Vài năm trở lại đây, cứ đến "mùa kết nạp" hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (thường vào dịp cuối mỗi năm), câu chuyện "mở ra hay đóng lại" cửa vào Hội lại vang lên như một điệp khúc trong BCH Hội và thành viên các Hội đồng, các Ban chức năng.
Năm nay, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 450 đơn xin gia nhập Hội. Trong đó: văn xuôi 153, thơ 165, lý luận phê bình 31, dịch văn học 23, văn học thiếu nhi 33, an ninh quốc phòng 23, dân tộc miền núi 22. Theo thông lệ, sẽ có khoảng 20-25 người, tức là gần 6% số đơn nộp, sẽ trở thành hội viên mới. Số còn lại phải chờ năm sau, mà mỗi năm lại có thêm khoảng 30 lá đơn mới! Sức ép trước cửa Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN) là điều có thực và dường như mỗi năm lại tăng thêm.
Trước sức ép này, có hai luồng ý kiến. Một là nên "mở rộng cửa", để những ai có nguyện vọng, có sách in, có người giới thiệu đều có thể vào Hội. Đại diện cho luồng ý kiến này là nhà văn Đỗ Chu. Ông nói: "Một đất nước 80 triệu dân, nếu có vài nghìn nhà văn đâu phải là nhiều!". Nhà thơ Vũ Quần Phương cũng cho rằng, so sánh với nhiều hội viên, nhất là một số người được kết nạp mấy năm gần đây, thì không có lý do gì để bắt nhiều người "xếp hàng" hết năm này đến năm khác! Ông nêu một trường hợp kết nạp không xứng đáng năm 2001 (bị báo chí chỉ trích), rồi một ông thứ trưởng sính thơ "suýt được kết nạp", để so sánh với "một người làm thơ có chất lượng" là Thế Mạc (Hà Tây) vẫn còn đang phải chờ!
Tiêu biểu cho luồng ý kiến thứ hai, muốn "khép bớt", thậm chí là "đóng cửa" Hội một thời gian, là nhà văn Nguyễn Kiên. Ông phàn nàn về trình trạng xuống cấp của văn chương, và về xu hướng "địa phương hoá" của Hội trung ương. Lật danh sách 450 người xin vào Hội, không có người nào do Nguyễn Kiên giới thiệu.
Thái độ cẩn trọng như của nhà văn Nguyễn Kiên không phải là không có lý do của nó. Thời bao cấp, in ấn khó khăn, mỗi tác giả chỉ cần một tập thơ, một tập truyện ngắn, thậm chí dăm bài lý luận phê bình đăng báo là đã có cơ trở thành hội viên HNVVN rồi. Do sự làm ăn nghiêm túc của các nhà xuất bản, mỗi tác giả được in tác phẩm nghĩa là đã như được "cấp tín chỉ" cho một "suất" hội viên tương lai. Bây giờ công nghệ in ấn phát đạt, muốn là tác giả của hai, ba, thậm chí cả chục cuốn sách không khó, miễn là anh có tiền. Đây là một bước phát triển, một sự cởi mở cần được khẳng định. Nhưng với những người thẩm định văn chương thì khó khăn, tốn công hơn. Nếu thấy ... "được được", lại là chỗ quen biết, thì tiếc gì một chữ ký?! Phải chăng đấy chính là nguyên nhân khiến số đơn xin vào HNVVN dày lên, đọng lại, tạo nên tình huống khó xử trong mỗi "mùa kết nạp"?
Đối với số đơn tồn đọng, nhà thơ Định Hải có ý kiến đáng lưu ý: nên mạnh dạn trả lại những trường hợp xét ra là vô vọng. Đây là một việc làm khó khăn, tế nhị, nhưng vô cùng cần thiết mà không ai có thể gánh giúp Ban tổ chức hội viên.
Theo ông Hữu Thỉnh, tổng thư ký HNVVN, Hội chưa và sẽ không bao giờ đóng cửa nhưng cũng không bao giờ kết nạp theo kiểu "tháo khoán"! Mà phải nâng cao chất lượng "đầu vào", kết hợp xét duyệt những người có quá trình, có bề dày kinh nghiệm với những cây bút trẻ hoặc mới, đang được dư luận chú ý. Những Nguyễn Ngọc Tư (Cà Mau), Kao Sơn (Ninh Bình), Nguyễn Ngọc Thuần (TP.HCM), Đỗ Thị Thu Hiên (Hà Nội), Đỗ Bích Thuý (Quân đội) ... nếu được kết nạp không chỉ xứng đáng mà còn giúp Hội "trẻ hoá", gắn bó hơn với dòng chảy tinh thần đương đại. Mấy năm trước, các nhà văn trẻ Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ... trở thành hội viên đồng thời với những cây bút lâu năm khác, là minh chứng cho sự kết hợp sáng suốt này.
(Theo Tiền phong). |