Với tất cả sự cố gắng, những người làm phim - Hãng Phim truyền hình TPHCM (TFS) đã làm ra một phim Hàn Mạc Tử với các nhân vật trẻ, đẹp, nhiều cảnh quay trữ tình. Nhưng phim về Hàn Mạc Tử, nếu chỉ đẹp thôi, thì chưa đủ...
|
Diễn xuất của Lê Anh Văn trong phim Hàn Mặc Tử. |
"Một trong những xu hướng làm phim thời gian gần đây của các nhà làm phim truyền hình TPHCM là làm những bộ phim có nhiều cảnh quay rất đẹp ở các vùng, miền. Bộ phim Hàn Mạc Tử cũng vậy. Các nhà làm phim nhân cơ hội này tranh thủ quảng bá cho phong cảnh quê hương đất nước, quảng bá cho... du lịch Việt Nam?" - một nữ khán giả đã đặt câu hỏi như vậy trong chiều 12.12, tại cuộc giao lưu với đoàn làm phim. Phó đạo diễn Hữu Phúc trả lời: "Đúng là bối cảnh phim có nhiều cảnh nên thơ, trải dài từ Huế, Quy Nhơn, Phan Thiết, Sài Gòn, Đà Lạt. Cảnh được chọn phù hợp với nội dung phim".
Phim quả cũng có những cảnh nên thơ - có ẩn ý: Nhà thơ Hàn Mạc Tử cuối đời gầy gò, áo xanh choàng khăn trắng dang tay tung cánh như... hải âu trên bãi biển Quy Nhơn lúc gần cuối phim; hay lúc đầu phim: Cậu trai 19 tuổi Nguyễn Trọng Trí bơi mải miết giữa dòng Hương Giang lấp lánh ánh mặt trời... Nhưng không phải lúc nào cái đẹp cũng là một lợi thế! Khuôn mặt điển trai, thư sinh của anh sinh viên năm thứ 11 Nhạc viện Hà Nội Lê Văn Anh hơi trẻ, lại cộng thêm cặp kính cận gọng to đen khiến nhân vật nhà thơ Hàn Mạc Tử vẻ mặt có lúc hao hao nhân vật... Harry Potter.
Xuyên suốt 6 tập phim (mỗi tập 60 phút), khán giả thấy được dưới bàn tay của đạo diễn, Văn Anh nỗ lực nhập vai, tập trung toàn bộ "tinh lực" diễn xuất bằng mắt, nhưng trong một số trường đoạn còn non tay: Cậu trai Nguyễn Trọng Trí hầu như đọc thuộc lòng đoạn cậu viết về tác phẩm của Nguyễn Công Hoan; ngay cả cảnh trong đêm trăng, nhà thơ vật vã nhìn lên bầu trời, diễn xuất của Văn Anh chưa cho thấy nỗi thống khổ của một nhà thơ tài năng đau đớn vì bệnh tật, cô đơn vì bị hắt hủi.
Con đường thơ của Hàn Mạc Tử, cuộc hội ngộ với cụ Phan Bội Châu - một bước ngoặt quan trọng có ảnh hưởng tới đời thơ của Hàn Mạc Tử, cuộc đấu tranh giữa thơ mới và thơ cũ những năm bốn mươi ở Việt Nam được đề cập thoáng qua trong phim.
Nhà văn Phan Cao Toại khiêm tốn nhận rằng anh mới "men theo tiểu sử nhà thơ". Kịch bản của Phan Cao Toại hướng tới mục đích "Vẽ chân dung thi sĩ qua sự thăng hoa từ những mối tình. Một cuộc tình là một bài thơ": Cuộc tình của Hàn Mạc Tử với nữ sinh Thu Cúc, Mộng Cầm (trong phim tên nhân vật là Mộng Huyền), Mai Đường (trong phim có tên là Mai Đình), Thơ Thơ. ĐD Mỹ Hà đã cụ thể hóa mục đích này bằng nhiều cảnh quay đẹp, nhưng một số cảnh với kỹ xảo của ống kính, sự biểu cảm hơi thái quá của các nữ diễn viên, khiến khán giả liên tưởng đến những video clip ca nhạc. Phần nào đó, phim chưa cho thấy vị trí của Hàn Mạc Tử trong nền thi ca Việt Nam, Hàn Mạc Tử - một nhà thơ có những phút lãng mạn tới hoang tưởng "Ai mua trăng tôi bán trăng cho"...
Phim sẽ được phát sóng trong chương trình Tạp chí Văn nghệ - Đài Truyền hình TPHCM từ chủ nhật 2.1.2005.
|