi đêm, tôi ráng trích một vài tiếng đồng hồ dành cho viết văn. Những trang viết từ đó cũng ngắn lại một cách lạ lùng…”. 

Trong một lần, chúng tôi có dịp trò chuyện với nhà văn Lê Văn Thảo, Tổng Thư ký Hội Nhà văn TP.HCM, ông cho biết: “Mấy năm gần đây, không thấy xuất hiện một tác phẩm tiểu thuyết nào của các cây bút trẻ, chỉ thơ và truyện ngắn thôi..”. Điều này cũng lý giải phần nào công cuộc mưu sinh nhọc nhằn của các cây bút trẻ, họ không đủ thời gian để đầu tư cho những tác phẩm nhiều trang. Nhà văn trẻ Nguyễn Thu Phương, một cây bút có nhiều đầu sách được giải thưởng và dựng thành kịch bản, băn khoăn: “Thật khó làm tốt cả hai cùng lúc. Cũng như nhiều người trẻ đang còn lập thân, tôi thấy cần phải ổn định đời sống kinh tế trước, rồi mới yên tâm sáng tác. Khi tạm gác kinh tế qua một bên để đi học, hay tập trung viết lách, cuộc mưu sinh của tôi có phần bấp bênh. Đâm ra tâm trạng cũng bất an, khó mà viết hay. Nói chung như một cái vòng luẩn quẩn”.

 

So với các nhà văn, nhà thơ lớp trước như: Bùi Nguyễn Trường Kiên, Hồ Thi Ca, Trương Nam Hương, Lê Minh Quốc… có đời sống tương đối ổn định thì những cây bút trẻ hôm nay như: Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lý Đợi, Bùi Chát, Kiến Quốc… cuộc sống khá chật vật. Chẳng hạn như Lý Đợi, ngoài làm thơ ra còn kiêm luôn cả viết phê bình, cộng tác trên tám tờ báo (trong và ngoài nước), làm triển lãm tranh… thế nhưng cuộc sống vẫn chật vật. Hoặc mải chạy theo công việc viết báo với nhiều áp lực, cây bút trẻ V.T.L đã phỏng vấn bằng “tưởng tượng” một quan chức, khi bài báo đăng lên thì cây bút này đã nhận quyết định sa thải.

 

Viết văn là “nghiệp” và là nghề tay trái

 

Mấy năm lặn lội xuống miền Tây tìm chỗ để viết thấm thía được mùi vị của đói rét, về lại TP.HCM làm phóng viên (văn hóa nghệ thuật) cho một tờ báo, nhà thơ trẻ Nguyễn Hữu Hồng Minh, tác giả của “Giọng nói mơ hồ”, “Tháo đáy”, “Chất trụ”, “Vỉa từ”, cho biết: “Viết báo đối với tôi cũng là niềm đam mê. Nhiều khi tôi nghĩ, hình như số phận của mình là số phận chữ. Chữ hành trong sáng tạo đã đành nhưng chữ còn là kế mưu sinh. Kiếm ăn bằng chữ cũng nhọc nhằn như bao nghề khác. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã dùng hình tượng múc não kiếm sống! Điều ấy không phải là lời ca thán mà để nói về cái đam mê và nỗi ma nghiệt của chữ. Tôi nghĩ văn chương là nghiệp, mà đã là nghiệp thì nó sẽ theo anh suốt cuộc đời”.

 

Thời gian gần đây cũng đã xuất hiện nhiều tác phẩm (thơ, truyện ngắn) của một số cây bút ấn hành dưới hình thức photo, với nhiều lý do khác nhau nhưng điều cốt lõi là họ không có tiền để in ấn nên chỉ làm ở dạng photo tặng một số bạn bè thân hữu. Tuy bận rộn với cuộc mưu sinh nhưng cây bút trẻ Lý Đợi cũng rất quan tâm đến đời sống văn chương: “Chưa bao giờ thơ có bề nổi như hiện nay, tác phẩm được in một cách ồ ạt, chiếm đa phần trong số đó là… thơ dở. Và chưa bao giờ, thơ lại đi vào mạch ngầm mạnh mẽ như hiện nay, có rất nhiều tác phẩm của các tác giả trẻ được in theo kiểu không “chính quy” (không qua NXB và không có điều kiện để xuất bản), rải rác trong những bản photo, tôi tin có cái để đọc và đã đọc được những điều đáng đọc. Nếu xem thơ là một bộ phận chuyển động trong văn hóa; thì cái đáng quan tâm của thơ hiện nay là tính mạch ngầm của nó”.

 

Thời gian của người viết cứ bị chẻ nhỏ theo chuyện mưu sinh nên việc viết văn cũng không còn là công việc chính mà trở thành nghề tay trái và họ cũng bất chợt rùng mình. Với Nguyễn Ngọc Thuần thì: “Nếu tôi có 24 giờ nguyên vẹn, thì e rằng 3/4 tôi đã dành cho kiếm sống, 1/4 cho những hoài bão. Nhưng hoài bão không phải lúc nào cũng thực hiện đúng khoảng thời gian ấy, có lúc mệt phờ vì mưu sinh, vì giận hờn ai đó, vì muốn uống cà phê một cách thư thả,… và thế là xén mất cái phần hoài bão ấy đi. Còn văn chương giống như một cái gì le lói sau một ngày. Những người viết khác tôi không biết họ như thế nào, nhưng nếu tất cả đều như tôi thì có nghĩa là nền văn học trẻ chỉ có 1/4. Theo tôi, đây là một con số thật đáng sợ và đáng suy nghĩ. Hy vọng là không phải như thế”.

 

Thật sự là hy vọng không phải như tình trạng của Nguyễn Ngọc Thuần. Khép lại bài viết này, xin mượn lời của Nguyễn Thu Phương thay cho lời kết: “Viết văn hiện nay hầu như là “nghề tay trái” của nhiều nhà văn trẻ lẫn không còn trẻ. Nếu coi “nghề tay phải” là công việc để mưu sinh, nhà văn thời nay đa phần kiếm sống danh chánh ngôn thuận bằng đủ mọi nghề khác nhau – trừ nghề văn... Đời sống văn học nghệ thuật ở TP hôm nay cũng vì vậy mà đa dạng, trồi sụt bất thường, khi sôi nổi lúc lặng lẽ, khó nói trước được tương lai”.

 

·         Hoàng Công Chương

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Phê bình văn chương và những phát sinh “ngoài văn chương” (06/11/2003)
"Ngôi trường không nổi tiếng" của cô giáo viết văn (05/11/2003)
Cửa vào Hội Nhà văn - Mở rộng hay khép bớt? (04/11/2003)
Chương trình văn học truyền hình cần được củng cố (30/10/2003)
Nhà văn Hoàng Quốc Hải - Người viết lịch sử bằng văn (21/10/2003)
Một thế giới không có đàn bà “lên” phim (17/10/2003)
Nhà văn Lê Văn Thảo: Văn chương không phải như công nghệ, tin học... (17/10/2003)
Tìm kiếm những trang viết về nông thôn (15/10/2003)
Phê bình văn học đang tự hạ thấp mình? (06/10/2003)
Người Nam Phi đăng quang Nobel Văn học 2003 (03/10/2003)
Bán được 8.000 bản sách thiếu nhi của Madonna tại Anh (26/09/2003)
Những người thắp lửa cho thơ! (23/09/2003)
Hai nhà văn Việt Nam dự hội thảo quốc tế về tiểu thuyết của Kim Dung (17/09/2003)
Các nhà văn VN sẽ tham gia Hội chợ sách quốc tế tại Goothenburg (15/09/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang