(VietNamNet) - Khi "cơn bão" showgame đang "hoành hành" dữ dội, rất nhiều ca sĩ và diễn viên hài chuyển sang làm MC. Tuy nhiên, nghề dẫn chương trình đòi hỏi những kỹ năng riêng hơn là một gương mặt đẹp và "cái mác" của nghệ sĩ. VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với MC Anh Tuấn xung quanh cái nghề "rất khó" và vô cùng "bấp bênh" này.
- PV: Theo anh, làm một MC chuyên nghiệp cần những yếu tố nào?
|
Anh Tuấn trong "Sao Mai điểm hẹn". |
- MC Anh Tuấn: Theo tôi, điều quan trọng đầu tiên với mỗi một MC là khả năng ăn nói lưu loát, rõ ràng. Là MC có nghĩa là đứng trước một đám đông bạn phải có được sự tự tin với những gì bạn sẽ nói, bạn phải trở thành cầu nối giữa khán giả và những nhân vật của chương trình, phải nắm bắt để khai thác câu chuyện cho phù hợp. Một điều quan trọng khác nữa khi làm một MC không có nghĩa mình sẽ là người nói nhiều nhất, cũng luôn phải biết lắng nghe những người xung quanh, thậm chí lắng nghe cả khán giả trong chương trình nói gì. Nói chung theo tôi, làm một MC thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là “bản năng” và “duyên ăn nói”.
MC Thu Thủy (Ở nhà Chủ nhật): "Dẫn chương trình là một việc rất khó!" |
"Những người làm trong lĩnh vực biểu diễn chuyển sang làm MC bản thân họ đã có bản lĩnh sân khấu và quen xuất hiện trước đám đông. Đó là lợi thế, nhưng hạn chế của họ là chưa nắm được cách giao tiếp với người chơi là luật chơi để dẫn dắt chương trình. Tôi thấy các nghệ sĩ làm MC dẫn... cũng tạm được. Không thể yêu cầu họ ngay lập tức đáp ứng được yêu cầu và bằng với những MC đã có kinh nghiệm. Phải cần vài năm để họ khẳng định mình. Khi bước chân vào làm công việc này tôi mới thấy dẫn chương trình là một việc rất khó. Khó khăn của các MC là phải nhớ kịch bản nhưng một khi đã tham gia công tác biên tập chương trình, họ sẽ có lợi thế là luôn nắm rõ những điều mình phải nói". |
- Hiện nay có rất nhiều ca sĩ, diễn viên chuyển sang làm MC, phải chăng làm nghề này để... nổi tiếng hơn?
Tôi nghĩ khi ca sĩ, diễn viên làm MC là họ đã có lợi thế hơn rất nhiều người khác. Lợi thế ở chỗ họ đã được khán giả biết đến, dễ được chấp nhận hơn một gương mặt “mới toanh”. Họ còn luôn được đứng trước công chúng và sẽ có được sự tự tin trên sân khấu. Điều còn lại là “cách ăn nói” thì còn tùy vào từng người. Tôi biết nhiều ca sĩ, diễn viên ở phía Nam có khả năng dẫn chương trình tốt. Nếu cho tôi là một khán giả thì chính tôi cũng thích được xem những ca sĩ, diễn viên mà mình thích ngoài việc hát hay, đóng phim giỏi họ sẽ vào vai MC như thế nào. Còn về sự nổi tiếng? Tôi nghĩ là một diễn viên hay ca sỹ, họ đã có quá đủ điều này.
- Những sự cố anh gặp phải từ khi làm MC, có khi nào bị "quê"...
- Có quá nhiều sự cố, cũng có nhiều lần bị “quê” nhưng tôi chỉ nhìn nhận như đây là những bài học cho chính mình. Bình thường thì mọi người đều cho là tôi giỏi nói, thế mà có lần bị các khán giả nữ trêu ngay trong chương trình thì như bị “chết cóng”, đứng im và nghe cả hội trường cười ầm lên, sau đó thì lại tiếc là mình không trêu lại bạn khán giả đó... :)
- Muốn giữ chương trình dài hơi, MC phải kiêm luôn biên tập cho chương trình? Quan điểm riêng của anh?
- Không nhất thiết bất cứ MC nào cũng phải làm công việc biên tập. Có những người nắm bắt nhanh mạch của một chương trình thì họ dẫn vẫn rất hay. Tuy nhiên theo tôi, nếu như hiểu về chương trình, hiểu về chính những gì mình sẽ nói là tốt nhất, khi đó câu chuyện của mình sẽ hay hơn.
MC Thanh Bạch (Nốt nhạc vui): "Đừng bắt khán giả xem những gì họ không thích và nghe những gì họ không muốn". |
"Những người thuộc các lĩnh vực khác nhau chuyển sang làm MC, tôi nghĩ chỉ là nhất thời. Nhưng nếu họ thực sự yêu thích nghề MC thì tình yêu đó sẽ giúp vượt qua mọi thử thách. Đặc thù của nghề dẫn chương trình cũng giống như một loại hình sân khấu. Nó đòi hỏi MC phải có nghệ thuật nói và khả năng ứng tác mọi lúc mọi nơi. Họ phải tự đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm về những gì mình làm. Nếu như người xem đã quá mệt mỏi và muốn về, người dẫn phải tăng tốc độ và cắt bỏ những từ ngữ rườm rà. Khán giả cũng bị rất nhiều áp lực. Đừng bắt họ xem những gì mình không thích và nghe những gì mình không muốn. Tôi nghĩ với MC, năng khiếu và sự đào tạo phải đi đôi với nhau". |
- Được biết, nhiều chương trình trò chơi truyền hình một buổi thường quay mấy số liền, điều này dễ làm cho chương trình nhàm chán, mất đi sự sáng tạo.... Các show của anh thì sao?
|
MC Thanh Bạch với Nốt nạhc vui |
- Chương trình Trò chơi âm nhạc cũng như MTV của tôi thường xuyên thực hiện 2-3 cuộc ghi hình liên tiếp trong một ngày. Mỗi cuộc ghi hình, nội dung, nhân vật và cách họ nói chuyện đều khác nhau và đây chính là yếu tố tạo nên những bất ngờ và sự thú vị cho từng chương trình. Đây là một cách làm chương trình truyền hình rất chuyên nghiệp không những ở nước ta mà còn ở rất nhiều nước trên thế giới. Tôi nghĩ chương trình thực hiện kiểu này thì sẽ không nhàm chán mà yếu tố sức khỏe của người dẫn chương trình mới là điều quan trọng.
- Anh đã làm MC cho truyền hình VN khá lâu, từ MTV (Most Wanted, Miền nhiệt đới) đến Trò chơi âm nhạc... và đứng khá vững. Anh nghĩ thế mạnh của mình là gì ngoài nền tảng kiến thức âm nhạc khá dày dặn?
- Điều này có lẽ để khán giả đánh giá sẽ tốt hơn. Tôi nghĩ rằng, tính cách thích hòa đồng với mọi người của tôi cũng giúp ích nhiều trong công việc.
- Sắp tới anh định làm chương trình gì nữa không?
- Tôi vẫn sẽ tiếp tục với Trò chơi âm nhạc. Sắp tới chúng tôi dự định sẽ thay đổi một chút cho Nhịp điệu trẻ, chương trình giới thiệu các giọng ca, sáng tác hay của sinh viên các trường Đại học trong cả nước. Còn MTV sẽ có những bất ngờ mới, các bạn hãy cùng chờ đón.
- Xin cảm ơn anh!
|