(VietNamNet) - Theo chủ trương của UBND Thành phố Hà Nội, rạp Long Biên sẽ được giao cho Cục Thuế Hà Nội để làm trụ sở. Những người đã sống qua thời bao cấp, rạp Long Biên là nơi giải trí lý tưởng và luôn luôn tấp nập. Giá xem phim hồi ấy tính bằng "hào". Nếu hỏi giới trẻ hiện nay địa điểm của rạp chiếu phim ấy, chắc khối kẻ ngẩn ngơ. Nhưng "chú thích" thêm rằng nó đã từng là sàn nhảy "Đêm màu hồng" - sẽ thấy!
|
"Rạp Long Biên" bây giờ. Ảnh: L.Chung |
Bởi nhiều lý do nên rạp Long Biên không biết đã bao nhiêu lần "thay da đổi thịt". Thời hoàng kim, đêm đêm đỏ đèn, nó còn được hoạt động trong khuôn khổ chi thu bao cấp. Trang thiết bị cũ, xuống cấp, phim cũ đã "dề dà" kéo sự tồn tại của rạp với đúng công việc của nó tới đầu những năm 90. Tới lúc đó, chiếu phim là phụ, kinh doanh là chính. Các dịch vụ, cửa hàng mọc lên và nhanh chóng bắt kịp guồng quay hối hả của thị trường. Địa điểm của rạp đã trở thành nơi lý tưởng cho các hoạt động vui chơi giải trí "thời đại" hơn - tụ điểm của sàn nhảy, sân khấu ca nhạc và những nhu cầu la ó.
Trước những dấu hiệu "phồn thịnh" trở lại của các rạp chiếu bóng, một số rạp cũ đang cố lấy lại tên tuổi và bắt đầu chiếu phim phục vụ công chúng như rạp Đặng Dung, rạp 17 Lý Nam Đế thì rạp Long Biên lại đang chờ đợi quyết định thu hồi. Theo chủ trương của UBND Thành phố Hà Nội, rạp sẽ được giao cho Cục Thuế Hà Nội để làm trụ sở. Nhiều ý kiến cho rằng, rạp Long Biên nên "nhà hát hoá" như cách mà một số rạp đã thực hiện từ trước tới nay: Rạp Kim Đồng chuyển thành Hãng phim Hà Nội, rạp Hoà Bình chuyển thành Nhà hát rối nước Thăng Long hay rạp Thành Công thành Nhà hát kịch...
Trên báo Người Hà Nội số ra đã lâu, có một bài báo của tác giả Hoàng An nói về những kỷ niệm tuổi thơ gắn với rạp chiếu bóng này: "Rạp Long Biên không biết được xây dựng từ bao giờ, đến những năm 60, 70 nó vẫn đẹp, trông "oách" lắm. Mặt tiền rộng, bậc lên xuống làm bằng granito rất cẩn thận, đi nhiều lại càng bóng. Tiền sảnh chia làm hai chỗ để bán vé, nhưng bao giờ cũng chỉ bán một bên. Cửa giữa to, rộng, rất ít khi mở. Chỉ mở hai cửa bên cạnh. Ghế gỗ viền kim loại lắp đặt trên bộ xương bằng gang hợp kim thật chắc chắn. Gặp những phim không thích, chúng tôi thường hất mặt ghế, tiếng kêu ầm ầm. Đối diện với ghế ngồi là màn ảnh, lâu lâu không thay, cũng ngả màu. Phía sau là khu vệ sinh chia ra hai bên nam, nữ rõ ràng. Sau nữa là vườn chuối. Bọn lớn hơn tôi vẫn trèo qua bờ tường vào rạp để khỏi mất tiền. Thiếu kinh nghiệm là bị bắt. Vì chỗ dễ trèo nhất lại là bên vệ sinh nữ (thế mới biết kiến trúc sư của mình giỏi). Bảo vệ chỉ việc đứng đấy, có thằng đàn ông nào đi ra là kiểm tra vé. Mười thằng "dính" cả mười. Hành vi trốn vé được điều chỉnh bằng đá đít, bạt tai, đưa ra cửa trước. Phim nào, Long Biên phải "chạy sô" với rạp khác thì thật huyên náo. Phải đợi! Phim đang hay tự nhiên đèn bật sáng, người thuyết minh xin lỗi. Tiếng: "Trả tiền đi" được bắt nhịp. Vỡ rạp. Rồi cũng yên...".
Những hình ảnh ấy nay đã xa vời và đôi khi chỉ mập mờ trong dòng ký ức với những ai từng có nhiều kỷ niệm đẹp với nó. Cuộc sống thay đổi, tư duy thay đổi, cảnh vật và con người không thể ra khỏi quy luật thời gian ấy. Rạp Long Biên là một địa điểm giải trí gắn với người Hà Nội, nó không thể mãi giữ vẻ cũ nát như thế để làm một cái "dấu mốc" gắn liền với thời của mua sổ gạo xếp hàng. Nhưng cứ nghĩ đến chuyện sẽ không còn tên Rạp Long Biên nữa, hẳn nhiều người Hà Nội sẽ chạm lòng thương tiếc!
|