Phương Uyên: ''Tôi đang trầm cảm!''
Khác hẳn với "mèo chị" quậy hết cỡ trên sân khấu, Phương Uyên đời thường trầm tính, sống thu mình và nhỏ bé đến tội nghiệp.
Trong quán cà phê yên tĩnh, Phương Uyên đã tâm sự về tuổi thơ bị âm nhạc "đánh cắp" của mình, về sự khủng hoảng đến tuyệt vọng khi không còn hai cô "mèo em" đứng chung sân khấu, về những cơn trầm cảm liên miên với những....rổ thuốc, và về mái ấm gia đình - nơi Phương Uyên khẳng định là chốn hạnh phúc nhất.
|
Nhưng để có được những lời tâm sự chân tình đó, trước hết, người phỏng vấn và người "bị" phỏng vấn đã có một cuộc "tìm hiểu nhau" bằng những câu hỏi và những câu trả lời thẳng thắn, nếu không muốn nói là sòng phẳng!
Bất hạnh nhất là chết mà có nhiều tiền
- Là người có kinh nghiệm về ban nhóm, sao bây giờ chị lại tập trung sáng tác và biên tập cho ca sĩ solo?
- Vì ban nhóm bây giờ khác xưa nhiều quá. Ngày xưa chúng tôi cùng thích một ''style'' nhạc mà đến với nhau, từ đó ra phong cách riêng. Rồi mỗi nhóm phải có một thủ lĩnh và thủ lĩnh đó phải đầy đủ tài năng để đưa nhóm mình lên.
Còn bây giờ, trong nhóm có một, hai giọng ca không đến nỗi tồi, nhưng không có phong cách, nên người ta không thể nào phân biệt được anh giữa một đám rừng. Họ nhiều đến nỗi chính tôi là người dân trong giới mà cũng không thể biết hết được.
Ba Con Mèo không phải nhóm hát mà là nhóm đàn hát, đâu phải bỏ ra một năm là biết đàn mà tôi và các em tôi phải học từ năm 7 tuổi. Chúng tôi ôm đàn hát, ôm đàn ngủ, ngồi ăn cơm cây đàn cũng đặt kế bên. Bao nhiêu năm khổ luyện, Ba Con Mèo mới có được ngày vinh quang, đó là tài năng, là sự say mê thật sự, chứ không phải dễ dàng như cái thời "hát karaoke được và có chút sắc đẹp" là có thể đi hát.
- Ban nhóm bây giờ không nổi tiếng, giàu có và chịu chi bằng ca sĩ solo cũng là một lý do?
- Tiền bạc rất quan trọng, nhưng tôi không đặt nặng trong cuộc sống. Một ngày tôi chỉ ăn hai bữa cơm, nhà có sẵn rồi, nên nhiều tiền quá để làm gì. Tôi thấy bất hạnh nhất là chết mà có nhiều tiền!
Tôi không thể ăn một bữa cơm ngon mà gia đình ăn bữa cơm chỉ có nước mắm. Tôi không thể nào ăn bào ngư vi cá mà gia đình ăn bữa cơm đạm bạc. Tôi muốn mình có cái gì thì gia đình phải có cái đó, nên khi có tiền, mọi người trong gia đình cần bất cứ cái gì, tôi đều đáp ứng.
Biết sống vì mọi người mới làm tôi hạnh phúc, còn sống ích kỷ, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ mất tiền thì tôi quá ư bất hạnh. Bởi khi chết, ôm một cục tiền theo cũng chẳng để làm gì.
- Chị nói không quan trọng tiền bạc, nhưng sao ca khúc chị bán lại khá cao, nếu không muốn nói là cao nhất so với mặt bằng chung - 500USD/bài?
- Thứ nhất, tôi cần tiền để giúp đỡ gia đình, chứ không thể làm việc một cách vô nghĩa. Thứ hai, tôi bán 500USD một ca khúc, nhưng ca sĩ đi hát sẽ kiếm được bao nhiêu tiền? Họ có thể hát 10 bài/đêm, nhưng nhạc sĩ thì không thể sáng tác 10 bài một đêm.
Anh kiếm tiền và tôi cũng phải kiếm tiền, đó là sự kết hợp mua bán công bằng giữa ca sĩ và nhạc sĩ và của tôi đáng được hưởng thì tôi hưởng. Vấn đề là ca sĩ phải hiểu họ cần nhạc sĩ và nhạc sĩ cũng cần ca sĩ, chứ không phải là chuyện một chiều.
- 500USD sẽ phản ánh điều gì? Và theo chị thì ca khúc có thể hiện đúng giá trị của nó qua tiền bạc?
- 500USD có thể xứng đáng, có thể không, có thể có giá trị cao hơn nữa. Bởi chất xám là giá trị vô hình. Giống như một ca sĩ đang hát với cát xê 200 ngàn/show, bỗng nhiên có một album nổi tiếng, cát xê của họ tăng lên 30 triệu/show, nhưng liệu đó có phải giá trị thực của họ không?
Nên tiền bạc không phải lúc nào cũng nói lên giá trị đích thực. Khi làm việc gì, tôi phải suy nghĩ hai chiều: mình có thể không và ca sĩ có thể không? Khi nghĩ với giá đó mình sống được và ca sĩ có thể trả được thì tôi bán.
- Có hai quan điểm trái ngược nhau về nguyên tắc "làm ăn" của chị. Quan điểm thứ nhất cho đó là sự chuyên nghiệp cần phải có trong một nền âm nhạc chuyên nghiệp, quan điểm thứ hai thì cho đó là một dạng "con buôn nhạc". Còn chị?
- Ai cũng phải kiếm tiền, nhưng mục đích kiếm tiền của mỗi người khác nhau. Nếu sợ trở thành "con buôn" mà anh không dám bán sản phẩm của mình thì làm sao anh sống? Không lẽ vợ anh nuôi anh?
Tôi với Thanh Thảo là sự hợp tác kinh doanh
- Chị nghĩ sao khi có những ca sĩ trẻ rất thích ca khúc của chị, nhưng không dám tìm đến chị, vì họ cho 500USD là một con số quá đắt, không hợp với túi tiền của một ca sĩ mới vào nghề. Trong khi những ca sĩ đã nổi tiếng, có nhiều tiền thì chỉ cần một cuộc điện thoại là có ca khúc của chị?
- Nếu bài hát có sẵn, tôi đâu có lấy tiền, xin mời họ cứ hát! Họ vẫn thường xuyên làm như vậy mà. Nhưng muốn có một bài hát mới, tức là họ bắt tôi phải tư duy. Bắt tôi tư duy thì phải đầu tư cho tôi chứ. Cái gì cũng phải được trả giá tương đối. Nhưng ca sĩ đó có thể ngồi xuống thương lượng với tôi là "em mới đi hát, không có nhiều tiền". Nhưng gọi điện thoại hoặc nhắn tin là không tôn trọng tôi rồi.
- Có hay không chuyện chị là người rất chảnh với các ca sĩ trẻ?
- Tôi không hiểu vì sao họ nói tôi chảnh, nhưng tôi rất mệt mỏi với những cô ca sĩ nói: "Chị ơi em rất xinh đẹp, em mới 18 tuổi, chị lăng xê em, chị muốn em làm gì cũng được". Với những trường hợp đó, tôi luôn nói thẳng: "Tố chất đầu tiên của ca sĩ là phải có đạo đức, em đã không có rồi, em nên vô trường đi học lại. Và khi nào chưa đủ tư cách để làm ca sĩ thì em đừng nhắn tin cho tôi".
Có thể vì thế mà họ nói tôi chảnh chăng? Nhưng nếu ca sĩ nào có giọng hát hay và thực sự yêu thích nhạc của tôi, tôi sẵn sàng đưa bài hát, thậm chí đầu tư để có thể đưa tên tuổi họ lên.
- Chị sẵn sàng đầu tư cho ca sĩ nào có giọng hát hay, vậy sao chị lại đầu tư ở mức cao nhất cho Thanh Thảo, trong khi chính Thanh Thảo cũng thừa nhận mình không có thế mạnh về giọng hát?
- Tôi đầu tư không lấy tiền cho người nào đó, nếu họ có thực lực. Còn tôi với Thanh Thảo là sự hợp tác kinh doanh, chứ tôi không đầu tư cho Thanh Thảo. Tôi vẫn nói Thanh Thảo có một giọng ca không xuất sắc.
Nhưng chơi với Thảo mười mấy năm, nên tôi biết thế mạnh, thế yếu của Thảo. Ngoài chuyện tình bạn, Thảo là người rất sòng phẳng chuyện tiền bạc. Thảo muốn tôi sáng tác một bài, nhiều khi đưa tiền trước, nhưng chưa bao giờ nói "bớt em một đồng".
Người ta làm với mình mười mấy năm và luôn sòng phẳng thì mình nghĩ sao? Trong khi những người khác ngã giá từng đồng, họ không biết giá trị của mình nằm ở đâu. Nên ngoài tình bạn, tôi đánh giá Thanh Thảo là một đối tác làm ăn rất uy tín.
- Ngoài Thanh Thảo thì chị đánh giá cao "đối tác làm ăn" nào nữa?
- Phương Thanh cũng rất sòng phẳng. Phương Thanh nói bây giờ cần một bài dạng đó, thậm chí Phương Thanh chưa nghe bài đã đưa tiền trước. Phương Thanh nói Uyên đã dày công làm, thì Uyên xứng đáng được hưởng. Khi đối tác đầu tư tiền bạc thì mình phải đầu tư công sức. Nhưng vấn đề ở đây không còn là chuyện tiền bạc nữa, mà qua đó thấy được lúc nào người ta cũng tôn trọng mình.
Tôi hát mà cứ rơi nước mắt
|
- Xin quay lại chuyện Ba Con Mèo. Như chị đã nói, Ba Con Mèo đã tập luyện từ khi 7 tuổi và khổ luyện thực sự mới có ngày vinh quang. Nhưng chỉ vì hai em theo chồng mà bỏ cuộc chơi thì có phải là một sự lãng phí?
- Bố tôi là ca sĩ và công việc đàn hát là do bố chọn cho chúng tôi. Chúng tôi không hề có tuổi thơ. Sáng 3 chị em tập hát chung, buổi trưa tập đàn, tối vừa đàn vừa hát. Đèn phải vặn mờ, đeo mắt kiếng vô để có thể phiêu được.
Chúng tôi sống bằng tâm hồn, không nghĩ ngợi đến điều gì khác. Đó là sự đam mê nghề nghiệp mà bố tôi muốn truyền sang cho các con, chứ không hề mưu lợi.
Vì lúc đó bố đã là ca sĩ nổi tiếng nhưng gia đình vẫn rất nghèo. Nhưng rồi các em tôi lấy chồng và sinh con. Diệp nói với tôi là cho em nghỉ hát vì bây giờ em hát không có lửa. Cầm đồng tiền của người ta mà thấy không xứng đáng em cảm thấy mắc cỡ.
Đó là lương tâm của người nghệ sĩ mà bản thân tôi cũng cảm thấy khâm phục.
- Có phải khi Ba Con Mèo chia tay sân khấu là thời kỳ chị rơi vào trạng thái khủng hoảng? Và chị chọn solo làm lối thoát nhưng chị đã không thành công?
- Đúng là đối với hai em của tôi thì không có vấn đề gì, vì đó không phải là lí tưởng số 1 của chúng. Nhưng tôi thì rơi vào cảm giác như không thể chịu đựng nổi! Tôi không tự tin, nên đã nghỉ hát, nhưng nhiều người luyến tiếc với Ba Con Mèo, muốn có một thành viên xuất hiện, và họ mời tôi đi hát.
Trước đến nay chúng tôi có 3 người, bên cạnh tôi là hai em, tôi xoay qua bên này gặp Diệp, xoay qua bên kia gặp Tú. Mười mấy năm như vậy, tự nhiên có một ngày mình đứng một mình, nhìn qua bên này, bên kia không có ai, giống như mình có một người chồng, rồi bỗng dưng phải trở về một căn nhà rất trống vắng.
Nên tôi hát mà cứ rơi nước mắt. Tôi muốn hát có hai em kế bên, nhưng không thể làm được điều đó. Lên sân khấu tôi như người mất hồn. Khoảng 2-3 lần như vậy thì tôi nghĩ mình không xuất hiện được. Tôi đã quá khủng hoảng!
Tuy nhiên, hiện tại tôi làm xong toàn bộ album với chủ đề "Chỉ còn một con mèo". Công ty Music Faces đã mua lại và sẽ phát hành. Sau khi phát hành tôi đi hát trở lại. Tôi sẽ không làm mọi người thất vọng, đặc biệt không để bị ảnh hưởng đến cái tên Ba Con Mèo. Tôi sẽ có trách nhiệm với cái tên đó.
- Đó là sự khủng hoảng trên sân khấu, còn trong cuộc sống, chị rơi vào trạng thái nào khi hằng đêm thay bằng đi hát thì phải... nằm nhà?
- Tôi không chấp nhận được điều đó, nhưng thương em tôi phải làm. Còn nhớ năm 12 tuổi, tôi dậy thì bị vỡ giọng, không hát được, ngày đêm tôi ngồi cúng vái ông địa cho con được hát trở lại. Nếu con không đi hát lại được thì cho con chết, đừng để con sống!
Sau hơn 20 năm, đột ngột không được hát, một điều quá khủng khiếp đối với tôi. Nên một năm trời tôi khủng hoảng, stress nặng, đêm nào cũng uống bia tới sáng, tôi nhốt mình trong phòng, không gặp ai hết. Nằm một mình, suy nghĩ, nhớ đến thời trên sân khấu, rồi tôi lại khóc. Tôi nghĩ vậy là mình mất hết rồi.
- Trong trạng thái đó thì suy nghĩ tiêu cực nhất của chị là gì?
- Tôi chỉ hơi khùng thôi. Đêm đến tôi nhìn mình trong gương rồi tự lấy kéo cắt tóc. Tôi nghĩ mình cắt hết tóc thì mọi đau buồn sẽ qua, mình lại có những cái mới, chứ tuyệt nhiên tôi không nghĩ đến chuyện tự sát.
Vì tôi nuôi cả gia đình và tôi hạnh phúc khi làm điều đó, chứ "không có mợ chợ vẫn đông", nếu tôi không nuôi thì các em của tôi cũng nuôi. Nhưng từ đó đến giờ tôi là chỗ dựa kinh tế chính của gia đình, và tôi không muốn thay đổi điều đó.
Tôi muốn chứng tỏ mình là cây tùng cây bách để mọi người không phải lo gì hết, nên tôi sụp xuống là tất cả mọi người sẽ xuống tinh thần. Nhưng phải mất một năm cơn khủng hoảng của tôi mới tạm lắng xuống.
Tôi đã không bình thường từ lúc nhỏ
- Rất nhiều nghệ sĩ phải chia tay với hào quang, nhưng không đến mức... bất bình thường chị. Còn chị, có thấy như thế là bất bình thường không?
- Cuộc sống của tôi đã không bình thường từ lúc nhỏ. Năm học lớp 11, cả trường đã biết tôi bị suy nhược thần kinh và mất hết trí nhớ. Tôi rất ít nói, gần như không nói chuyện với ai mà chỉ lo học và suy nghĩ mình sẽ làm gì trong tương lai. Rồi tôi bị đau đầu, cứ phải đập đầu vô tường.
Đi khám bác sĩ, bac sĩ nói đừng để tôi học nhiều, suy nghĩ nhiều, vì tinh thần tôi quá yếu. Sau này, làm việc nhiều, tôi thường xuyên rơi vào trạng thái trầm cảm, đến mức bác sĩ còn... chê.
Từ bé đến lớn đã có 3 lần bác sĩ cho tôi một rổ thuốc! Mỗi lần như thế bác sĩ nói mắt tôi lạc thần, khó mà cứu được, có thể bước vào trạng thái điên, nên phải uống thuốc không là "đi" luôn. Khi biết bác sĩ nói vậy, lúc nào tôi cũng nghĩ mình thông minh, làm được nhiều việc và rồi chính tôi tạo áp lực cho mình. Thế là tôi lại rơi vào trạng thái trầm cảm, không muốn nói chuyện với ai.
- Chị sống như thế nào khi thường xuyên rơi vào trạng thái trầm cảm?
- Ngay cả thời điểm này tôi cũng đang trong trạng thái... trầm cảm! Cứ chút xíu là mẹ hoặc em lại gọi điện hỏi xem Uyên có sao không. Tôi không muốn uống thuốc, Tú nói nếu Uyên chết là tụi em chết theo.
Nghĩ vì sự lì lợm của mình mà cả nhà phải ngồi xuống xin mình phải sống, nên tôi nói "con sẽ vượt qua được". Nhưng rổ thuốc như thế làm sao tôi uống được? Thế là tôi đi Vũng Tàu một tuần lễ, không điện thoại, cứ bơi ở hồ bơi, về nhà tôi lại thấy đỡ hơn.
- Chị có nghĩ với tâm lí bất bình thường đó, những người thân sẽ rất mệt mỏi vì mình?
- Tôi biết đôi lúc gia đình quá lo lắng đến tôi. Bạn bè rủ tôi đi đâu một chút là ba lại điện thoại nói "thôi con đi về đi". Ông sợ tôi không đủ sức khỏe, mặc dù tôi đã 37 tuổi rồi.
Thật lòng là tôi rất tự hào về gia đình của mình. Tôi thấy chưa có gia đình nào thương nhau bằng gia đình của tôi. Một người vì mọi người và mọi người vì một người. Nếu một người bị phá sản thì tất cả phải giúp người đó đứng lên. Từ đứa cháu nhỏ nhất, mới 5 tuổi, mà đã biết nói "sau này lớn lên đi làm con sẽ nuôi mẹ Uyên".
Rõ ràng mọi người cảm thấy vui khi quan tâm đến tôi nên không hề có sự mệt mỏi. Nhưng có những điều trong công việc, trong chuyện tình cảm riêng tư, trong cuộc sống mà mình không thể nói được, và rồi nó cứ đầy lên, khiến tôi rơi vào trạng thái trầm cảm...
-
NetMode (theo Đẹp)