Dự thảo Luật điện ảnh: Chậm 100 năm mà vẫn... hỏng!
15:30' 24/05/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Dự thảo Luật Điện ảnh vẫn còn mang tính chính sách, thiếu thực tiễn và khó đi vào đời sống được... Đó là nhận định của nhiều đạo diễn tham dự hội thảo Xây dựng Luật Điện ảnh ngày 24/5 tại HN.

Đại biểu không hiểu dự thảo?

Cảnh trong "Áo lụa Hà Đông": bộ phim nhận được nhiều lời đề nghị mua bản quyền tại LHP Cannes.

Đại diện của Bộ VH-TT, Cục điện ảnh, các hãng phim và các nhà làm phim đủ mọi thế hệ đều có mặt khá đông đủ tại hội thảo chỉ có điều không hiểu lý do gì đại diện các cơ quan báo chí đa số bị gạt ra ngoài. Đến quá nửa các đại biểu ngồi dưới tập trung vào những cuộc trao đổi riêng thay vì nghe và thảo luận mặc dù dự thảo Luật Điện ảnh lần này đã được gửi đến tay họ kèm giấy mời từ 1 tuần trước. Một số nhà làm phim tâm huyết đều cho rằng khoảng thời gian đó quá ngắn ngủi để họ có thể nghiên cứu kỹ dự luật lần này. Tuy nhiên, như ĐD Đặng Nhật Minh nói, đa số đều đón nhận dự Luật Điện ảnh vì "sau 7 năm cuối cùng dự thảo Luật Điện ảnh đã không còn là ý tưởng mà đã được... hiện thực hoá trên giấy".

Những người tới dự chỉ có trong tay bản dự thảo lần thứ 4 của Luật Điện ảnh được đưa ra ngày 26/4/2005 trong khi hội thảo Xây dựng Luật Điện ảnh ngày 24/5 lại bàn về bản dự thảo lần thứ 6 có tới 8 chương, 49 điều, bổ sung 4 điều do với bản dự thảo lần thứ 4. Nhiều đạo diễn tham gia đọc tham luận trong đó có ĐD Đặng Nhật Minh và ĐD Khải Hưng đều thắc mắc về sự thiếu trùng khớp này. 

Có điểm dễ nhận thấy là dự thảo Luật Điện ảnh lần này còn khá lỏng lẻo ngay trong việc sử dụng từ ngữ thiếu chính xác về tác giả phim, đạo diễn... Được biết Luật Điện ảnh đã được rậm rịch chuẩn bị cách đây gần 10 năm nhưng vẫn chưa định hình, nguyên nhân theo ĐD Hải Ninh chính là "điện ảnh VN chưa định hình tổ chức, chưa có mô hình điện ảnh hợp lý và khoa học để thực hiện được luật". ĐD Hải Ninh nhận được dự thảo Luật Điện ảnh cách đây 2 ngày nhưng ông vẫn có thể chỉ ra không ngại ngần những hạn chế trong bản dự thảo.

Bên lề hội nghị, ĐD Hải Ninh nhận xét: "Những người xây dựng dự thảo cần có kiến thức nghề nghiệp, kiến thức văn hoá, trí tuệ. Luật phải khác với chính sách, nghị quyết. Đọc điều khoản người ta phải biết được phép làm gì và không được làm gì. Nói tác giả phim là một tập thể trong dự luật là không chính xác, đạo diễn là người đi xuyên suốt tác phẩm và chịu trách nhiệm trước công chúng, pháp luật khi phim ra mắt... Điện ảnh thế giới đã có hơn 100 năm tuổi rồi và tôi sợ những điều chúng ta nói ở đây nếu họ đọc được sẽ như thế nào? Dự luật Điện ảnh lần này chưa thể hiện được sự đi sâu và hiểu điện ảnh tận cùng. Chúng ta đang lội ngược dòng, có điện ảnh đấy nhưng mô hình chưa định hình, nếu định hình mới giải quyết được các mối quan hệ  giữa sản xuất và phát hành, giữa phát hành và chiếu bóng, giữa điện ảnh và truyền hình".

Ông nói gà bà nói vịt!

Truyền hình và Điện ảnh có cần sự rạch ròi?

Đạo diễn Khải Hưng băn khoăn về việc có nên đưa phim truyền hình vào phạm vi điều chỉnh của Luật Điện ảnh hay không? "Đội ngũ của những người sáng tác phim truyền hình đều do các trường đào tạo hoặc chuyển sang từ các đơn vị sản xuất phim điện ảnh. Đài truyền hình VN do Chính phủ quản lý về mặt nhà nước quản lý nhưng hoạt động dưới Luật báo chí.

Các đài địa phương chịu sự quản lý của UNND tỉnh và TP nhưng qua sự kiểm duyệt của sở VHTT, Cục điện ảnh. Ở đây có sự thiếu thống nhất và chồng chéo giữa truyền hình và điện ảnh. Cách thức quản lý hiện nay gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước". ĐD Khải Hưng cũng nêu ra những mâu thuẫn trong sự thống nhất về mặt quản lý để tạo sự phát triển chung cho ngành điện ảnh. "Hiện nay dự thảo Luật Điện ảnh còn có nhiều điểm chưa thống nhất trong việc đưa phim truyền hình vào phạm vi điều chỉnh của mình. Các điều khoản tuy có đề cập đến phim truyền hình nhưng ở mức độ lẻ tẻ, rời rạc... Nếu đưa phim truyền hình vào phạm vi điều chỉnh của luật Điện ảnh còn gặp khó khăn và chưa thống nhất được với Luật Báo chí thì nên tách phim truyền hình khỏi luật Điện ảnh".

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Cục phó Cục Điện ảnh khi trả lời VietNamNet lại không đồng ý với ý kiến của ĐD Khải Hưng: "Tôi nghĩ rằng đó là ý kiến riêng của ĐD Khải Hưng, lúc muốn đổi tên hội thành Hội Điện ảnh truyền hình, lúc lại muốn tách truyền hình ra khỏi điện ảnh. Như vậy cũng mâu thuẫn nhau. Việc soạn thảo một bộ luật không phải là vấn đề đơn giản, nhất là trong lĩnh vực điện ảnh, nếu làm không cẩn thận sẽ lạc hậu trước thực tiễn". Nhiều dự luật mới chỉ đưa ra thảo luận và đã nhận được những phản ứng khác nhau, nhất là Điều 15 về Tiêu chuẩn, nhiệm vụ quyền hạn của đạo diễn. Số đồng ý về tiêu chuẩn của đạo diễn là phải có trình độ ĐH chuyên ngành đạo diễn hoặc được phong danh hiệu NSƯT, NSND... nhưng số khác lại cho rằng đây là công việc đặc thù, phụ thuộc nhiều vào tài năng vốn có của các đạo diễn, chỉ cần làm phim hay là được. .

ĐD Phước Sang cho rằng ĐD không cần bằng cấp, tài năng của họ được chứng minh qua tác phẩm của mình. "Tôi có bằng cấp nhưng tác phẩm của tôi không ra gì thì cũng không ai mời làm phim. Ở các hãng phim tư nhân, ai có tài thực sự thì tôi mời, có vậy mới có khán giả và mang lại lợi nhuận cho hãng. Nếu đạo diễn dở thì đồng nghĩa với sự phá sản của hãng phim. Không phải ai muốn làm đạo diễn cũng được vì đây là nghề vô cùng khó, ngoài bản năng, khiếu trời cho và những hiểu biết tương đối toàn diện".

Dự kiến cuối tháng 6 tới dự thảo Luật Điện ảnh sẽ được trình Chính Phủ trước khi trình Quốc hội.

  • H.T

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Phim Oan hồn... chấp nhận may rủi? (24/05/2005)
Time bình chọn 100 phim hay nhất mọi thời đại (23/05/2005)
Rạp phim, xây hay phá đều phí? (23/05/2005)
Truyền hình có thêm một "ông kẹ"? (20/05/2005)
Chờ xem phim boxing "made in Việt Nam" (18/05/2005)
Chuột Mickey đã xuất hiện tại Việt Nam (17/05/2005)
VTV bắt tay với các hãng phim tư nhân (16/05/2005)
Hà Kiều Anh đóng "Đẻ mướn" (13/05/2005)
Phim không hay, "giờ vàng" cũng bó tay! (12/05/2005)
Peter Jackson: Ngôi sao quyền lực nhất Hollywood (11/05/2005)
ĐD Hà Sơn: "Cám ơn công chúng dù họ... chửi tôi" (11/05/2005)
Thôi, vào rạp mà làm gì?! (11/05/2005)
Cannes 2005: Sôi động từ vòng ngoài! (10/05/2005)
Tiana Thanh Nga về nhà (08/05/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang