Hội nghị nhà văn các tỉnh phía Bắc
Tìm kiếm những trang viết về nông thôn
16:51' 15/10/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Hội nghị nhà văn các tỉnh phía Bắc vừa diễn ra tại thành phố Hải Phòng vào 10/10. Ngoài báo cáo đề dẫn của nhà văn Đức Hậu "Văn học xứ Bắc trong thời kỳ đổi mới" còn có tham luận của 15 nhà văn như: Đào Vũ, Trần Nhuận Minh, Nguyễn Trung Nhàn, Hoàng Minh Tường, Bùi Ngọc Tấn, Mã Thế Vinh, Lê Hoài Nam, Trần Quốc Tiến, Ngọc Bái, Nguyễn Phúc Lai... Họ vốn là những nhà văn có nhiều duyên nợ với nông thôn và người nông dân hôm qua và hôm nay.

Với một địa bàn dân cư của 22 tỉnh, thành phố phía Bắc (trừ khu vực Hà Nội), chỉ có 85 nhà văn quả là một con số ít ỏi so với hàng chục triệu dân của một vùng trọng điểm về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hoá xã hội bao gồm miền núi phía Bắc và vùng châu thổ sông Hồng.

Trong không khí cởi mở, dân chủ, văn hóa, nhiều nhà văn đã phát biểu những suy nghĩ rất tâm huyết, chân thành và sâu sắc về sự biến đổi của đời sống nông thôn hôm nay trong sự tác động của cơ chế thị trường, trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn. Nhiều nhà văn đã nêu ra câu hỏi: Văn học viết về nông thôn và hình ảnh người nông dân Việt Nam sẽ ra sao trước trách nhiệm của người cầm bút với đời sống văn học, với Đảng và nhân dân, đất nước và dân tộc? Nhiều người đã khẳng định đất nước chúng ta đã đạt được những thành quả to lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng, nhưng cũng đang đứng trước những thách thức khó khăn, đầy cạm bẫy trong thời kỳ đổi mới. Đảng và Nhà nước đã có sự quan tâm, ưu ái đối với văn học nghệ thuật... Cuộc sống của xã hội ta khi bước vào thế kỷ XXI đã có nhiều thay đổi căn bản, đặc biệt là bộ mặt của đời sống nông thôn, cuộc sống của người nông dân song "đề tài sản xuất và chiến đấu vẫn có sức lôi cuốn bạn đọc, vẫn kích thích các nhà văn sáng tạo" (Đào Vũ); "sáng tác văn học về nông thôn và nhân dân vẫn là một đề tài lớn" (Trần Nhuận Minh). Đây là một sự thách thức với mỗi nhà văn khi hướng về nông thôn, viết về người nông dân sau luỹ tre làng.

Nhiều nhà văn đã khẳng định: Hiện nay rất ít gia đình nông dân còn phải lo tới cái đói, nhưng cái nghèo thì vẫn còn đó. Dấu sau những ánh mắt đôn hậu, nhân nghĩa, đầy tình làng nghĩa xóm của những anh Pha, chị Dậu, Chí Phèo... đã được làm chủ cuộc đời mình, niềm vui có nhiều nhưng nỗi ưu tư, trăn trở, dằn vặt vẫn còn trĩu nặng trong mỗi con người, trong từng gia đình, thôn xóm. Mỗi lo về đất đai, về tệ cửa quyền, tham nhũng, các tệ nạn xã hội, về quyền tự do dân chủ của người dân mà Đảng và Bác Hồ đã mang lại cho người nông dân. Ở nơi này nơi khác vẫn đang là một trở ngại. Đó là mối lo chuyện học hành của con cái, ốm đau tật bệnh, chuyện tang ma cưới hỏi, đóng góp xã hội... Trong khi  nguồn sống chính của người nông dân, có nhiều nơi chỉ trong vào một, hai sào ruộng khoán, nhiều nơi nghề phụ không có. Hàng vạn người nông dân không có việc làm trong những tháng nông nhàn.

Nhà văn Lê Hoài Nam đã đưa ra một ví dụ thú vị: trong lúc người nông dân phải chắt chiu từng đồng lo cho con ăn học, với họ chỉ có học, thoát ly ra ngoài thành phố mới trốn khỏi kiếp nghèo, thì ngày nay ở nông thôn lại xuất hiện một tầng lớp những người có chức có quyền, có tiền, các chủ doanh nghiệp trẻ... trở về nông thôn mua đất, mở dịch vụ, các cơ sở sản xuất đầu tư kinh tế nông thôn.

Những giá trị văn hoá truyền thống lâu đời của vùng châu thổ sông Hồng nay cũng đang đứng trước những thách thức lớn. Bên cạnh việc gìn giữ, tôn tạo, xuất hiện sự xói mòn những giá trị đạo đức cao đẹp của người nông dân Việt Nam. Khi đọc một số tác phẩm văn học viết về nông thôn hiện nay, có nhà văn nhận xét: "Nhà văn chúng ta có lỗi trong việc mô tả nông thôn và nhân vật nông dân, họ méo mó quá và không đúng với bản chất của đời sống hiện thực".

Trong hội thảo, các cuộc trao đổi quanh bàn trà nhiều nhà văn có chung một ý nghĩ: nông thôn Việt Nam hôm nay đang có những chuyển động dữ dội, buồn vui lẫn lộn; và trong quá trình vận động ấy hình như đang vỡ ra, đang quậy cựa... và sẽ đến lúc nảy sinh ra một cái gì đó rất mới. Nhiều người nhận thấy trong các sáng tác văn học còn rất thiếu những hình tượng về người nông dân, về sự đổi mới ở nông thôn cũng như thiếu đi những dự báo xã hội cần thiết.

