(VietNamNet) - 15 nhà làm phim Việt Nam vừa kết thúc 1 tháng "học nghề" tại Hollywood. Chuyến đi gói gọn trong 30 ngày chỉ đủ "cưỡi ngựa xem hoa" hay giúp họ "ngộ" ra nhiều điều?. VietNamNet đã có cuộc trao đổi ngắn với đạo diễn Lâm Lê Dũng vừa trở về từ Mỹ.
|
Những gì có được từ chuyến đi sẽ được áp dụng vào thực tế? |
- Anh và đoàn Việt Nam chắc thu lượm được nhiều điều từ chuyến đi hiếm hoi này?
- Khóa học dành cho đoàn Việt Nam khá đặc biệt, vì chúng ta đều là những người đã làm phim chuyên nghiệp nên chương trình của USC (ĐH Nam California) phải thay đổi. Chúng tôi được giới thiệu những nét cơ bản nhất về kỹ thuật số, về cách chuyển từ máy kỹ thuật số sang phim nhựa như thế nào, làm kỹ xảo bằng kỹ thuật 3D ra sao... Chúng tôi cũng được tham quan các khâu từ trường quay, biên kịch, thu âm đồng bộ đến phát hành - khâu quan trọng quyết định phần lớn "số phận" của một bộ phim.
- Một tháng là khoảng thời gian quá ngắn ngủi để học được một cái gì đó trọn vẹn vì nó chỉ đủ để "cưỡi ngựa xem hoa"? Ấn tượng lớn nhất của anh sau chuyến đi này?
- Nói một tháng chỉ đủ để "cưỡi ngựa xem hoa" có điểm đúng nhưng hoàn toàn không phải như vậy. Trước kia bản thân tôi và những nhà làm phim Việt Nam đã được biết đến nền công nghiệp điện ảnh Mỹ qua nhiều con đường (sách vở, phim ảnh, báo chí...) và bây giờ được chứng kiến tận mắt. Điều khiến tôi ấn tượng nhất là kỹ xảo 3D hấp dẫn và các khâu làm phim đều rất chuyên nghiệp, đồng bộ. Để thực hiện một phút kỹ xảo trong phim phải mất 1 triệu USD. Điều này làm cho các nhà làm phim Mỹ hết sức e ngại chứ không nói gì đến mình vì quá tốn kém.
- Khoảng cách giữa hai nền điện ảnh Việt Nam và Mỹ là rất lớn, chắc chắn anh có sự so sánh đôi khi điều đó hơi buồn...
- Điện ảnh Mỹ hoạt động rất chuyên nghiệp và đồng bộ mà điều này thì chúng ta thiếu. Điều này không có nghĩa các nhà làm phim Việt Nam là nghiệp dư, chúng ta hoạt động trên mức nghiệp dư và có những con người rất thạo nghề. Thêm nữa, kịch bản của họ được gọt dũa rất kỹ qua nhiều khâu. Warner Bros (phim Harry Potter) có đến 10 nhóm tiếp nhận kịch bản, và mỗi nhóm nhận đến 100 kịch bản mỗi tuần nên họ có cơ hội chắt lọc cho 25 phim mỗi năm. Còn ta, ngay từ khâu kịch bản đã thiếu tinh tế, nhiều khi nhận kịch bản xong tôi phải sửa chữa rất nhiều.
- Theo anh, so về công nghệ và độ chuyên nghiệp thì ta không bằng họ nhưng thế mạnh của Việt Nam là gì? Đã có sự hợp tác nào sau một tháng tiếp xúc?
- Đã có những thỏa thuận bằng miệng về việc hợp tác làm phim giữa hai nước. Tôi nghĩ làm phim từ 1-2 triệu USD không khó, quan trọng là Việt Nam làm phim theo kiểu Việt Nam và không nên bắt chước Mỹ. Sau chuyến đi này tôi không hề cảm thấy buồn, thậm chí còn rất tự tin vào cách làm phim của Việt Nam vì thực chất điện ảnh Mỹ cũng không ghê gớm như nhiều người tưởng. Thêm nữa, ta cần tiếp cận bằng cách nào đó để khi gửi kịch bản sang họ sẽ chịu đọc và không trả lại.
- Kế hoạch của anh trong thời gian tới?
- Tôi đang nghiên cứu kịch bản phim và bắt tay vào thực hiện video clips cho VTV Bài hát tôi yêu và một chương trình cho trẻ em có tên Chuyện cổ tích.
- Xin cảm ơn anh!
|