(VietNamNet) - Đúng 10 giờ sáng nay Lê Hoàng, Đỗ Minh Tuấn, Hoàng Dũng và Vi Cầm đã có cuộc giao lưu trực tuyến cùng độc giả VietNamNet...
Theo bạn, tại sao năm nay không có giải Cánh diều vàng cho thể loại phim truyện? Ông Đỗ Minh Tuấn lý giải Hội điện ảnh "vuốt mặt" phải nể mũi như thế có thoả đáng không? Lê Hoàng giải thích cái sự "ăn khách" của mình có đúng không? Nếu là bạn thì bạn sẽ trả lời những câu hỏi của độc giả như thế nào? Hãy bày tỏ quan điểm của bạn theo cách sau:
Một trong cái tên được nhắc đến nhiều trước và trong lễ trao giải Cánh diều vàng 2004 là đạo diễn Lê Hoàng, nhân vật đã đươc nhắc đến quá nhiều từ thời của Gái Nhảy. Sau thành công của loạt phim Gái Nhảy, Lê Hoàng tiếp tục gây chú ý khi "đầu quân" cho Thiên Ngân làm phim Nữ tướng cướp, một thành công về doanh thu trong dịp tết âm lịch vừa qua. Có đạo diễn đã nhận xét rằng Nữ tướng cướp kém hơn Gái Nhảy và đang có vẻ đuối sức.
Đạo diễn Lê Hoàng có những lập luận riêng với những ý tưởng anh gửi gắm trong Nữ tướng cướp, một bộ phim mà theo anh có đầy những tình huống giả tuởng về mặt tâm lý nhưng khán giả vẫn chấp nhận được. Thêm một bộ phim Lê Hoàng mời Mỹ Duyên vào vai chính (giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất của Cánh diều vàng 2004), bạn có thể đặt câu hỏi với vị đạo diễn kiêm cây bút viết ra vàng này. Cho dù có nhiều ý kiến khác nhau nhưng cuối cùng thì Nữ tướng cướp đã mang về cho Lê Hoàng giải cá nhân Biên kịch xuất sắc nhất thay vì giải Đạo diễn xuất sắc nhất. Liệu giải thưởng này có làm anh hài lòng? Có thông tin cho rằng sau Nữ tướng cướp, Lê Hoàng sẽ tiếp tục làm phim cho Thiên Ngân, chiêu thức mới của Lê Hoàng chăng?...
|
Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn (trái) tại lễ trao giải Cánh diều vàng 2004. (Ảnh: An Thành Đạt) |
Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn - Đạo diễn xuất sắc nhất của Cánh diều vàng 2004 từng gây chú ý với Vua bãi rác, bộ phim "suýt" gửi đi tham dự Oscar 2004 và được BM Films International (Canada) mua bản quyền phát hành trong 10 năm. Bẵng đi một thời gian, anh trở lại với "Ký ức Điện Biên" với tư cách là đạo diễn. Bộ phim được đầu tư tới 13 tỷ đồng và được quay, dựng và làm kỹ xảo tại Việt Nam, Pháp, Thái Lan. Bộ phim hoành tráng này được đồng nghiệp đánh giá cao và được coi là có giá trị nghệ thuật cao.
Tuy nhiên, khi ra rạp Ký ức Điện Biên không thể làm nóng dư luận. Do tiếp thị yếu hay do phim không dành cho khán giả? Bộ phim này tiếp tục gây bất ngờ tại Cánh diều vàng 2004 khi được đề cử hết giải này đến giải khác và cuối cùng mang về giải Khuyến khích Phim truyện nhựa và Đạo diễn xuất sắc nhất cho Đỗ Minh Tuấn. Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn chắc chắn có nhiều tâm sự về quá trính làm phim Ký ức Điện Biên cũng như cảm xúc khi được nhận giải.
|
Nữ diễn viên Vi Cầm. |
Nữ diễn viên Vi Cầm, người thủ vai cô gái mù tên Hà trong phim Chuyện phố phường. Tuy chỉ được giải khuyến khích trong hạng mục Phim truyện truyền hình nhiều tập nhưng "Chuyện phố phường" đã tạo được khá nhiều dư luận trong thời gian gần đây chính bởi tính đời thường đậm nét và sự phản ánh cuộc sống khá chân thực của nó.
Tuy nhiên, trong giới làm phim lại cho rằng bộ phim quá sa đà vào yếu tố đời thường, lạm dụng sự dung tục. Điều này càng làm cho bộ phim của nhà biên kịch kiêm đạo diễn Phạm Thanh Phong gây chú ý. Xuyên suốt toàn bộ phim là nhân vật Hà do Vi Cầm đóng. Diễn xuất dung dị, thân hình gày gò và một gương mặt ưa nhìn đã giúp nữ diễn viên nghiệp dư này chiếm được cảm tình của người hâm mộ. Vi Cầm đến với điện ảnh tình cờ qua bộ phim truyền hình Hoa cỏ may, vai diễn tuy không thực sự nổi trội nhưng lại thắt chặt duyên nợ giữa cô gái mảnh khảnh này với điện ảnh qua Nắng chiều, Lão hà tiện vui tính, Đất và người và cuối cùng là Chuyện phố phường, thành tích rất đáng kể với một diễn viên nghiệp dư.
Vi Cầm hiện đang học ĐH năm thứ 4 Khoa Violin tại Nhạc viện Hà Nội, 22 tuổi nhưng đã có 16 năm gắn bó với cây đàn violin. Rất tiếc điện ảnh không phải là điều Vi Cầm nghĩ đến trước khi lọt vào mắt xanh của đạo diễn Lưu Trọng Ninh của Hoa cỏ may. Vi Cầm đến với vai Hà cũng tình cờ như thế. Sinh năm 1983, chưa có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống nhưng cô sinh viên cá tính này lại vào vai một cô gái mù rất ngọt trong Chuyện phố phường. Các bạn có thể hỏi Vi Cầm về những khó khăn khi nhập vai này, cô ấy có nhiều chuyện thú vị muốn chia sẻ với người hâm mộ. Mấy ai biết rằng Vi Cầm đã phải đánh đổi nhiều thứ cho vai diễn này, nghỉ học 3 tháng để theo đoàn làm phim. Vừa theo học Nhạc viện HN, ngày nào cũng phải tập đàn lại vừa là sinh viên ĐH Quản lý kinh doanh nên Vi Cầm đã phải nghỉ học để đi đóng phim, thậm chí xin nghỉ học 1 năm chuyên môn, không thi học kỳ vì không có thời gian tập tành. Liệu cô có được gia đình ủng hộ và có khi nào muốn từ bỏ nghệ thuật thứ 7?
|
Hoàng Dũng: Nam diễn viên chính xuất sắc nhất. |
Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, Hoàng Dũng không gây bất ngờ với những người theo dõi lễ trao giải bởi lẽ Tiếng cồng định mệnh, bộ phim thuộc dòng chính thống dường như đã báo trước cho chiến thắng của Hoàng Dũng. Anh hiện đang công tác tại Nhà hát Kịch HN và là gương mặt đã quá quen thuộc trên truyền hình. Giờ đây Hoàng Dũng.đã khẳng định mình ở thể loại phim nhựa, anh đang có nhiều dự định, đang rất... bối rối trước giải thưởng bất ngờ này.
Cả Hoàng Dũng lẫn những nghệ sĩ khác đều cảm thấy hài lòng khi vai trò của các nghệ sĩ đã được nhìn nhận xứng đáng. Mặc dù đã "nghe nói" về chuỵện mình đoạt giải nhưng Hoàng Dũng vẫn... chết đứng vì tên mình được đọc lên với tư cách là Nam diễn viên chính xuất sắc đầu tiên của Cánh diều vàng. Hoàng Dũng nhận lời tham gia bộ phim Tiếng cồng định mệnh sau 2 lần từ chối vì quá bận và cuối cùng được đóng phim.... theo lịch của mình. Hoàng Dũng là một người rất tâm huyết với sân khấu kịch nhưng điện ảnh và truyền hình đã lấy mất quá nhiều thời gian của anh, vậy chuyện gia đình thì sao?
Sau đây là nội dung cuộc giao lưu:
Nguyen Truong Giang - Nam 29 tuổi - Thanh Tri - Ha Noi: - Thưa đạo diễn Lê Hoàng, đạo diễn là người Hà Nội, vậy đạo diễn có ý định làm một bộ phim nào đó về Hà Nội không?
Đạo diễn Lê Hoàng: - Tôi đã làm một bộ phim về Hà Nội rồi đó chứ. Nó tên là "Chiếc chìa khóa vàng" sản xuất vào năm 2000.
Vien Phuong - Nam 35 tuổi - HCM: Xin chào đạo diễn Lê Hoàng. Tôi cảm thấy anh rất thành công với khi chọn vai cho Mỹ Duyên. Nhưng báo chí hay nói: Nếu cứ trao vai cho diễn viên quen thuộc sẽ gây nhàm chán cho người xem. Tôi thì không nghĩ thế, ngay cả Holywood người ta cũng làm thế mà, ý anh thế naò? Tôi rất mong lại gặp "cặp bài trùng" LH-MD ở một tác phẩm mới. Xin anh bật mí về bộ phim tiếp theo, được không ạ? Chúc anh thành công hơn! Đạo diễn Lê Hoàng: - Tôi sẽ trao vai diễn cho một người cả ngàn lần nếu thấy đúng và sẽ không trao một lần nào nếu thấy sai. Tôi quan tâm đến nhân vật chứ không quan tâm đến diễn viên. Ai muốn nghĩ gì thì nghĩ. Phim mới của tôi có thể tên là "Sinh viên quý tộc" còn hai tháng nữa sẽ quay.
Nguyen Truong Giang - Nam 29 tuổi - Thanh Tri - Ha Noi - Khi cháu đọc những bài báo của đạo diễn, cháu cảm thấy mình rất tự tin và thêm lòng dũng cảm. Thưa đạo diễn Lê Hoàng, chú có sợ một điều gì đó, một ai đó, hay một thứ nào đó không? Đạo diễn Lê Hoàng: - Có chứ. Tôi sợ những người không đọc báo (kể cả báo điện tử).
Nguyen Truong Giang - Nam 29 tuổi - Thanh Tri - Ha Noi: - Thưa đạo diễn Lê Hoàng, vì sao đạo diễn khóc tại liên hoan phim vừa rồi? Đạo diễn Lê Hoàng: - Tại vì ở đấy có nhiều người cười quá!
Nguyễn Phương - Nam 20 tuổi - Japan: - Em nghe kể lại là anh Hoàng đã khóc trong một buổi hội thảo nghề nghiệp tại Liên hoan phim Buôn Mê Thuột. Nguyên nhân thực sự là gì vậy anh? Nỗi buồn, sự cô đơn hay bất lực trước những gì mình đang theo đuổi. Bọn em lúc nào cũng đứng về phía Lê Thị Liên Hoan anh Hoàng ạ. Đạo diễn Lê Hoàng: - Nguyên nhân là vì tôi chưa bao giờ được nhìn thấy hoa anh đào như bạn.
Minh Vũ - Nam 30 tuổi - Phú Thọ: - Anh Lê Hoàng kính mến, anh đã từng nói rằng, trong phim Nữ tướng cướp có đầy tình huống giả tuởng về mặt tâm lý nhưng khán giả vẫn chấp nhận được. Em không hiểu "khán giả" mà anh nói đến là lớp khán giả nào, có điều em nhớ hôm đó xem phim, không phải chỉ 1 mình em mà phần lớn người xem trong rạp ồ lên ngạc nhiên với diễn biến tâm lý của "con cướp" Bằng Lăng khi đang lạnh lùng đòi tiền chuộc, bỗng dưng trở nên vô cùng bức xúc lúc gọi điện về bắt "con cướp" Mỹ Duyên hãy cố gằng lên, phải cố gắng lên để...chặt ngón tay con tin(!). Em không nghĩ cái cách người xem ồ lên như thế lại là cách họ "chấp nhận" những tình huống giả tưởng tâm lý của anh. Anh nghĩ sao? Đạo diễn Lê Hoàng: - Tôi nghĩ rằng tôi sẽ rất ngạc nhiên khi biết có những người sẵn sàng chặt ngón tay người khác mà không cần cố gắng.
Doan Viet Cuong - Nam 26 tuổi - TrungHoa-Ha Noi; - Xin chào đạo diễn Lê Hoàng! Anh đang là một đạo diễn đắt "sô"- làm những bộ phim thu về cho nhà sản xuất bộn tiền nhưng cũng vì điều nầy mà anh đang là một "phần tử không được ưa thích" và bị nhiều người "ghét bỏ". Anh có buồn không ? Đạo diễn Lê Hoàng: - Tôi không buồn vì bị người ta ghét. Tôi chỉ kinh ngạc khi người ta coi sự ghét ấy là "nghệ thuật".
Nguyễn Phương - Nam 20 tuổi - Japan: - Anh Lê Hoàng thân, em đuợc biết là anh đã không có mặt tại lễ trao giải vừa qua vì "bận công việc". Anh có thể cho những nguời hâm mộ anh đuợc rõ hơn? Phải chăng anh không đồng tình với cách trao giải theo kiểu "phân bổ" của BTC hay vì sự cô đơn vẫn là bạn đồng hành của anh? Chúc anh khoẻ và hãy tin rằng anh có thật nhiều "fellow" nhé! Đạo diễn Lê Hoàng: - Cả "cô đơn" lẫn "buồn tủi" đều không phải là bạn đồng hành của tôi. Bạn đồng hành của tôi là châm biếm kia!
Nguyễn Ngọc Bắc - Nam 22 tuổi - TP. Thanh Hoá: - Cho tôi hỏi đạo diễn Lê Hoàng. Cháu luôn ngưỡng mộ chú bởi tài năng và những câu trả lời rất thông minh, thẳng thắn và có một chút gì đấy rất ngạo mạn.. Cháu là một người rất không thích những câu khen ngợi "quá đáng". Cháu muốn hỏi chú câu này: Chú nghĩ gì khi mọi người bảo chú là đạo diễn kiêm cây bút viết ra vàng? Đạo diễn Lê Hoàng: - Tôi không viết ra vàng đâu. Hay ít nhất tôi cũng không viết ra "cánh diều vàng"!
Hoàng Tuấn - Nam 26 tuổi - Cầu Giấy - Hà Nội - Xin chào anh Hoàng Dũng. Tôi thực sự thích và xúc động khi xem anh diễn trong "Tiếng cồng định mệnh". Tôi cảm thấy yêu tướng Tuấn hơn tướng Lâm. Nhưng tôi thích được một lần xem anh đóng vai 1 kẻ bị ghét cay ghét đắng (hơn anh hàng xóm trong Tướng về hưu), không biết anh có thích vai như thế không? và đã bao giờ định nhận hoặc sẽ nhận không? DV Hoàng Dũng: - Chào Hoàng Tuấn. Rất cảm ơn bạn khi đã xem và rất có cảm tình với vai diễn tướng Tuấn của tôi trong Tiếng cồng định mệnh. Bạn cũng là người đã xem cả phim Tướng về hưu mà tôi đã tham gia đóng từ rất lâu rồi. Là một nghệ sỹ biểu diễn, tôi thích được thể hiện nhiều dạng nhân vật, và nếu như được phân một vai mà như bạn nói là "sẽ bị ghét cay ghét đắng" và nếu vai đó là một vai có đất diễn thì tôi cũng sẽ rất vui khi được thể hiện.
Nhưng có một lần tôi có đóng một vai trùm buôn thuốc phiện trong một bộ phim video thì ngay sau đó đã nhận được rất nhiều thư khuyên tôi không nên đóng vai phản diện. Tôi cũng nghĩ đó là tình cảm mọi người dành cho tôi. Nhưng tôi lại nghĩ là một diễn viên thì điều hạnh phúc là được thể hiện nhiều dạng nhân vật khác nhau. Cảm ơn và hẹn gặp lại bạn.
Hoàng Yến - Nữ 30 tuổi - 235 Hoàng Văn Thụ, Hà Nội: - Chào Vi Cầm, cá nhân tôi thấy bạn diễn trong phim ''Chuyện phố phuờng'' có ''hồn'' hơn ''Hoa cỏ may''. Riêng bạn thì thấy sao? Để vào vai cô gái mù trông ''thật'' như vậy, bạn có phải đi thực tế đâu đó không? Diễn viên Vi Cầm: - Xin kính chào độc giả VietNamNet, Vi Cầm rất vui vì được có mặt ở đây để giao lưu với những người hâm mộ điện ảnh. Cám ơn lời động viên của chị Yến. Vai Hà đến với em sau một thời gían khá dài thử sức với phim truyền hình. Em đã có nhiều kinh nghiệm hơn và cũng có thời gian để có thêm nhiều vốn sống để phục vụ vai diễn. Do vậy em cảm thấy tâm đắc hơn với vai Hà trong "Chuyện phố phường". Do không có thời gian đi thực tế nên hầu hết em chỉ xem qua băng đĩa của nước ngoài để tham khảo cách diễn xuất của các nhân vật bị thong manh.
Hồ Ngọc Cường - Nam 31 tuổi - Quảng Trị: - Kính chào anh Lê Hoàng! Tôi là người rất hâm mộ anh và rất thích thú các bài viết sâu sắc, dí dỏm trên các báo Thể thao Văn hóa, An ninh thế giới... Bản thân tôi luôn mong muốn anh cứ giữ mãi cái phong cách "rất Lê Hoàng" của anh. Tôi rất muốn có cho mình các bài viết mà anh đã đăng trên các báo mà không biết phải làm cách naò? Anh có thể giúp đỡ tôi thực hiện đuợc điều đó không? Anh đã đăng tác phẩm nào tập hợp đầy đủ các bài viết của anh từ truớc đến nay chưa? Nếu đuợc anh có thể cho tôi xin địa chỉ e-mail của anh không? Rất mong hồi âm của anh! Địa chỉ e-mail của tôi là : chipnet91@yaoo.com. Xin chân thành cảm ơn! Đạo diễn Lê Hoàng: - Thưa anh Cường. Rất cám ơn anh vì đã thích những bài báo của tôi (giá mà anh cũng thích con người tôi như thế thì tốt quá). Tôi chưa bao giờ tập hợp những bài báo của mình vì thú thực là tôi thấy việc ấy không quan trọng lắm. Nếu nó in thành sách nó sẽ nhất quán về văn phong nhưng không nhất quán về ý tưởng.
Tôi không biết xài vi tính ở bất cứ hình thức nào nên cũng không có địa chỉ email. Rất tiếc. Nếu có một ngày nào đó những bài báo của tôi xuất bản thì đó là một ví dụ hùng hồn về việc người ta có thể chắp những mảnh vụn ra sao để kết thành một tác phẩm! Rất cám ơn anh.
Nguyễn Bình - Nam 56 tuổi - San Diego, USA: - Xin được chúc mừng tất cả các anh chị em nghệ sĩ và Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn đã được trao giải Cánh Diều Vàng. Trong lần đưa phim "Vua bãi rác" sang Mỹ chiếu, tôi may mắn có dịp gặp đạo diễn Đỗ Minh Tuấn và trao đổi ý kiến. Tôi hâm mộ anh về những ý tưởng mới, hôm nay xin có câu hỏi: Trong thời gian tới Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn có chương trình đưa phim VN sang Mỹ chiếu và tham dự giải Oscar, hay thực hiện những phim VN về chủ đề có liên quan đến Mỹ và người VN tại Mỹ không?
Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn: - Cảm ơn anh Bình. Từ khi về nước đến nay, tôi luôn luôn nhớ và mong sớm trở lại Hoa Kỳ. Tôi cảm thấy ở đó tôi có nhiều tri kỷ nhất và nhiều cơ hội nhất. Tôi đang hoàn tất kịch bản ''Tôn Ngộ Không đại náo Hoa Kỳ'' để gửi cho đại lý ở Hollywood và sau đó sẽ trở lại Hoa Kỳ trong năm nay để xúc tiến dự án làm phim này và chiếu một số phim của tôi ở một số trường đại học và các thành phố.
Tôi đã nhận được một số thư của các LHP Mỹ mời các phim ''Vua bãi rác'' và ''Ký ức Điện Biên'', nhưng việc tham dự còn phụ thuộc vào các thủ tục và sự luân phiên bản phim duy nhất có phụ đề. Cũng có thư nhắc việc đăng ký phim ''Ký ức Điện Biên'' tham dự giải Oscar nhưng hiện nay điều kiện trong nước không thuận tiện cho việc này nên tôi không triển khai.
Ngo Hoang Quan - Nữ 30 tuổi - Ha Noi: - Anh có thực sự "đanh đá" và "đáo để" như những gì anh vẫn thể hiện trước mặt công chúng không? Đạo diễn Lê Hoàng: Không! Cho phép được mượn thơ Xuân Diệu để trả lời: Tôi khờ khạo lắm ngây thơ lắm / Chỉ biết phim thôi chả biết gì...
Phạm Đình Hiệp - Nam 27 tuổi - Hà Nội: - Xin chào đạo diễn Lê Hoàng. Là đạo diễn nhưng anh lại đuợc nhận giải biên kịch xuất sắc, anh có hài lòng với phần thuởng này không? Đâu là thế mạnh của anh, đạo diễn hay biên kịch? Tôi đã xem phim Gái nhảy và Lọ lem hè phố nhưng thấy hai đề tài này có vẻ gần giống nhau. Đặc biệt Lọ lem hè phố không mấy hấp dẫn người xem. Đạo diễn có nghĩ đây là một chủ đề "câu khách" và "đánh vào thị hiếu" của một số nguời thích "tò mò"? Đạo diễn Lê Hoàng: - Tôi đã từng rất nhiều lần hài lòng với cách nghĩ: nếu chẳng được gì thì chả có lý do gì lại không hài lòng với giải biên kịch! "Gái nhảy" và "Lọ lem hè phố" giống nhau về đề tài nhưng theo tôi thì nó không giống nhau về cách thể hiện.
Tien Thanh - Nam 28 tuổi - Ha Noi: - Xin chúc mừng nghệ sĩ Hoàng Dũng. Tôi là một fan hâm mộ nghệ sĩ trên sân khấu kịch nói và tôi đã rất bất ngờ khi một diễn viên kịch nói chuyên nghiệp lại đạt giải diễn viên nam xuất sắc của điện ảnh. Vậy xin hỏi nghệ sĩ liệu có phải điện ảnh Việt Nam đang đi xuống? Hay chúng ta đang thiếu diễn viên nam cho ngành điện ảnh? Theo nghệ sĩ thì những tác phẩm điện ảnh Việt Nam hiện còn thiếu những yếu tố nào để có thể tham dự giải quốc tế?
NSƯT Hoàng Dũng: - Xin chào Tiến Thanh. Trước hết cho tôi cảm ơn vì cảm tình của bạn đối với các vai diễn của tôi trên sân khấu. Nhưng tôi không phải là diễn viên sân khấu đầu tiên nhận được giải thưởng của điện ảnh. Cách đây hơn 20 năm, NSƯT Thanh Tú cũng là diễn viên sân khấu và cũng đã nhận được giải thưởng của điện ảnh. Điều đó cũng không nói lên điều gì về chuyện điện ảnh có đi xuống hay không.
Diễn viên của điện ảnh không thiếu, nhất là diễn viên nam, chỉ có điều là ngay từ khâu đào tạo của Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh VN hiện nay thì khâu đào tạo diễn viên cũng là đào tạo diễn viên sân khấu, điện ảnh chung.
Còn câu hỏi sau của bạn là VN còn thiếu những yếu tố nào để có thể tham dự giải quốc tế, tôi xin được phép trả lời bạn như sau. Điện ảnh VN đã tham dự rất nhiều Liên hoan phim trên thế giới và cũng giành được rất nhiều giải thưởng. Còn để sánh được với thế giới, nước mình còn rất nhiều lĩnh vực chưa đủ tầm, chứ không chỉ riêng điện ảnh. Theo tôi nghĩ, tất cả các lĩnh vực nói chung thì bao giờ trong một đất nước cũng phát triển một cách rất đồng bộ.
Viet Anh - Nam 31 tuổi - Nhat Ban: - Anh Dũng ơi, cậu bé Duy nhà anh trong các tiểu phẩm thư giãn của VTV3 bây giờ chắc lớn lắm nhỉ, cu cậu có theo nghiệp của bố không ạ? NSƯT Hoàng Dũng: - Xin chào Việt Anh. Rất cảm ơn bạn vì sự quan tâm của bạn. Cháu Duy của tôi năm nay đã 18 tuổi, cháu chuẩn bị thi tốt nghiệp PTTH và cao hơn bố rồi. Chỉ có điều nghề mà cháu đam mê laị không phải là nghề của bố. Cảm ơn bạn.
Thanh Tùng - Nam 25 tuổi - Hoàn Kiếm, Hà Nội - Thưa đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, phim "Ký ức Điện Biên" kể về mối tình của một chàng trai Pháp và một cô gái Việt Nam. Dựa vào đâu mà đạo diễn lại chọn cách thể hiện tình yêu như vậy? Trong khi trong chiến tranh có rất nhiều mối tình đẹp và đáng ca ngợi giữa những chàng trai và cô gái Việt Nam? Đạo diễn có nhắm tới thị trường nước ngoài khi thực hiện bộ phim này? Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn: - Bộ phim này sử dụng chất liệu của một truyện ngắn viết từ thời chống Pháp. Khi viết lại kịch bản, tôi và nhà biên kịch Hồng Ngát đã chuyển hướng khai thác tâm thế bối rối của người lính vệ quốc đoàn khi lần đầu tiếp xúc với sự hấp dẫn và tử tế của một người nước ngoài vốn đứng trong hàng ngũ kẻ thù. Đó là những vấn nạn đầu tiên của chung sống hòa bình.
Nhằm thẳng kẻ thù mà bắn thì rất dễ, nhưng làm thế nào để đối xử công bằng với sự tử tế của người hàng binh mà không bị anh ta ''cuỗm'' mất người yêu. Đó là cuộc chiến đấu giữ người song song với cuộc chiến đấu giữ đất. Có nhiều mối tình đẹp nhưng chúng tôi chọn mối tình này không phải để nhằm tới thị trường nước ngoài mà vì đó là mối tình mang tính khái quát, mang tính ẩn dụ cao và tới bây giờ vẫn còn tính thời sự.
le na - Nữ 19 tuổi - Hà Nội - Chào chị Vi Cầm! Em rất thích cái tên của chị, ai đã đặt tên cho chị thế ạ? Chị hay đóng những vai rất hiền và nữ tính, ở ngoài đời chị là người thế nào? có giống những vai diễn chị đã thể hiện không? Em rất mong chị se email cho em, vì thật sự em rất yêu chị trong những vai diễn. Hy vọng em se được thử nói chuyện cùng chị Na trong "Hoa cỏ may". email của em la hoang_le_na_2412@yahoo.com. em se doi thư của chị.... Diễn viên Vi Cầm: - Chào em, nếu có thời gian, hy vọng chị em mình có thể trò chuyện qua email và chị nghĩ lúc đó em sẽ biết ngoài đời chị có giống như những vai diễn đã thể hiện trên phim không...
bich0201 - Nữ 25 tuổi - Hanoi - Vi Cầm ơi, ngôi nhà trong phim "Chuyện phố phường" được quay ở đâu vậy, có phải nhà ở HN không? Bạn có buồn khi phim chỉ được giải khuyến khích không? Diễn viên Vi Cầm: - Chào chị, ngôi nhà trong phim "Chuyện phố phường" được quay ở 47 Trần Phú, Hà Nội. Phim "Chuyện phố phường" được giải Khuyến khích, bản thân em là một diễn viên trong phim, tất nhiên là... hơi buồn một chút vì đó là sự cố gắng không chỉ của riêng em mà còn của cả đoàn làm phim.
phạm Lê Minh định - Nam 22 tuổi - TPHCM - Chú nghĩ sau về câu nói sau, lời đạo diễn Phi Tiến Sơn đã nói ngay sau khi lễ trao giải kết thúc: "Lê Hoàng làm Nữ tướng cướp rất chán, chán hơn những bộ phim trước rất nhiều". Đạo diễn Lê Hoàng: - Đúng! Rất đúng! Đáng ra tôi phải làm "Nam tướng cướp".
Nguyễn thị hồng phương - Nữ 22 tuổi - hà nội - Thưa chú Hoàng Dũng: Cháu tin chắc cảm giác của chú lúc này là rất hạnh phúc. Nhưng, chú có thể kể về bộ phim đầu tiên trong sự nghiệp diễn viên của chú không ạ? Và đôi nét về cuộc sống hiện tại của chú nữa? Nếu được thì cả ...về mối tình đầu tiên? Cháu cảm ơn và mong chú ngày càng thành công hơn trên con đường nghệ thuật!
NSƯT Hoàng Dũng: - Xin chào Phương. Trước hết chú xin cảm ơn sự quan tâm của cháu. Quả thật, lúc này chú đang cảm thấy rất vui và hạnh phúc như cháu nói. Vai diễn đầu tiên của chú trong một bộ phim truyền hình là từ năm 1984, đó là vai bộ đội trong phim Bản anh hùng ca số 5 của ĐD Nguyễn Khải Hưng. Hiện tại chú đang là Phó GĐ Phụ trách Nghệ thuật của Nhà hát Kịch Hà Nội. Chú có hai cậu con trai, đứa lớn là Duy ngày xưa hay đóng Thư giãn chắc là cháu cũng biết và cậu thứ hai năm nay mới 6 tuổi, tên là Dương. Cả hai thằng đều rất giống mẹ.
Còn mối tình đầu tiên, thú thật chú cũng chả biết mối tình đầu là như thế nào, lúc nào thì được coi đó là một mối tình, vì quan niệm mỗi người một khác. Theo cháu thì khi còn đang học lớp 6, lớp 7 rất thân, rất có cảm tình và cũng rất nhớ một cô bạn gái cùng lớp, có thể gọi đó là một mối tình không? Nếu coi đó là một mối tình đầu thì mối tình đầu của chú có từ khi 14 tuổi. Và đúng như vừa rồi chú nói, với một cô bạn gái cùng lớp. Cảm ơn về lời chúc của Hồng Phương. Chú cũng chúc cháu thật hạnh phúc, thật thành đạt.
Hoàng Thủy Chung - Nữ 22 tuổi - Hà Nội: - Tôi có cảm nhận anh ngoài đời là một con người vô cùng sắc sảo, thâm thuý, khiến cho người đối diện khi đối thoại với anh phải hết sức thận trọng, vừa sợ lại vừa nể anh. Anh có một góc nhìn về những vấn đề nổi cộm trong xã hội rất độc đáo và có phong cách, cá tính riêng. Anh có biết đó là một phẩm chất rất cần ở một nhà báo không? Đã bao giờ anh nghĩ đến việc rời khỏi những bộ phim để hòa mình vào dòng chảy của cuộc sống với tư cách là một nhà báo thực thụ chưa? Biết đâu anh sẽ thành công? Đạo diễn Lê Hoàng: - Không. Tôi cứ tưởng phẩm chất quan trọng của nhà báo là phải hồn nhiên chứ? Tôi không có ý định bỏ phim sang báo vì nếu nghĩ cho kỹ thì phim cũng là một dạng báo (tuy nhiều khi dở) mà thôi!
Trần Thành - Nam 30 tuổi - 92 đuờng S9 Phuờng Tây Thạnh Quận Tân Phú .TP HCM: - Mình rất thích xem bộ phim "Chuyện phố phuờng" do bạn đóng vai "cô gái mù" tên Hà. Và mình đuợc biết bạn đang học năm thứ 4 nhạc viện Hà Nội, mười mấy năm gắn liền với cây đàn violon. Vậy bạn cho mình hỏi, cảnh Hà đánh piano cho Nam nghe là bạn đánh thật sự hay âm thanh ở ngoài? Chúc bạn hạnh phúc và thành công. Diễn viên Vi Cầm: Chào anh, em rất vui vì bộ phim "Chuyện phố phường" đã được anh yêu mến. Tuy học khoa Violin trong Nhạc viện HN nhưng em cũng biết chơi piano một chút. Trong "Chuyện phố phường", có những cảnh em tự chơi piano nhưng (nói nhỏ với anh nhé), cũng có những cảnh... CD đàn hộ
Ngọc Anh - Nam 30 tuổi - Hà nội - Thưa anh Lê Hoàng, anh có cho rằng thành công lớn nhất một bộ phim là kéo được nhiều người đến rạp không? Anh nghĩ gì về những bộ phim đầu tư nhiều tỷ nhưng lại không được khán giả chú ý? Nguyên do tại sao? Đạo diễn Lê Hoàng: - Trước mắt thì đúng là như thế. Theo tôi, những bộ phim đầu tư tiền tỷ mà không được khán giả chú ý là bởi vì những người làm phim chú ý quá nhiều đến những tỷ đồng đó mà thôi.
Hải Linh - Nữ 23 tuổi - Hà Nội - Chào đạo diễn Lê Hoàng. Tôi có nhã ý là muốn nhờ đạo diễn đọc và góp ý cho một kịch bản của tôi, không biết anh có sẵn lòng không? Đạo diễn Lê Hoàng: - Nếu là một cô gái xinh đẹp thì tôi luôn sẵn lòng!
Nguyen Truong Giang - Nam 29 tuổi - Thanh Tri Ha Noi - Cháu rất thích đọc những cuộc trò truyện và những cuộc phỏng vấn giữa những nhân vật mà đạo diễn tự "đạo diễn" trên báo Thể thao văn hoá. Cháu rất mong ông "đạo diễn" một cuộc trò chuyện giữa đạo diễn Lê Hoàng và nhà báo Lê Thị Liên Hoan. Đạo diễn Lê Hoàng: - Lê Hoàng và Lê Thị Liên Hoan bao giờ cũng sẵn sàng trò chuyện với nhau. Chỉ có điều hai bên không tìm được những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm!
Đức Minh - Nam 22 tuổi - Hà Nội - Em là một người rất mê các kỹ xảo trong phim. Vậy, thưa đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, trong quá trình thực hiện kỹ xảo cho phim "Ký ức Điện Biên", "pha" nào đạo diễn cho là "đỉnh" và khó thực hiện nhất? Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn: - Bạn mê kỹ xảo trong phim nhưng bạn có định trở thành người làm kỹ xảo cho điện ảnh hay không? Một mảnh đất mới màu mỡ lắm đấy! Nếu có nhiều người giỏi quan tâm, gieo trồng những hạt giống nghệ thuật trên đó thì chắc chắn sẽ gặt hái rất nhiều thành quả có tính nhân loại và có sức sống trong tương lai.
Tôi đang ấp ủ rất nhiều phim kỹ xảo, giả tưởng. Mong bạn sớm trở thành người đồng nghiệp cộng tác với tôi trong những phim này. Tiết lộ thêm với bạn, những người giỏi ''kỹ xảo'', phụ nữ họ mê lắm đấy!
Trong phim ''Ký ức Điện Biên'', phần kỹ xảo tôi tâm đắc nhất là cảnh trong lễ cầu hồn cho các lính Pháp tử trận trên đồi A1, những người lính chết biến thành chim bay đi. Cảnh này thực hiện rất phức tạp phải làm đi làm lại rất nhiều lần. Ngoài ra, cảnh hàng đàn máy bay ném bom làm tung xác ôtô cũng là một cảnh mà chúng tôi phải thực hiện công phu. Trong phim có cảnh cưa chân, không dùng kỹ xảo nhưng nhiều người xem phim lại tưởng là cảnh kỹ xảo. Đó là do chúng tôi đã dùng ''thủ thuật'' để một chiếc... chân giò lợn ở trong ống quần!Điễn viên thủ vai người bị cưa chân cho phép cưa... thoải mái!
Nguyễn Chiến - Nam 32 tuổi - Thụy Sĩ - Chào anh Dũng ! Ko phải qua giải lần này em mới thấy hết được "tầm" của anh. Theo em thấy ở Việt Nam bây giờ, số diễn viên có tài năng thực thụ mà tham gia những vở diễn hay, những bộ phim có giá trị như anh Dũng không nhiều, và gần như là chẳng có nữa. Theo ý anh nên đào tạo lớp trẻ thế nào để họ có thể trở thành một Hoàng Dũng thứ hai? NSƯT Hoàng Dũng: - Trước hết xin cảm ơn Chiến đã dành tình cảm cho những vai diễn của tôi trong nghệ thuật. Nhưng tôi lại nghĩ rằng ở VN mình những diễn viên giỏi không thiếu, ngay cả trong lớp diễn viên trẻ. Nhưng chỉ có điều, điều kiện để họ được tham gia một bộ phim thuận lợi hơn rất nhiều so với chúng tôi ngày trước bởi phim bây giờ rất nhiều. Và cũng chính vì điều kiện thuận lợi đó mà các bạn trẻ đã sớm hài lòng với mình và đôi khi ngộ nhận rằng mình đã rất thành công.
Nghề nghiệp thì có thể đào tạo được tình yêu, sự đam mê đối với nghề thì không thể đào tạo được. Dũng vẫn thường nói với các bạn diễn viên trẻ: "Bất cứ công việc gì mà mình không yêu nó, không đổ mồ hôi cho nó thì mình cũng sẽ không nhận được bất cứ thứ gì. Xin cảm ơn Chiến đã từ Thuỵ Sỹ rất xa xôi mà bạn cũng rất quan tâm tới công việc của chúng tôi.
Vân Nguyên - Nữ 24 tuổi - HN - Nếu chị được chọn đóng một vai phản diện có guơng mặt hiền lành (một kẻ siêu giả tạo, chị sẽ diễn xuất vai diễn hai mặt đó như thế nào? Ý kiến riêng của chị? Diễn viên Vi Cầm: - Chào chị, có lẽ em sẽ nghiên cứu cách thể hiện nhân vật đó nếu như em được mời vào một vai phản diện cho dù em thích diễn những vai chính diện hơn.
Bich0201 - Nữ 25 tuổi - Hanoi - Cháu chào chú Hoàng Dũng. Lâu rồi cháu không thấy chú đóng phim truyền hình, nhưng hình như giọng nói của chú hay được lồng tiếng đúng không ạ? Cháu rất yêu giọng nói của chú, làm thế nào để chú có giọng nói hay đến thế ạ? Chú có phải rèn luyện nhiều lắm không? Cháu chúc chú và gia đình mạnh khỏe NSƯT Hoàng Dũng: - Chào Bích. Đúng là gần đây chú cũng ít tham gia đóng phim truyền hình và cũng ít cả tham gia lồng tiếng cho phim. Cảm ơn Bích vì sự yêu quý của Bích đối với giọng của chú trong phim.
Gần đây chú nhận thấy giọng mình không còn được tốt như trước, chính vì vậy chú cũng ít tham gia lồng tiếng. Còn trước đây có thể nói rất ít phim không có giọng chú. Chú xuất thân từ một diễn viên kịch nói cho nên điều phải phấn đấu trong nghề là không chỉ nói đúng mà còn phải nói hay. Sự rèn luyện phải thực sự nghiêm túc và miệt mài. Chú cũng chúc Bích thật hạnh phúc, thật thành đạt.
Hải Linh - Nữ - Hà Nội - Thưa đạo diễn Lê Hoàng. Tôi là Hải Linh, người vừa được đạo diễn trả lời nếu tôi là một cô gái xinh đẹp thì đạo diễn sẽ rất sẵn lòng góp ý kịch bản cho tôi. Vậy "xinh đẹp" theo tiêu chuẩn của đạo diễn Lê Hoàng là như thế nào? Giả sử, nếu "không may" tôi lại không xinh đẹp thì đạo diễn vẫn sẵn lòng góp ý kịch bản cho tôi chứ?
Đạo diễn Lê Hoàng: - Đơn giản thôi, theo tôi xinh đẹp là thông minh (điều mà tôi có cảm giác là bạn rất nhiều). Bạn hãy gửi kịch bản về cho tôi tới Hãng phim Giải phóng, 212 Lý Chính Thắng, Q3, TP.HCM. Cám ơn!
Tâm Tâm - Nữ 30 tuổi - Sydney, Úc - Thưa đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, ông được giải ĐD xuất sắc nhất, nhưng phim lại chỉ được khuyến khích, ông có thấy "hợp lý" không? Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn: - Cám ơn bạn đã gãi đúng chỗ ''ngứa''. Anh em nghệ sĩ chúng tôi cũng buồn và thấy vô lý về kết quả này. Các giải hàng năm của các Hội nghề nghiệp đang có hội chứng chỉ có giải nhì. Điều đó không hợp lý vì năm nào cũng phải có đỉnh của năm đấy, cũng như trong các cuộc thi Olympic đều có giải Vàng dù không phá kỷ lục của giải kỳ trước.
Tuy nhiên, việc đánh tụt cấp của các giải phim truyện nhựa lần này có nhiều nguyên nhân tế nhị hơn. Trong đợt Bộ quốc phòng trao giải cho các tác phẩm viết về lực lượng vũ trang tháng 2 vừa qua, phim ''Ký ức Điện Biên'' được BGK chấm giải Bạc nhưng đến khi trao giải đã bị đánh tụt xuống giải Khuyến khích. Phim tài liệu ''Cột mốc vàng Điện Biên'' được BGK chấm giải Vàng, khi trao giải cũng bị tụt xuống giải Bạc. Có thể ngẫu nhiên hai phim về Điện Biên bị tụt giải nhưng sự đánh tụt này cũng tạo ra một cái trần nào đó cho các giải sau.
Hội điện ảnh VN khi dũng cảm trao giải cho những phim đã bị LHP quốc gia gạt ra cũng phải có mức độ chứ, vỗ mặt làm sao được????!!!
Nguyễn Minh Song - Nam 23 tuổi - Hà Nội - Xin hỏi diễn viên Vi Cầm, tôi mới được biết chị đang là sinh viên thanh nhạc, vậy tại sao chỉ lại tham gia đóng phim và sẵn sàng chấp nhận nghỉ học tạm thời để theo đuổi các vai diễn của mình? Kỷ niệm đáng nhớ nhất của chị khi đóng vai Hà trong Chuyện phố phường là gì? Diễn viên Vi Cầm: - Chào anh, trước hết em xin đính chính là em là sinh viên Khoa Violin chứ không phải Thanh nhạc. Em rất yêu thích vai Hà trong "Chuyện phố phường" bởi vì Hà không chỉ có những đức tính tốt mà còn rất yêu âm nhạc.
Em cảm thấy có một sự đồng cảm nào đó với nhân vật Hà nên đã quyết định gác lại việc học hành một thời gian để có thể sống với nhân vật. Em có quá nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong thời gian làm phim "Chuyện phố phường" đến nỗi không biết đâu là kỷ niệm đáng nhớ nhất. Nếu có thời gian, em hy vọng sẽ có thể chia sẻ với anh.
Đặng Ngọc Đăng Khoa - Nam 19 tuổi - Q.PN TPHCM - Kính thưa đạo diễn Lê Hoàng, trong cách làm phim hiện nay, đạo diễn thường tìm những diễn viên tạm gọi là "chưa biết diễn" để tạo nét thực cho phim của mình, cháu xem đó là một cách làm phim rất hay và tạo điều kiện cho nhiều bạn trẻ thực sự có năng khiếu và đam mê điện ảnh thực hiện được ước mơ của mình. Thưa đạo diễn, chú có chú ý tìm những gương mặt mới cho những bộ phim của mình không? Và hiện nay, khi có cuộc casting cho một bộ phim mới, thông tin casting vẫn không được thông báo rộng rãi, như vậy thì, nếu muốn tham gia đóng phim, thì các bạn trẻ sẽ lấy thông tin của các cuộc casting đó bằng cách nào ạ? Đạo diễn Lê Hoàng: - Tôi không những tìm khuôn mặt mới mà còn đang tìm cả tay, mắt cá chân, ngón chân và tim gan mới. Cháu có thể đọc các báo điện ảnh để theo dõi những vụ thử diễn viên này. Chúc cháu thành công!
Thủy Ngân - Nữ - Hà Nội - Xin chào anh Lê Hoàng, lâu quá rồi không đuợc gặp anh trên một chuyên mục trên Vietnamnet mà tôi rất ưa thích là Vực thẳm chưa khám phá. Tới đây anh có định "tái xuất giang hồ" nữa không ạ? Đạo diễn Lê Hoàng: - Thú thực là không vì tôi nghĩ các vực thẳm hiện nay đều đã được lấp đầy!!!
Hoàng Văn Phong - Nam 25 tuổi - Hạ Long, QuangNinh: - Trong "Chuyện phố phường", những lúc bạn chơi đàn, hình như âm thanh và tay của bạn nhiều khi không khớp nhau lắm, Vi Cầm thấy thế nào? Diễn viên Vi Cầm: - Cảm ơn câu hỏi rất thú vị của anh. Do hầu hết các phim hiện nay đều không thu hình và tiếng đồng bộ nên âm thanh, tiếng động chỉ được làm sau khi hoàn thành tất cả các cảnh quay. Bởi vậy đôi khi có nhiều cảnh hình và tiếng không được khớp cho lắm.
Thùy Trang - Nữ 25 tuổi - Hải Phòng: - Xin chia vui với anh Hoàng Dũng về HCV Hội diễn sân khấu và giải Cánh diều vàng cho nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Xin hỏi anh, Cánh diều vàng thì chỉ có 1, nhưng Huy chương vàng tại Hội diễn sân khấu lại có rất nhiều, theo anh điều đó có làm giảm giá trị của giải thưởng đi không? Và liệu giải thưởng của Hội diễn sân khấu có nên "bắt chước" Cánh diều vàng, chỉ có duy nhất 1 huy chương vàng để thật sự là "nhất" không? NSƯT Hoàng Dũng: - Xin chào Thuỳ Trang. Rất cảm ơn về sự quan tâm của bạn. Câu hỏi của Thuỳ Trang cũng chính là điều tôi và một số nghệ sỹ kịch nói bức xúc. Bởi vì để hoàn thành tốt một vai diễn trong kịch hoặc trong phim, người nghệ sỹ đều phải lao động rất nghiêm túc, rất say mê. Và tôi nghĩ có lẽ sân khấu cũng nên học tập cách trao giải của điện ảnh.
Ở sân khấu Hội diễn năm 1999 cũng đã trao HCV không tràn lan như mấy hội diễn trước và trong hội diễn đó tôi cũng được một HCV nhưng cũng vẫn là 1 trong 7 huy chương của Hội diễn sân khấu kịch. Đến hội diễn 2004 tại Hải Phòng thì bạn cũng biết rồi đấy: "mưa vàng"! Thậm chí có những vai diễn theo cá nhân tôi không xứng đáng có giải thưởng, thậm chí diễn còn lỗi vẫn được trao HCV và điều đó chắc chắn nó sẽ làm giảm giá trị của phần thưởng. Xin cảm ơn Thuỳ Trang.
Tran Khuu - Nam 30 tuổi - Ha Noi: - Sau khi bộ phim "Nữ tướng cuớp" được trình chiếu dư luận có một số ý kiến về tính không thực tế của bộ phim. Anh có nghe và suy nghĩ gì về đều đó không? Đạo diễn Lê Hoàng: - Đúng là "Nữ tướng cướp" không thực tế. Trong thực tế khi nghèo đói người ta rất ít đi ăn cướp. Phần lớn người ta ngồi im!
Nguyen Tho Nhan - Nu 30 tuổi - B7 Thanh Cong Ha Noi - Nhìn anh Đỗ Minh Tuấn rất "ngầu", sao khi phát biểu nhận giải, anh lại run thế ạ?
Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn: - Cảm ơn bạn đã chia sẻ. Quả thật trước khi lên nhận giải tôi đã chuẩn bị một số ý kiến khá gây sốc. Chẳng hạn tôi định kể rằng trước khi bấm máy phim chúng tôi đã lên Điện Biên Phủ thắp hương cho các liệt sĩ mong họ phù hộ cho bộ phim và cho đất nước.
Vì thế tôi muốn được cám ơn Hội điện ảnh đã tạo điều kiện cho họ được thể hiện sự linh thiêng khi tỏ thiện chí nhìn nhận công bằng một bộ phim làm về họ. Nếu BGK chẳng quan tâm đến họ mà chỉ nghĩ đến ''chân ngắn chân dài'' như đã từng thấy thì các liệt sĩ có thiêng đến mấy cũng chẳng làm gì được.
Nhưng khi đứng trước micro nói lời cám ơn những người đã làm nên chiến thắng Điện Biên, trong người tôi lúc đó xuất hiện một xúc cảm đột ngột khó kiểm soát dường như có một luồn điện cực mạnh biên tập lại toàn bộ những ý nghĩ, mách bảo tôi một đạo lý ứng xử rất sâu xa. Tự nhiên tôi cảm thấy không cần thiết nói ra những ý đó trong khoảnh khắc ấy nữa. Đó là lý do vì sao tôi bối rối....
Nam Trung - Nam 26 tuổi - TP Hồ Chí Minh - Thưa đạo diễn Lê Hoàng! Tôi có theo dõi cuộc phỏng vấn và nhận thấy rằng câu trả lời của đạo diễn Lê Hoàng thường là ngắn nhất trong số 4 người được phỏng vấn. Tại sao vậy? Vì thói quen không thích nói nhiều hay còn vì một lý do nào khác? Đạo diễn Lê Hoàng: - Tôi thích nói ngắn về những vấn đề dài chứ không thích nói dài về những vấn đề ngắn!
Hạnh Ly - Nam 25 tuổi - Thái Thịnh, Hà Nội: - Chào Vi Cầm. ĐD Phạm Thanh Phong rất khen vai Hà của bạn. Bạn đến với vai này như thế nào và có gặp khó khăn gì trong vai diễn này không? Diễn viên Vi Cầm: - Mặc dù mình vẫn gặp đạo diễn Phạm Thanh Phong nhưng chưa bao giờ được nghe chú ấy khen cả. Không biết bạn nghe thấy khi nào, có thể bật mí cho mình biết được không
Vai Hà là một vai diễn khó, mình đã phải rất cố gắng để đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của đạo diễn Danh Dũng. Anh ấy đòi hỏi mình phải diễn sao cho khán giả tin là nhân vật Hà bị thong manh nhưng vẫn phải thể hiện được mọi cảm xúc trong đôi mắt âý.
Huynh Thoi Vuong - Nam 33 tuổi - Tay Ninh: - Thưa đạo diễn Lê Hoàng. Trong các phim mà anh đạo diễn, có nhân vật nam nào mang ảnh hưởng ít nhiều bởi tính cách thật ngoài đời của anh không? Đạo diễn Lê Hoàng: - Không. Vì phim của tôi chưa có nhân vật nam nào làm nghề giết thịt!!!
Dàm Giang Nam - Nam 27 tuổi - Cầu Giấy , HN - Thưa thầy Hoàng Dũng! Em đã từng có thời gian được thầy dậy diễn xuất tại lớp diễn viên truyền hình. Lời đầu tiên em xin chúc mừng thầy đã giành giải nam diễn viên xuất sắc nhất. Em chỉ muốn hỏi thầy một câu: Để tham gia vai diễn trong "Tiếng Công Định Mệnh" thầy đã có sự chuẩn bị xây dựng hình ảnh vai diễn như thế nào? Thầy có gặp khó khăn gì không?
NSƯT Hoàng Dũng: - Chào Nam. Cảm ơn em đã có lời chúc mừng. Vai tướng Tuấn trong phim Tiếng cồng định mệnh mô phỏng tướng Phạm Văn Phú. Chính vì vậy, thầy đã xem rất nhiều tư liệu về tướng Phú, tư liệu về chiến dịch giải phóng Ban Mê Thuật và có một điều rất thú vị và cũng rất may mắn là năm 1987, trong một đợt lưu diễn tại TP HCM, thầy đã có dịp cùng một người bạn đến chơi nhà tướng Phú.
Qua tiếp xúc với những người thân trong gia đình của tướng Phú, qua cách sinh hoạt của gia đình đã giúp thầy rất nhiều trong việc xây dựng nhân vật một viên tướng chế độ cũ. Khó khăn trong khi tham gia bộ phim là cùng một lúc thầy phải tham gia dàn dựng một vở kịch của Nhà hát và tham dự Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Chào Nam, hẹn gặp lại.
Thủy Linh - Nữ 19 tuổi - Hà Nội: - Chú và đạo diễn Lê Hoàng, một người được giải đạo diễn xuất sắc nhất, một người đoạt giải Biên kịch xuất sắc nhất. Vậy chú có ý định hợp tác với ĐD Lê Hoàng trong một bộ phim nào đó sắp tới không? Tất nhiên là kịch bản do chú Lê Hoàng viết và người đạo diễn là chú. Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn: - Cảm ơn thiện chí của cháu. Chú rất khâm phục đạo diễn Lê Hoàng và học tập được nhiều ở cách làm phim của chú ấy. Chú Hoàng có tài cả về biên kịch và đạo diễn. Từ chục năm trước đây, chú Hoàng có đưa cho chú một kịch bản có tên ''Mảnh thời gian rực cháy'' để chú làm, nhưng kịch bản gai góc quá chưa duyệt được.
Nếu sau này được duyệt mà chú Hoàng vẫn tin tưởng giao kịch bản này cho chú thì tất nhiên chú sẵn sàng thực hiện. Mặt khác chú cũng mong có dịp chú viết kịch bản nhờ chú Lê Hoàng thực hiện. Chắc chắn đó sẽ là một phim rất thú vị.
Nguyễn Việt Hà - Nữ 23 tuổi - Điện Biên: - Chào Vi Cầm, bạn theo học hai trường lại vừa tham gia đóng phim, chắc vất vả lắm, bạn có thể cho chúng tôi biết động lưc nào đã giúp bạn thành công vây? Diễn viên Vi Cầm: - Động lực duy nhất của mình chính là muốn mang lại niềm vui cho mẹ.
Phạm Đình Hiệp - Nam 27 tuổi - Hà Nội: - Chào anh Hoàng Dũng, tôi đã xem khá nhiều bộ phim anh đóng nhưng nhìn chung phim nào cũng thấy anh có vẻ "hơi nghiêm", vậy ở ngoài đời anh có nghiêm khắc lắm không? NSƯT Hoàng Dũng: Chào Hiệp. Trước hết là xin cảm ơn bạn đã xem những bộ phim tôi đóng. Vai nào cũng "hơi nghiêm" hả Hiệp? Nếu có điều kiện bạn cứ liên lạc với tôi theo địa chỉ 42 Tràng Tiền, Nhà hát Kịch HN, bạn sẽ biết ngay ở ngoài đời có nghiêm không. Thế nhé, chào Hiệp.
Phu Cuong - Nam 57 tuổi - Ha Noi - Chào anh Hoàng Dũng. Tôi còn nhớ được xem vở "Con Yêu" mà anh đạo diễn. Tôi cảm thấy rất thú vị khi phát hiện ra môt Hoàng Dũng - ĐẠO DIỄN cũng hay như HOÀNG DŨNG diễn viên. Hôm ấy lại thấy một em bé chập chững cầm bó hoa tặng đạo diễn (sau tôi được biết là con trai anh). Anh có thể bật mí về "hậu phương" của anh được không? NSƯT Hoàng Dũng: - Xin chào anh Phú Cương. Trước hết xin cảm ơn lời khen của anh. Quả thật, đạo diễn là một công việc mới của tôi và cháu bé đó là ông con trai thứ hai của tôi. Tôi có hai cháu trai, cháu lớn năm nay 18 tuổi, và cu cậu kia 6 tuổi. "Hậu phương" của tôi trước đây là một giáo viên, hiện nay đang kinh doanh và đang đúng là "hậu phương" của tôi. Chào anh, hẹn gặp lại.
Hà Trung Hiếu - Nam 26 tuổi - Nhật Bản: - Chào Vi Cầm. Tôi đã được xem Cầm diễn trong phim HOA CỎ MAY, thật sự vai diễn không để lại cho tôi ấn tượng mấy ngoaì vẻ đẹp tiểu thư đến mong manh của Cầm. Nhưng với vai Hà trong CHUYỆN PHỐ PHƯỜNG em đã để lại ấn tượng thật sâu sắc trong tôi. Cầm là dân ngoaị đaọ, không được học chuyên môn về điện ảnh mà sao hóa thân vào cô gái mù hay đến thế. Liệu có phải đó là năng khiếu? Em có định gắn bó với điện ảnh lâu dài không? Định hướng nghề nghiệp tương lai của em sẽ theo nhạc hay điện ảnh? Chúc Cầm có thêm nhiều vai diễn hay. Diễn viên Vi Cầm: - Cảm ơn lời khen của anh. Em sẽ tiếp tục đóng phim nếu có vai diễn phù hợp. Nhưng em là một người cầu toàn, muốn làm một người của gia đình hơn là của công việc nên rất có thể trong tương lai em sẽ chọn một công việc văn phòng ổn định để có nhiều thời gian dành cho gia đình.
Nguyen Tho Nhan - Nữ 30 tuổi - B7 Thanh Cong - Ha Noi: - Duoc biet anh co mot nguoi ban ten la Pham Viet Dao, ban anh viet phe binh phim rat hay. Vay ban anh noi gi ve phim cua anh? Nha nuoc dang co chu truong Co phan hoa cac Hang phim, hang Fim cua anh neu trien khai CPH nam 2005 nay thi anh thay sao? Luc do anh co lam Fim nua khong? Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn: - Anh Phạm Viết Đào có viết một bài rất sâu phân tích giải mã những ẩn dụ nghệ thuật trong phim ''Ký ức Điện Biên''' với nhiều phát hiện bất ngờ, đã đăng trên báo Văn Nghệ. Nhưng khi nói chuyện ở ngoài thì anh đòi hỏi thêm ở tôi rất nhiều điều.
Về việc cổ phần hóa ngành điện ảnh, đó là một tiến trình tất yếu, chúng ta thực hiện quá chậm trễ. Tuy nhiên, để cổ phần hóa có hiệu quả cần phải có luật điện ảnh, cho phép huy động vốn từ mọi nguồn kể cả nước ngoài.
Nếu không có vốn của nước ngoài điện ảnh khó phát triển. Mặt khác cần phải cổ phần hòa toàn diện cả các hãng phim các công ty phát hành và các rạp chiếu bóng. Hiện nay người ta chỉ thúc đẩy cổ phần hóa các hãng phim mà chưa có một động thái nào để cổ phần hóa các công ty phát hành và các rạp chiếu phim đa phần là của nhà nước.
Như vậy thì không thể nào cổ phần hóa được vì không ai dại gì góp vốn cho hãng phim nhà nước để rồi bị các rạp nhà nước xếp xó. Nếu cổ phần hóa toàn diện các nhà đầu tư có thể vừa mua cổ phiếu của các rạp, vừa mua cổ phiếu của các hãng phim và bằng cách đó họ làm chủ được các sản phẩm do họ đầu tư không cần phải đi đêm, chạy chọt các chủ rạp của nhà nước như hiện nay.
Mai Lan - Nữ 25 tuổi - TT Đại Học văn hóa HN: - Chào anh Hoàng Dũng! em thấy anh và chị Hoàng Cúc hay diễn rất hay, thế mà đã từ lâu em không thấy 2 nguời cũng diễn nữa thế là sao hả anh? NSƯT Hoàng Dũng: - Chào Mai Lan. Cảm ơn về sự động viên của bạn. Quả thật là trước đây tôi và chị Hoàng Cúc diễn với nhau rất nhiều. Nhưng gần đây, bởi vì cả hai cùng phụ trách về nghệ thuật của Nhà hát, thú thật cũng bận, ít có điều kiện tham gia vở diễn.
Và bạn cũng biết khi mà tuổi đời tăng lên thì số lượng vai diễn sẽ giảm đi. Các cụ vẫn nói "Thầy già con hát trẻ". Tất nhiên, nếu có điều kiện chúng tôi sẽ lại cùng nhau tham gia trong một vở diễn hoặc trong một bộ phim.
Hanoi - Nam 40 tuổi - HN: - Chào Vi Cầm, CHUYỆN PHỐ PHƯỜNG đã xua tan cảm giác "sợ" phim Việt Nam trong tôi - tôi rất buồn khi CPP đã không được trao giải "xứng đáng" hơn là Giải khuyến khích - Tôi thực sự đánh giá rất cao ĐD Phạm Thanh Phong, "Hà", chú "Vân"... và cả tiếng hát rất "mê hoặc" của Mai Hoa trong một bài hát "rất đẹp" trong phim. Dù bộ phim có những tình tiết hơi kịch nhưng đối với tôi Chuyện Phố Phường vẫn là tác phẩm suất xắc nhất trong các bộ phim được giới thiệu trong Lễ trao giải vừa qua. Vi Cầm có tiếc vì phim không được giải cao hơn không? Diễn viên Vi Cầm: - Cháu xin được thay mặt cả đoàn làm phim cám ơn tình cảm của chú. Cháu cũng rất buồn khi "Chuyện phố phường" chỉ được giải khuyến khích nhưng nhận được lời khen ngợi trên của chú, cháu cảm thấy được động viên rất nhiều. Giải thưởng cũng quan trọng nhưng những lời khen của khán giả mới là điều quan trọng nhất.
Nguyễn Văn Tuấn - Nam 22 tuổi - TP.HCM: - Hiện nay mình biết Vi Cầm đang học Nhạc viện Hà Nội, rồi học trường quản lý kinh doanh - như vậy sau này bạn có tiếp tục theo đuổi con đường nghệ thuật nữa hay không?
Diễn viên Vi Cầm: - Hiện tại mình vẫn muốn dành nhiều thời gian cho nghệ thuật nhưng sau này mình muốn có một công việc ổn định. Đó chính là lý do mình theo học trường Quản lý kinh doanh. Tuy nhiên, mình sẽ vẫn tiếp tục lao động nghệ thuật nếu như có thể sắp xếp được công việc.
Nguyen Quang - Nam 30 tuổi - Da Nang: - Thưa đạo diễn, xem phim nước ngoài tôi thấy khuôn hình rất chật, Mỹ hay Trung Quốc, Hàn Quốc đều thế. Trong khi đó khuôn hình phim VN mình thì rộng, quá rộng là đằng khác.. Các anh có thấy là khuôn hình mình rộng quá không? Xin hiểu là trong cùng một cỡ cảnh, nhất là các cỡ cảnh đối thoại cận mặt... Tôi nghĩ, khi khuôn hình rộng thì tay chân đâm thừa và dễ bôc lộ lúng túng. Diễn viên còn phải lo tay để đâu, chân để đâu và tóc ra sao nữa...Tại sao chỉ với cỡ cảnh thôi mà đã khó hòa nhập đến vậy? Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn: - Câu hỏi của bạn rất thú vị và muốn trả lời cặn kẽ thì phải viết cả một cuốn sách. Khi tôi dạy cho lớp đạo diễn của ĐH SK-ĐA tôi đã nói về vấn đề cỡ cảnh mất nhiều buổi.
Cỡ cảnh liên quan đến văn hóa, giọng phim và thể loại phim. Các phim truyền hình thường dùng cỡ cảnh hẹp vì màn ảnh nhỏ không thể nhìn rõ các cảnh rộng. Các phim phương Tây thường dùng nhiều cận cảnh vì văn hóa của họ đi vào phân tích, mổ xẻ chứ không cảm nhận toàn khối sự vật như văn hóa phương Đông.
Khi làm những phim có chất thơ và các phim lịch sử hoành tráng thì các đạo diễn thường dùng cỡ cảnh rộng. Còn việc diễn viên không giấu nổi tay chân trong các cảnh rộng thì là do tài năng đạo diễn và diễn viên có hạn chứ không phải lỗi do cỡ cảnh.
Về kỹ xảo, nếu như chúng ta có đủ tiền thuê nước ngoài thực hiện các ý đồ thì cũng không kém gì họ đâu.
LEO - Nữ 26 tuổi - UK: - Thưa chú Hoàng Dũng, cháu đã biết chú từ khi còn nhỏ xíu, cháu mê những vai diễn của chú đễn nỗi bố mẹ cháu cũng phải mê theo. Có lần, bố mẹ đã phải chở cháu trên chiếc xe đạp cà tàng đến tận nhà chú ở Hàng Đường, để mua cho bằng được chiếc quần bò ở cửa hàng dưới nhà chú. Cháu vẫn còn nhớ như in cảm giác hãnh diện của mình khi diện chiếc quần bò mua ở dưới nhà chú Hoàng Dũng. Đó chỉ đơn thuần là một kỷ niệm rất ngây thơ của một đứa trẻ yêu thích một nghệ sĩ. Điều đáng nói hơn cả là sự yêu thích ấy vẫn còn nguyên vẹn cho một nguời nghệ sĩ kịch nói trong thời buổi có quá nhiều phim thị trường và những loại hình nghệ thuật thị truờng khác. Niềm vui ấy nhân lên gấp đôi khi nhìn thấy con trai chú cũng xuất hiện trên sân khấu. Chú có thể tặng cháu một vài dòng chữ được không ạ? Chúc chú khỏe mạnh và có nhiều hơn nữa những vai diễn đáng nhớ. Cháu cảm ơn chú. NSƯT Hoàng Dũng: - Chào LEO. Cháu làm chú thực sự cảm động. Xin cảm ơn LEO rất rất nhiều. Cháu có biết rằng tình cảm mà cháu dành cho chú nói riêng và cho các nghệ sỹ nói chung đã là một động lực rất mạnh để giúp chú vượt qua những khó khăn, những vất vả trong nghề nghiệp và làm cho chú tin hơn nữa, miệt mài hơn nữa trong công việc mà chú đã chọn.
Chú cảm ơn, chú sẽ hết sức cố gắng để không phụ tình cảm của cháu. Chú chúc LEO ngày càng xinh đẹp, hạnh phúc và thật toại nguyện trong cuộc sống. Nếu cháu có thời gian đi xem kịch hãy liên lạc với chú theo địa chỉ 42 Tràng Tiền, Nhà hát Kịch HN nhé, chú mời cháu.
Đông Huyền - Nam 50 tuổi - TP.HCM: - Anh Lê Hoàng có bao giờ làm thơ không?Xin anh cho nhận xét về câu thơ sau:"Anh cùng em xây những chiếc cầu/Cho hai bờ Nam Bắc nối liền nhau/Để về quê em miền xa ấy/Dù giờ đây hai đứa hai đầu..." Đạo diễn Lê Hoàng: - Tôi vô cùng ngạc nhiên vì đây là bài thơ tôi làm cách đây đã gần 30 năm khi học ở Đại học Xây dựng Hà Nội. Tôi không biết là ai giữ nó mà bây giờ tôi lại nhìn thấy. Và hình như nó trẻ hơn tôi!
quang viet - Nam 25 tuổi - Ha dong - Ha Tay: - Thưa đạo diễn Lê Hoàng, đạo diễn có thể nói đôi chút về bộ phim sắp tới (nghe tên rất hay), và diễn viên chính của phim, được không ạ? Đó có phải là phim của Thiên Ngân không? Đạo diễn Lê Hoàng: - Tôi chỉ có thể nói rằng những nhân vật trong bộ phim sắp tới phải có những phẩm chất như sau: Xinh đẹp; Giàu có; Thích học nhưng không thích cách giáo dục hiện nay.
tranphuonganh - nữ 25 tuổi - hn: - Chú Tuấn ơi, với những thành công của chú hôm nay, chú phải có một "hậu phương" vững chắc lắm, phải không ạ? Chú có thể kể một chút về "hậu phương" của mình không? Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn: Cảm ơn cháu, cháu rất là... tinh. Quả thực nếu không có vợ chú đồng cảm chia sẽ gánh vác hết mọi chuyện gia đình thì chú khó có thể 24/24h trên mây trên gió như từ trước đến nay.
Vợ chú là Hoàng Kim Oanh, cử nhân ĐH Mỹ thuật, nhưng đi theo nghề điện ảnh với chú gần hai chục năm nay, trong vai trò thư ký, trợ lý. Cô ấy cũng đóng góp rất nhiều ý tưởng cho nhiều phim và giúp chú thực hiện công việc đạo diễn trong những lúc chú bận.
Đoạn kết phim ''Người đàn bà nghịch cát'' là của vợ chú đấy. Nhiều lúc ở hiện trường, mải làm việc thì vợ chú là người đưa cho chú từng cốc nước và từng miếng bánh.... Ở nhà chú chỉ là một cậu bé chúi mũi vào vi tính và sách vở. Vợ chú phải chăm sóc bảo ban từng li từng tí...
Hùng Phong - Nam 25 tuổi - TP Hồ Chí Minh: - Thưa anh Lê Hoàng. Từ đầu buổi giao lưu đến giờ, có câu hỏi nào hoặc một vị khán giả nào đó gây cho anh ấn tượng mạnh đến mức anh muốn được gặp họ không? Đạo diễn Lê Hoàng: - Có nhiều câu hỏi mang ấn tượng mạnh. Nhưng tôi chỉ muốn gặp ai đặt câu hỏi có ấn tượng kỳ lạ thôi.
nguyễn ngọc nam - nam 30 tuổi - hà nội - Mọi người nói Lê Hoàng là Jose Mourinho (huấn luyện viên trưởng của CLB Chelsea) của làng nghệ thuật thứ bảy Việt Nam(tài năng và tự tin đến mức kiêu ngạo). Anh nghĩ sao? Đạo diễn Lê Hoàng: - Chúng ta không bao giờ có Muorinho nếu như chúng ta không dám thay người giữa chừng.
Nguyen Thi Thanh Hao - Nữ - - Xin chào đạo diễn Lê Hoàng. Em thấy phim Gái Nhảy, Lọ lem hè phố có lời thoại rất hay, đặc biệt là Gái Nhảy. Em muốn hỏi làm thế nào để trong phim có lời thoại như vậy, có phải là do anh viết hết không? Đạo diễn Lê Hoàng: - Tất cả những lời thoại trong phim đều do tôi viết. Theo tôi muốn có lời thoại hay trong phim thì bạn không nên bắt chước ai cả, nhất là những tờ báo mà bạn đã đọc.
Đông Huyền - Nam 50 tuổi - TP.HCM: - Từng nghe anh Lê Hoàng, khi còn học quay phim ngoài Hà Nội (lâu lắm rồi nhỉ), hứa sẽ làm một phim về đất Hương Canh, Vĩnh Phú. Anh có quyến luyến gì với miền đất ấy? Và anh đã làm bộ phim đó chưa? Đạo diễn Lê Hoàng: Đúng là tôi có hứa làm một bộ phim như thế thật. Nhưng chưa làm vì tôi chưa thể chuyển hai câu thơ sau đây thành kịch bản ăn khách: Ai về mua vại Hương Canh? Ai lên mình gửi cho anh với nàng.
Thanh Mai - Nữ 30 tuổi - TP.HCM - Chào đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, 2 anh nhận xét thế nào về diễn viên Việt Nam và tiêu chuẩn để chọn diễn viên cho phim như thế nào? Theo nhận xét của tôi thì diễn viên của mình diễn chưa thật sự có hồn và đôi khi còn rất gượng gạo, 2 anh có ý kiến như thế nào?
Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn: Bạn chào tôi nhưng lại hỏi ''hai anh'', nghĩa là thế nào??? Có phải ý bạn muốn nói rằng: Trong tôi có hai con người một người đàn ông, một người là đạo diễn. Hai con người đó có hục hặc với nhau khi đứng trước các cô diễn viên xinh đẹp hay không? Quả thực khi làm việc với các cô diễn viên ''gã đàn ông'' trong tôi luôn luôn bị vị đạo diễn già nua đàn áp. Cho nên tôi luôn luôn tỏ ra nghiêm khắc, khô khan khi làm việc với nữ diễn viên vì sợ họ ''nhõng nhẽo''.
Đùa vậy thôi, câu hỏi của bạn thú vị đấy. Vì thời gian có hạn, nên hẹn bạn và quý vị vào một dịp khác. Xin cảm ơn tất cả độc giả của VietNamNet đã gửi rất nhiều các câu hỏi cho tôi và ba vị khách mời cùng tham gia buổi giao lưu rất vui vẻ này.
- VietNamNet
Ảnh: Mạnh Thắng
|