(VietNamNet) – “Những người làm phim ăn khách như tôi đơn độc quá. Tôi thuộc phía phản diện…”, đạo diễn phim Gái nhảy đã khóc tại hội thảo mang tên: "Giải pháp thu hút khán giả điện ảnh" vừa được tổ chức hôm nay, 5/11, trong khuôn khổ của Liên hoan phim lần thứ 14.
Bàn mãi một vấn đề quá cũ!
|
Hàng nghìn khán giả Buôn Ma Thuột xem phim qua màn hình tại quảng trường trung tâm |
Ngày 5/11, tại rạp Hưng Đạo, thành phố Buôn Ma Thuột, khán giả nối nhau vào xem phim của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 14. Cách đó không xa, những người làm điện ảnh đang ngồi thảo luận: Làm thế nào để phim Việt Nam… có khán giả?
Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phim Việt Nam kém sức hút đối với khán giả, lâu nay đã được nhắc đến rất nhiều và cũng đã bao nhiêu hội thảo, hội nghị nhằm tháo gỡ những tồn tại trầm kha ấy. Thế nhưng mọi giải pháp vẫn nằm lại trên bàn giấy, các nhà sản xuất phim vẫn mạnh ai nấy làm theo kiểu của mình.
Nguyên nhân lớn nhất được chỉ mặt gọi tên chính là “cơ chế”. Oái ăm thay, trong những ngành nghề chịu sự chi phối mạnh mẽ nhất của “cơ chế” lại là ngành điện ảnh. Cuộc hội thảo Giải pháp thu hút khán giả điện ảnh trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 14 còn cho thấy rất nhiều nguyên nhân khác.
Một điều dễ nhận thấy rằng khi nền kinh tế phát triển, đời sống tinh thần nhờ đó được cải thiện, công chúng hiển nhiên có quá nhiều phương tiện để hưởng thụ sản phẩm văn hóa nghệ thuật, trong đó có điện ảnh. Rạp phim chưa đủ sức hấp dẫn (hẹp, cũ kỹ, chất lượng kỹ thuật không chuẩn…) để lôi khán giả ra khỏi nhà, thì phim có hay họ vẫn ngại đến rạp xem. Đã vậy, giá vé lại cao so với mặt bằng thu nhập chung của toàn xã hội, chưa kể phim nhập ngoại quá nhiều, phim Việt Nam từ lâu đã “không có cửa”.
Nhưng lý do từ tự thân những người làm phim mới là điều đáng bàn. Đã từ lâu, nhu cầu khán giả đã bị những người làm phim thờ ơ, thậm chí bỏ quên. Nhiều người làm phim vì nhiệm vụ, cho tròn chỉ tiêu Nhà nước giao chứ không vì niềm vui và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả.
Bật khóc và rời khỏi diễn đàn!
Đạo diễn Bùi Đình Thứ:
Thương cho đạo diễn Lê Hoàng!
Tôi thương cho đạo diễn Lê Hoàng và êkíp làm phim Gái nhảy, Lọ lem hè phố. Phim của họ thu hút được đông đảo người xem đến rạp chiếu bóng. Lẽ ra đạo diễn Lê Hoàng và êkíp cũng như ban lãnh đạo Hãng phim Giải phóng phải được tôn vinh như những chiến sĩ tiên phong của thời kỳ đổi mới trong ngành điện ảnh. Nhưng người ta đã coi các anh cứ như là những người làm suy yếu nền điện ảnh dân tộc. |
Hội thảo tìm giải pháp để phim có khán giả bỗng chốc trở thành cuộc tranh luận của người làm phim ăn khách với người nhận tiền của Nhà nước làm những phim… lỗ nặng. Đạo diễn Bùi Đình Thứ, nổ phát pháo đầu tiên: “Một lỗ hổng rất lớn trong tư duy của một bộ phận lãnh đạo điện ảnh và nghệ sĩ sống trong bầu sữa bao cấp là ít chú ý đến việc làm phim đáp ứng nhu cầu giảI trí lành mạnh của đông đảo công chúng. Họ lên án hầu như tất cả những phim nào thu hút được đông đảo người xem”.
Chính vì điều này mà sau phim Gái nhảy, đạo diễn Lê Hoàng bắt tay vào làm Lọ lem hè phố với một áp lực đè nặng. “Vì áp lực phải thu hồi vốn, tôi và Phạm Hoàng Nam đã bất đồng nhau. Vấn đề tiền bạc đã mang lại bi kịch, nó phân hóa tình cảm của anh em trong đoàn phim”.
Đạo diễn của bộ phim Ký ức Điện Biên, có kinh phí gần 1 triệu USD, Đỗ Minh Tuấn:
Lê Hoàng gián tiếp làm khổ chúng tôi!
“Anh Lê Hoàng đã gián tiếp làm khổ chúng tôi vì người ta đã lấy Gái nhảy của anh làm chuẩn để soi chuyện những phim bám bầu sữa Nhà nước. Được tiền của Nhà nước cũng chẳng sung sướng gì vì ông kế toán cứ kè kè bên cạnh. Nếu được thuê, tôi sẵn sàng làm những phim ăn khách”. |
Đạo diễn Lê Hoàng được xem là người khởi xướng xu hướng làm phim hướng đến khán giả. Giữa một nền điện ảnh vẫn còn nặng bao cấp, đạo diễn này tự nhận mình đang bị cô lập: “Những người như tôi đơn độc quá. Cũng còn có Vũ Ngọc Đãng nhưng Đãng lại không đi liên hoan. Tôi bị xem là người thuộc phía phản diện”. Nói đến đây, đạo diễn của hai phần phim Gái nhảy đã bật khóc và rời diễn đàn.
Giải pháp cuối cùng là: Không có giải pháp nào cả!
Tổ chức hội thảo là để tìm ra giải pháp nhưng cuối cùng vẫn không có hướng giải quyết nào được khẳng định rõ ràng. Đạo diễn, NSƯT Lê Đức Tiến gợi mở: “Chúng ta đang cần phim đáp ứng được nhu cầu khán giả. Số lượng phim sản xuất hàng năm của ta không nhiều nên cần chú ý đến dòng phim dành cho khán giả”.
|
Đạo diễn Lê Hoàng trả lời phỏng vấn báo chí |
Đạo diễn Lê Hoàng đã gây sốc khi phát biểu rằng: “Không thể có hội thảo nào nói về sự quan trọng của nước đối với cá! Tầm quan trọng của khán giả đối với phim ảnh là điều hiển nhiên, vấn đề là làm thế nào để có được nhiều khán giả hơn thôi. Tôi không dám nói hội thảo này thừa, nhưng nó đã quá muộn”.
Khán giả ngày nay ngoài chuyện có nhiều phương tiện giải trí, khi thưởng thức một bộ phim, họ còn đòi hỏi nó phải hợp với nhu cầu, lối sống thường ngày của mình chứ không phải là những điều xa vời vợi. Khắc phục được những nguyên nhân đã nói ở đầu bài thì xem như mở được hướng đi để phim tìm đến khán giả. Nhưng bao giờ và bao lâu thì không ai trả lời được.
Theo bạn, các bộ phim mang tính thương mại, giải trí có được đối xử bình đẳng như những bộ phim nhân danh nghệ thuật? Nếu bạn là người tham dự cuộc hội thảo này thì bạn sẽ đề xuất giải pháp nào để phim Việt Nam có được khán giả? Mọi ý kiến xin gửi về đây:
|