Phê bình văn chương và những phát sinh “ngoài văn chương”
09:00' 06/11/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Giữa những năm 80 của thế kỷ trước, thấy tôi tí tởn vì mới có một hai bài phê bình văn chương được đăng trên báo Văn nghệ, một anh bạn vong niên liền cảnh báo: "Người đời xưa nay thường thích được khen, không thích bị chê. Tạng chú khen ít chê nhiều, chú dính dáng đến cái nghề 'thêm thù, bớt bạn' ấy làm gì?". Tôi trố mắt nhìn anh, bụng bảo dạ: "Ông này quả là nhát gan!". Gần hai mươi năm sau ngẫm lại, chợt thấy ông anh đã đưa ra một lời khuyên chân thành và không phải là không có lý. 

Phê bình văn chương - dường như tự thân nó đã mang một ý nghĩa mà nhiều người khó tìm thấy sự chia sẻ, ấy là cái sự “phê”. Mà cái sự “phê” trong văn chương về đại thể thì ít khi làm người bị “phê” vừa lòng, có lẽ bởi “trung ngôn” thì “nghịch nhĩ”, “sự thật” thì dễ “mất lòng”. Mà đã không vừa lòng thì người ta dễ phản ứng. Nên sau khi bị “phê” nhiều người thường nhanh chóng bày tỏ thái độ và qua đó, bằng những cách thức khác nhau, họ góp phần làm cho đời sống phê bình văn chương xuất hiện những biến thái cũng muôn hình muôn vẻ, cũng hỉ nộ ái ố như ai. Tỉ như mới đây, hai thạc sĩ văn học tương lai đến nhà tôi chơi. Trong lúc chuyện trò, họ phàn nàn về một ông thầy trong bốn tiết giảng đã dành quãng ba tiết để phản ứng lại nhà phê bình X - người đã phê bình một số công trình văn học của ông. Họ bảo bài giảng ở đâu không biết, chỉ thấy ông thầy lớn tiếng chỉ trích nhà phê bình kia, tôi đùa: “Thì những luận chứng được tung ra để bác bỏ cũng có thể bồi dưỡng cho các chú thủ pháp để tranh luận đấy chứ!”, một anh trả lời: “Làm sao có thể tham khảo khi người ta tức tối”. Và cả tôi lẫn họ cùng buồn vì giảng đường đã bị ông thầy lợi dụng để biến thành diễn đàn đặng giúp ông độc diễn luận chiến văn chương.

Gần đây ở đôi ba toà soạn, người ta nhận được một bài viết có tên tác giả là một nhà lý luận văn học kèm theo bút tích của ông ghi chú rất rành mạch rằng bài để xem không phải để đăng. Người biết chuyện liền hỏi nhau: “Còn có loại bài vở gửi tới để xem không phải để đăng nữa ư?”. Hỏi vậy thôi chứ ai cũng thừa biết bài viết của nhà lý luận văn học nọ là loại bài không tòa soạn nào có thể cho đăng, bởi nó được viết ra để trút cho hết nỗi giận dữ đối với người đã cả gan nhận xét về ông. Ngoài việc sử dụng những ngôn từ thiếu văn hoá với tần số cao, thêu dệt thêm vài điều không có, tác giả còn phát lộ một nội công thâm hậu đã đạt đến trình độ thượng thừa về thái độ tự thị hợm hĩnh và nghệ thuật ám chỉ ví von để “hạ nhục” đối phương. Ngầm ví mình với “bụt”, bác này dẫn lại câu tục ngữ “bụt trên toà gà nào mổ mắt” rồi quả quyết câu tục ngữ không đúng 100%, vẫn có trường hợp gà mổ mắt Bụt! Đi xa hơn, giai thoại về Khổng Tử và con chó của Đạo Chích cũng được huy động đặng giúp nhà lý luận đi tới nhận xét: rút cục, dù bị cắn thì Khổng Tử vẫn là người hiền, còn cái con cắn ông thì vẫn là nó thôi. Đọc “tờ rơi” đó, người viết bài này không thể không đặt ra hỏi rằng phải chăng những gì mà bấy nay nhà lý luận văn học kia trình ra trước bàn dân thiên hạ cũng chỉ là chiếc mặt nạ chật chội của Aclơcanh, nên dù co kéo thế nào thì đôi khi vẫn cứ hớ hênh làm lộ ra cái phần không được điển trai cho lắm?

Theo dõi các cuộc tranh luận văn chương bấy nay, còn thấy nổi lên một loại hiện tượng là “tinh thần AQ” của một số người bị phê bình. Bởi sau khi được xơi món “phê” các vị này liền nhanh chóng sáng chế ra vô số những thủ pháp ngõ hầu “oánh trả” đối phương và vớt vát cái uy tín nghề nghiệp mà họ ngỡ là bất khả xâm phạm. Ngày trước sau khi bị “phê”, bác X “ra đòn” bằng cách viết một bài tổng xỉ vả rồi rình lúc giữa trưa cho người đến toà soạn kia để gài trước mỗi cửa phòng một bản photocopy. Thế là không chỉ biên tập, trị sự, mà cả đến anh thường trực, chị lao công cũng được nhận bài đầy đủ! Còn bác Y thì cao tay hơn. Sau khi bị phê bình, một mặt bác viết bài trả lời tự đánh giá ý kiến của mình là sâu sắc, tinh tế; mặt khác bác giở ngón “mách bố”, tức là gửi thư đến nơi phụ trách tác giả đã phê bình bác để vừa khoe khoang mình là thành phần của giới tinh hoa, vừa đề nghị người ta nhắc nhở cái anh chàng dám múa rìu qua mắt thợ! Nhưng đến bác Z thì tinh thần trao đổi lại có không khí trào lộng. Chẳng là sau khi đề xuất một vấn đề lý luận mang màu sắc hoang tưởng và bị phê phán, bác kẻ cả không đứng tên trong bài trả lời mà lại đi ký tên cô chiêu cậu ấm nhà bác. Xem ra bác cũng khôn thật. Với một hai bài được đăng, bác đã đạt tới hai mục đích: một là chứng tỏ cho kẻ kia thấy bác được nhiều người ủng hộ, bác không cần nhọc công lên tiếng làm gì, hai là qua lối trả lời này bác tha hồ vung bút ca ngợi, tô vẽ tài năng, công tích của mình mà không sợ bị người đời chê cười. Tuy nhiên, trong khi chế tác ra một “chiêu” hay ho đến vậy bác lại không thay đổi phong cách viết lách và do chỉ chăm chú đến cái “tên” mà quên phéng mất cái “họ”, bác lại giúp người đọc nhận ngay ra bác đã núp dưới tên con cái của mình để tự vệ và tự tâng bốc bản thân! Với câu chuyện của bác này, cũng nên kể thêm một phái sinh kì khu có liên quan tới một học trò yêu của bác. Chẳng là khi thấy ông thầy lâm nguy, chàng ta không xông ra trận tiền “cứu chúa” mà triển khai chiến thuật mang màu sắc James Bond: vừa cầu thân với kẻ đã phê phán ông thầy để nắm rõ “địch tình”, vừa chạy vạy lo toan sao cho người ta không đăng bài của cái tay chọc gậy bánh xe kia nữa. Chiến dịch thành công chàng cũng đỡ ê chề, vì chính chàng cũng đóng góp chút ít chữ nghĩa vào cái công trình hoang tưởng nọ!

Rồi chuyện ngày trước có một ông nhà thơ được giao phụ trách trang văn học của tờ báo tiếng tăm. Ông quyết tâm biến trang báo do mình phụ trách thành một điểm sáng trong đời sống văn chương. Khi mới đảm nhận trọng trách, ông cũng chiếu cố mời tôi cộng tác. Nhưng tôi không hào hứng lắm với vinh dự này, chỉ ậm ừ nửa nhận nửa không, bởi cũng còn nghi ngại cái phong cách lâu nay vẫn làm tôi liên tưởng tới tính động từ “hoắng”. Thật ra bảo ông là “hoắng” không biết có chính xác hay không, nhưng thường khi gặp nhau tôi luôn thấy vẻ mặt ông rất quan trọng, người nhỏ thó song ông cố tạo dáng đi đứng khuỳnh khoàng, trông xa cứ như một nhân vật VIP trong phim hoạt hình. Ông khoái đưa ra các nhận định ở tầm khái quát. Bàn luận văn chương nhắc đến tác giả nào không ưa thích là ông trề môi ra cái điều kẻ được nhắc đến chỉ đáng xếp vào hạng “nghiệp dư”. Tuy thâm tâm không muốn “dính” đến ông, vậy mà loanh quanh thế nào trong một bài tạp văn tôi lại “ngứa tay” lướt qua một việc kì khôi ông từng trình diễn. Thế là ông nhanh chóng “phản pháo” bằng cách liên tiếp cho đăng trên trang báo do ông phụ trách mấy bài vừa ám chỉ, vừa bóng gió, vừa xuyên tạc, vừa bịa đặt, vừa chứa đựng vài lỗi kiến thức sơ đẳng và vừa “đao búa” hơn cả đối tượng bị úp lên đầu hai chữ “đao búa”. Nhiều người đọc xong gọi điện thoại hỏi tôi: “Có phải họ nói ông không?”. Được cái tôi cũng biết thế nào tinh thần cầu thị nên thành thực công nhận, nhưng tới khi họ hỏi sẽ phản ứng ra sao thì tôi chỉ biết cười khì. Chẳng lẽ lại đi tranh cãi với cái món phiếm chỉ do ông “hảo hán dỏm” kia tung ra ư. Đành tự hỏi nếu mình không trót “ngứa tay” châm chọc thì liệu mấy bài báo nọ có được ông ta cho đăng không nhỉ. Và tôi lại thấy tiếc cho một tờ báo vốn đúng đắn, nghiêm túc xưa nay đã bị biến thành “sân chơi” của mấy trò “ân oán giang hồ”, nếu không nói đã bị biến thành công cụ giải quyết quan hệ riêng tư của một cá nhân.

Suy tư về những hệ lụy của phê bình văn chương đôi khi tôi thấy có thể ví nghề này như một loại “thuốc thử” đối với hành xử của một số người, và do đôi lần chứng kiến một vài sự kiện kì khu nên trong thâm tâm tôi từng đặt ra câu hỏi rằng phải chăng có một khoảng cách giữa những lời lẽ cao đạo đã được viết ra với con người thật của một vài tác giả (?). Nhớ chuyện ngày trước có một bác mỗi khi gặp tôi thường hay hỏi: ông đã đọc bài của tôi đăng trên báo A, báo B hay chưa, nhiều người khen bài ấy lắm đấy; hoặc nói: ông phải đọc bài của tôi trên tờ C tờ D, những vấn đề tôi đặt ra là rất quan trọng. Mỗi lần được bác nhắc nhở tôi lại vâng dạ lấp lửng qua quýt, bụng bảo dạ em đã thấy người khác viết về vấn đề đó còn hay hơn bác rất nhiều. Rồi sau lần thấy tôi đánh giá thấp chất lý luận - phê bình trong bài vở của bác, bác liền xông đến trước tôi, mặt mũi đỏ gay chân tay vung vít, miệng ứng khẩu một tràng ngôn từ mang không khí cao ngạo và có tần số gần đạt ngưỡng “siêu âm”. Tôi sẽ sàng đề nghị bác cần ngắm nghía lại mình, và bụng bảo dạ hình như bác có điều gì mang hơi hướng Đôn Kihôtê. Chỉ có người “yêu bản thân” lắm mới thấy mình “đẹp trai” đến vậy. Mà đã “yêu bản thân” đến vậy thì cũng đồng nghĩa với việc tự phong toả tinh thần cầu tiến, tự ngăn chặn khả năng phát triển tư duy của chính bản thân mình. Do vẫn còn ít nhiều thiện chí, tôi giải thích một cách hữu hảo: có lẽ vào lúc nóng nảy “cả giận mất khôn” bác mới phát ngôn thế thôi, chứ bình thường hẳn bác đâu có vậy!

Kết thúc bài viết này, xin phác họa và nhận xét đôi lời xung quanh câu chuyện dịch cuốn Létranger của A.Camus. Lâu nay cuốn sách này vẫn được dịch là Người xa lạ, gần đây dịch giả DT mới cho ra đời một bản dịch khác có tên gọi Người dưng. Thấy vậy bác TH liền góp ý và dịch giả DT cũng liền đáp lại rằng thông qua cách dịch LétrangerNgười dưng bác muốn “ký tên tôi vào bản dịch của tôi. Của tôi chứ không phải của ai khác” vì “bản dịch của tôi theo nghĩa đúng và đẹp toàn vẹn, nhiều khi đến mức cầu toàn như bạn bè vẫn thường “chê trách” tôi” (những chữ in nghiêng là của dịch giả DT - NH). Do không có khả năng thẩm định bản dịch của bác DT “đúng và đẹp toàn vẹn” so với nguyên tác Létranger của A. Camus như thế nào, nhưng so với tiếng Việt thì chỉ riêng việc để bảo vệ cái tên tác phẩm do mình đặt ra mà bác DT lại đi quả quyết “không thể phủ nhận người dưngngười xa lạ là hai từ đồng nghĩa” cũng đã thấy có cái gì bất thường. Bởi lẽ trong tiếng Việt “người xa lạ” được dùng để chỉ người không quen biết, còn “người dưng” được dùng để chỉ người không có quan hệ họ hàng thân thích. Như vậy “người xa lạ” có phạm vi bao quát rộng hơn so với “người dưng”, và hiển nhiên một người được coi là “người dưng” chưa hẳn đã là “người xa lạ”. Đó là chưa kể trong đoạn bác DT lý giải điều gì đã giúp bác đi từ chỗ xác định dửng dưng là một trong những “nốt chủ âm” bao trùm tác phẩm tới việc xác quyết phải dịch tên tác phẩm là Người dưng lại thấy bác lập luận còn tư biện hơn nhiều. Dịch giả DT có thể thông thạo tiếng Pháp như một “ông Tây chánh hiệu” song thiển nghĩ dịch phẩm của bác sẽ khó lòng “đúng và đẹp toàn vẹn” nếu bác chưa thấu đáo tiếng Việt, và có thể xem trường hợp coi “người xa lạ” đồng nghĩa với “người dưng” là một ví dụ? Cứ theo cách dịch “đúng và đẹp toàn vẹn” của dịch giả DT suy ra thì anh chàng Meursault - nhân vật trong Létranger, có lẽ cũng chỉ “dửng dưng” với những người không có quan hệ họ hàng thân thích với mình, còn với những người khác chắc gì anh ta đã “dửng dưng” (!). Vậy nhưng bác DT vẫn còn đặt bút nhắc nhở người đối thoại rằng “Dịch thế, người ta bảo là đọc không vỡ chữ đấy!” thì quả là bác đã đi ra ngoài văn chương quá xa!

  • Nguyễn Hòa

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
"Ngôi trường không nổi tiếng" của cô giáo viết văn (05/11/2003)
Cửa vào Hội Nhà văn - Mở rộng hay khép bớt? (04/11/2003)
Chương trình văn học truyền hình cần được củng cố (30/10/2003)
Nhà văn Hoàng Quốc Hải - Người viết lịch sử bằng văn (21/10/2003)
Một thế giới không có đàn bà “lên” phim (17/10/2003)
Nhà văn Lê Văn Thảo: Văn chương không phải như công nghệ, tin học... (17/10/2003)
Tìm kiếm những trang viết về nông thôn (15/10/2003)
Phê bình văn học đang tự hạ thấp mình? (06/10/2003)
Người Nam Phi đăng quang Nobel Văn học 2003 (03/10/2003)
Bán được 8.000 bản sách thiếu nhi của Madonna tại Anh (26/09/2003)
Những người thắp lửa cho thơ! (23/09/2003)
Hai nhà văn Việt Nam dự hội thảo quốc tế về tiểu thuyết của Kim Dung (17/09/2003)
Các nhà văn VN sẽ tham gia Hội chợ sách quốc tế tại Goothenburg (15/09/2003)
Xuất bản "Nhật ký trong tù" - bản viết tay của Bác (11/09/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang