Truyện của Hồ Biểu Chánh được mùa lên phim
11:00' 14/06/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Bàng bạc một không gian Nam bộ xưa được phục hiện qua những bộ phim của Hãng TFS chuyển thể từ các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh. Mới đây nhất là Nợ đời...
                                                                                  

Một cảnh lãng mạn trong Nợ đời.

Trong suốt tháng 6 này, khán giả của Đài Truyền hình TP.HCM sẽ được trở về với không gian Nam bộ những năm 30 của thế kỷ trước qua bộ phim Nợ đời (26 tập, kịch bản Thanh Hoàng, đạo diễn Hồ Ngọc Xum). Không chỉ một góc phố xưa cũ, những căn nhà cổ kính, xe kéo, xe ngựa đến chiếc máy hát đĩa, tờ Thông lập báo... được các nhà làm phim lùng chọn khó khăn nhằm thỏa mãn sự cảm nhận cho khán giả, mà còn cả chi tiết nhỏ như tiếng rao của người bán món chí mà phù trong đêm... Đáng kể nhất là cung cách ăn nói của các nhân vật gần như trung thành với nguyên tác. Tuy hơi khó nghe đối với khán giả hôm nay nhưng khi đã quen, sẽ là một sự thú vị khi công chúng tự mình khám phá lại ngôn từ của những con người thuộc thế hệ trước. Đó là những đại từ nhân xưng qua, toa, moa, những thán từ lắm đa, lung lắm (nhiều lắm) hay những câu cửa miệng mà các nhân vật rất thường sử dụng như "mắc cái giống gì", "bất nhơn dữ hôn" (bất nhân dữ không)... Thoại súc tích, không quá giả, vì vẫn giữ được chất văn học từ tác phẩm.

"Vấn đề khó khăn là tìm ra được từ trong chuyện xưa những vấn đề gần gũi với đời sống hôm nay. Tôi đã tìm ra. Đó là chuyện những cô gái dùng nhan sắc của mình để tiến thân, để đạt được mục đích. Và một vấn đề hơi ẩn là quan hệ nhân quả, cái vòng luẩn quẩn mắc nợ đời đi trả nợ đời, mình là nạn nhân đồng thời cũng là thủ phạm", biên kịch Thanh Hoàng, cho biết. Chuyện phim đúng là như "một trường hý kịch" theo lời của nhân vật phán Thần (Thanh Hoàng) với những cuộc vay trả bằng chính cuộc đời các nhân vật, đặc biệt là hai người đàn bà trung tâm của mọi chuyện éo le - Ba Có (Mỹ Uyên) và Hai Phục (Việt Trinh). Mượn chuyện xưa nói chuyện nay cũng chính là hướng đi của tác giả Thanh Hoàng khi anh tiếp cận với các tác phẩm cách nay gần một thế kỷ của nhà văn Hồ Biểu Chánh (1885-1958).

Thêm Nợ đời, Hãng TFS đã có 3 phim được chuyển thể từ tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, đầu tiên là Con nhà nghèo (kịch bản Thanh Hoàng, Hồ Tường, đạo diễn Hồ Ngọc Xum, 1998), Chúa tàu Kim Qui (KB Nguyễn Hồ, ĐD Châu Huế, 2002), và sắp tới sẽ là Đại nghĩa diệt thân (cũng do Thanh Hoàng chấp bút). Chưa kể với riêng Hồ Ngọc Xum, anh còn có một phim khác (Ngọn cỏ gió đùa) cũng lấy từ tiểu thuyết của nhà văn cùng họ với mình, thực hiện cho Sài Gòn Audio & Video. Theo GĐ Nguyễn Việt Hùng, TFS cố gắng tạo nét riêng cho mình với những bộ phim đậm sắc màu phương Nam, loạt phim chuyển thể từ tác phẩm của Hồ Biểu Chánh cũng là một phần làm nên nét riêng ấy.

Với những câu thoại, khung cảnh xưa cũ nói trên, có thể Nợ đời sẽ khó cảm nhận với một số người, song rõ ràng nó giúp cho những khán giả còn yêu vẻ đẹp xưa tìm lại, nhất là với người đã từng yêu thích truyện Hồ Biểu Chánh mà giờ đây chúng đã hiếm thấy trong các tủ sách. Thế nhưng, được phát trên Đài Truyền hình TP.HCM cùng thời điểm với bộ phim Thần điêu đại hiệp từ tiểu thuyết của Kim Dung, liệu Nợ đời có đủ sức chia khán giả với bộ phim Singapore hấp dẫn này?

Người trong cuộc nói gì?

Biên kịch Thanh Hoàng (cũng là người giữ vai phán Thần trong phim): Khi bắt tay viết kịch bản và cùng anh em thực hiện bộ phim này, tôi tin nó sẽ có sức lan tỏa trong người xem. Bởi nó không chỉ dành cho công chúng nói chung mà còn có những bài học dành cho những đối tượng giống các nhân vật trong phim này như Ba Có, cử Hùng, Hai Phục... để mà tự soi mình. Với chúng tôi, những người làm nghệ thuật, như thế là đã đủ.

Quay phim Đào Anh Dũng: Phim phục hiện khung cảnh Sài Gòn những năm 1930, khi ấy thì chúng tôi còn chưa có trên đời này nên những hình dung về bối cảnh ấy rất mông lung. Chúng tôi đi khắp các địa phương Trà Vinh, Sa Đéc, Cần Thơ... để quay, có cảnh bên trong ngôi nhà thực hiện ở nơi này nhưng ra ngoài cửa thì lại quay ở địa phương khác. May là xem lại không thấy cảnh trí vụn lắm, chấp nhận được. Tạo được không khí phim như vậy chúng tôi rất mừng.

Diễn viên Mỹ Uyên (vai Ba Có): Tôi đã đọc tác phẩm này từ cuốn truyện không còn rõ chữ và kịch bản của anh Thanh Hoàng rất kỹ để thấm dần nhân vật Ba Có vào mình. Xem hết 26 tập phim, khán giả sẽ thấy Ba Có đáng ghét hơn là đáng thương. Đối với tôi, đây là một vai hay. 

Diễn viên Việt Trinh (vai Hai Phục): Tôi nhận vai Hai Phục với một chút đắn đo vì phải thể hiện một nhân vật trong một thời gian kéo dài từ lúc 17 đến 38 tuổi. Vì quen với cách sống bây giờ nên những động tác cần phải chậm rãi, từ tốn thì tôi lại diễn rất nhanh, do đó phải quay lại nhiều. Gần 5 tháng trời tôi theo đoàn phim và sống với nhân vật Hai Phục của mình, người trong đoàn cũng chỉ gọi Ba Có, Hai Phục, cử Hùng chứ không còn gọi tên thật nữa. Tôi không nghĩ một ngày nào đó mình lại có một vai hay như vậy cho mình.

  • V.T

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Công chiếu Mê Thảo thời vang bóng: Muộn còn hơn không (10/06/2004)
Phim thiếu nhi VN: Đố ai tìm được phim hay (09/06/2004)
Jennifer Lopez và Marc Anthony "bí mật" kết hôn (08/06/2004)
Harry Potter: bỏ bùa khán giả Bắc Mỹ (07/06/2004)
"Những cô gái chân dài"... tự làm nóng (04/06/2004)
Lời thề cỏ non: Thầy dắt trò vào nghề? (03/06/2004)
Điểm hẹn của những người mê phim Pháp (03/06/2004)
Hollywood: Câu khách bằng phim thảm hoạ (01/06/2004)
Shrek 2: Đè bẹp thị trường phim Bắc Mỹ. (31/05/2004)
Taxi II: Giải cứu ngài Bộ trưởng. (31/05/2004)
Ngủ kỹ trước ngày 1-6! (30/05/2004)
"Thiên long bát bộ" tái ngộ khán giả HN (29/05/2004)
Thêm dòng phim tài liệu mới (28/05/2004)
"Van Helsing", cuộc phiêu lưu mới của "Xác ướp Ai cập" (27/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang