Hướng đến “Hội nghị những người viết văn trẻ phía Nam”
Nhà văn Lê Văn Thảo: Văn chương không phải như công nghệ, tin học...
11:35' 17/10/2003 (GMT+7)
Nhà văn Lê Văn Thảo.

(VietNamNet) - Đầu tháng 11 tới, tại trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM sẽ diễn ra “Hội nghị những người viết văn trẻ phía Nam” do Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức. Đây cũng là lần đầu tiên, kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, khu vực phía Nam tổ chức một hội nghị những người viết văn trẻ. Nhân dịp này, PV VietNamNet đã trò chuyện với nhà văn Lê Văn Thảo, Tổng Thư ký Hội Nhà văn TP.HCM - Trưởng ban Tổ chức hội nghị.

- Vì sao hằng năm chúng ta không tổ chức một hội nghị như thế này?

- Thực ra tổ chức một hoạt động như thế này rất tốn thời gian và kinh phí. Chúng tôi đã phải xin UBND thành phố một phần kinh phí, một phần trích từ quỹ của Hội và một phần xin tài trợ nhưng vẫn chưa đủ, nên trước mắt, chưa thể tổ chức được hàng năm.

- Xin nhà văn cho biết mục đích của hội nghị là gì?

- Như cái tên của nó “Hội nghị những người viết văn trẻ”, nhằm tạo cơ hội cho các cây bút trẻ họp mặt trao đổi kinh nghiệm sáng tác, chủ đề, khuynh hướng sáng tác và tâm tư nguyện vọng của họ. Trong đó, vấn đề được quan tâm nhất là tổ chức các trại sáng tác cho những cây bút trẻ trong và ngoài Hội.

- So với Hội nghị các cây bút trẻ toàn quốc thì Hội nghị những người viết văn trẻ phía Nam có gì khác?

- Đây chỉ là một hội nghị nhỏ, mang tính chất địa phương của TP.HCM. Về quy mô, tầm vóc thì không thể so sánh với hội nghị toàn quốc. Văn chương thì mang tính quốc gia, sự trao đổi với nhau giữa các nhà văn trẻ về những vấn đề quan tâm bức xúc dĩ nhiên có khác, tùy theo hoàn cảnh môi trường của người sáng tác. Hội nghị toàn quốc thì có vấn đề của toàn quốc, còn với TP.HCM, một thành phố mà đa số những cây viết trẻ lớn lên sau ngày giải phóng, do vậy những vấn đề sáng tác của nhà văn thành phố cũng khác so với sáng tác của các nhà văn toàn quốc… Nội dung trao đổi xoáy vào những vấn đề sáng tác, những vấn đề bức xúc của thành phố có những cái ưu - nhược gì so với toàn quốc.

- Sẽ có bao nhiêu cây bút trẻ phía Nam tham gia Hội nghị này?

- Dự kiến khoảng 50 người. Ở TP.HCM độ 30 hoặc 35 người, còn lại sẽ mời một số cây viết ở các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai…

- Khi đánh giá một người là một cây bút trẻ thì dựa trên những tiêu chí gì? Và có khu biệt gì với những cây viết già?

- Đánh giá họ bằng tác phẩm chứ không còn cách nào khác, mà độc giả đánh giá chứ không hẳn là Ban Chấp hành Hội hay nhà phê bình. Và điều này tôi cũng xin nói rõ, xưa nay tôi cũng không chấp nhận cái từ “những người viết văn trẻ”. Có nhiều tác giả chừng 20 tuổi, nhưng viết những truyện ngắn đầu tay rất sắc sảo. Còn nhiều tác giả chừng sáu bảy chục tuổi nhưng viết còn rất ngây thơ. Vừa rồi, tại Hội nghị nhà văn ở Hòa Bình, tôi có phát biểu chữ “trẻ” so với những người già như chúng tôi: sắp tới công việc viết văn là của các bạn trẻ chứ tụi tôi già hết sức rồi! Lớn tuổi như tôi viết chừng một cuốn nữa là hết sức, cho nên tương lai văn học của thành phố này là của những người trẻ. Văn chương không phải như công nghệ, tin học.. có sẵn kế hoạch 10 năm, 20 năm.. Nhưng chúng ta cũng phải có mơ ước như trong vòng 10 năm, 20 năm thì bộ mặt văn chương của thành phố sẽ như thế nào? Điều đó, phụ thuộc vào các cây viết trẻ, thí dụ 20 năm sau những cây bút đại diện cho thành phố mình là ai? Tại sao bây giờ viết truyện ngắn nhiều nhưng tiểu thuyết thì hầu như không có? Cho nên đây là một chuyện có lẽ các nhà văn trẻ phải bộc bạch. Khái niệm “trẻ” chỉ khoanh gọn tạm thời vậy thôi. Các cây bút trẻ dù sao cũng có thời gian sáng tác lâu hơn và nhiều hoài bão lớn hơn chúng tôi.

- Hiện nay, có ý kiến cho rằng: “một số cây bút trẻ đang có xu thế hướng ngoại, như họ thường đăng tác phẩm trên các tạp chí văn học nước ngoài và viết theo phong cách rất là mới như: tân hình thức, hậu hiện đại…”. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

- Vấn đề này tôi có nghe, theo tôi thì nhà văn phải luôn nghĩ cách đổi mới. Tôi rất hoan nghênh sự tìm tòi đổi mới trong văn chương. Hình thức trong cuốn tiểu thuyết cũng chính là nội dung của tác phẩm. Cho nên sự tìm tòi hình thức chính là sự tìm tòi nội dung. Còn chuyện nước ngoài có đăng hay không lại là chuyện của họ, không phải lỗi của nhà văn. Nhưng nhà văn viết trật, viết đúng thì bản thân nhà văn sẽ phải rút kinh nghiệm, sửa sai qua dư luận, độc giả, bởi không phải ai làm cũng đúng cả, mà sự tìm tòi nào cũng có đúng, có sai, nếu sai thì rút kinh nghiệm. Còn nói nhà văn trẻ cố tình hướng ngoại thì theo tôi, nếu có cũng chỉ là một vài người và họ không đại diện cho lực lượng nhà văn trẻ.

- Cám ơn ông!

  • Hoàng Công Chương (thực hiện)
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Tìm kiếm những trang viết về nông thôn (15/10/2003)
Phê bình văn học đang tự hạ thấp mình? (06/10/2003)
Người Nam Phi đăng quang Nobel Văn học 2003 (03/10/2003)
Bán được 8.000 bản sách thiếu nhi của Madonna tại Anh (26/09/2003)
Những người thắp lửa cho thơ! (23/09/2003)
Hai nhà văn Việt Nam dự hội thảo quốc tế về tiểu thuyết của Kim Dung (17/09/2003)
Các nhà văn VN sẽ tham gia Hội chợ sách quốc tế tại Goothenburg (15/09/2003)
Xuất bản "Nhật ký trong tù" - bản viết tay của Bác (11/09/2003)
Sưu tầm gần 460 tác phẩm sử thi Tây Nguyên (10/09/2003)
"Để thành công phải biết từ chối những cuộc tiếp khách quá dài" (05/09/2003)
"Bill Clinton": Mối tình lãng mạn ở Đại học Yale (30/08/2003)
Phát động cuộc thi viết truyện ngắn cho thanh niên, học sinh, sinh viên (30/08/2003)
"Chúng tôi muốn mang đến cho độc giả Mỹ món ăn mới lạ" (26/08/2003)
Sách lậu càng nhiều, tiến trình hội nhập quốc tế càng chậm (26/08/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang