(VietNamNet) - Danh sách phim chiếu Tết đã ngã ngũ, điều người ta quan tâm giờ đây là chất lượng của chúng ra sao để còn bỏ tiền ra mua vé...
|
Khán giả chen chúc trong buổi ra mắt phim Khi đàn ông có bầu. Ảnh: VT |
Nếu chỉ có độc một phim Việt Nam ra rạp Tết như mọi năm thì khán giả chẳng còn gì để nghĩ ngợi. Nhưng đến ba phim như Tết này, biên độ cho sự chọn lựa của khán giả cũng không mấy rộng rãi, bởi chúng gồm hai phim hài và một phim pha hài. Không kể Nữ tướng cướp với nét hài "kiểu Lê Hoàng", điều đáng nói là hai phim Lấy vợ Sài Gòn và Khi đàn ông có bầu cùng chung một lối hài tạm gọi là hài bình dân.
Phim làm nhằm để chiếu Tết không thể không thiếu nét vui vẻ, phù hợp không khí Tết, nhưng với lối gây cười bình dân, rõ ràng các nhà làm phim đã thể hiện ý đồ nhắm đến một lượng đông đảo công chúng có thị hiếu không quá "cao siêu". Chỉ là một buổi chiếu ra mắt bình thường cho báo chí, giới chuyên môn và dân trong nghề, nhưng Khi đàn ông có bầu đã gây kẹt xe một đoạn dài trước rạp Thăng Long, còn vé chợ đen thì chào mời ầm ĩ.
Điều này cho thấy ngoài chuyện quảng bá trước đó khá hiệu quả, rõ ràng người xem cũng đã thấy được loại phim nào là "dành" cho họ. Ngay cách thức ra mắt của bộ phim này cũng bình dân đến mức tự nhiên chủ nghĩa khi cho ca sĩ Phương Thanh (vai A Lìn với bầy con lít nhít trong phim) xuất hiện với cái bụng bầu khệ nệ.
Phim Việt Nam chiếu Tết đã được Công ty Điện ảnh TP.HCM "phân công" tại thị trường điện ảnh lớn nhất nước là Khi đàn ông có bầu chiếu từ 26 Tết tại các rạp Đống Đa (A), Thăng Long (A), Toàn Thắng (B); Nữ tướng cướp chiếu từ 30 Tết tại Đống Đa (B), Thăng Long (B), Toàn Thắng (A). Riêng Lấy vợ Sài Gòn có số phiếu bầu chọn thấp nhất, chấp nhận chiếu chậm tại các rạp trên từ sau rằm tháng Giêng, nhưng họ cũng đã xoay sở chiếu tại các rạp Cinebox và Fafilm Cinema ngay từ mùng 1 Tết! |
Khán giả đến rạp ngày Tết không muốn phải bỏ tiền ra xem những điều cao xa, nhưng việc các nhà làm phim đẩy những màn gây cười lên trên hết thì có điều gì đó không ổn. Nội dung của Khi đàn ông có bầu khá đơn giản, ở đầu phim, những ông chồng không biết cảm thông với sự mang nặng đẻ đau của các bà vợ, đã trở thành những ông chồng tốt hơn ở cuối phim sau những thử thách về việc chính mình... mang bầu.
Nội dung đơn giản không phải là chuyện lạ đối với điện ảnh nhiều nước nhưng họ có nhiều chiêu dàn dựng làm cho bộ phim trở nên hấp dẫn. Còn ở đây, chiếm phần lớn thời lượng phim là những màn "bầu bì" của mấy vị đàn ông diễu qua lại trên màn ảnh. Lối gây cười thì đậm chất sân khấu với quá nhiều thoại và lắm động tác cường điệu (kịch bản chuyển thể từ sân khấu cộng với khoảng hơn một chục diễn viên sân khấu hài xuất hiện trên phim).
Lấy vợ Sài Gòn thì chạm đến chuyện cách biệt của lối sống nông thôn và thành thị muôn thuở. Các sao của Gặp nhau cuối tuần, Quang Thắng, Đức Hiệp trong vai hai thanh niên miền Tây diễn xuất cường điệu đã đành, đến ca sĩ Nguyên Vũ diễn cũng kém tự nhiên, còn Minh Thư thì không có nét gì mới.
Chính đạo diễn Phạm Hoàng Nam cũng thừa nhận tuy phim của mình đã được pha nhiều chất điện ảnh (tất nhiên) nhưng sắc thái sân khấu vẫn lồ lộ. Tuy vậy, Khi đàn ông có bầu vẫn có những đoạn đậm chất xinê, chẳng hạn cảnh hai nhân vật chính ân ái với những ẩn dụ từ các bộ phận của chiếc xe hơi, hoặc cách chuyển cảnh thú vị hiếm thấy trên phim ảnh Việt Nam. Lấy vợ Sài Gòn thì đậm phong thái Nam bộ và có "hơi thở" mùa xuân phù hợp việc chiếu trong những ngày Tết.
Làm phim hài và hài bình dân trong thời buổi điện ảnh nước nhà thiếu phim hài và khán giả xao lãng với phim nội, là điều ai cũng mong muốn. Chỉ tiếc là chúng ta vẫn làm chưa tới, chưa ra phim hài. Nhưng hài hước bình dân hợp thị hiếu phần lớn khán giả như hai bộ phim trên, tình hình phim Tết vẫn có nhiều lạc quan.
|