Điện ảnh Việt Nam: Thiếu chuyên nghiệp hay thiếu...?
05:28' 16/05/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Với những nước có nền điện ảnh phát triển, việc làm phim được nâng lên thành một ngành công nghiệp. Tất cả các khâu từ diễn viên, dựng cảnh, hậu kỳ đến làm áp phích... đều được "chăm bẵm" từng ly từng tí, còn ở nước ta thì sao?

Khi các nhà phát hành phim và khán giả không gặp nhau

"Chúa nhẫn 3" hấp dẫn từ áp phích phim.

Việc để hai nền điện ảnh bên cạnh nhau, một non trẻ và hầu hết còn nằm trong sự bao bọc của Nhà nước, một đã có lịch sử phát triển lâu dài và hoạt động theo hình thức "lãi ăn lỗ chịu" là không nên, nhưng vì "sợ" mà không dám đề cập đến điều này thì không biết đến bao giờ ta mới có thể làm cho nền điện ảnh nước mình bớt "chậm tiến". Không nói đến các bộ phim cách mạng đã gặt hái được những thành công không nhỏ cách đây vài chục năm, trong số các bộ phim được sản xuất trong cái thời được coi là kinh tế thị trường này, khó có thể tìm thấy một cái tên nổi trội ở mọi khía cạnh.

Tại sao vậy? Có rất nhiều lý do người ta đổ lỗi cho nhau, từ thiếu kinh phí, diễn viên diễn xuất kém đến cả lý do "khán giả không biết đâu là nghệ thuật"... Song lý do chủ quan không kéo được khán giả đến rạp mà nhiều nhà phát hành không dám nhìn nhận thẳng thắn, chính là sự thờ ơ của khâu tiếp thị quảng cáo, và người ta đã cố tình quên đi nhu cầu của những người sẽ xem nó. Nhiều nhà làm phim cho rằng, phim của mình quá hay, có quá nhiều tâm huyết thì chẳng cần làm rùm beng khán giả cũng tìm đến chăng? Khán giả đâu phải là nhà nghiên cứu điện ảnh, đâu phải là những người rỗi rãi chủ động tìm hiểu đang và sẽ có bộ phim nào ở rạp. Đôi khi chỉ cần một tờ rơi, một áp phích phim bắt mắt, hay chỉ đơn giản là thoáng qua tai những lời giới thiệu phim ấn tượng, gần gũi với cuộc sống khi đi ngang qua rạp... Chẳng cần biết bộ phim đó chất lượng ra sao, người xem sẵn sàng bỏ tiền mua vé vào rạp.

Gái nhảy Lọ lem hè phố là những ví dụ chính xác nhất, minh họa cho lập luận này. Chỉ trong vòng hơn năm trời, nó đã thực sự khuấy động đời sống điện ảnh nước nhà. Không chỉ kéo được lượng khán giả khổng lồ đến rạp với doanh thu hàng chục tỉ đồng, hai bộ phim này còn tạo nên những luồng ý kiến khen chê khác nhau, khiến những nhà làm phim phải nhìn lại mình. Không chỉ thành công khi khai thác một đề tài đời thường nóng bỏng, dù còn nhiều tình tiết vô lý, nhưng Gái nhảy 1 2 đã "đại thắng" trên phương diện đáp ứng nhu cầu của khán giả qua các khâu quảng cáo khôn ngoan, mà khởi nguồn từ chính những chiếc áp phích bắt mắt, một yếu tố nhỏ nhưng lại vô cùng hiệu quả. Thật cay đắng khi biết rằng phải đợi nhiều năm liền điện ảnh VN mới có một bộ phim được người hâm mộ chú ý đặc biệt và đạt doanh thu cao như Gái nhảy, cao hơn cả nhiều bộ phim Mỹ ăn khách nhất của Mỹ từ trước đến nay ở Việt Nam là Xác ướp Ai Cập năm 2000.

Làm áp phích phim không xong nói gì...

Áp phích phim "Ký ức Điện Biên".

Sự cẩu thả và thiếu chuyên nghiệp trong công tác phát hành phim đã đẩy lùi nền điện ảnh VN, bao năm vẫn vậy. Đó là lý do vì sao phim VN bị thua trên chính sân nhà. Một bộ phim VN khi công chiếu bị chìm khuất trong những phim nước ngoài ngày càng nhiều, và im lặng rút khỏi rạp mà thu được số tiền bán vé quá ít. Không sao, lỗ thì Nhà nước chịu. Những người hay lui tới rạp chiếu bóng hẳn sẽ không khỏi làm phép so sánh khi "phim ta thì ít, phim tây thì nhiều". Trong khi những bộ phim Mỹ được trang bị bởi những tấm băng rôn, áp phích nhiều màu sắc, bắt mắt... cho dù chưa chắc đã hay thì phim VN lại "giản dị" đến tội nghiệp. Ký ức Điện Biên (Người hàng binh), một bộ phim được đầu tư tới 17 tỉ, được quay và làm hậu kỳ tại Pháp... nhưng người ta lại không dám đầu tư một cách phóng khoáng cho một tấm băng rôn, mờ nhạt, đơn giản đến ngạc nhiên với một màu xanh nhờ nhợ cùng những chiếc áp phích "cổ kính" chẳng kích thích được trí tò mò của người xem. Không phải ta thiếu những nhà thiết kế tài năng, mà vì thiếu một cái đầu kinh doanh của nhà phát hành. Trong tình huống này khán giả đâu có lỗi khi "thờ ơ" với nền điện ảnh nước nhà.

Đối với Hollywood và nhiều nước có nền điện ảnh thương mại phát triển khác, việc lập hẳn một website chính thức với tất tật các thông tin về mỗi bộ phim là việc làm không thể thiếu trong một thế giới cạnh tranh khốc liệt với hàng chục phim được tung ra cùng thời điểm. Bạn có thể tìm thấy mọi thông tin mình cần, từ êkíp làm phim đến các cảnh quay, đoạn chiếu thử (trailer)... Đây là một cách làm quen thuộc và vô cùng hiệu quả khi internet ngày càng thu hẹp khoảng cách giữa các fan, giữa các quốc gia.

Một áp phích tham gia dự thi.

VN gần đây, những người hâm mộ bị gây chú ý bởi cách quảng cáo của Galaxy, nhà sản xuất bộ phim Những cô gái chân dài. Không chỉ gây chú ý bởi đội ngũ diễn viên hầu hết là người mẫu, bởi cách làm việc chuyên nghiệp, mà còn vì họ đã có những chiêu khuếch trương tên tuổi thông minh. Lần đầu tiên tại Việt Nam, và cũng là một việc làm hiếm có tại nhiều nước, ngay cả tại kinh đô điện ảnh thế giới, một website được lập nên để cung cấp các thông tin về bộ phim, nhưng mục đích cao nhất là để mở một cuộc thi thiết kế áp phích cho phim. Chỉ trong vài ngày, hàng chục áp phích ấn tượng đã được gửi đến. Có một điều chắc chắn là khán giả sẽ hài lòng với một chiếc áp phích chuyên nghiệp không thua kém bất cứ bộ phim nào trên thế giới.

Đối với những bộ phim thương mại, chất lượng và sự đầu tư rất quan trọng, nhưng làm cách nào để tìm đến khán giả là một câu hỏi làm đau đầu các nhà sản xuất và phát hành phim. Làm bộ phim của mình nổi bật giữa hàng chục bộ phim khác, khi khán giả ngày càng khó tính và thị phần ngày càng thu hẹp, không hề đơn giản. Không cần rót quá nhiều tiền, điều quan trọng là thu hút sự quan tâm của người xem, và làm họ không cảm thấy tiếc khi bỏ tiền mua vé. Đừng vội đổ lỗi cho khán giả khi chính các nhà làm phim không coi trọng khán giả.

  • B.H

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Neil Jordan, đạo diễn của những thách thức (15/05/2004)
''Hiện thực VN, cái nhìn của những nhà làm phim trẻ" (15/05/2004)
LHP Cannes 2004: Một năm tốt lành cho điện ảnh TG? (14/05/2004)
Họ sẽ làm nên "bản hùng ca"? (14/05/2004)
Đạo diễn Israel làm phim về chiến tranh Việt Nam (13/05/2004)
Hugh Jackman - người đàn ông quyến rũ nhất thế giới (12/05/2004)
Ấn tượng châu Phi qua những thước phim (12/05/2004)
Phim rùng rợn mê hoặc khán giả Mỹ (10/05/2004)
ĐD Lâm Lê Dũng: Phim thiếu nhi càng khó, càng thích... (09/05/2004)
Phim chỉ trích TT sẽ không được chiếu tại Mỹ? (07/05/2004)
Cá Nemo ''nói tiếng Việt'' sắp ra mắt! (07/05/2004)
"Những cô gái chân dài" chơi nổi? (05/05/2004)
Ngày mai, công chiếu "Ký ức Điện Biên" (05/05/2004)
"Agent Cody Banks", điệp viên nhí siêu hạng (04/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang