(VietNamNet) - Cái tin đơn giản ấy được trình bày gọn gẽ trên các bản tin mới nhất (vào lúc khoảng gần 2h sáng thứ bảy ở Việt Nam) của các hãng thông tấn khắp nơi: “Vào chiều hôm nay, Marlon Brando, bố già huyền thoại đã qua đời tại một bệnh viện ở Los Angeles ở tuổi 80, nguyên nhân cái chết và địa điểm mất của ông vẫn còn đang được giữ kín”. Sự đơn giản quá mức đôi lúc làm choáng váng người xem. Không thể chỉ ngần ấy chữ để thông báo về cái chết của một tay vĩ đại như vậy. Nhưng chỉ hơn 20 phút sau, trên trang web của những nhật báo chuyên nghiệp nhất như USA Today hay New York Times bỗng chật chội bởi những lời tiếc thương của độc giả, những tờ báo khác cũng đã bắt đầu có những bài chi tiết… Lúc này sự vĩ đại mới bắt đầu lấp lánh…
|
Marlon Brando trong phim "The Wild one", vai nổi lọan đầu tiên trên màn ảnh |
Không quá nhiều nước mắt và hoa hồng như khi tin John Lennon bị bắn chết ở Dakota đầu thập niên 80, không quá shock như khi Marylin Monroe được phát hiện “tự tử” trong phòng ngủ ngót nghét 40 năm về trước nhưng cái tin Marlon Brando qua đời dư sức nhận được cái chép miệng của những người mê điện ảnh “Thế là một tay vĩ đại nữa lại ra đi”. Cái “chậc” ấy bao hàm cả ý nghĩa sự vĩ đại đó không bao giờ trở lại và Hollywood nếu có nổi trống giong cờ, đốt đuốc đi tìm cũng không thể “tóm” được một “Bố già” như thế…
|
Trong bộ phim "On the Waterfront" |
30/3/1973, tại nhà hát Dorothy Chandler (Los Angeles), cử toạ Oscar đã hết sức bất ngờ khi Marlon Brando từ chối lên nhận bức tượng vàng giải “Nam diễn viên xuất sắc nhất” cho vai diễn bố già Don Vito Corleone trong The Godfather của đạo diễn Francis Ford Coppola. Thay vào đó là một bức thư ngỏ phản đối cách đối xử bất công của nền công nghiệp điện ảnh với vấn đề người da đỏ, những người “đã sẵn sàng hạ vũ khí theo lời đề nghị của chính phủ và rồi để cuối cùng chính phủ đã lừa dối họ, lấy hết đất và đẩy họ vào rừng sâu. Những gì mà nền công nghiệp điện ảnh đang tái hiện lại họ liệu có đúng với những gì mà đứa trẻ da đỏ mới lớn nghe được từ lịch sử xung quanh chúng?”… Rất “Mafia”, Marlon hành động lạnh lùng, đơn giản và dứt khoát để đạt được một mục đích đã đề ra, nhưng lần này điểm đến của mục đích đó lại mang đầy dấu ấn con người. Đó cũng là đặc tính chung mà người ta thường kể về ông: lạnh lùng, quyết đoán nhưng cũng không thiếu những xung đột, cả ở nội tại lẫn môi trường xung quanh. Một con người từ nghèo hèn vụt lên rực sáng rồi lại lầm lùi trở về vạch xuất phát với những giấc mơ điện ảnh đổ vỡ... Nhưng dường như bản chất của sự nổi loạn luôn bắt đầu nhen nhóm từ sự tự ti, sự mất cân bằng trong suy nghĩ cả ở nội tại lẫn hoàn cảnh sống bên ngoài. Những người như thế thường ít khi tin vào bản thân mình và cả những người xung quanh, những gì đã tạo dựng được đối với họ chỉ là một thứ hương thơm trừu tượng vì sự thành công hay thất bại chỉ được họ xét đến ở thì tương lai… Hơn ai hết Marlon hiểu rõ điều này vì đơn giản ông là một người như thế.
|
Trong bộ phim "Chuyến tàu mang tên Dục vọng" |
Cũng chính vì là một người như thế nên ông mới đem đến được một sự “nổi loạn” cần thiết cho Chuyến tàu mang tên dục vọng, một tác phẩm để đời của Tennessee Williams và cũng tạo ra được cả một “thế hệ diễn viên nổi loạn” mà trong đó Marlon Brando là cánh chim đầu đàn. Bất cần, ương bướng, ngang ngạnh, bụi bặm… là những đặc tính dễ thấy nhất của thế hệ nổi loạn phiên bản đầu tiên này. Thế hệ đó đã góp phần tạo ra cả một “thế hệ nổi loạn” đồng lứa trong đời sống văn hóa tinh thần Mỹ, những thế hệ lớn sau chiến tranh cần một sắc thái mới phù hợp với hoàn cảnh sống mới. Với những vai diễn như Stanley Kowalski trong A Streetcar named Desire, Terry Malloy trong On the Waterfront, Johnny trong The Wild one… Marlon đã đem lại một niềm khát khao đổi mới trong lớp thanh niên mới lớn, những quán bar bụi mờ khói thuốc và những phản lưng áo da thời thượng, những chiếc Harley Davidson kềnh kàng bắt đầu được xuất xưởng hàng loạt để đón chào một cơn gió sắp sửa thành bão…Cũng nhờ những người như Marlon Brando hay James Dean, điện ảnh Mỹ những năm 50 có cái nhìn đa thanh và đa sắc hơn. Rất nhiều nghệ sĩ âm nhạc hay điện ảnh nổi tiếng đều tự nhận mình chịu sự ảnh hưởng bởi tinh thần “nổi loạn” này.
|
Bố già Don Vito Corleone, tinh thần trung tâm của "The Godfather" |
Từ nổi loạn, phá phách, ngông cuồng cho đến thế giới súng ống của mafia chỉ cách nhau … một làn hơi thuốc. Sau một quá trình phấn đấu nổi loạn có thâm niên, dụi tắt điếu thuốc đang cháy dở trên môi, Marlon Brando bước vào Godfather để trở thành ông trùm mafia, một vai diễn có giá trị bậc nhất trong sự nghiệp điện ảnh của ông. “Một người đàn ông mà không dành thời gian nhiều cho gia đình mình thì đó không phải là một người đàn ông đúng nghĩa”. Câu nói nổi tiếng của Bố già Don Vito Corleone là sợi chỉ đỏ óng ánh buộc tất cả thành viên gia đình Corleon phải luôn phụ thuộc vào nhau và đó là cá tính quan trọng bậc nhất của một gia đình kiểu mẫu Mafia chuẩn Sicilia. Xem Godfather và những cách hành xử của Bố già đâu chỉ thấy toàn những tội ác và súng ống. Đó còn là những buổi yến tiệc đầy ắp không khí gia đình, là lễ rửa rội như bao gia đình bình thường khác, là sự gắn bó, chung thủy đến rơi nước mắt của những người xác định con đường đi chung của mình… Vai diễn Bố già Don Vito Corleone của Marlon Brando không phải là một vai diễn lớn, nhưng qua cách diễn xuất của ông, người ta mới thấy được tinh thần cũng như vai trò, vị trí “trung tâm đầu não” của Bố già trong phim đã lột tả hết được như những gì Mario Puzo đã thể hiện trong tác phẩm văn học xuất bản trước đó.
|
Marlon Brando, huyền thoại của nền điện ảnh Hoa Kỳ |
Không thể nào nói hết về Marlon Brando qua một bài báo nhỏ, chỉ gợi lại một chút cảm giác về ông và những tinh thần mà ông đem lại. Nhiều thời kỳ, nhiều bộ phim ông đóng đến nay vẫn còn nguyên giá trị của mình. Và những thế hệ diễn viên cùng thời hay hậu thế đều công nhận ông là một trong những cá nhân đã góp phần làm thay đổi bộ mặt điện ảnh Mỹ, nền điện ảnh có sức thu hút toàn cầu. Sự ra đi của ông như chính lời Tổng thống Mỹ George W. Bush “đã làm nước Mỹ mất đi một diễn viên vĩ đại, một nhân vật điện ảnh xuất chúng của thế kỷ 20”. Bỏ qua những đau buồn trong cuộc sống cá nhân của Marlon Brando và có thể thế kỷ 21 điện ảnh Hoa Kỳ sẽ lại có những dàn diễn viên nổi loạn thế hệ mới hơn thế hệ Marlon hay có những băng nhóm Mafia lộng hành và tàn bạo hơn gia đình Corleon nhưng để tìm một tinh thần y chang thế sẽ chẳng bao giờ còn. Thời đại thay đổi, hoàn cảnh sống thay đổi vì thế sẽ chẳng còn Marlon Brando nào nữa. Vì cũng vì thế mà ông sống mãi…
|