Khi bàn về "văn hoá làng", nhà văn Dương Duy Ngữ nghĩ rằng: "Làng Việt Nam cũng vẫn như xưa và cũng rất khác xưa. Nhà văn cần hiểu và viết về văn hoá làng, cần phải phát hiện cho được cái hồn cốt, cái tinh tuý của nó". Nhà thơ Ngũ Liên Tùng kêu gọi: cần phải bảo tồn và bảo vệ các làng cổ Việt Nam, trong sự xâm lăng của trào lưu "bê tông hoá"; cần phải có cái nhìn,cách nghĩ về quy hoạch tổng thể nông thôn ở nước ta không thể để tình trạng bất cập, lộn xộn như hiện nay.

Nông thôn miền núi nước ta có truyền thống lịch sử văn hoá, là chỗ dựa vững chắc của cách mạng. Trong công cuộc đổi mới, nông thôn miền núi đã có nhiều thay đổi đáng mừng, song "vẫn còn nhiều vùng khuất nấp, đội ngũ cán bộ thiếu hụt, trình độ dân trí thấp, lo nhất là sự chênh lệch giữa giàu nghèo, sự phân hoá trong nội bộ người nông dân đang diễn ra quyết liệt", "nông thôn miền núi còn nhiều vùng bỏ hoang trong văn học" những suy nghĩ đầy trách nhiệm trên đây là của nhà thơ Ngọc Bái. Anh đọc câu ca dao của người Mông ở Trạm Tấu: "Nước chảy được thì nước cứ chảy, núi không chảy được thì núi ở lại".

Khi bàn về trách nhiệm của các nhà văn với mảng đề tài nông thôn, có người cho rằng: "Hình như tài năng chúng ta có, nhưng lại thiếu đi cái động lực để sáng tạo trong mỗi nhà văn" (Nguyễn Phúc Lai). "Viết về nông dân mà thoát li nông thôn, không hiểu người nông dân... với cách nhìn ấy văn học chỉ có thể diễu cợt châm biếm hài hước nông dân, không thấy được chiều sâu những biến đổi to lớn trong lòng nông thôn Việt Nam thời kỳ đổi mới" (Nguyễn Hữu Nhàn). Và muốn có những tác phẩm hay viết về nông thôn, về người nông dân, nhà văn phải "tắm mình trong đời sống của chính họ, nhà văn phải đổi mới chính mình, đổi mới cách nghĩ cách viết"; đó còn là nhu cầu "được nhìn khác đi, được viết khác đi; đó còn là sự thi đua, ganh đua làm việc giữa các nhà văn, trong một bầu không khí thân ái, tự do, dân chủ của đời sống văn học" (Hoàng Minh Tường, Bùi Ngọc Tấn).

Văn xuôi của chúng ta hôm nay đang thiếu và rất cần những cuốn tiểu thuyết mới viết về nông thôn và tạo dựng lên hình ảnh người nông dân mới một cách chân thực và sinh động. Người nông dân làm chủ cuộc đời mình, tự khẳng định mình trên chính mảnh ruộng và làng quê nơi đã sinh ra họ, trong sự nghiệp đổi mới do Đảng ta lãnh đạo. Nhiều nhà văn đã cảm động và tán đồng với suy nghĩ rất chân thành của nhà văn Bùi Ngọc Tấn: "... Chúng ta sẽ viết được những cuốn tiểu thuyết như chúng ta hằng mong ước, cũng như tôi luôn tin mỗi giọt máu của chúng ta đều cháy lên lòng yêu nhân dân, yêu đất nước; một nhân dân, một đất nước đã đổ máu, đổ mồ hôi, đang vượt qua mọi khó khăn để xây dựng cuộc sống mới và đang chờ đón những tác phẩm của chúng ta".

Các nhà văn vẫn còn đang mắc nợ với đất nước và nhân dân mình bằng những tác phẩm văn học chân thực, lay động lòng người!

  • Đỗ Kim Cuông
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Phê bình văn học đang tự hạ thấp mình? (06/10/2003)
Người Nam Phi đăng quang Nobel Văn học 2003 (03/10/2003)
Bán được 8.000 bản sách thiếu nhi của Madonna tại Anh (26/09/2003)
Những người thắp lửa cho thơ! (23/09/2003)
Hai nhà văn Việt Nam dự hội thảo quốc tế về tiểu thuyết của Kim Dung (17/09/2003)
Các nhà văn VN sẽ tham gia Hội chợ sách quốc tế tại Goothenburg (15/09/2003)
Xuất bản "Nhật ký trong tù" - bản viết tay của Bác (11/09/2003)
Sưu tầm gần 460 tác phẩm sử thi Tây Nguyên (10/09/2003)
"Để thành công phải biết từ chối những cuộc tiếp khách quá dài" (05/09/2003)
"Bill Clinton": Mối tình lãng mạn ở Đại học Yale (30/08/2003)
Phát động cuộc thi viết truyện ngắn cho thanh niên, học sinh, sinh viên (30/08/2003)
"Chúng tôi muốn mang đến cho độc giả Mỹ món ăn mới lạ" (26/08/2003)
Sách lậu càng nhiều, tiến trình hội nhập quốc tế càng chậm (26/08/2003)
Phê bình còn là một sân chơi thiếu luật (21/08/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang