Đại hội điện ảnh VN lần 6 sắp sửa khai cuộc nhưng các nghệ sĩ hầu như không ai muốn lên tiếng về phong cách làm phim hoặc kiến nghị, bày tỏ nguyện vọng...theo kiểu “vận động tranh cử”. Không lẽ nghệ thuật điện ảnh đã giảm bớt sức hút ngay cả với những người làm ra nó?
NSND Trần Thế Dân - phó tổng thư ký thường trực Hội Điện ảnh VN - lý giải điều này ra sao?.
Thưa ông, không khí quá trầm lắng này có làm ban tổ chức lo ngại hay không? Phải chăng các nghệ sĩ không còn quan tâm đến nghề, hay hội nghề nghiệp không còn chút hấp dẫn nào với hội viên nữa?
Ông Trần Thế Dân: - Tôi nghĩ không phải vậy. Các nghệ sĩ đang bận làm ăn, chính xác hơn là những người nào có tài, có tâm huyết thì đều đã và đang được mời tham gia một bộ phim hay một dự án điện ảnh nào đó. Không phải lúc nào người ta cũng có thể tranh luận về nghề nghiệp.
Phải có diễn đàn và có thời điểm, thời điểm đó đã qua cùng với Liên hoan phim 14. Bây giờ là lúc các nghệ sĩ chờ đợi Luật điện ảnh ra đời. Họ không lên tiếng là phải. Nhưng như thế không có nghĩa là đại hội sẽ diễn ra buồn tẻ.
Các nghệ sĩ sẽ có ý kiến khi diễn đàn chính thức của đại hội được mở ra. Còn với tư cách một cá nhân nghệ sĩ và một người lãnh đạo hội, tôi thấy đây là một thời kỳ mới, mở ra rất nhiều cơ hội cho hoạt động của hội nghề nghiệp.
Với việc thành lập rất nhiều các hãng phim tư nhân, không trực thuộc một cơ quan nhà nước nào, không nhận tiền sản xuất phim từ ngân sách, số nghệ sĩ tự do sẽ đông lên rất nhiều và đây chính là lực lượng mà hội nghề nghiệp cần tập hợp để duy trì hoạt động và phát triển.
Ở nhiều nước, hội tồn tại và hoạt động được không phải nhờ ngân sách nhà nước mà chính là nhờ các hãng, ở VN thì chưa thể như vậy ngay được, nhưng tôi tin là tất yếu, hoạt động hội cũng phải phát triển theo qui luật của thị trường.
|
Hà Kiều Anh và Chi Bảo trong phim Đẻ mướn của Hãng phim Phước Sang, một mô hình đang được xem như thành công của chủ trương xã hội hóa điện ảnh Ảnh tư liệu |
Theo ông, các vấn đề chính cần được đặt ra trên diễn đàn đại hội là gì?
Ông Trần Thế Dân: - Đại hội 6 sẽ đánh dấu bước chuyển cực kỳ quan trọng của điện ảnh VN: chính thức bước vào cơ chế thị trường. Điều này được thể chế hóa trước tiên bằng Luật điện ảnh, luật sẽ tạo điều kiện để nền điện ảnh VN tiến tới một công nghệ sản xuất phim thích ứng hoàn toàn với cơ chế thị trường.
Với chủ trương xã hội hóa, từ lâu, Đảng và Nhà nước đã mong muốn phim ảnh của chúng ta thoát khỏi bầu sữa cơ chế. Đó cũng là nguyện vọng của anh em nghệ sĩ và khán giả, nhưng tiến trình đó diễn ra quá chậm chạp.
Vì vậy, ở đại hội này, các nghệ sĩ nên tập trung bàn bạc, trao đổi, đánh giá để hướng đến mục đích cuối cùng là đổi mới toàn diện nền điện ảnh VN: đổi mới cơ chế, đổi mới tư duy sáng tác, chất lượng tác phẩm, tư duy quản lý và tư duy thẩm định tác phẩm; các nghệ sĩ cũng cần giúp các nhà quản lý nghệ thuật nhận chân được yêu cầu giải trí của nghệ thuật điện ảnh.
Có nhận thức được điều này mới có thể đổi mới được cách làm phim - phải coi tính hấp dẫn là một đặc điểm quan trọng của nghệ thuật điện ảnh.
500 đại biểu chính thức, thay mặt gần 1.400 hội viên, sẽ về dự đại hội Hội Điện ảnh VN lần 6 (2005- 2010): diễn ra trong ba ngày 28, 29, 30-7 tại hội trường Ba Đình. Có điểm mới trong đề cử, ứng cử vào ban chấp hành là bỏ phiếu kín (khác những khóa trước là giơ tay). Cho đến thời điểm này đã có trên 20 tham luận, với tâm điểm là bàn về xây dựng một nền điện ảnh chuyên nghiệp, hướng đến khán giả.
N.C. |
Lâu nay giới nghệ sĩ vẫn than thở là các hội VH-NT chỉ là bóng mờ của các cơ quan quản lý nhà nước về ngành đó, và cơ quan hội là “bãi đáp” cho các quan chức ngành đã đến tuổi hưu nhưng chưa muốn nghỉ hưu. Làm thế nào để tránh được tình trạng đó, thưa ông?
Ông Trần Thế Dân: - Tình trạng đó là có, nhưng không thể khắc phục triệt để được vì những nghệ sĩ thật sự có tài, đang ở giai đoạn sáng tạo sung sức thì... đi làm phim chứ có ai thích tham gia công việc hội? BCH khóa 5 có hai thành viên tạm gọi là trẻ là Khải Hưng (hình như ông này cũng hơn 50 rồi) và Lưu Trọng Ninh thì ai cũng bận tối mắt tối mũi làm phim của mình hoặc chỉ đạo làm phim ở hãng mình.
Cho nên, theo tôi, cái chính là cần người có nhiệt tình và khả năng hoạt động xã hội. Người trẻ càng cần, nhưng trước tiên là bản thân họ cũng phải thấy... muốn làm đã chứ!
(Theo Tuổi trẻ) |