(VietNamNet) - Đây là chữ mà NSƯT Lịch Du dành cho NSƯT Khương Mễ. Người khổng lồ ấy đã ra đi trong khi dốc sức cho bộ phim tài liệu cuối cùng...
|
NSƯT Khương Mễ. |
Ông ra đi trong khi chưa kịp góp chút sức lực cuối cùng của mình vào bộ phim tài liệu về Câu lạc bộ những người hoạt động điện ảnh lâu năm do Hội Điện ảnh TP.HCM thực hiện, mà ông là người cung cấp hầu hết tư liệu. Ông ra đi khi những đồng đội, đồng nghiệp đang chờ ông cùng họ ôn lại những năm tháng gian khổ trong bưng biền miền Nam thời chiến tranh.
NSƯT Khương Mễ mất, nhóm những nhà điện ảnh đầu tiên trong hoạt động điện ảnh ở các chiến khu Nam bộ xưa giờ lại khuyết thêm một người. Họ là Khương Mễ, Mai Lộc, Lê Minh Hiền, Nguyễn Thế Đoàn, Tô Cương, Nguyễn Phụ Cấn... đã mở màn với Điện ảnh Khu 8 (năm 1947), kế sau đó là Tổ xinê Khu 9 và rồi Điện ảnh Khu 7. Trong suốt thời gian 1948 - 1951, những nhà điện ảnh đầu tiên này đã cho ra đời hàng chục bộ phim có giá trị tư liệu rất lớn trong cảnh thiếu thốn phương tiện: buồng tối là những chiếc lu to đặt trên xuồng, tận dụng máy quay thành máy tráng phim... Những ý tưởng vượt khó ấy chính là của nghệ sĩ Khương Mễ.
Ông là người trực tiếp cầm máy quay bộ phim Trận Mộc Hóa năm 1948, phim tài liệu kháng chiến đầu tiên của Việt Nam do Điện ảnh Khu 8 thực hiện, đồng thời được xem là viên gạch đầu tiên cho quá trình hình thành nền điện ảnh Việt Nam. Và cũng chính ông, trong những năm tháng cuối đời lại lặn lội vác máy đi quay về những người đã cùng ông đồng cam cộng khổ trong chiến tranh, mà quên mất bản thân ông, một trong những nhân chứng sống động nhất của điện ảnh Nam bộ.
NSƯT Khương Mễ đã dự liệu ngày ra đi của mình, dặn dò con cháu dùng tiền phúng điếu cho mình giúp những hội viên điện ảnh bị bệnh tật, khó khăn. Đến phút cuối cùng, ông vẫn nghĩ về đồng chí, đồng nghiệp. Người ta yêu mến NSƯT Khương Mễ vì khâm phục tài năng của ông, vì cảm động trước cái tình của "người khổng lồ của điện ảnh Nam bộ".
- NSƯT Khương Mễ sinh ngày 15/7/1916 tại Đồng Tháp, mất ngày 18/62004 tại TP.HCM.
- Các phim đã quay: Trận Mộc Hóa, Trận La Ban, Chiến dịch Trà Vinh, Binh công xưởng khu 8, Chiến dịch Cầu Kè,... (phim tài liệu); Biển động, Vợ chồng A Phủ, Hai người lính, Khói trắng, Lửa rừng... (phim truyện).
- Là đạo diễn của các phim: Cô Nhíp, Chiều sâu lòng đất, Em bé đánh giày, Bên lề ngày 30/4,...
- Được tặng huy chương Licorne D' Or (Kỳ lân vàng) tại Liên hoan phim Amiens (Pháp) năm 1997.
- Phim duy nhất về chân dung ông: Phòng tráng phim Khương Mễ (đạo diễn Samuel Aubin) năm 2002. |
|