Võ thuật trong phim Lục Vân Tiên
16:42' 25/05/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Sau những ồn ào ngoài ý muốn, bộ phim Lục Vân Tiên của Hãng TFS (dự kiến ra mắt vào tháng 7 tới) hiện đang được cong chúng chờ đợi như một phim cổ trang có nhiều pha hành động hấp dẫn.

Sự cố dẫn đến việc thay diễn viên nữ chính vai Kiều Nguyệt Nga đã lắng xuống, khán giả giờ đây đang tò mò muốn biết chàng Lục Vân Tiên trong truyện thơ của Nguyễn Đình Chiểu bước vào phim ảnh thế nào, đánh đấm ra sao. Tuy không phải là một phim hành động, nhưng Lục Vân Tiên có khá nhiều màn hành động của các tuyến nhân vật trong suốt 14 tập phim (60 phút/tập). Hãy nghe người trong cuộc nói về những pha đấu võ trong phim, và rộng hơn, về chuyện làm phim hành động Việt Nam.                                                                          

Diễn viên Minh Đạt trong Lục Vân Tiên.

Diễn viên Minh Đạt (vai Trịnh Hâm): Thủ vai Trịnh Hâm trong phim, tôi đánh nhau với Lục Vân Tiên rất nhiều, mà toàn là phải đánh thật, không có diễn viên đóng thế. Tôi cũng có học võ Karatedo nửa năm trước khi vào trường CĐ Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, nhưng cascadeur đánh chẳng bao giờ trúng mình, trong khi mình thì lại cứ đánh trúng họ liên tục. Nhiều lúc đánh mạnh quá nên thấy áy náy, nhưng vì góc quay gần nên đánh nhẹ thì sẽ tạo cảm giác giả tạo. Thôi thì phải lót thêm đồ bảo hiểm bên trong và... xin lỗi trước khi đánh. 3 tháng học võ bong tay bong chân, nhưng khi đóng thì mình đã mệt, mà đoàn phim cũng mệt vì máy phải rê theo để tránh lọt ngoài khuôn hình.

Nhìn chung phim hành động của ta không hấp dẫn là vì đánh đấm... không thật. Có nhiều pha đánh chậm chạp, hời hợt và thô thiển. Nước ngoài người ta có cascadeur thực hiện hầu hết các pha hành động, cộng với việc thu hình khéo, nên tạo được hứng thú cho khán giả.

Lục Vân Tiên qua sự thể hiện của Chi Bảo.

Diễn viên Chi Bảo (vai Lục Vân Tiên): Đã tham gia khoảng 20 phim nhưng Lục Vân Tiên là phim mà tôi phải... đánh đấm nhiều nhất. Trong số các phim truyền hình của Hãng TFS, sau Trùng Quang tâm sử (đạo diễn Quang Đại), có lẽ đây là phim có dính nhiều đến chuyện võ thuật. Vì thế diễn viên phải làm việc rất cực.

Ngay lúc đọc kịch bản, tôi đã thấy nhân vật Lục Vân Tiên phải đánh nhau ở nhiều phân đoạn. Chẳng hạn xuống núi cùng Hớn Minh đánh cướp, trên đường về lại gặp tướng cướp Phong Lai, đánh tiếp để cứu nàng Kiều Nguyệt Nga... Trong đó cảnh đánh với Phong Lai là điểm nhấn của phim. Muốn quay một cảnh đánh nhau trên phim, chúng tôi phải tập trước một ngày tại bối cảnh sẽ quay, thêm một ngày quay nữa đã mất hai ngày. Để nhận vai trong phim này chúng tôi đều phải tập võ trước đó từ 3 đến 6 tháng. Thế nhưng vì không phải con nhà võ nên cơ thể cứng đơ, không dẻo dai cộng với không có nhiều thời gian tập luyện nên ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng những cảnh đánh võ. Dù phim có cả cố vấn võ thuật, nhưng chỉ quay một lần là đã sử dụng hết cái vèo những gì đã học, đánh đi đánh lại cũng bấy nhiêu bài đó.

Tôi thấy phim Việt Nam đang thiếu kinh phí và thời gian cho những cảnh hành động. Một phim bình thường tốn một tháng để quay thì phim hành động phải gấp đôi thời gian đó, và kéo theo chuyện kinh phí phải đội lên...                                                                           

Đạo diễn Lê Bảo Trung.

Đạo diễn Lê Bảo Trung (đồng đạo diễn Lục Vân Tiên cùng Đỗ Phú Hải, Phương Điền): Nhân vật trong Lục Vân Tiên sử dụng nhiều loại binh khí như cung, kiếm, giáo, mác... nên phải nhờ sự hỗ trợ về võ thuật của anh Hứa Văn Phải, người thành thạo 18 loại binh khí, hiện đang dạy về võ thuật ở trường CĐ Sân khấu Điện ảnh TP.HCM. Các diễn viên chính trong phim như Chi Bảo, Minh Đạt,... hầu hết là tự thực hiện những cảnh đánh nhau, chỉ có Quyền Linh (vai Hớn Minh) trong một số cảnh là có nhờ diễn viên đóng thế.

Vì những tập tôi phụ trách có dính dáng nhiều đến những cảnh hành động nên nhiều người nhầm tưởng tôi phụ trách chuyện... đánh đấm trong phim. Lục Vân Tiên cũng không phải là nhiều cảnh loại này lắm. Chuyện làm phim có nhiều màn đánh nhau chúng tôi cũng không mặn mà lắm vì các yếu tố kỹ thuật, diễn viên và các điều kiện hỗ trợ ở ta không thể được như nước ngoài.

Diễn viên Công Hậu.

Diễn viên Công Hậu: Phim hành động Việt Nam chưa thể gọi là phim hành động đúng nghĩa vì những lý do sau: Thiếu sự đầu tư đúng mức về mặt tài chính, mà nếu không đúng mức thì không có hiệu quả. Thứ hai, diễn viên chỉ có 3 - 6 tháng để tập võ trước khi phim bấm máy thì chưa đủ, đó là bị ép, nên cũng không có hiệu quả. Về mặt kỹ thuật, máy móc, cascadeur thì cascaduer của ta giỏi võ đấy nhưng đánh không đẹp vì còn phụ thuộc vào yếu tố quay phim. Phim hành động Việt Nam chưa thuyết phục vì thiếu những yếu tố này.

Phim hành động của chúng ta chỉ làm theo kiểu tình thế, khi nào thực hiện mới tập hợp lại chứ không phải được làm việc, rèn luyện thường xuyên. Tôi cũng được mời tham gia phim Lục Vân Tiên nhưng vì không tin vào chuyện đầu tư như nói trên nên đã xin rút lui.

  • VT (ghi)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
''Nữ hoàng rắc rối'' đến VN (25/05/2004)
Cơ hội cho các "mầm non" điện ảnh (25/05/2004)
Hồ Xuân Hương lên sóng truyền hình trực tiếp! (24/05/2004)
''Người đàn bà mộng du'' sang Thượng Hải (21/05/2004)
Thêm một mùa "Sao Mai" lấp lánh! (20/05/2004)
Điện ảnh cho miền núi: thiếu và chưa phù hợp! (20/05/2004)
"VTV Bài hát tôi yêu" lần 3 có bớt hay? (20/05/2004)
LHP Nhật Bản tại Hà Nội (19/05/2004)
Vĩnh biệt đạo diễn, NSND Lê Mạnh Thích (18/05/2004)
"Dị nhân 2" đổ bộ rạp Hà Nội (18/05/2004)
Phim "Troy" thu 45,6 triệu USD sau ba ngày (17/05/2004)
Điện ảnh Việt Nam: Thiếu chuyên nghiệp hay thiếu...? (16/05/2004)
Neil Jordan, đạo diễn của những thách thức (15/05/2004)
''Hiện thực VN, cái nhìn của những nhà làm phim trẻ" (15/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang