Phê bình văn học đang tự hạ thấp mình?
07:58' 06/10/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Văn học, cũng như nhiếp ảnh, đều là những nghệ thuật nằm trong phạm trù của CÁI ĐẸP. Lý luận phê bình văn học là bộ môn của văn học, dĩ nhiên cũng phải ĐẸP. Nghĩa là khi tranh luận, khi phê bình nhau, người viết tuyệt nhiên phải giữ thái độ hòa nhã, lịch sự, lịch lãm, mềm mỏng, tuyệt đối không được xúc phạm cá nhân hoặc chửi bới người khác. Phê bình nhau, tranh luận nhau dù nảy lửa đi nữa mà vẫn tôn trọng nhau, mới là người có văn hoá trong phê bình.

Rất tiếc, trước và sau Hội nghị phê bình văn học Tam Đảo tháng 8 vừa qua, xuất hiện một số bài viết trên một số báo đã khiến dư luận xã hội xôn xao rằng phê bình văn học hình như đang tự hạ thấp mình bằng ...chửi bới (!)

Đầu tiên, phải kể đến bài phỏng vấn đăng trên báo Ngày nay (số 15, ngày 5/8) với nhan đề: ”Không tranh luận kiểu ngụy phê bình“. Trong bài báo này, GS. Nguyễn Đăng Mạnh đã chửi bới chúng tôi (Trần Mạnh Hảo) bằng những ngôn từ như sau: ("Trần Mạnh Hảo là hạng người tư tưởng thấp kém, động cơ xấu, ngụy phê bình”...” Tâm lý đố kỵ của kẻ học hành dở dang không có bằng cấp gì “ ... ”Ăn nói bừa bãi, quy kết chụp mũ một cách văng mạng”... ”Nghĩ một đằng, nói một nẻo” ... "Không nghiên cứu gì"...). Cũng trong bài báo này, GS. Nguyễn Đăng Mạnh tuyên bố: “Tôi là người tự trọng, tôi không muốn hạ thấp mình để tranh luận với Trần Mạnh Hảo”.

Quả đúng như thế, GS. Mạnh “không hạ thấp mình “ để tranh luận học thuật với Trần Mạnh Hảo; nhưng GS đã “hạ thấp mình “để chửi bới tiếp Trần Mạnh Hảo bằng hai bài trả lời phỏng vấn khác in trên báo Gia đình & Xã hội số 100, ngày 22/8 với nhan đề: "Những phát hiện của Trần Mạnh Hảo chỉ đáng tầm dọn vườn" và bài “Cần chấm dứt lối phê bình chụp mũ và xuyên tạc” số 105, ngày 2/9. Trong hai bài báo tranh luận bằng “chửi bới” vô bằng cứ này, GS. Nguyễn Đăng Mạnh vẫn tiếp tục dùng những ngôn từ phi học thuật để nói về chúng tôi giống như trên báo Ngày nay. Nhưng GS. Mạnh đã “nâng cấp” ngôn từ lên bằng cách gọi Trần Mạnh Hảo là ...con khỉ núp bóng con hổ như sau: "Giống như khỉ mượn oai hùm, người ta không sợ khỉ mà sợ hổ”. GS. Mạnh cho rằng vì ông sợ con khỉ Trần Mạnh Hảo kia nên mới sửa chữa SGK theo ý “khỉ Hảo”, mà ý Hảo thì sai, ý GS. mới đúng. Vì để “yên thân, yên chuyện” nên ông và các ông GS khác phải sửa cái đúng của họ trong SGK thành cái sai để học trò cả nước học!

Về chuyện này, chúng tôi xin trích ý kiến của tác giả Hoàng Văn Cao trong bài “Đừng hạ thấp danh dự của nhau” in trên báo Gia đình & Xã hội số 107, ngày 6/9 như sau: "Ở đây tôi thấy: khi nhà thơ Trần Mạnh Hảo có những bài phê bình thì GS. Nguyễn Đăng Mạnh lại có bài “phang” lại rồi hạ thấp nhau, nói nhà thơ Trần Mạnh Hảo chỉ đáng tầm dọn vườn, không có nhà, chỉ ra đường để “bậy”, rồi ví như con khỉ không đáng sợ, chỉ sợ con hổ". Cũng trên số báo này, nhà báo Hà Minh trong bài "Giáo sư - NGND Nguyễn Đăng Mạnh không nên nói thế" có đoạn viết như sau: "Tôi giật mình vì Giáo sư - NGND Nguyễn Đăng Mạnh nói những phát hiện của Trần Mạnh Hảo chỉ đáng dọn vườn"..."Tôi thấy Trần Mạnh Hảo và những bài phê bình SGK của ông ta là có chứng, có lý. Bằng chứng là những nhà soạn SGK vĩ đại phải sửa ngay. GS Mạnh bảo “sửa để cho yên thân”. Theo tôi, không sai thì sao phải sửa? Hay là sợ TMH mà phải sửa. TMH bảo sao làm vậy? GS cho là SGK đúng đắn, bằng chứng là “Hàng vạn giáo viên họ không dạy theo những điều đã sửa”. Nói như thế thì làm SGK khác nào như đẽo cày giữa đường. Thật buồn cho một tập thể biên soạn. Có đúng thế không thưa GS?”.

Khi phóng viên hỏi GS Mạnh rằng xin GS gọi tên con hổ đứng đằng sau “con khỉ Trần Mạnh Hảo” thì GS Mạnh trả lời: "Tôi chỉ ngờ ngợ thế thôi, không hiểu nó là cái gì". GS Mạnh đã lấy sự “ngờ ngợ” "không hiểu là cái gì” ra làm bằng cớ để chửi bới, xúc phạm chúng tôi trong suốt ba bài báo là cớ làm sao? Bắt chước thầy mình gọi Hảo là con khỉ, ông Đỗ Ngọc Thống trên báo “Gia đình & Xã hội” số 107, 6/9 trong bài “Có con gà cứ tưởng tiếng gáy mình làm trời sáng” đã gọi chúng tôi là con gà!

Người lên diễn đàn Hội nghị phê bình Tam Đảo sáng 15/8 biện minh cho những lời chửi bới trên của GS Mạnh là ông Hoàng Ngọc Hiến, mà bài nói vo này đã in trên báo Ngày nay số 17, ngày 5/9 với nhan đề: "Về tư cách người phê bình và tư cách người bị phê bình” chủ trương một trường phái phê bình kỳ lạ có tên là: "VĂNG TỤC VÀ CHỬI THEO NGHĨA ĐEN", như sau: "Tôi đề nghị một sự giãn biên những cung bậc, cung cách phản ứng bị phê bình chấp nhận được, thậm chí cần có sự thông cảm ngay cả với văng tục và chửi (theo nghĩa đen)”. Ông Hiến khoe mình chuyên môn bị “chửi” một cách có vẻ hãnh diện như sau: "... Tôi là người bị chửi nhiều nhất, ở trong nước cũng như ngoài nước...ngoài nước chửi hàm hồ và tàn bạo hơn nhiều". Về chuyện bài nói vo mang tính "chửi học" này của ông Hiến ở Tam Đảo, nhà văn Văn Chinh đã tường thuật lại trên tờ “An ninh thế giới cuối tháng 8 trong bài "Bằng mặt liệu có bằng lòng”, có đoạn viết như sau: "Ông Hiến đồng ý với ý kiến của nhà thơ Vũ Quần Phương nhận xét về cái tiểu khí trong bài đăng ở báo Ngày nay của GS. Nguyễn Đăng Mạnh khi nói về Trần Mạnh Hảo: "Anh Mạnh là bạn tôi, bạn tôi đúng là nhiều nhược điểm, không chỉ tiểu khí mà còn đê tiện nữa...". Người nghe cứ tưởng ông Hiến nhận lỗi thay cho bạn, nhưng chợt ông nhắc đến câu nói của nhà phê bình Nga Biêlinxki: "Người cao thượng không phải là người không đê tiện mà là người biết nên đê tiện vào lúc nào". Rồi nói tiếp: "Cái đáng sợ nhất không phải là sự đê tiện, sự tiểu khí; đáng sợ nhất là người luôn luôn tiểu khí, luôn luôn đê tiện, luôn luôn nhố nhăng mà không tự biết”.

Khi người thầy đề xướng và quảng bá cho lối phê bình “văng tục và chửi theo nghĩa đen”, thì dĩ nhiên học trò liền hưởng ứng nồng nhiệt ngay. Đấy là bài “Không nên cãi vã tủn mủn“ của ông Văn Giá (cán bộ giảng dạy Phân viện báo chí và tuyên truyền) in bên cạnh bài của ông Hoàng Ngọc Hiến trên báo đã dẫn. Ông Văn Giá khen hai “cụ”, “cụ Hiến” và “cụ Mạnh” chửi như thế là hay, là toàn đúng cả, là “đường bay chim ưng”. Còn những ai không thuộc phe “chửi học” của hai “cụ”- thầy kia theo ông Văn Giá thì “là đường bay của cú, của quạ”. Ông Văn Giá viết về Trần Mạnh Hảo (người phê bình GS. Nguyễn Đăng Mạnh 20 bài đều đã đăng báo, in sách) bằng những dòng vượt mức “hai cụ” trên, như sau: ”Có một thằng suốt ngày cứ rình người ta đi qua là khạc nhổ thì bố ai mà chịu được. Mà cụ Mạnh thì đã nín nhịn bốn năm năm nay rồi”. Ông Văn Giá còn tiến xa hơn nữa bằng một khái quát rất sai về ý tưởng, lại rất ngông cuồng vì ông dám GỌI CẢ NƯỚC BẰNG THẰNG như sau: ”Ở Việt Nam mình có một hiện tượng gần như là một hạn chế thuộc về quốc dân tính là THẰNG LÀM thì ít, THẰNG CHƠI thì nhiều, THẰNG KHÔNG BIẾT LÀM thì chỉ thích chê bai, thích chọc gậy bánh xe người khác”...."Vì cái chung thì phải quý, phải ủng hộ THẰNG LÀM chứ, sao lại có thể đi ủng hộ cái THẰNG phá đám được...”. Ý ông Văn Giá : THẰNG LÀM, THẰNG XÂY là những người lao động chân tay, lao động trí óc đang góp công sức xây dựng đất nước với đủ mọi ngành nghề, kể cả nghề dạy học như ông Giá và hai “cụ Hiến”, “cụ Mạnh”. Viết như thế hoá ra ông Văn Giá đã gọi thầy mình là “hai cụ” trên cũng bằng THẰNG như cả nước đã bị ông “THẰNG HOÁ” cả đó sao?

Cũng bằng giọng “chửi học” như trên, GSTS Trần Đình Sử (người đã từng bị chúng tôi phê bình 7 bài trên báo vì bình văn sai) đã lên báo “An Ninh thế giới cuối tháng, 8 vừa qua ” trả lời phỏng vấn trong bài “Chúng ta đang tụt hậu" chửi bới chúng tôi thậm tệ bằng những ngôn từ như sau: "Anh Hảo là nhà phê bình lừa dối dư luận, anh còn rắp tâm lừa dối cả cấp trên”, “dối trá”, “chả biết gì về văn học”, “không đúng”, “Chí Phèo phê bình”, “xuyên tạc, đả kích cá nhân làm mục đích”, “sai lầm nhiều quá”, “không có phương pháp gì”, “bình tán rẻ tiền”, “quy chụp chính trị”, “người cùn”, “lý sự cùn”...”chưa hiểu biết gì cả”, “không đáng để chúng tôi phải bàn. Nói thật là dưới tầm”...

Nếu quả chúng tôi là nhà phê bình “lừa dối” như ông Sử nói, sao năm 1996, ông Sử là một người trong 9 người thuộc Hội đồng lý luận phê bình Hội Nhà văn Việt Nam đã bỏ phiếu cho chúng tôi được giải thưởng phê bình cuốn “Thơ phản thơ” , lại không vạch trần sự lừa dối của chúng tôi ra? Nếu chúng tôi có nhiều “tội” lớn trong phê bình như thế mà suốt hơn 10 năm trời, các báo lớn nhỏ trong cả nước liên tục đăng bài của chúng tôi, sao ông Sử không có ý kiến? Sao chúng tôi phê bình “lừa dối” mà lại được các nhà văn tên tuổi như sau lên báo khẳng định Trần Mạnh Hảo căn bản viết đúng, ví như các vị : Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Vũ Hạnh, Anh Đức, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Trí Huân, Lê Lựu, Trần Đăng Khoa, Chu Lai, Nguyễn Đức Mậu, Vũ Cao, Xuân Thiều, Vũ Quần Phương, Phương Lựu, Vương Trọng, Khuất Quang Thụy, Đinh Quang Tốn, Diệp Minh Tuyền, Đặng Hấn, Nguyễn Văn Lưu, Phạm Tường Hạnh, Đoàn Minh Tuấn, Đỗ Trung Lai, Lê Quý Kỳ, Lê Thành Nghị, Đình Kính, Hữu Đạt, Hồng Diệu... Trong dịp tết Quý Mùi vừa qua, Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Minh Hiển đã gửi thư và quà tới nhà chúng tôi cám ơn vì chúng tôi đã bỏ nhiều công sức phê bình SGK và Bộ đã cho sửa chữa, viết lại năm 2000. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Đặng Huỳnh Mai còn tới tư gia chúng tôi để cám ơn vì sự đóng góp của chúng tôi cho nền giáo dục nước nhà bằng phê bình SGK.

Chúng tôi, trong suốt hơn 10 năm viết phê bình, đã in 3 tập sách: ”Thơ phản thơ”, “Phê bình phản phê bình”, “Văn học -phê bình- nhận diện” (tức “Hầu chuyện các giáo sư") và cả trăm bài rải rác trên các báo, luôn luôn căn cứ trên văn bản để phê bình, “nói có sách, mách có chứng”; tuyệt đối không bao giờ xúc phạm cá nhân. Chúng tôi hết sức buồn sau hàng loạt bài của các GS và học trò của họ vừa qua, quyết không tranh luận học thuật, chỉ cốt chửi bới chúng tôi là ngu dốt, vô học, thậm chí là con khỉ, là gà qué, là quạ diều... Đã đến lúc phê bình văn học nên trở về vị trí sang trọng, lịch sự, lịch lãm của mình trên văn đàn chứ không “hạ thấp mình” xuống cõi chợ búa để chửi bới nhau thậm tệ như những vị trên đã làm. Như vậy, những người cầm bút phê bình chúng ta mới có cơ lấy lại sự kính trọng trong mắt bạn đọc.

  • Trần Mạnh Hảo

VietNamNet đăng tải bài viết của tác giả Trần Mạnh Hảo như một ý kiến về tình hình phê bình văn học hiện nay. Bài viết này không thể hiện quan điểm của toà soạn, và chúng tôi cũng sẵn sàng đăng tải những ý kiến tranh luận khác, nếu có.

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Người Nam Phi đăng quang Nobel Văn học 2003 (03/10/2003)
Bán được 8.000 bản sách thiếu nhi của Madonna tại Anh (26/09/2003)
Những người thắp lửa cho thơ! (23/09/2003)
Hai nhà văn Việt Nam dự hội thảo quốc tế về tiểu thuyết của Kim Dung (17/09/2003)
Các nhà văn VN sẽ tham gia Hội chợ sách quốc tế tại Goothenburg (15/09/2003)
Xuất bản "Nhật ký trong tù" - bản viết tay của Bác (11/09/2003)
Sưu tầm gần 460 tác phẩm sử thi Tây Nguyên (10/09/2003)
"Để thành công phải biết từ chối những cuộc tiếp khách quá dài" (05/09/2003)
"Bill Clinton": Mối tình lãng mạn ở Đại học Yale (30/08/2003)
Phát động cuộc thi viết truyện ngắn cho thanh niên, học sinh, sinh viên (30/08/2003)
"Chúng tôi muốn mang đến cho độc giả Mỹ món ăn mới lạ" (26/08/2003)
Sách lậu càng nhiều, tiến trình hội nhập quốc tế càng chậm (26/08/2003)
Phê bình còn là một sân chơi thiếu luật (21/08/2003)
Hoàng Trần Cương viết tộc phả thành thơ (23/07/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang